Táo bón ở trẻ em là bệnh thường gặp có thể gây ra những hậu quả khó lường, điển hình là trẻ biếng ăn, chậm tăng cân và suy dinh dưỡng. Vậy nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em và cách điều trị là gì?
Trong bài viết này, Ban biên tập sẽ cung cấp đến các bậc cha mẹ những thông tin quan trọng nhất về vấn đề táo bón ở con trẻ. Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây:
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nên uống sữa không?
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
- Đau bụng sau khi ăn sáng – Giải quyết thế nào?
1. Táo bón ở trẻ em là gì?
Táo bón ở trẻ em là tình trạng trẻ đi đại tiện phân quá ít, rắn, khô, có nhiều đường rạn trên bề mặt, khoảng cách giữa hai lần đi ngoài quá lâu.
– Trung bình trẻ bú mẹ nhỏ hơn 3 tháng, đi tiêu 3 lần/ngày hoặc hơn một tuần mới tiêu một lần nhưng vẫn không gọi là táo bón nếu phân vẫn mềm và trẻ vẫn bú, ngủ tốt.
– Với trẻ bú bình, số lần tiêu mỗi ngày trung bình từ lúc sinh đến 3 tháng là 2 lần, từ tháng thứ sáu trở đi là 1,8 lần; từ một tuổi giảm còn 1,4 lần và khi trẻ được 3 tuổi thì chỉ còn 1 lần.
Đồng thời, trẻ có các dấu hiệu chướng bụng, cứng bụng, khó khăn trong việc đi ngoài. Tuy nhiên, một số trẻ sơ sinh vặn mình, đỏ mặt, 2 chân co lên bụng một hồi lâu mới tiêu được, phân mềm không có đàm máu lại là biểu hiện hoàn toàn bình thường.
2. Triệu chứng táo bón ở trẻ em
Táo bón ở trẻ em có thể gây ra những triệu chứng sau:
– Phân cứng, tròn nhỏ giống các viên bi (giống phân dê), phân to, khô…
– Trẻ đi tiêu ít hơn bình thường, ít hơn 3 lần/tuần, đi tiêu khó khăn, đau đớn, rặn mạnh, có thể có máu ở hậu môn do rách niêm mạc.
– Trẻ quấy khóc, bồn chồn, khó chịu, đau bụng, kém ăn, nôn, đầy hơi, són phân trong quần, thay đổi tâm lý, hành vi.
Táo bón – nguyên nhân, triệu chứng và uống gì khỏi bệnh
3. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em
Trẻ em có thể bị táo bón do chế độ ăn uống, sinh hoạt. Đôi khi táo bón ở bé còn do mắc phải một số bệnh lý cần được điều trị:
3.1. Chế độ ăn uống của trẻ không hợp lý
Trẻ ăn ít rau củ quả, chất xơ, uống ít nước, sử dụng nhiều sữa công thức, bột, thức ăn đóng hộp, chất bảo quản… làm giảm nhu động ruột và làm phân cứng, khô. Từ đó dẫn đến táo bón.
3.2. Thói quen đại tiện không tốt
Trẻ nín nhịn đi tiêu, không đi tiêu đều đặn, không có thời gian cố định để đi tiêu, đi tiêu ở nơi không thoải mái, không vệ sinh sạch sẽ… làm giảm cảm giác thải tràng và làm phân tích tụ trong ruột.
Những thời điểm sau rất dễ làm trẻ bị táo bón:
– Tập ngồi bô hay bồn cầu: Nếu trẻ không thích hoặc không sẵn sàng sử dụng bô hay bồn cầu, trẻ sẽ cố nhịn, dẫn đến táo bón.
– Đi học: Trẻ không quen sử dụng nhà vệ sinh tại trường do mùi hôi, đông người dùng chung… sẽ làm trẻ nín đi tiêu.
3.3. Thiếu nước, mất nước
Khi xảy ra hiện tượng này, cơ thể sẽ phản ứng bằng việc hấp thụ nước từ bất kỳ đâu trong cơ thể, bao gồm cả phân, khiến phân cứng khó đi ngoài.
Việc cai sữa đôi khi sẽ khiến trẻ bị mất nguồn cung cấp nước. Trẻ không uống đủ lượng nước cần thiết, đột ngột chuyển sang ăn đặc cũng sẽ gây ra táo bón do cơ thể chưa thích nghi kịp với thức ăn từ dạng lỏng (nhiều nước) sang dạng đặc (ít nước).
3.4. Thành phần sữa công thức
Thành phần giàu đạm, phospho, canxi, sắt trong sữa công thức hoặc cũng có thể do pha sữa không đúng công thức làm trẻ bị táo bón.
3.5. Lười vận động
Trẻ ít vận động, hay ngồi xem tivi, chơi điện tử,… khiến nhu động ruột kém điều hòa và cơ thành bụng yếu lâu ngày dẫn đến táo bón.
3.6. Tác dụng phụ của thuốc
Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc giảm ho, điều trị tiêu chảy,… có thể làm phân trở nên khô rắn, khó di chuyển, gây táo bón.
3.7. Rối loạn cảm xúc
Không khí gia đình căng thẳng, có em bé mới, bố mẹ tạo áp lực cho trẻ… có thể khiến trẻ bị rối loạn cảm xúc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhu động ruột và gây táo bón.
3.8. Nguyên nhân bệnh lý
Táo bón ở trẻ em do bệnh lý thường không tự hết, đi kèm các biểu hiện bất thường khác và khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Đối với nhóm nguyên nhân này, trẻ cần được điều trị dứt điểm bệnh gốc mới hết táo bón.
Các bệnh lý gây táo bón ở trẻ em có thể kể đến là: hẹp hậu môn, bệnh cường giáp, bệnh phình đại tràng bẩm sinh, rối loạn vận động ruột do bất thường thần kinh, bệnh nội tiết chuyển hóa…
Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ không cao trong số trẻ bị bón nhưng lại rất nguy hiểm.
4. Táo bón ở trẻ em có nguy hiểm không?
Táo bón ở trẻ em có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.
– Ngộ độc, viêm tắc ruột, rối loạn khả năng hấp thu gây ra thiếu sắt.
– Bị táo bón kéo dài dễ khiến trẻ bị nứt, rách hậu môn gây đau và chảy máu. Điều này khiến trẻ càng có xu hướng nhịn đi ngoài khiến bệnh táo bón càng trở nặng.
– Phân ứ đọng lâu ngày làm cơ thể trẻ khó chịu khiến trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, thậm chí suy dinh dưỡng.
Do đó, bố mẹ cần chú ý đến tình trạng đi tiêu của trẻ, nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu cần.
5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Trường hợp trẻ bị táo bón với các triệu chứng sau cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị:
– Táo bón kéo dài trên 2 tuần
– Trẻ mới sinh bị táo bón
– Trẻ bị táo bón đi kèm các triệu chứng sụt cân, suy dinh dưỡng, nôn và buồn nôn, sốt, đại tiện ra máu.
6. Điều trị táo bón ở trẻ em
Tùy theo nguyên nhân, mức độ và thời gian của táo bón, trẻ em có thể được điều trị bằng các cách sau:
6.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ
Cho trẻ ăn nhiều rau củ quả, chất xơ, uống nhiều nước, sữa mẹ, tránh các thức ăn khó tiêu, đóng hộp, chất bảo quản. Nếu trẻ dùng sữa công thức, có thể thay đổi loại sữa hoặc giảm lượng sữa, tăng lượng nước cho trẻ.
6.2. Massage giảm táo bón cho bé
Mỗi ngày nên thực hiện 2 lần các thao tác massage cho trẻ theo quy trình sau:
– Xoa bụng: Dùng đầu ngón tay trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn xoa bụng trẻ nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ chừng 30 – 50 vòng.
– Xát xương cụt: Dùng hai ngón tay xát nhẹ vùng xương cụt theo chiều lên xuống chừng 2 – 3 phút sao cho tại chỗ nóng lên.
– Xoa lòng bàn tay: dùng ngón tay cái xoa lòng bàn tay trẻ theo chiều ngược kim đồng hồ trong 2 phút.
– Xoa bờ trong cẳng tay: dùng hai ngón tay miết bờ trong cẳng tay từ khuỷu xuống cổ tay trong 2 phút.
Bên cạnh đó việc tắm nước ấm cũng giúp cho trẻ thư giãn, kích thích đi tiêu dễ dàng hơn.
6.3. Sử dụng biện pháp hỗ trợ
Cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ trẻ đi cầu dễ dàng hơn. Đó có thể là việc thử nhiều vị trí khác nhau trên bồn cầu để phân đi ra ngoài cơ thể dễ dàng hơn. Tốt nhất là nên để cho đầu gối cao hơn hông, giống tư thế ngồi xổm. Một chiếc ghế nhỏ kê dưới chân của trẻ sẽ giúp tạo đường đi thuận lợi cho phân.
Nếu trẻ đi phân khô, rắn, đau rát phần hậu môn hoặc có kèm một ít máu, có thể thoa một ít kem dưỡng ẩm vào vùng hậu môn của trẻ sau khi đã rửa sạch và lau khô hậu môn. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
6.4. Giải tỏa tâm lý cho trẻ
Việc giải tỏa tâm lý căng thẳng do khó đi cầu cho trẻ cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên động viên trẻ để trẻ không cảm thấy áp lực. Đồng thời cha mẹ cũng cần giải thích để trẻ không cảm thấy xấu hổ, lo sợ vì táo bón.
6.5. Nước ép mận trị táo bón cho trẻ
Ngoài việc bổ sung nước cho trẻ, sử dụng nước ép mận có thể là một gợi ý đối với trẻ hơn 1 tuổi. Bởi loại nước này có hàm lượng sorbitol cao. Đây là chất nhuận tràng tự nhiên. Hãy thử cho trẻ với một lượng nhỏ trước và tăng dần lượng nước. Lượng nước ép khuyến nghị không nên quá 120ml/ngày.
Ngoài việc sử dụng nước ép, bạn có thể cho trẻ ăn mận khô. Bạn có thể cho trẻ ăn 6 quả mận khô chia làm 2 lần/ngày.
Lưu ý là đối với trẻ nhỏ cần thử xem trẻ có bị dị ứng với mận không. Hãy cho trẻ dùng một chút mận khô hoặc uống một chút nước ép trước.
6.6. Thuốc trị táo bón cho trẻ
Khi trẻ bị phân cứng, ứ phân bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách bơm hậu môn, thụt tháo xổ phân. Tùy từng trường hợp, bác sỹ sẽ chỉ định cho trẻ sử dụng các loại thuốc như:
- Thuốc làm mềm phân
- Thuốc nhuận tràng: Thuốc đạn glycerin, Duphalac, Maltsupex, Metamucil…
- Bổ sung probiotic
Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với hệ tiêu hóa phát triển chưa toàn diện, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi. Do đó, cha mẹ chỉ cho trẻ sử dụng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, nếu táo bón ở trẻ do bệnh lý khác gây nên, cần phải điều trị bệnh lý đó một cách kịp thời và hiệu quả.
7. Phòng tránh táo bón ở trẻ
Để trẻ không phải trải qua sự khó chịu cùng những hậu quả do táo bón gây ra, cha mẹ nên áp dụng những cách phòng tránh sau đây.
7.1. Giữ chế độ ăn uống khoa học
Mất cân bằng trong dinh dưỡng chính là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em. Do đó, để phòng tránh bệnh, cha mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống của trẻ được thực hiện khoa học.
– Bổ sung chất xơ vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ thông qua các loại ngũ cốc nguyên cám, hoa quả chín, rau xanh như: cam, quýt, chuối, bơ, mồng tơi, rau dền… Chú ý không nấu rau củ quá kỹ để tránh làm mất đi hàm lượng các loại vitamin cũng như phải cho trẻ ăn cả phần nước và cái.
– Bên cạnh đó, cũng cần tránh thực phẩm cay, nóng, chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh.
– Cho trẻ uống đủ lượng nước (bao gồm sữa, nước lọc, nước trái cây, nước canh) mỗi ngày:
+ Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng cần uống 600 ml nước/ngày.
+ Trẻ 1 – 3 tuổi cần uống 900 ml nước/ngày.
+ Trẻ 3 – 5 tuổi cần uống 1200 ml nước/ngày.
+ Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 – 2000 ml nước/ngày.
7.2. Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ
Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh vào một giờ nhất định trong ngày giúp hình thành phản xạ có điều kiện cho cơ thể trẻ hàng ngày. Hơn nữa, cách làm này cũng là biện pháp đề phòng trường hợp trẻ sợ đi vệ sinh ở trường học.
7.3. Tăng cường vận động
Đối với trẻ sơ sinh có thể tập các động tác nhẹ về tay, chân. Nắm hai cổ chân hoặc cẳng chân của trẻ đẩy về phía bụng để hai gối trẻ gập lại, giữ trong vài giây. Sau đó nhẹ nhàng kéo chân trẻ duỗi ra trở lại. Lặp lại động tác này vài lần.
Với trẻ lớn hơn thì khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, các môn thể thao, tránh việc để cho trẻ ngồi quá lâu trước màn hình tivi hay điện thoại.
Kết luận chung
Táo bón là một trong những rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ em. Táo bón ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chế độ ăn uống không hợp lý, thói quen đại tiện không tốt, tâm lý và môi trường, bệnh lý…
Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và nguy hiểm cho sức khỏe và phát triển của trẻ, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Để điều trị táo bón ở trẻ em, cần phải xác định nguyên nhân, mức độ và thời gian của táo bón, và áp dụng các cách điều trị phù hợp, bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi thói quen đại tiện và sinh hoạt, sử dụng thuốc, sử dụng các biện pháp cơ học, điều trị bệnh lý gây táo bón…
Bố mẹ có thể phòng ngừa táo bón cho con bằng cách chú ý đến tình trạng đi tiêu của con, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giúp con giảm căng thẳng, lo lắng, thích nghi với môi trường mới, tạo cho con một không khí vui vẻ, yêu thương, an toàn.
Nếu cha mẹ có bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới bệnh táo bón ở trẻ, đừng ngần ngại liên hệ với chuyên gia của chúng tôi qua hotline 0343.44.66.99 để được giải đáp.
XEM THÊM:
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.