Khớp gối là một trong những khớp hoạt động nhiều và chịu tải trọng lớn của cơ thể. Việc tìm hiểu về cấu tạo khớp gối giúp hiểu rõ hơn về cách hoạt động, chức năng cũng như tình trạng bệnh lý có thể gặp phải.
1. Khớp gối là gì?
Khớp gối là khớp lớn nhất trong cơ thể, nối xương đùi với xương ống chân. Khớp gối đóng vai trò quan trọng trong nâng đỡ trọng lượng cơ thể và di chuyển. Do hoạt động nhiều, chịu áp lực lớn nên khớp gối rất dễ bị tổn thương.
Việc nhận diện cấu tạo khớp gối là điều tối cần thiết trong xử lý các vấn đề liên quan tới khớp gối. Đây cũng là cách hỗ trợ tốt cho hoạt động của khớp gối và phòng tránh những vấn đề có thể xảy ra.
2. Chức năng của khớp gối
Khớp gối có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ và chuyển động của cơ thể.
- Hỗ trợ nâng đỡ cơ thể. Khi đi bộ, khớp gối phải chịu tải trọng gấp 1,5 lần tải trọng của cơ thể.
- Hỗ trợ cơ thể vận động
- Giúp chân vận động.
- Giúp cơ thể ổn định và giữ thăng bằng
- Giảm sóc, giảm áp lực lên xương ống chân trong các động tác nhảy.
3. Cấu tạo khớp gối
Về mặt chức năng, khớp gối là một khớp bản lề. Bởi một số bộ phận của khớp không chuyển động trong khi các bộ phận khác di chuyển một khoảng cụ thể rồi quay lại vị trí ban đầu. Về giải phẫu khớp gối, khớp này được cấu tạo từ xương, sụn, gân, cơ, dây chằng, dây thần kinh, bao hoạt dịch và động tĩnh mạch. Không có sự khác biệt giữa cấu tạo đầu gối phải và gối trái.
3.1. Cấu tạo xương khớp gối
Khớp gối được tạo thành bởi 4 xương là xương đùi, xương ống chân, xương bánh chè và xương mác.
- Xương đùi: Đây là xương dài nhất của cơ thể. Đầu tròn ở gần đầu gối gọi là lồi cầu.
- Xương ống chân (hay còn gọi là xương chày): Xương dài từ đầu gối xuống mắt cá chân.
- Xương bánh chè: Xương có hình tam giác nhỏ, nằm ở trước đầu gối, trong gân cơ tứ đầu. So với các xương khác trong cấu tạo khớp gối thì xương này là xương dễ bị tổn thương nhất.
- Xương mác: Đây là xương dài, mỏng nằm ở bên cẳng chân. Nó chạy dọc theo chiều dài của xương chày.
3.2. Cấu tạo sụn ở khớp gối
Sụn là mô liên kết trong suất, dẻo và trơn, giúp bảo vệ khớp. Nó hoạt động như một bộ giảm xóc. Nó bao phủ lên các đầu xương. Sụn giúp đảm bảo sự vận động trơn tru của khớp khi chuyển động uốn cong, nâng, duỗi thẳng chân và đi lại. Có 2 loại sụn là sụn hyaline và sụn chêm:
- Sụn hyaline: Đây là loại sụn bao phủ bề mặt của đầu xương đùi và xương chày.
- Sụn chêm: Có hai sụn chêm hình lưỡi liềm ở đầu gối giúp phân bổ đều trọng lượng từ xương đùi đến xương ống chân. Chúng nằm giữa phần dưới cong của xương đùi và phần trên phẳng của xương ống chân. Sụn chêm ngoài nằm ở phía ngoài đầu gối. Sụn chêm trong nằm ở mặt trong của đầu gối. Sụn chêm được coi là dẻo dai hơn các loại sụn khác trong cơ thể.
3.3. Gân ở khớp gối
Gân là những sợi dày và xơ nối cơ với xương giúp cử động chân. Có hai loại gân là gân cơ tứ đầu và gân bánh chè.
- Gân cơ tứ đầu: Nối xương bánh chè với các cơ trên đùi.
- Gân bánh chè: Nối đầu gối và ống chân.
3.4. Dây chằng đầu gối
Dây chằng là dải mô dai, co giãn, nối xương đùi với xương cẳng chân. Ở đầu gối có 2 loại dây chằng là dây chằng bên và dây chằng chéo.
Dây chằng bên
Dây chằng bên được coi như dây đai ở hai bên đầu gối, ngăn việc đầu gối di chuyển quá nhiều sang hai bên. Có 2 loại dây chằng bên ở khớp gối là dây chằng bên trong và dây chằng bên ngoài.
- Dây chằng bên trong có hình tam giác dẹt, nối xương đùi với xương chày.
- Dây chằng bên ngoài nối xương đùi với xương mác, thường mỏng hơn dây chằng trong.
Dây chằng chéo
Theo cấu tạo khớp gối cũng có 2 loại dây chằng chéo là dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Sở dĩ gọi là dây chằng chéo vì chúng bắt chéo nhau tạo thành hình như X. Nhiệm vụ của dây chằng chéo là nối xương đùi với xương chày. Chúng giúp kiểm soát chuyển động ra trước và về sau của chân.
- Dây chằng chéo trước: Giúp cản tối đa đến 85% vận động ra trước của xương chày và xương đùi.
- Dây chằng chéo sau: Giúp cản tối đa đến 95% vận động ra sau của xương chày và xương đùi.
3.5. Dây thần kinh ở đầu gối
Dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ não xuống đầu gối. Dây thần kinh giúp bạn cảm nhận được cảm giác và hỗ trợ cho khả năng vận động. Các dây thần kinh đi qua đầu gối có 4 loại, đó là:
- Dây thần kinh đùi
- Dây thần kinh hông
- Dây thần kinh chày
- Dây thần kinh mác
3.6. Bao hoạt dịch
Ở khớp gối có 13 túi nhỏ chứa chất nhầy giúp bôi trơn khớp, giảm ma sát giữa cơ, xương, gân, dây chằng. Các túi này được gọi là bao hoạt dịch khớp gối. Lớp mô liên kết dày đặc bên ngoài và bên trong của túi này gọi là màng hoạt dịch. Bao hoạt dịch bám vào sụn chêm, bên ngoài là dây chằng chéo.
3.7. Cơ bắp ở khớp gối
Cơ bắp là các mô mềm ở đầu gối giúp kiểm soát chuyển động. Ở đầu gối có 2 nhóm cơ chính là cơ tứ đầu đùi và cơ gân kheo.
- Nhóm cơ tứ đầu đùi: Bao gồm 4 cơ ở mặt trước của đùi. Nhóm cơ này giúp giữ thẳng khớp đầu gối.
- Nhóm cơ gân kheo: Bao gồm 3 cơ ở mặt sau đùi. Nhóm cơ này hỗ trợ khả năng uốn cong của đầu gối.
3.8. Động mạch và tĩnh mạch đầu gối
Hệ thống động mạch và tĩnh mạch là các mạch máu. Chúng có vai trò cung cấp máu nuôi dưỡng các cấu trúc bên trong của khớp gối.
4. Các bệnh lý phổ biến ở khớp gối
Khớp gối là một trong những khớp dễ tổn thương trong cơ thể. Dưới đây là một số tình trạng phổ biến có thể gặp phải ở khớp gối.
4.1. Chấn thương đầu gối
Chấn thương có thể xảy ra khi bạn chơi thể thao, lao động, tham gia giao thông hay thậm chí ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Một số chấn thương có thể kể đến là:
- Trật khớp gối: Tình trạng này khiến bạn bị đau ở phía trước khớp gối, tăng nặng khi vận động. Bạn cũng có thể nghe thấy tiếng lục cục ở khớp gối. Thường cần phải tác động một lực rất mạnh mới có thể khiến khớp gối bị trật. Đây là một tình trạng cần can thiệp y tế kịp thời
- Rách dây chằng: Thường xảy ra ở dây chẳng chéo khi chơi các môn thể thao cường độ cao như chấn thương đầu gối khi đá bóng, chơi bóng rổ.
- Rách gân: Thường xảy ra ở những người ở độ tuổi trung niên khi chơi các môn thể thao đòi hỏi chạy và nhảy. Triệu chứng phổ biến là đau, bầm tím, chuột rút.
- Nứt, gãy xương đầu gối: Bất kỳ loại xương nào ở đầu gối cũng có thể bị nứt, gãy. Tuy nhiên phổ biến nhất là gãy xương bánh chè. Lúc này đầu gối không duỗi thẳng được, đau và sưng ở phía trước đầu gối. Trường hợp nặng có thể gây biến dạng khớp gối khiến xương đầu gối nhô ra.
4.2. Thoái hóa khớp gối
Thoái quá khớp gối là tình trạng quá trình hủy sụn diễn ra mạnh hơn quá trình tạo sụn. Lúc này sụn và xương dưới sụn bị tổn thương, gây đau nhức, cứng khớp, khó cử động. Thoái hóa khớp là tiến trình không thể đảo ngược những có thể kìm hãm nếu điều trị kịp thời. Bệnh tiến triển sẽ có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng khớp, teo cơ, thậm chí là tàn phế.
4.3. Viêm khớp gối
Bệnh có thể xuất phát từ những nguyên nhân như quá trình lão hóa tự nhiên, hệ quả của chấn thương hoặc của các bệnh lý khác. Viêm khớp gối gây đau nhức, sưng đỏ khớp kèm theo sốt.
4.4. Viêm khớp dạng thấp
Bệnh xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khớp khỏe mạnh. Nếu mắc bệnh thì cả hai bên khớp gối của bạn sẽ bị ảnh hưởng đồng thời. Dấu hiệu đặc trưng là đau khớp, cứng khớp kéo dài vào buổi sáng, sưng nóng khớp gối.
4.5. Viêm khớp nhiễm khuẩn ở khớp gối
Bệnh do vi khuẩn xâm nhập và tấn công khớp gối. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp gối qua vết thương hở ở khớp hoặc từ các cơ quan khác theo máu vào khớp.
4.6. Bệnh gout
Bệnh xảy ra do nồng độ axit uric máu vượt quá mức cho phép khiến các tinh thể muối urat lắng động tại khớp. Đặc trưng của bệnh là sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp. Ngón chân cái là khớp bị ảnh hưởng đặc trưng bởi căn bệnh này tuy nhiên khớp gối cũng không phải là ngoại lệ.
4.7. Khô khớp gối
Đây là tình trạng dịch khớp tiết ra ít không đủ để bôi trơn khớp. Bệnh gây ra những tiếng lục cục ở khớp gối đi kèm đau, cứng khớp. Bệnh khởi nguồn từ tình trạng lão hóa, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, tác dụng phụ của thuốc….
4.8. Tràn dịch khớp gối
Ngược lại với tình trạng bệnh được nêu ở trên là việc lượng dịch dư thừa tích tụ trong khớp gối. Đây có thể là hệ quả của chấn thương, vận động quá sức, mắc phải một số bệnh lý. Về phương pháp điều trị có thể cần tới chọc hút dịch khớp kết hợp dùng thuốc, trường hợp nặng có thể phải can thiệp phẫu thuật.
4.9. Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Tình trạng này xảy ra khi bao hoạt dịch khớp gối bị viêm mà không phải do nhiễm khuẩn. Các cơn đau do bệnh lý này gây ra có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Đi kèm với đó là sưng, nóng đỏ khớp khi bị chèn ép, cứng khớp. Tình trạng này nếu để nặng có thể cần tới phẫu thuật loại bỏ bao hoạt dịch.
5. Chẩn đoán
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở khớp gối như đau, sưng, đỏ khớp gối…, đặc biệt là sau chấn thương, hãy tới gặp bác sĩ. Để biết chính xác tình trạng mà bạn đang gặp phải với khớp gối, bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp chẩn đoán dưới đây:
- Kiểm tra tầm vận động: Bác sĩ có thể thực hiện một số bài kiểm tra để xem phản ứng, khả năng co duỗi, vận động, lực cơ…
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp MRI, chụp CT, siêu âm. Phương pháp này sẽ cung cấp những hình ảnh cấu tạo đầu gối và tình trạng tổn thương hiện tại. Đó có thể là hình ảnh khớp bị trật, xương bị gãy, gân hoặc dây chằng bị rách…
- Xét nghiệm máu: Để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm nhiễm, nồng độ axit uric máu.
Sau khi xác định chính xác tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đó có thể là dùng thuốc, vật lý trị liệu, chọc hút dịch khớp, phẫu thuật…
6. Chăm sóc khớp gối
Hiểu về cấu tạo khớp gối cũng như các tình trạng bệnh có thể xảy ra sẽ tạo thuận lợi cho việc phòng tránh các tổn thương. Một số biện pháp dưới đây sẽ giúp bản bảo vệ khớp gối của mình:
- Giữ trọng lượng ở mức cho phép. Nếu bạn bị thừa cân hãy lên kế hoạch giảm cân để giảm bớt sức nặng cho khớp gối của bạn.
- Sử dụng thiết bị bảo vệ đầu gối khi chơi thể thao, lao động giúp tránh chấn thương.
- Đối với những công việc đòi hỏi phải sử dụng khớp gối nhiều hoặc tạo áp lực lên khớp gối liên tục hãy dành vài phút sau 45 – 60 phút làm việc để khớp gối được thư giãn.
- Tránh tư thế xấu như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân, xoay đầu gối đột ngột. Hạn chế đi giày cao gót trong thời gian dài liên tục.
- Tập luyện thể dục đều đặn để tăng tính linh hoạt cho khớp gối. Tuy nhiên không nên tập quá sức.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, omega-3. Hạn chế thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất kích thích.
- Khám sức khỏe định kỳ để nhanh chóng phát hiện các bệnh lý có thể gây ảnh hưởng tới khớp gối.
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin cần thiết cho bạn về cấu tạo của khớp gối. Nếu còn thắc mắc có liên quan tới tình trạng của khớp gối hãy liên hệ 0343 44 66 99 để được giải đáp.
XEM THÊM
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Tất cả về đầu gối của bạn
https://www.webmd.com/pain-management/knee-pain/ss/slideshow-all-about-knees
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Nguyễn Minh HoàngTốt nghiệp Thạc sỹ Dược tại Vương quốc Anh, được truyền niềm đam mê với sự nghiệp “làm thuốc cứu người” từ truyền thống gia đình, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng hiện là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa y học truyền thống cùng kiến thức y học hiện đại trong nước và quốc tế, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng sẽ đem tới những thông tin y dược đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.