Theo thống kê từ viện Tai Mũi Họng Trung ương, ở Việt Nam, tỷ lệ người già mắc rối loạn tiền đình chiến khoảng 60% và có xu hướng tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt những người trên 65 tuổi. Vậy, nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì?
1. Tổng quan về rối loạn tiền đình ở người cao tuổi
Tiền đình là một hệ thống nằm trong tai trong, phía sau ốc tai. Chức năng của hệ thống tiền đình là duy trì thăng bằng và cảm nhận các chuyển động của các cơ quan trong cơ thể, đồng thời điều phối chuyển động của mắt và đầu khi di chuyển.
Rối loạn tiền đình là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi với. Thực tế cho thấy, phụ nữ là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Các loại rối loạn tiền đình có thể xảy ra là:
- Rối loạn tiền đình ngoại biên: Thường đi kèm với các triệu chứng như chóng mặt dữ dội, đầu óc quay cuồng, mất thăng bằng, ù tai, giảm thính lực…
- Rối loạn tiền đình trung ương: Bệnh khởi phát từ từ với các triệu chứng âm ỉ, chóng mặt từ nhẹ đến vừa phải rồi liên tục; ít buồn nôn, thính lực không bị ảnh hưởng…
2. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ở người già
Tỷ lệ người trung niên, người cao tuổi mắc chứng rối loạn tiền đình cao hơn gấp khoảng 3 lần, thậm chí nhiều hơn so với người trẻ tuổi. Nguyên nhân gây nên rối loạn tiền đình ở người già là:
2.1 Do lão hóa
Theo thống kê, tỷ lệ người già, người cao tuổi mắc rối loạn tiền đình cao khoảng gấp đôi người trẻ. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khiến hệ thống thăng bằng bị rối loạn là do sự lão hóa của cơ quan này. Tuổi càng cao, hệ thống tiền đình và những cơ quan khác trong cơ thể càng bị lão hóa dẫn đến chức năng suy giảm.
2.2 Rối loạn tiền đình ở người cao tuổi do tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tiền đình, gây tổn thương trực tiếp lên hệ thống tiền đình. Ngoài ra, những khu vực liên quan đến tiền đình cũng bị ảnh hưởng. Những tổn thương này có thể ảnh hưởng đến việc não bộ xử lý thông tin từ hệ thống tiền đình, dẫn đến rối loạn thăng bằng và các triệu chứng bất thường khác.
2.3 Do sử dụng thuốc điều trị
Người già thường là đối tượng mắc nhiều bệnh lý nền, cần điều trị bằng thuốc. Những loại thuốc này bên cạnh tác dụng chữa bệnh có thể đem lại các tác dụng phụ, trong đó có rối loạn tiền đình. Cụ thể là:
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm như Amitriptyline, Imipramine, Nortriptyline có thể gây ra tác dụng phụ là chóng mặt, mất thăng bằng…
- Thuốc chống lo âu: Benzodiazepine (Lorazepam, Diazepam) có thể gây ra tác dụng phụ là chóng mặt, buồn ngủ, mất thăng bằng.
- Thuốc hạ huyết áp: Atenolol, Metoprolol có thể gây ra tác dụng phụ là chóng mặt, hoa mắt.
- Thuốc lợi tiểu: Furosemide, Hydrochlorothiazide có thể gây ra tác dụng phụ là mất nước, điện giải, dẫn đến chóng mặt, hoa mắt.
- Thuốc kháng Histamin: Diphenhydramine, Meclizine có thể gây ra tác dụng phụ là buồn ngủ, chóng mặt…
2.4 Ăn uống thiếu chất gây rối loạn tiền đình ở người già
Người cao tuổi hệ tiêu hóa kém, lại phải kiêng khem nhiều loại thức ăn do mắc phải các bệnh nền nên cơ thể rất dễ thiếu chất. Tình trạng này kéo dài lâu ngày ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống tiền đình, gây rối loạn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rối loạn tiền đình ở người già có thể do thiếu vitamin B12, B6, axit folic, kẽm, magie, sắt… Cơ thể không được cung cấp đủ nước và chất điện giải (natri và kali), đường huyết hạ. cholesterone tăng cao… cũng có thể dẫn đến rối loạn chức năng của hệ tiền đình.
>>> Mẹo chữa rối loạn tiền đình từ củ gừng – Đừng bỏ qua
2.5 Do các bệnh lý liên quan đến thần kinh
Viêm dây thần kinh tiền đình là bệnh lý thần kinh phổ biến nhất gây rối loạn tiền đình. Biểu hiện của tình trạng này là đau đầu, quay cuồng dữ dội, buồn nôn, ù tai, rung giật nhãn cầu…
Bên cạnh đó, thoái hóa điểm vàng, chấn thương vùng đầu, tai biến mạch máu não… cũng ảnh hưởng đến thần kinh, làm giảm chức năng hệ tiền đình.
2.6 Rối loạn tiền đình ở người già do thoái hóa đốt sống cổ
Khi các đốt sống cổ bị thoái hóa, các mạch máu bị chèn ép dẫn đến thiếu cung cấp máu cho não bộ, bao gồm các mạch máu đi vào trong tai. Điều này có thể dẫn đến thiếu máu não, ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống tiền đình.
Ngoài ra, thoái hóa đốt sống cổ cũng có thể chèn ép các dây thần kinh liên quan đến chức năng tiền đình, bao gồm dây thần kinh tiền đình và dây thần kinh ốc tai.
3. Rối loạn tiền đình ở người già – Những triệu chứng thường gặp
Rối loạn tiền đình ở người cao tuổi có những biểu hiện gì? Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể mắc phải và mức độ nặng nhẹ, người bệnh sẽ gặp những triệu chứng khác nhau. Cụ thể là:
- Chóng mặt: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, người bệnh có thể cảm thấy quay cuồng, chao đảo, choáng váng, hoặc cảm giác như mọi thứ xung quanh đang quay.
- Mất thăng bằng: Người bệnh thường loạng choạng, đi lại khó khăn, dễ ngã, đặc biệt khi thay đổi tư thế đột ngột.
- Hoa mắt: Triệu chứng này thường xuất hiện khi đứng lên ngồi xuống; mắt mờ đi, cảm nhận các đốm đen bay trước mặt.
- Buồn nôn, nôn: Người bệnh cảm thấy nôn nao trong người, buồn nôn, thậm chí nôn.
- Ù tai: Tai ù đặc, không nghe rõ, có tiếng ve kêu trong tai
- Khó tập trung: thường xuyên bồn chồn, lo lắng
- Rối loạn giấc ngủ: Ngủ không ngon giấc, khó ngủ.
- Người mệt mỏi, nhạy cảm với tiếng ồn, khô miệng…
>>> Tuyệt chiêu giảm đau đầu do rối loạn tiền đình bằng ngải cứu
4. Rối loạn tiền đình ở người già có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không? Câu trả lời tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, nguyên nhân gây bệnh và sức khỏe tổng thể. Ở mức độ nhẹ, rối loạn tiền đình chỉ gây nên những biểu hiện thoáng qua, không quá đáng ngại.
Ngược lại, ở mức độ nặng, rối loạn tiền đình có thể tiền ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng nguy hiểm như:
- Nguy cơ té ngã: Chóng mặt và mất thăng bằng có thể khiến người bệnh ngã, dẫn đến chấn thương, thậm chí gãy xương, chấn thương vùng đầu.
- Rối loạn tâm lý: Rối loạn tiền đình có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến họ lo lắng, trầm cảm, sợ hãi.
- Làm giảm chất lượng cuộc sống: Rối loạn tiền đình có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến khả năng tự chăm sóc bản thân.
- Tai biến mạch máu não: Đây là biến chứng nguy hiểm do rối loạn tiền đình gây nên, thường xảy ra ở người cao tuổi.
5. Điều trị rối loạn tiền đình ở người già
Tuy có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nhưng hầu hết các trường hợp rối loạn tiền đình đều có thể điều trị nếu có phương pháp thích hợp và kịp thời.
5.1 Điều trị nội khoa
Các loại thuốc có thể được chỉ định dùng trong điều trị rối loạn tiền đình ở người già là:
- Thuốc giảm chóng mặt: Betahistine, Cinnarizin, Meclizine,…
- Thuốc an thần: Diazepam, Lorazepam,…
- Thuốc bổ não: Piracetam, Citicoline,…
Tuy nhiên, người già thường mắc một số bệnh nền nên hay sử dụng nhiều loại thuốc một lúc. Vì thế, việc sử dụng thêm thuốc điều trị rối loạn tiền đình rất có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
5.2 Vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu mang lại hiệu quả tốt với các trường hợp rối loạn tiền đình nguyên nhân ngoại biên. Phương pháp này giúp cải thiện chức năng tiền đình, giảm triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Một số bài tập được các chuyên gia khuyến khích là:
- Bài tập Epley: Giúp điều trị chóng mặt do sỏi tai trong.
- Bài tập Brandt-Daroff: Giúp cải thiện chức năng tiền đình.
- Bài tập Semont: Giúp điều trị chóng mặt do sỏi tai trong.
- Bài tập Foster: Giúp cải thiện thăng bằng.
- Bài tập Cawthorne-Cooksey: Giúp giảm nhạy cảm với chuyển động.
5.3 Tập thể dục
Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện lưu thông máu, và giảm căng thẳng; từ đó giúp giảm triệu chứng rối loạn tiền đình. Những bài thể dục thích hợp cho người bệnh gồm:
- Đi bộ
- Yoga
- Bơi lội
- Đạp xe
- Tập dưỡng sinh…
5.4 Thay đổi thói quen sinh hoạt
Bên cạnh các phương pháp điều trị tích cực, người già cần duy trì thói quen ngủ đủ giấc, không thức quá khuya. Tình trạng thiếu ngủ có thể sẽ khiến tình trạng rối loạn tiền đình trầm trọng hơn.
Ngoài ra, cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh; từ đó góp phần cải thiện các triệu chứng mệt mỏi, nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng. Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo, đồ ăn chứa nhiều muối; tăng cường rau xanh, các thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất…
6. Nguyên tắc phòng tránh rối loạn tiền đình ở người cao tuổi
Bệnh rối loạn tiền đình cần được điều trị đúng, dứt điểm đề phòng bệnh tái phát và gây biến chứng. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc để điều trị.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa rối loạn tiền định; người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau trong chế độ sinh hoạt hàng ngày:
- Nên tập luyện thể dục thường xuyên, nhẹ nhàng; đặc biệt là đối với đốt sống cổ giúp kích thích khí huyết lưu thông, tăng cường máu lên não. Tuy nhiên phải tập đúng động tác, không vận động quá sức.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tốt cho hệ tim mạch, não bộ như ăn nhiều rau xanh, cá, hạn chế mỡ động vật…
- Bổ sung đủ nước hàng ngày, khoảng 1,5 – 2 lít nước. Điều đó giúp cơ thể được cung cấp đủ nước cho các quá trình trao đổi chất; các hoạt động của cơ thể được diễn ra hiệu quả.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mắc phải
- Khám sức khỏe định kỳ…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, để phát hiện và can thiệp kịp thời ngay khi thấy xuất hiện dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình, giúp phòng ngừa biến chứng nặng như tai biến mạch não, u não…
Trường hợp người cao tuổi rối loạn tiền đình với các triệu chứng chóng mặt kèm nhức đầu đột ngột, sốt cao, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc mất thị lực, giảm thính giác thì nên đi bệnh viện khám ngay để được điều trị kịp thời.
KẾT LUẬN
Như vậy, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ở người già. Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động và tuân theo chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp cần thiết. Điều đó giúp giảm nguy cơ tổn hại đến sức khỏe; đồng thời ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Tham khảo thêm những thông tin về bệnh mất ngủ và giải pháp cải thiện TẠI ĐÂY.
>>> XEM THÊM:
- Bí quyết giảm rối loạn tiền đình bằng gừng – Tham khảo ngay
- Thử ngay 12 bài tập cho người thiểu năng tuần hoàn não
- Chữa suy nhược thần kinh không dùng thuốc – Lời khuyên từ chuyên gia
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.