Thuốc chống loãng xương Fosamax thường được chỉ định cho phụ nữ loãng xương sau mãn kinh. Người bệnh chỉ được sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ với đúng liều lượng, thời điểm và cẩn trọng với một số lưu ý khi dùng Fosamax.
1. Thuốc chống loãng xương Fosamax là gì?
Trên thị trường hiện có thuốc Fosamax, thuốc loãng xương Fosamax Plus, thuốc Fosamax Plus 70mg/2800IU, Fosamax Plus 70mg/5600IU. Trong bài viết này chỉ đề cập tới thuốc Fosamax có xuất xứ từ Ý của Merck Sharp & Dohme S.p.A. Thuốc dùng để điều trị và dự phòng loãng xương.
Các dấu hiệu của loãng xương
2. Công dụng của thuốc chống loãng xương Fosamax
Fosamax giúp trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh đồng thời phòng tránh gãy xương, đặc biệt là xương khớp háng và cột sống.
Nhiều người thắc mắc thuốc chống loãng xương Fosamax có tốt không. Câu trả lời là tác dụng của thuốc tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của từng người.
3. Thành phần, cơ chế tác dụng
Trong thuốc loãng xương Fosamax chứa Natri alendronat trihydrat. Hoạt chất này giúp ức chế quá trình hủy cốt bào, từ đó làm chậm quá trình tiêu xương, dẫn tới tăng khối lượng xương. Natri alendronat trihydrat cũng giúp tăng cường khoáng chất trong xương để xương chắc khỏe hơn.
Ngoài ra, thuốc chứa tá dược như: Cellulose vi tinh thể, Lactose khan, Croscarmellose natri, Magnesi stearale…
4. Hàm lượng, dạng bào chế
Thuốc có dạng viên nén với hàm lượng 70mg.
5. Liều dùng, cách sử dụng
Bạn nên uống nguyên viên thuốc với một ly nước lọc không dưới 200ml. Không nên nhai, nghiền, bẻ hay ngậm thuốc. Thuốc cần được uống trong tư thế đứng hoặc ngồi thẳng và ít nhất bạn phải duy trì tư thế này trong 30 phút sau khi uống. Không uống Fosamax trước khi đi ngủ.
Thời điểm uống thuốc thích hợp là khi bụng đói, sau khi ngủ dậy vào buổi sáng. Sau ít nhất 30 phút từ khi uống thuốc bạn mới được ăn uống hoặc dùng các loại thuốc, thực phẩm chức năng khác. Không sử dụng thuốc trước khi đi ngủ vì nó sẽ ảnh hưởng tới dược tính cũng như gia tăng tác dụng phụ của thuốc.
Bác sĩ điều trị sẽ quyết định liều dùng phù hợp đối với từng người bệnh. Liều thông thường sẽ là 70mg/lần/tuần. Bạn nên chọn 1 ngày cố định trong tuần để uống thuốc.
6. Làm gì khi bị quên liều, quá liều thuốc Fosamax?
Khi bị quên liều bạn có thể bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo như bình thường. Lưu ý là không được tự động tăng liều khi lỡ bỏ qua 1 liều. Khi dùng quá liều thuốc hãy thông báo ngay với bác sĩ. Uống quá liều có thể gây giảm calci máu, giảm phosphat máu, rối loạn tiêu hóa, ợ nóng, viêm thực quản, viêm loét dạ dày…
7. Chỉ định và chống chỉ định
Thuốc trị loãng xương Fosamax phải được sử dụng theo đúng chỉ định. Người thuộc đối tượng chống chỉ định không được phép dùng.
Chỉ định:
- Phụ nữ loãng xương sau mãn kinh
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân suy thận nặng với hệ số thanh thải creatinin dưới 35mL/phút
- Người bị dị tật thực quản như hẹp hoặc mất tính đàn hồi của thực quản
- Người không có khả năng đứng hoặc ngồi thằng ít nhất trong 30 phút
- Người bị giảm calci huyết
- Người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Trẻ em
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú
8. Thuốc chống loãng xương Fosamax có tác dụng phụ không?
Theo các nghiên cứu lâm sàng thì nhìn chung Fosamax được dung nạp tốt, tác dụng phụ thường nhẹ. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan với các tác dụng phụ này. Dưới đây là các vấn đề về sức khỏe (không đầy đủ) mà bạn có thể gặp phải khi dùng thuốc loãng xương Fosamax.
- Tiêu hóa: Đau bụng, loét thực quản, đau dạ dày, nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi…
- Xương khớp: Đau cơ xương khớp, sưng khớp …
- Dị ứng: Mề đay, ngứa ….
- Hệ thần kinh: Hoa mắt, chóng mặt, rối loạn vị giác…
Khi dùng Fosamax gặp phải dấu hiệu bất thường (kể cả không được nêu ở trên) hãy thông báo ngay với bác sĩ.
9. Tương tác thuốc Fosamax
Tương tác thuốc là việc khi sử dụng đồng thời một thuốc với các thuốc khác hay đồ ăn, thức uống sẽ làm thay đổi hiệu quả của thuốc đó. Điều này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ về các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng.
Theo khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng Fosamax với một số loại sau đây:
- Thuốc kháng viêm không steroid: Khi dùng chung sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng dạ dày.
- Các chất bổ sung canxi, thuốc làm giảm tính acid: Có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu của Fosamax. Bạn cần chờ ít nhất 30 phút sau khi uống Fosamax mới được dùng các loại thuốc này.
10. Thuốc Fosamax giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Bạn cần mang theo đơn thuốc để mua Fosamax tại các hiệu thuốc. Lưu ý là chọn hiệu thuốc uy tín, đã được cấp phép hoạt động. Khi mua thuốc hãy kiểm tra kỹ bao bì.
Giá tham khảo dành cho hộp 1 vỉ x 4 viên giao động từ 240.000 – 350.000 đồng. Mức giá có thể thay đổi tùy vào địa chỉ bán thuốc và thời điểm.
11. Lưu ý
Khi dùng Fosamax, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Dùng đúng liều, không được lạm dụng thuốc.
- Người bệnh có thể được chỉ định bổ sung canxi và vitamin D cùng với Fosamax nếu chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cung cấp đầy đủ.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Để thuốc xa tầm tay của trẻ em.
- Không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc có dấu hiệu bất thường ở bao bì.
- Tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá hiệu quả của thuốc. Trong trường hợp kết quả điều trị không như mong đợi, bác sĩ có thể đổi loại thuốc.
Những thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, không thay thế chỉ định của bác sĩ điều trị. Trong mọi trường hợp, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ, không được tự ý sử dụng Fosamax. Hãy thông báo với bác sĩ những vấn đề sức khỏe gặp phải khi dùng thuốc thay vì tự tìm cách giải quyết.
XEM THÊM
- Danh sách 18 thuốc tái tạo sụn khớp của Mỹ phổ biến
- Gợi ý 9 loại thuốc canxi cho người gãy xương
- TPBVSK Khớp AKA Tâm Bình – Hỗ trợ duy trì và tái tạo sụn khớp
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Nguyễn Minh HoàngTốt nghiệp Thạc sỹ Dược tại Vương quốc Anh, được truyền niềm đam mê với sự nghiệp “làm thuốc cứu người” từ truyền thống gia đình, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng hiện là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa y học truyền thống cùng kiến thức y học hiện đại trong nước và quốc tế, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng sẽ đem tới những thông tin y dược đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.