Nhiều người được chẩn đoán là bị bệnh gai khớp gối nhưng không hề biết đây là bệnh gì, có triệu chứng như thế nào, phương pháp điều trị ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cho bạn.
1. Gai khớp gối là gì?
Gai xương không tự sinh ra mà là hậu quả của quá trình viêm thoái hóa. Quá trình thoái hóa làm hao mòn sụn khớp (lớp đệm) bao bọc các đầu xương của khớp gối. Khi sụn khớp bị mỏng đi, đầu xương sẽ chịu áp lực và sự ma sát lớn khi vận động. Lúc này để giảm áp lực cho các đầu xương, cơ thể tự động kích hoạt cơ chế “bù xương” bằng cách hình thành khối xương mới. Đó chính là những gai xương. Mặc dù sản sinh với mục đích bảo vệ sụn khớp nhưng gai xương làm thay đổi hình dạng khớp, ảnh hưởng tới khả năng vận động trơn tru của khớp gối.
Tóm lại, gai khớp gối (gai xương đầu gối) là những xương nhỏ xuất hiện trên bề mặt các xương đã bị mất lớp sụn bao bọc. Nếu không được phát hiện sớm, gai xương mọc nhiều hơn, cản trở quá trình cử động của khớp gối như co duỗi, ngồi xuống, đứng lên, đi bộ…
Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, gai xương gần như không xuất hiện dấu hiệu gì. Vì vậy, nhiều người có tâm lý chủ quan đến khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
2. Các giai đoạn phát triển của gai khớp gối
Gai khớp gối hình thành và phát triển theo 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có biểu hiện và mức độ tác động khớp khác nhau, cụ thể:
2.1. Giai đoạn 1
Giai đoạn đầu người bệnh không nhận thấy sự bất thường nào ở đầu gối. Chỉ khi co, duỗi chân mạnh, đứng hoặc ngồi quá lâu mới thấy đau nhức nhẹ.
2.2. Giai đoạn 2
Gai xương bắt đầu “lớn lên”, tình trạng viêm khiến cơn đau khớp xuất hiện nhiều hơn, rõ ràng hơn. Triệu chứng đau nhức thể hiện rõ khi mưa lạnh hoặc lúc chuyển mùa.
2.3. Giai đoạn 3
Bước sang giai đoạn này, kích thước gai xương tương đối lớn, kèm theo tình trạng hư hỏng nặng của sụn khớp. Điều này gây ra cảm giác nhức nhối khớp gối, ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi. Lúc này, ngoài cảm giác đau nhức dữ dội, người bệnh còn bị sưng, cứng đầu gối vào sáng sớm.
2.4. Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất bởi gai xương không chỉ cọ xát vào phần xương khác mà còn tổn thương các mô mềm và chèn ép dây thần kinh. Kích thước gai xương lớn tỷ lệ thuận với tình trạng viêm, thoái hóa khớp. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, ngoài những cơn đau người bệnh còn phải đối mặt với nguy cơ teo cơ, biến dạng khớp…
3. Triệu chứng của gai khớp gối
3.1. Đau khớp gối khi đứng lên
Người bệnh sẽ gặp tình trạng đau nhức mỗi khi đứng lên, đặc biệt thay đổi từ tư thế ngồi xổm. Người bị gai khớp gối nên tránh tư thế ngồi xổm bởi sẽ tạo áp lực rất lớn cho xương đầu gối, dễ bị tổn thương gây đau nhức mỗi khi cử động mạnh. Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh gai khớp gối.
Ngoài ra, khi ngồi lâu cũng bị cứng khớp ở gối, gây khó khăn trong việc cử động, đi lại.
3.2. Đau khi lên xuống cầu thang
Với người bị gai khớp gối việc lên xuống cầu thang sẽ gây ra tình trạng đau nhức bất thường. Khi lên xuống cầu thang thì khớp gối phải chịu lực lớn hơn bình thường. Trong tư thế thẳng đứng thì 2 chân chịu lực đồng đều nhưng khi lên cầu thang, 2 chân sẽ thay phiên nhau chịu lực, do đó trọng lượng dồn về 1 chân.
: Đau đầu gối khi lên xuống cầu thang – Nên cẩn trọng với những dấu hiệu này!
3.3. Đau khi co duỗi chân
Khi phần sụn bị bào mòn tạo cơ hội cho các gai xương phát triển thì việc thực hiện động tác co duỗi chân sẽ gây ra cảm giác đau đớn cho người bệnh. Ngoài ra, mỗi khi co duỗi sẽ phát ra các tiếng động lạo xạo.
3.4. Đầu gối bị sưng tấy
Các gai hình thành tại khớp sẽ khiến tràn dịch khớp gối, lúc đó sẽ có hiện tượng phù nề, sưng tấy tại khớp gây khó khăn cho người bệnh khi đi lại và sinh hoạt.
3.5. Tê bì, mất cảm giác
Khi bị gai xương chày khớp gối thì các dây thần kinh tại đây bị chèn ép thì sẽ gây ra cảm giác tê bì, nhiều trường hợp còn mất cảm giác ở chân và không thể đi lại bình thường.
3.6. Cứng khớp
Khi lượng canxi tập trung tại khớp gối nhiều hơn mức bình thường, người bệnh sẽ cảm thấy cứng khớp, đặc biệt vào mỗi buổi sáng khi thức dậy. Với những người bị ở mức độ nặng thì chân mất đi sự linh hoạt cần thiết, việc đi lại sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
4. Nguyên nhân dẫn đến gai khớp đầu gối
Gai khớp gối cản trở quá trình vận động khớp, khiến người bệnh khó khăn khi di chuyển, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, cần tìm ra nguyên nhân hình thành gai xương để có hướng điều trị phù hợp.
Vậy, gai xương khớp gối hình thành do đâu?
4.1. Do thoái hóa khớp gối
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự phát triển của gai xương là thoái hóa khớp gối. Bệnh thoái hóa khớp làm “ăn mòn” lớp sụn, để lộ đầu xương, kích thích gai xương phát triển.
Căn bệnh này không chỉ thúc đẩy quá trình gai hóa xương đầu gối mà còn phá vỡ toàn bộ cấu trúc khớp gối. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị liệt chi.
Thoái hoá khớp gối – Đâu là nguyên nhân gây bệnh?
4.2. Bệnh viêm khớp tự miễn
Viêm khớp tự miễn, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp là hậu quả của tình trạng rối loạn hệ miễn dịch. Khi tế bào miễn dịch phóng thích ra lượng lớn chất gây viêm tự tấn công chính khớp xương khỏe mạnh. Điều này sẽ gây ra tình trạng viêm tại khớp. Dưới sự bào mòn của các yếu tố gây viêm, sụn và xương dưới sụn sẽ không được như ban đầu. Theo thời gian, xương dưới sụn sẽ hình thành những gai xương để bù đắp cho phần xương đã mất.
4.3. Chấn thương
Một số chấn thương ở vùng đầu gối như: Đứt dây chằng chéo trước, rách sụn chêm, trật khớp bánh chè… làm tăng nguy cơ tổn thương sụn và thoái hóa khớp gối. Khi sụn khớp bị hư hỏng, bệnh thoái hóa khớp gối khởi phát, gai khớp gối sớm muộn sẽ hình thành.
4.4. Tuổi tác
Nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa khớp gối của một người có thể tăng dần theo tuổi tác. Theo thời gian, tuổi càng cao lớp sụn khớp gối sẽ yếu, mỏng, kém linh hoạt và hư hại. Đó là nguyên nhân khiến cho các gai xương hình thành.
4.5. Lối sinh hoạt ít vận động
Vận động thường xuyên giúp dịch khớp lưu thông khắp khớp gối. Bên cạnh đó, vận động còn giúp các khớp vận động linh hoạt, ngăn ngừa thoái hóa khớp, viêm khớp. Do đó, với những người ít vận động, dịch khớp lưu thông không tốt, từ đó khiến khớp gối suy yếu, tăng nguy cơ tổn thương, dễ hình thành gai.
4.6. Thay đổi nội tiết tố
Nguyên nhân này thường thấy ở phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai và giai đoạn mãn kinh. Bởi, khi hormone estrogen thay đổi dễ gây ra các vấn đề về xương khớp, trong đó có gai xương.
4.7. Di truyền
Nếu gia đình bạn có người bị mắc bệnh gai khớp gối thì khả năng bạn cũng bị mắc bệnh này cao hơn người bình thường.
Ngoài ra, thừa cân, béo phì gây áp lực lên khớp gối, làm tổn thương khớp gối cũng là nguyên nhân hình thành gai xương.
5. Đối tượng mắc bệnh gai khớp gối
Thường gặp ở những người lớn tuổi, đặc biệt người già. Ngoài ra bệnh còn có thể gặp ở 1 số đối tượng sau :
– Những người lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều.
– Những người béo phì.
– Những người có tiền sử bị chấn thương khớp như đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi…
Hiện nay, gai khớp gối còn gia tăng ở đối tượng trẻ tuổi. Do lối sống ít vận động và dinh dưỡng kém khoa học. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tàn phế và mất khả năng đi lại.
6. Gai khớp gối có nguy hiểm không?
Gai xương hình thành ở khớp gối tuy không quá nguy hiểm nhưng điều trị khó khăn. Người bệnh cũng khó có thể phục hồi lại như ban đầu. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh gai xương sẽ tiến triển nặng khiến người bệnh đau nhức dữ dội và gặp các biến chứng như sau:
– Tổn thương mô mềm gồm cơ và dây chằng xung quanh.
– Chèn ép lên dây thần kinh kéo theo các cơn tê bì, mất cảm giác ở đầu gối, thậm chí là cẳng chân và bàn chân.
– Các mạch máu xung quanh đầu gối cũng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng khiến máu lưu thông không tốt.
– Đôi khi xảy ra tình trạng tổn thương dây thần kinh đầu gối vĩnh viễn.
7. Phương pháp chẩn đoán gai khớp gối
Chẩn đoán chính xác gai xương khớp gối hình thành do đâu là điều quan trọng giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, với sự tiến bộ của Y học hiện đại, người bệnh được chẩn đoán qua nhiều phương pháp, cụ thể:
7.1. Kiểm tra lâm sàng
Bác sĩ chuyên khoa sẽ sờ, nắn khớp để đánh giá mức độ đau, sưng và yếu cơ do gai xương.
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các động tác co duỗi để kiểm tra phạm vi vận động của khớp gối. Đồng thời, hỏi người bệnh về triệu chứng, tiền sử bệnh để loại trừ yếu tố nguy cơ. Qua đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác hơn, nhanh hơn.
7.2. Chụp X-quang
Phim chụp X-quang giúp bác sĩ nhìn thấy rõ sự hiện diện của gai xương xung quanh khớp gối. Đồng thời, quan sát được kích thước và số lượng của gai xương.
7.3. Chụp cắt lớp CT-scan và MRI
Hình ảnh thu được từ hai kỹ thuật chụp chiếu này cho phép bác sĩ nắm được tất cả những tổn thương ở các tổ chức quanh khớp như dây chằng, gân, cơ…
7.4. Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh
Kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh để biết được gai xương có ảnh hưởng đến dây thần kinh hay không.
Tổng hợp kết quả từ các bước chẩn đoán, bác sĩ sẽ có đủ căn cứ để kết luận tình trạng bệnh, nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất, hiệu quả nhất.
8. Điều trị bệnh gai khớp gối
8.1. Chữa gai khớp gối bằng Tây y
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để xác định tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ hay nặng, sau đó sẽ đưa ra các loại thuốc phù hợp cho tình trạng của bệnh nhân.
Một số loại thuốc thường được bác sĩ dùng để chữa gai khớp gối như sau:
Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau bậc 1 Paracetamol, đôi khi cần chỉ định các thuốc giảm đau bậc 2: Paracetamol phối hợp với Tramadol
Thuốc chống viêm không steroid: một số loại phổ biến như: Piroxicam, Diclofenac, Meloxicam, Etoricoxia.
Tiêm trực tiếp vào khớp: thường dùng Hydrocortison acetat. Tiêm 2- 3 mũi một đợt nhưng không quá 4 mũi một liệu trình, các thuốc này không được tự ý sử dụng mà phải có sự cho phép của bác sĩ.
Thuốc bôi ngoài da: Voltaren Emugel dùng bôi ngoài da 2-3 lần một ngày, hầu hết các loại thuốc bôi ngoài da có ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc uống.
Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Glucosamine sulfate, Acid hyaluronic kết hợp Chondroitin…
8.2. Bài tập vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu vừa hỗ trợ cho các phương pháp điều trị vừa còn rút ngắn thời gian điều trị. Các bài tập đơn giản dưới đây bệnh nhân có thể tự thực hiện tại nhà.
8.2.1. Bài tập co duỗi khớp
Tác dụng: Giúp giảm triệu chứng cứng khớp, đau khớp vào buổi sáng. Cải thiện khả năng vận động, linh hoạt của khớp đầu gối.
Thực hiện:
- Vào buổi sáng nếu có triệu chứng cứng khớp thì có thể nằm trên giường, 2 chân co vừa phải sau đó duỗi thẳng chân phải một cách nhẹ nhàng, sau đó tới chân trái.
- Cứ thay đổi luân phiên như vậy. Tập bài tập này mỗi buổi sáng 15-20 phút sẽ có hiệu quả bất ngờ bạn nhé.
8.2.2. Bài tập nâng chân
Tác dụng: Giảm sự co thắt của gân kheo, từ đó giảm đau nhức khớp gối.
Thực hiện: Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Sau đó hai tay nắm lấy bắp chân phải và kéo về trước ngực, giữ tư thế này trong 30 giây rồi thả chân phải xuống. Làm tương tự với chân còn lại. Thực hiện bài tập này ít nhất 10 lần/ ngày.
8.2.3. Bài tập kéo giãn cơ vùng trước đùi
Tác dụng: Hỗ trợ trị gai khớp gối, cải thiện tình trạng đau nhức, sưng viêm.
Thực hiện:
- Đứng thẳng người, hai chân rộng bằng vai. Lấy 1 tay nắm lấy bàn chân và kéo gập ra phía sau chạm vào mông, 1 tay còn lại thì đẩy vào tường. Làm tương tự với chân còn lại.
- Thực hiện bài tập này trong khoảng 30 giây. Một ngày thực hiện ít nhất 3 lần.
Ngoài ra tùy theo mức độ và mật độ của gai xương mà bác sĩ có thể thực hiện song song với các phương pháp khác như kích thích điện trị liệu, siêu âm trị liệu, hồng ngoại trị liệu,…
>>>Xem thêm: Thử ngay 12 bài tập giảm đau khớp gối – Cực dễ thực hiện, giúp giảm đau hiệu quả
8.3. Bài thuốc chữa gai khớp gối từ dân gian
8.3.1. Bài thuốc từ nghệ
Sở dĩ nghệ tươi được sử dụng điều trị gai khớp gối và các bệnh lý xương khớp khác vì hoạt chất curcumin có trong dược liệu này. Đây là hoạt chất chống viêm, ngăn chặn và tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, thành phần này còn có khả năng phục hồi những mô sụn bị tổn thương, tái tạo dịch nhầy và giảm kích thước và làm đều bề mặt xương.
Nghệ tươi còn là thảo dược giúp tăng cường hệ miễn dịch nhờ vào những khoáng chất và vitamin có trong đó, giúp người bệnh khỏe mạnh và hạn chế được các cơn đau nhức xương khớp từ bệnh lý này.
Cách làm:
- Dùng 2 muỗng bột nghệ đánh đều với lòng đỏ trứng
- Tiếp tục thêm 1 muỗng dầu dừa vào hỗn hợp
- Nên dùng ngay tránh để lâu khiến trứng gà có mùi tanh khó uống
Người bệnh nên dùng bài thuốc này 1 lần/ ngày, dùng trước khi ăn khoảng 30 phút. Nếu trường hợp bệnh nhẹ, chỉ sau khoảng 10 ngày thực hiện, các triệu chứng của bệnh hầu như biến mất hoàn toàn.
8.3.2. Bài thuốc từ cây đinh lăng
Đinh lăng là vị thuốc quen thuộc trong các bài thuốc chữa đau nhức xương khớp. Thảo dược này không chỉ tái tạo và phục hồi tế bào xương mà còn tăng cường lưu thông máu, cải thiện gân cốt, giảm chèn ép lên dây thần kinh. Bài thuốc từ cây đinh lăng giúp người bệnh giảm cơn đau nhanh chóng vì tác động đến toàn bộ các cơ quan bệnh ảnh hưởng.
Các triệu chứng như đau khớp gối, tê bì bắp chân, ngón chân,… sẽ nhanh chóng được cải thiện nếu người bệnh kiên trì sử dụng bài thuốc này.
Cách làm:
- Dùng 40gr rễ đinh lăng tươi, rửa sạch và cắt khúc
- Đem nấu với 2 lít nước cho đến khi nước còn 1 nửa
- Chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong một ngày
Rễ đinh lăng không độc, lành tính nên người bệnh có thể sử dụng trong thời gian dài cho đến khi bệnh thuyên giảm hẳn. Trong trường hợp gai quá lớn gây biến dạng khớp, người bệnh nên kết hợp nhiều cách điều trị để giảm kích thước gai tránh dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm.
8.3.3. Bài thuốc từ hạt mè đen
Hạt mè đen không chỉ được sử dụng trong chế biến món ăn giàu dinh dưỡng mà còn được tận dụng để điều trị gai khớp gối. Hạt mè có chứa nhiều acid béo và các thành phần chống lão hóa, bài thuốc từ hạt mè đen giúp khớp gối sản sinh dịch nhầy, tái tạo lại mô sụn, hạn chế ma sát giữa hai đầu xương khi vận động.
Hạt mè đen còn chứa magie và canxi, rất tốt trong việc làm dày mật độ xương, tăng độ chắc khỏe và cứng cáp cho xương, hạn chế tối đa tổn thương lên khớp gối khi vận động.
Cách làm:
- Cho 100g mè đen rang với lửa nhỏ
- Khi mè dậy mùi thì tắt và đem giã nhuyễn
- Ngâm mè với 1 lít rượu
Mỗi lần dùng một chén nhỏ khoảng 10ml, dùng 2 lần một ngày nếu triệu chứng của bệnh xuất hiện dày đặc. Nếu bệnh nhẹ và có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh chỉ uống 1 ly để duy trì khả năng tái tạo của xương.
>>> Đọc ngay 10+ bài thuốc chữa đau khớp gối bằng thảo dược – Dễ thực hiện tại nhà
8.4. Phẫu thuật khớp gối
Nếu gai xương chèn ép dây thần kinh và các mô mềm quanh khớp, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật khớp gối để loại bỏ các gai xương. Đồng thời, phẫu thuật sửa chữa phần sụn bị hư hỏng, tái tạo khớp gối.
Các phương pháp phẫu thuật phổ biến được áp dụng là:
- Phẫu thuật nội soi khớp: Phương pháp ít xâm lấn, không gây đau đớn cho người bệnh.’
- Phẫu thuật thay khớp gối: Phương pháp ít được chỉ định, thường áp dụng cho những trường hợp nghiêm trọng, phải thay khớp để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ áp dụng cho những bệnh nhân gai khớp gối do thoái hóa nặng. Dù đã áp dụng các phương pháp điều trị trên nhưng không hiệu quả. Lúc này, bác sĩ bắt buộc phải phẫu thuật.
9. Gai khớp gối nên ăn gì và kiêng gì?
Để khắc phục tình trạng khớp gối, bên cạnh phương pháp điều trị, mỗi người bệnh cũng cần chú ý chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc “gai khớp gối nên ăn gì, kiêng gì”.
9.1. Gai khớp gối nên ăn gì?
Người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho xương khớp như:
– Bổ sung các loại hạt, đậu, cá hồi, phô mai, sữa…. chứa nhiều canxi. Đây là dưỡng chất tốt cho xương khớp giúp phục hồi nhanh chóng những tổn thương xương, kìm hãm sự phát triển gai xương.
– Ăn bưởi, chanh, dâu tây, cà chua… thực phẩm giàu vitamin C giúp cơ thể kích thích sản sinh collagen – thành phần hình thành sụn khớp.
– Tăng cường bổ sung rau xanh, nhất là những rau xanh đậm chứa nhiều vitamin, chất xơ giúp cơ thể chống lại sự viêm nhiễm hình thành gai xương.
– Thiếu hụt vitamin D khiến xương mỏng, dễ giòn và có nguy cơ biến dạng. Vì vậy, hãy bổ sung những thực phẩm giàu vitamin D như ngũ cốc, nấm, lòng đỏ trứng, tôm, hàu…
– Ăn những thực phẩm giàu omega-3 như hạt lanh, đậu hà lan, quả óc chó… cũng góp phần làm nhẹ cơn đau gai khớp gối. Đồng thời, hỗ trợ giảm viêm, cải thiện khả năng vận động khớp.
9.2. Gai khớp gối kiêng ăn gì?
– Người bệnh nên hạn chế sử dụng thịt đỏ, nội tạng động vật. Bởi, đây chính là thủ phạm khiến tình trạng viêm, suy giảm canxi trong xương khớp diễn ra trầm trọng.
– Hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.
– Đồ ăn mặn làm tăng giữ nước trong tế bào, gây sưng, viêm tại khớp gối. Vì vậy, người bị gai khớp gối nên hạn chế thực phẩm mặn.
– Người bệnh cũng nên hạn chế đồ uống có cồn, nước có ga.
10. Cách phòng ngừa gai xương khớp gối
Để hạn chế nguy cơ mắc phải bệnh lý gai xương, trong đó có gai xương khớp gối, người bệnh cần lưu ý những biện pháp phòng ngừa sau:
- Hạn chế gây áp lực và vận động mạnh lên khớp gối.
- Tập thể dục đều đặn với cường độ hợp lý để gia tăng sức khỏe cho khớp đầu gối.
- Khởi động thật kỹ, đúng cách trước khi tập luyện thể dục hoặc chơi môn thể thao nào.
- Duy trì trọng lượng cơ thể, tránh tăng cân quá mức.
- Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống lành mạnh với những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp.
- Không nên ngồi quá lâu một chỗ hoặc giữ tư thế ngồi đúng, tránh chèn ép nhiều lên khớp gối.
- Tránh những chấn thương ảnh hưởng tới khớp gối như gãy xương, trật khớp hay giãn dây chằng khớp gối.
- Giữ thái độ tích cực, tránh căng thẳng kéo dài.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần biết, bổ ích về bệnh gai xương khớp gối. Nếu đang gặp tình trạng này, hãy thăm khám sức khỏe thường xuyên và áp dụng các biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nếu còn băn khoăn nào về bệnh, vui lòng liên hệ Hotline 0343 44 66 99 để được hỗ trợ tư vấn.
XEM THÊM:
- Đau khớp gối ở người trẻ – Chuyên gia lý giải nguyên nhân khiến nhiều người bất ngờ
- 18 thuốc hỗ trợ trị đau khớp gối của Mỹ – Sản phẩm đang được nhiều người tin dùng nhất hiện nay
- Vật lý trị liệu cứng khớp gối có hiệu quả không? – Nhiều thông tin bổ ích cho người bệnh
Tham Vấn Y Khoa
Dược sĩ Hoàng Mạnh CườngTốt nghiệp đại học dược Hà Nội, dược sĩ Hoàng Mạnh Cường hiện đang phụ trách chuyên môn R&D của Dược Phẩm Tâm Bình. Với nhiều kinh nghiệm trong ngành dược lâm sàng, pháp chế dược và đặc biệt là Dược cổ truyền, dược sĩ Cường sẽ đưa đến cho quý độc giả những kiến thức Y dược được cập nhật mới nhất một cách nhanh chóng và đáng tin cậy - Góp phần nâng cao nhận thức và thông tin sức khoẻ cho cộng đồng.
Bị gai khớp gối có được đạp xe hoặc bơi lội không ạ?
Chào bạn, thể trạng cơ thể và tình trạng bệnh lý mà người bệnh có thể lựa chọn bài tập phù hợp hỗ trợ quá trình cải thiện và tránh ảnh hưởng đến bệnh lý. Đạp xe và bơi lội đều là những bài tập cần cử động mạnh tại khớp gối và cường độ tập luyện cao, bạn có thể duy trì các bài tập như co duỗi, nâng chân, kéo giãn cơ đùi…như bài viết có chia sẻ. Hoặc có thể đạp xe, bơi lội nhẹ nhàng để theo dõi cơ thể, trong quá trình luyện tập, nếu thấy ổ khớp có triệu chứng bất thường, cảm giác sưng, đau trở nặng hơn thì cần tạm dừng việc tập luyện và đến ngay cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra.
Chúc bạn sức khỏe!