Loãng xương là một trong những bệnh lý xương khớp đang ngày càng phổ biến. Khi mắc phải căn bệnh này, nhiều người sẽ phải đối mặt với nguy cơ gãy xương do xương lúc này giòn, xốp và mỏng manh hơn. Hãy cùng chuyên gia của chúng tôi tìm hiểu về dấu hiệu, nguyên nhân và hướng xử lý trong bài viết dưới đây.
1. Loãng xương là gì?
Xương là mô sống. Trong xương quá trình phá hủy xương và tạo mới mô xương liên tục diễn ra. Loãng xương là tình trạng mô xương mới được tạo ra không theo kịp với sự mất đi của các mô xương cũ. Nó gây mất “độ đặc” bình thường của xương, khiến xương trở nên xốp, yếu và dễ gãy hơn.
Tất cả các xương đều có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Nhưng các xương chịu ảnh hưởng lớn nhất thường là xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay, xương hông. Xương cột sống và xương đùi thường phải phẫu thuật tốn kém về chi phí.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, trung bình 1 trong 3 phụ nữ và 1 trong 8 đàn ông trên 50 tuổi bị loãng xương. Ước tính có 2,5 triệu người Việt mắc phải căn bệnh này và trên 150.000 người bị gãy xương do loãng xương. Dự báo đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng 4,5 triệu người mắc phải căn bệnh này.
2. Phân loại
Việc phân loại loãng xương sẽ giúp cho bác sĩ lựa chọn được phương án điều trị thích hợp. Bởi mỗi loại sẽ biểu hiện mức độ nghiêm trọng, khả năng biến chứng khác nhau.
2.1. Loãng xương nguyên phát
Bệnh xảy ra trong trường hợp này xuất phát từ quá trình tự thân của cơ thể, là sự lão hóa từ tạo cốt bào. Điều này gây mất cân bằng giữa tế bào xương mới được tạo thành với tế bào xương bị hủy, làm giảm mật độ xương. Nó thường xảy ra ở người cao tuổi và phụ nữ mãn kinh. Quá trình lão hóa và mãn kinh là tiến trình không thể đảo ngược, nó diễn ra theo quy luật tự nhiên.
Loãng xương nguyên phát bao gồm:
• Loãng xương type 1 (Sau mãn kinh): Xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 50 – 55 và phụ nữ đã mãn kinh. Nguyên nhân là do ở độ tuổi này estrogen, hormone tuyến cận giáp suy giảm và tăng thải canxi niệu.
• Loãng xương type 2 (Do tuổi già): Tình trạng này ảnh hưởng tới cả nam và nữ, đặc biệt là người từ 70 tuổi trở lên.
2.2. Loãng xương thứ phát
Trong trường hợp này, bệnh khởi phát do thói quen xấu trong sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện, sử dụng thuốc như: Thuốc lợi tiểu, corticoid… Tình trạng này cũng có thể là hậu quả của các bệnh lý khác. Có thể kể đến như: Bệnh cường giáp, tiểu đường, gan mạn tính, viêm khớp dạng thấp…
3. Dấu hiệu loãng xương
Giai đoạn đầu, triệu chứng loãng xương thường không rõ rệt. Bệnh thường diễn biến âm thầm khiến người bệnh không biết mình bị loãng xương. Thường bệnh chỉ được phát hiện khi khám bệnh định kỳ hoặc người bệnh bị chấn thương gãy xương.
Tuy nhiên vẫn có một số biểu hiện giúp nhận diện tình trạng này:
- Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể thường xuyên như: Cột sống, xương hông, đau đầu gối… Các cơn đau thường kéo dài, lặp đi lặp lại. Đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.
- Đau nhức ở đầu xương: Cảm giác đau ở vùng đầu xương, mỏi dọc các xương dài. Đôi khi cảm giác như bị kim châm chích toàn thân.
- Khó cúi người, xoay người, gập người hay bất ngờ thay đổi tư thế. Do các cơn đau gây ảnh hưởng tới dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh tọa, thần kinh đùi.
- Giảm chiều cao, dáng đi khom lưng, gù lưng.
- Rất dễ bị gãy xương ngay cả khi va chạm nhẹ, thậm chí là do hắt hơi mạnh hoặc ho.
- Tụt lợi
- Móng tay mỏng, yếu, dễ gãy
- Đối với người cao tuổi, bệnh có thể đi kèm với các triệu chứng của cao huyết áp, giãn tĩnh mạch…
4. Nguyên nhân gây loãng xương
Có nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Chúng bao gồm những tác động từ chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện của bản thân và cả những yếu tố bên ngoài.
4.1. Loãng xương do quá trình lão hóa của cơ thể
Trong cơ thể liên tục diễn ra quá trình tạo xương và hủy xương. Khi còn trẻ, quá trình tạo xương “thắng thế” nên khối lượng xương tăng lên. Sau 30 tuổi, tốc độ tăng khối lượng xương chậm lại. Độ tuổi càng cao, đặc biệt là người lớn tuổi, quá trình hủy xương diễn ra mạnh mẽ hơn. Khi đó khối lượng xương dần giảm sút dẫn tới hiện tượng loãng xương.
Phần lớn mọi người đạt khối lượng xương tối đa khi 30 tuổi. Khối lượng xương tối đa phụ thuộc vào yếu tố di truyền và chủng tộc. Thông thường người có khối lượng xương tối đa càng cao thì càng có ít nguy cơ mắc loãng xương khi già.
4.2. Suy giảm nội tiết tố
Nội tiết tố giới tính đóng vai trò quan trọng đối với xương khớp. Khi nồng độ estrogen ở nữ giới suy giảm, thường là trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ gây mất xương. Trong khi đó, nồng độ testosterone thấp có khả năng gây ra căn bệnh này ở nam giới. Việc suy giảm testosterone có thể xảy ra do tuổi tác hoặc áp dụng các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Nồng độ testosterone thấp gây loãng xương ở nam giới
4.3. Loãng xương do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc nếu dùng với hàm lượng lớn, trong thời gian dài có thể gây ra căn bệnh này. Các loại thuốc có thể kể đến là: Corticoid, heparin, thuốc lợi tiểu,… Trong đó, corticoid ức chế quá trình hấp thụ canxi ở ruột và thúc đẩy đào thải canxi qua thận tăng tốc độ phân hủy xương. Do đó, nó ảnh hưởng đến cấu trúc xương.
4.4. Biến chứng của một số bệnh lý khác
Đôi khi loãng xương có thể là biến chứng của một số căn bệnh khác. Do đó, người bệnh cần cẩn trọng khi mắc phải một trong số những bệnh lý như: Cường giáp, tiểu đường, gan mạn tính, bệnh thận, viêm khớp dạng thấp…
4.5. Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi
Sự mất cân bằng trong chế độ dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Trong bữa ăn hàng ngày nếu thiếu đi các loại thực phẩm chứa canxi và vitamin D. Điều này sẽ khiến xương không được cung cấp đủ dưỡng chất, thiếu “nguyên liệu” cho quá trình tạo xương.
Ngoài ra, việc phẫu thuật giảm kích thước dạ dày hoặc cắt bỏ một phần ruột cũng khiến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, bao gồm cả canxi. Vì lúc này diện tích bề mặt hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể bị giảm.
4.6. Ít vận động
Một trong những thói quen xấu của nhiều người trong xã hội hiện đại là ngại vận động trong sinh hoạt hàng ngày cũng như tập thể thao. Hạn chế vận động sẽ làm tăng nguy cơ mất canxi trong xương. Thêm vào đó, sự dẻo dai cùng sức mạnh cơ bắp cũng giảm sút, ảnh hưởng tới sức khỏe của xương.
5. Đối tượng có nguy cơ loãng xương
Bất kỳ ai đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, một số đối tượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
- Người cao tuổi: Loãng xương ở người cao tuổi là tình trạng phổ biến
- Phụ nữ mãn kinh: Thời kỳ mãn kinh từ 45 – 55 tuổi khiến phụ nữ mất xương nhanh hơn so với nam giới cùng độ tuổi.
- Phụ nữ đã cắt bỏ buồng trứng, đặc biệt là phẫu thuật cắt buồng trứng trước 40 tuổi.
- Chủng tộc: Người da trắng, gốc Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Người gầy, khung xương nhỏ: Khối lượng xương ít sẽ có nguy cơ cao bị mất xương khi già đi.
- Người có người thân trong gia đình từng mắc bệnh
- Bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp, bệnh nội tiết, gan, thận
- Sử dụng thuốc corticoid, thuốc lợi tiểu, heparin… trong thời gian dài
- Người nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
6. Loãng xương có nguy hiểm không?
Loãng xương nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như:
- Gãy xương: Xương của người bệnh rất dễ gãy, thậm chí chỉ cần va chạm nhẹ, ho, hắt hơi cũng có thể gây gãy xương. Gãy xương đặc biệt nguy hiểm khi là cột sống hoặc hông. Gãy xương hông có thể dẫn tới tàn tật cũng như tăng nguy cơ tử vong trong năm đầu tiên gãy xương. Đặc biệt, ở người già, việc phải nằm yên trong thời gian dài để điều trị gãy xương hông có thể dẫn tới, tàn tật, loét, hoại tử da, hình thành các cục máu đông, viêm phổi… Trong khi đó, gãy xương cột sống là một tình trạng cấp tính, gây biến chứng vô cùng nặng nề như liệt chi dưới, liệt toàn thân, biến dạng cột sống.
- Lún, xẹp đốt sống: Biến chứng này có thể khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, gây đau nhức, vận động khó khăn. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, liệt và tàn phế suốt đời.
- Tàn phế: Mất khả năng vận động thông thường, phải phụ thuộc vào người khác.
7. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, giai đoạn đầu bệnh có thể không biểu hiện thành triệu chứng. Vì vậy hãy tới gặp bác sĩ nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ loãng xương.
8. Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ cần tiến hành một số phương pháp giúp chẩn đoán chính xác bệnh. Bạn có thể được chỉ định thực hiện một số hoặc tất cả các biện pháp chẩn đoán dưới đây:
- Khám lâm sàng: Xem xét các biểu hiện bên ngoài, hỏi về tiền sử bệnh, loại thuốc đang dùng. Bác sĩ sẽ xem xét về các yếu tố rủi ro có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như: phụ nữ tuổi mãn kinh, tiền sử gia đình, thói quen xấu trong sinh hoạt, ăn uống. Bác sĩ cũng có thể đo chiều cao, kiểm tra cột sống, dáng đi của bạn.
- Chẩn đoán hình ảnh: Phương pháp chẩn đoán chụp X-quang sẽ cung cấp hình ảnh đốt sống tăng thấu quang và mất cấu trúc bè xương, biến dạng thân đốt sống. Đối với các xương dài hình ảnh sẽ là giảm độ dày thân xương khiến ống tủy rộng hơn bình thường. Ngoài ra, chụp MRI, chụp CT cũng sẽ được thực hiện ở cột sống hoặc cổ xương đùi.
- Đo mật độ xương (BMD): Đây là cách đo loãng xương khi xác định được hàm lượng canxi, khoáng chất có trong xương. Xét nghiệm không xâm lấn này thường được thực hiện ở xương hông, cột sống, cẳng tay. Khi so sánh với kết quả bình thường, bác sĩ sẽ biết được liệu bạn có đang bị mất xương hay không. Thông thường, kết quả BMD của người bệnh sẽ được so sánh với BMD của người trong độ tuổi từ 25 – 35 khỏe mạnh, cùng giới tính, cùng dân tộc.
- Xét nghiệm máu, nước tiểu: Kiểm tra hàm lượng nội tiết tố, tìm kiếm nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
9. Điều trị bệnh loãng xương
Mục tiêu điều trị là tăng cường khối lượng xương, giảm hủy xương. Từ đó ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra do loãng xương. Thông thường quá trình chữa trị sẽ kéo dài khoảng 3 – 5 năm. Sau 1 – 2 năm điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành đo lại mật độ xương để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh phác đồ nếu cần. Đối với trường hợp người bị loãng xương bị biến chứng gãy xương, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị gãy xương. Cụ thể là: Đeo nẹp, bơm xi măng vào thân đốt sống, thay đối sống nhân tạo…
9.1. Thuốc Tây trị loãng xương
Loãng xương uống thuốc gì là mối băn khoăn chung của người bệnh. Các loại thuốc có thể được chỉ định để chữa bệnh loãng xương như:
- Nhóm thuốc Bisphosphonates: Thuốc có dạng uống và dạng tiêm bao gồm Alendronat, Ibandronate… giúp ngăn chặn sự mất xương
- Thuốc tác dụng kép Strontium ranelate: Tác dụng kép được đề cập tới ở đây chính là khả năng vừa kích thích tạo xương vừa ức chế hủy xương. Thuốc được kê cho đối tượng chống chỉ định hoặc không dung nạp Bisphosphonates.
- Thuốc Calcitonin: Được dùng dưới dạng xịt qua niêm mạc mũi hoặc tiêm dưới da. Nó được chỉ định cho phụ nữ đã mãn kinh ít nhất 5 năm để giúp giảm gãy xương sống.
- Liệu pháp hormone: Việc tăng cường estrogen đối với nữ giới trong và sau thời kỳ mãn kinh sẽ giúp ngăn chặn quá trình hủy xương. Tương tự việc bổ sung testosterone ở nam cũng giúp tăng tạo xương. Tuy nhiên, việc bổ sung hormone dạng này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ như: Lạm dụng sẽ làm mất khả năng nội sinh của cơ thể, tăng khả năng mắc bệnh tim và đông máu.
- Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa: Deca Durabolin, Durabolin… Loại thuốc này thường được dùng phối hợp với các loại thuốc và phương pháp khác trong trường hợp cần thiết.
- Viên uống bổ sung canxi và vitamin D: Giúp bù đắp lượng canxi, vitamin D thiếu hụt. Theo khuyến cáo, lượng canxi cơ thể cần mỗi ngày là từ 1.000 – 1.200mg, lượng vitmain D là từ 400 – 800IU/ngày.
9.2. Điều trị loãng xương bằng Đông y
Đông y cho rằng, loãng xương xảy ra do một trong 3 tạng là can, thận, tỳ suy yếu. Đông y chia loãng xương ra thành các thể. Ứng với mỗi thể có các bài thuốc khác nhau. Để xác định chính xác bài thuốc phù hợp với bản thân hãy tới các cơ sở khám chữa bệnh đông y uy tín để được chẩn bệnh và bốc thuốc. Dưới đây là các bài thuốc cơ bản:
- Bài thuốc Hữu quy hoàn trị thể thận dương hư.
- Bài thuốc Lục vị địa hoàng trị thể thận âm hư.
- Bài thuốc Tứ quân tử thang gia giảm trị thể tỳ vị hư nhược.
- Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh thang trị thể can thận âm hư, phong thấp xâm nhập.
- Bài thuốc Bổ âm thang trị thể âm dương câu hư.
9.3. Bài tập dành cho bệnh nhân loãng xương
Một số bài tập có thể cải thiện sức mạnh của xương, đặc biệt là các bài tập về sức nặng. Chúng sẽ kích thích cơ thể sản sinh mô xương mới đồng thời tăng cường sức mạnh cơ để hỗ trợ xương. Lưu ý là khởi động 15 phút trước khi tập. Các môn thể thao được gợi ý là: Đi bộ, bơi, yoga,… Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm ra bài tập, môn thể thao phù hợp.
Dưới đây là một số bài tập tham khảo.
Bài tập cúi người về phía trước
Bài tập này giúp giãn gân, cơ, tăng độ linh hoạt cho khớp xương. Nó cũng giúp giảm bớt các cơn đau nhức ở lưng và đầu gối.
- Ngồi thẳng trên sàn, hai chân duỗi thẳng.
- Từ từ vươn người ra phía trước cho tới khi hai tay chạm vào mũi chân. Giữ nguyên tư thế trong 10 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
Tư thế cái cây
Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho vùng xương sống, xương chậu, xương hông.
- Đứng thẳng người. Chắp lòng bàn tay vào nhau để trước ngực.
- Co chân trái, lòng bàn chân đặt vào đùi. Giữ tư thế trong 5 giây.
- Sau đó trở về tư thế ban đầu. Lặp lại với chân phải.
Tư thế chim bồ câu
Động tác này giúp tăng cường lưu thông máu đồng thời giãn cơ.
- Ngồi thẳng lưng. Chân phải gập, tạo góc 90 độ so với lưng.
- Ưỡn ngực, hai tay giơ lên cao. Duỗi thẳng chân trái ra sau, mu bàn chân áp sát mặt sàn. Giữ nguyên tư thế trong 10 giây sau đó về tư thế ban đầu.
9.4. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ
Khi bị loãng xương người bệnh sẽ rất dễ bị gãy xương ngay cả đối với những va chạm nhẹ trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, để đề phòng biến chứng gãy xương do loãng xương, người bệnh có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Người cao tuổi có thể dùng gậy chống, khung tập đi, mang giày đế thấp, độ ma sát tốt để tránh trơn trượt.
Thêm vào đó, để tránh vấp ngã, hãy thu dọn các chướng ngại vật, đảm bảo phòng đầy đủ ánh sáng, lắp đặt các thanh vịn trong phòng tắm và những chỗ cần thiết trong nhà. Người bệnh cũng nên thận trọng khi dùng các loại thuốc có tác dụng phụ là gây hoa mắt, chóng mặt. Hãy hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc.
9.5. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Người bị loãng xương cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để hỗ trợ tốt cho quá trifnhd điều trị và dự phòng biến chứng. Bữa ăn cần đảm bảo đủ lượng vitamin, khoáng chất, canxi. Bổ sung trái cây, rau xanh, cá béo, sữa… Người bệnh, đặc biệt là người lớn tuổi thường ăn kém nên có thể chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa trong ngày.
10. Cách phòng tránh
Trong các nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ có những thứ mà bản thân người bệnh không thể tác động hay kiểm soát được. Tuy nhiên có những điều mà bạn có thể làm để phòng tránh căn bệnh này.
- Xây dựng bữa ăn đủ dinh dưỡng, đặc biệt cần bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, magie như: Sữa và các chế phẩm từ sữa, cá béo, rau màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt… Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, nội tạng động vật. Không uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Giữ cân nặng ở mức cho phép, không để thừa cân, béo phí nhưng cũng không được để cơ thể quá gầy.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức. Tập thể dục ngoài trời trong khoảng thời gian từ 6 – 9 giờ sáng là cách tăng cường vitamin D tốt.
- Tích cực điều trị các bệnh lý khác có nguy cơ gây loãng xương.
- Sử dụng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ. Không được lạm dụng thuốc.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo mật độ xương nếu nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Những thông tin trong bài đã mang tới những hiểu biết cơ bản về căn bệnh này để có thể nhận diện và phòng tránh hiệu quả. Nếu cần thêm thông tin hãy liên hệ với chuyên gia của chúng tôi qua tổng đài 0343 44 66 99.
XEM THÊM
- Cách sử dụng thuốc canxi cho người bị gãy xương
- Top 15 thuốc trị loãng xương và những lưu ý khi sử dụng
- Điều trị loãng xương bằng đông y cần lưu ý những gì
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Bạn muốn biết gì về bệnh loãng xương?
https://www.healthline.com/health/osteoporosis - Loãng xương
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoporosis/symptoms-causes/syc-20351968 - Thuốc điều trị loãng xương
https://www.webmd.com/osteoporosis/what-to-know-about-osteoporosis-meds
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.
Khi điều trị thì bệnh nhân có cần phải hạn chế vận động mạnh hay các thể dục vận động tay chân để giúp điều trị tốt hơn hay vận động như bình thường để điều trị tốt hơn bệnh loãng xương ạk
Chào bạn, loãng xương là bệnh lý dẫn đến đến biến chứng gãy xương, đặc biệt ở người già. Vì thế khi tập luyện, bạn nên chú ý vận động nhẹ nhàng vừa sức bạn nhé.