Một trong những cách điều trị viêm bao hoạt dịch là dùng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh phải nắm rõ loại thuốc, tác dụng và những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm bao hoạt dịch.
1. Tác dụng của thuốc điều trị viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng túi chứa chất lỏng tại khớp bị viêm gây đau, sưng, cứng khớp, cử động khó khăn, nhiều trường hợp đi kèm với sốt. Các vị trí thường gặp là viêm bao hoạt dịch khớp vai, viêm bao hoạt dịch khớp gối, viêm bao hoạt dịch cổ tay… Nguyên nhân của căn bệnh này có thể là do chấn thương, hệ quả của các bệnh lý mạn tính, đặc thù công việc, nhiễm trùng…
Để giảm bớt triệu chứng cũng như giải quyết căn nguyên gây bệnh, thuốc điều trị viêm bao hoạt dịch sẽ được chỉ định. Các loại thuốc mang đến những tác dụng như:
- Giảm bớt các cơn đau nhức tại khớp.
- Giảm sưng, đỏ khớp
- Giảm cứng khớp
- Tiêu diệt vi khuẩn trong trường hợp bị viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng.
- Giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Thuốc có thể được sử dụng độc lập hoặc cũng có thể dùng kết hợp với các phương pháp khác để đem lại hiệu quả.
Viêm bao hoạt dịch khớp có những triệu chứng gì?
2. Tìm hiểu các loại thuốc điều trị viêm bao hoạt dịch
Thuốc sẽ được kê tùy thuộc vào phác đồ điều trị viêm bao hoạt dịch mà bác sĩ lựa chọn. Dưới đây là một số loại thuốc mà bạn có thể tham khảo:
2.1. Thuốc chống viêm không steroid NSAID
Loại thuốc điều trị viêm bao hoạt dịch này giúp giảm tình trạng viêm, từ đó giúp giảm đau.
Thuốc phổ biến: Ibuprofen, naproxen, celecoxib…
Tác dụng phụ: Một số loại NSAID có thể gây ảnh hưởng tới quá trình đông máu. Ngoài ra, NSAID có thể ảnh hưởng xấu tới đường tiêu hóa. Các vấn đề có thể gặp phải là đau dạ dày, loét dạ dày. Thậm chí trường hợp nặng có thể xuất huyết đường tiêu hóa…
2.2. Thuốc corticosteroid
Tiêm corticosteroid là một trong những phương pháp được lựa chọn cho trường hợp viêm đau nặng mà NSAID không phát huy hiệu quả. Trước khi tiêm bác sĩ có thể hút bớt dịch ra khỏi bao hoạt dịch. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được khuyến cáo điều trị ngắn hạn.
Thuốc phổ biến: methylprednisolone, cortisone…
Tác dụng phụ: Đau, đỏ tại vị trí tiêm.
2.3. Thuốc bôi ngoài da
Thuốc có dạng gel hoặc dạng kem. Thuốc bôi trực tiếp ngoài da vào vùng bị viêm bao hoạt dịch. Việc sử dụng thuốc dạng này sẽ tránh được ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa so với dùng thuốc uống.
Tác dụng phụ: Nóng, rát, kích ứng nhẹ ở vùng da bôi thuốc.
2.4. Thuốc kháng sinh
Thuốc được chỉ định cho những trường hợp bị viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng. Thuốc có dạng uống và dạng tiêm. Đôi khi người bệnh phải nhập viện để được tiêm tĩnh mạch thuốc kháng sinh mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tác dụng phụ: Đau dạ dày, tiêu chảy, chán ăn…
2.5. Hoạt chất bổ sung
Một số hoạt chất bổ sung có thể giúp hỗ trợ làm giảm triệu chứng cũng như kích thích quá trình tự làm lành tổn thương. Điển hình như bổ sung omega-3. Loại axít béo này tham gia vào quá trình điều hòa miễn dịch, thúc đẩy cơ chế giảm viêm. Sử dụng omega-3 trong thời gian dài được cho là giúp giảm sự phụ thuộc vào NSAID trong các trường hợp bệnh xương khớp.
3. Một số lưu ý
Quá trình sử dụng thuốc cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thông báo với bác sĩ về những loại thuốc đang sử dụng, tình trạng bệnh lý khác đang gặp phải. Điều này sẽ giúp bạn tránh tương tác thuốc.
- Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Giữ đúng liều lượng và thời gian quy định. Không tự ý ngưng liều, tăng liều.
- Khi dùng thuốc nếu cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường hãy ngưng ngay và báo cho bác sĩ.
- Tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá được hiệu quả điều trị. Bác sĩ có thể thay đổi thuốc trong trường hợp thuốc không đạt kết quả như mong đợi, dị ứng, tác dụng phụ của thuốc quá mạnh.
- Song song với việc sử dụng thuốc người bệnh cũng cần duy trì một lối sống khoa học. Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, omega-3. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu bia.
Những loại thuốc điều trị viêm bao hoạt dịch trong bài chỉ mang tính tham khảo. Bác sĩ điều trị sẽ là người quyết định loại thuốc nào phù hợp với bạn. Nếu cần thêm thông tin về các vấn đề có liên quan tới xương khớp hãy chat trực tiếp.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Nguyễn Minh HoàngTốt nghiệp Thạc sỹ Dược tại Vương quốc Anh, được truyền niềm đam mê với sự nghiệp “làm thuốc cứu người” từ truyền thống gia đình, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng hiện là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa y học truyền thống cùng kiến thức y học hiện đại trong nước và quốc tế, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng sẽ đem tới những thông tin y dược đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.