Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là rối loạn mỡ máu. Sử dụng thuốc lá thường xuyên làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch gây ra các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 10 tác hại của thuốc lá với mỡ máu, tim mạch thường gặp nhất.
1. Tổng quan về tác hại của thuốc lá
Trong thuốc lá chứa nhiều độc tố gây hại cho cơ thể như: nicotin, hắc ín, formaldehyde, cyanid…
Trong đó, nicotin là một chất có khả năng gây nghiện rất cao. Một khi đã nghiện thuốc lá, con người sẽ luôn bị phụ thuộc về cả thể chất lẫn tâm lý. Độc tố hắc ín gây ra nhiều bệnh và khiến phổi cũng như các cơ quan khác bị tổn thương.
Người hút thuốc lá dễ mắc phải các bệnh lý về tim, gan, phổi… Nguy cơ tăng cao khi số lượng thuốc lá hút vào càng lớn. Một số bệnh ung thư liên quan đến thuốc lá có thể kể đến như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư bàng quang…
Thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút chúng mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh khi phải trực tiếp ngửi khói thuốc hàng ngày. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, trong tổng số 7 triệu người chết vì thuốc lá có khoảng 890.000 người không trực tiếp hút thuốc lá mà chỉ tiếp xúc với khói thuốc.
Hút thuốc lá có thể gây sảy thai, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sinh non, nhẹ cân và tử vong ở thai nhi.
2. Tác hại của thuốc lá với sức khỏe tim mạch như thế nào?
Hút thuốc ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tim mạch, bao gồm tim, máu và các mạch máu. Dưới đây là một số bệnh lý nguy cơ có thể xảy ra:
2.1 Hút nhiều thuốc lá có thể khiến mỡ máu tăng cao
Thuốc lá có thể làm tăng nồng độ mỡ xấu LDL-cholesterol và Triglyceride đồng thời giảm lượng mỡ tốt có lợi cho cơ thể là HDL-cholesterol dẫn đến rối loạn lipid máu. Nếu lượng mỡ xấu tăng quá cao sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho hệ tim mạch. Khởi đầu là xơ vữa động mạch.
2.2 Thuốc lá gây Huyết áp cao
Huyết áp cao là khi máu trong động mạch của bạn chảy với một lực quá lớn. Khói thuốc lá gây ra huyết áp cao vì nó có chứa nicotin. Nicotin được biết đến là một hóa chất có hại làm tăng huyết áp. Huyết áp có thể tăng lên chỉ trong vài phút sau khi hút thuốc lá.
2.3 Xơ vữa động mạch do thuốc lá
Khói thuốc lá gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch bằng cách gia tăng tình trạng viêm và rối loạn mỡ máu. Các tình trạng này sẽ thúc đẩy sự tích tụ Cholesterol và mảng bám trong lòng động mạch.
Ngoài ra, hút thuốc lá gây tăng huyết áp làm tăng căng thẳng thêm ở các động mạch, khiến chúng dễ bị cứng và tích tụ chất béo xấu gây xơ vữa động mạch.
2.4 Thuốc lá gây rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập không đều. Hút thuốc gây ra xơ hóa cơ tim hoặc sẹo cơ tim. Điều này có thể dẫn đến nhịp tim không đều hoặc tim đập nhanh. Bên cạnh đó, chất nicotin trong thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn đến nhịp tim nhanh.
2.5 Bệnh mạch vành do thuốc lá
Bệnh mạch vành (CHD) xảy ra khi các động mạch ở tim, được gọi là động mạch vành, không thể đưa đủ máu đến tim. Nó còn được gọi là bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc bệnh động mạch vành.
Hút thuốc có thể gây ra bệnh mạch vành thông qua xơ vữa động mạch và huyết áp cao.
Theo thời gian, xơ vữa động mạch gây ra các mảng bám tích tụ trong động mạch vành, khiến máu khó lưu thông. Huyết áp cao cũng làm tổn thương các động mạch vành, khiến chúng trở nên hẹp hơn.
Ngoài ra, các hóa chất trong khói thuốc lá có thể làm đặc máu, hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch vành.
2.6 Hút nhiều thuốc lá tăng nguy cơ đột quỵ
Hút thuốc thúc đẩy sự hình thành mảng bám và cục máu đông, có thể gây tắc nghẽn mạch máu khắp cơ thể. Nếu điều này xảy ra trong não, sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ.
Tai biến mạch máu não xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn. Điều này xảy ra khi một mạch máu trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Do đó, não không thể nhận đủ oxy và các tế bào não sẽ chết.
2.7 Đau tim – Nguy cơ từ hút thuốc lá
Đau tim là một tác hại của thuốc lá với tim mạch hết sức đáng lưu ý. Việc hút thuốc lá thường xuyên có thể gây tắc nghẽn và phá hủy mạch máu. Đây là chất xúc tác làm tăng nguy cơ gặp phải các cơn đau thắt ngực. Người hút thuốc lá liên tục trong nhiều năm có nguy cơ bị đau tim và nhồi máu cơ tim cao gấp 2 lần người không hút. Thêm vào đó, độ tuổi bắt đầu xuất hiện tình trạng đau tim cũng sớm hơn, nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.
2.8 Suy tim – Hệ lụy từ thuốc lá
Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu cho cơ thể. Nhiều tình trạng có thể dẫn đến suy tim. Các nguyên nhân liên quan đến hút thuốc bao gồm bệnh mạch vành và rối loạn nhịp tim.
Do đó, khi hút thuốc lá góp phần dẫn đến những tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ suy tim.
2.9 Bệnh mạch máu ngoại vi do thuốc lá
Bệnh mạch máu ngoại vi xảy ra khi các động mạch quá hẹp để cung cấp máu đến cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân. Hút thuốc làm tăng viêm và xơ vữa động mạch. Điều này cản trở dòng máu mang oxy đến các chi trên cơ thể.
2.10 Phình động mạch chủ
Người hút thuốc có nguy cơ bị phình động mạch chủ cao gấp 8 lần người không hút thuốc. Động mạch chủ là một động mạch chính cung cấp máu đi khắp cơ thể.
Các chất hóa học trong khói thuốc lá có thể dẫn đến tăng hình thành mảng bám thu hẹp trong động mạch chủ. Từ đó phát triển thành các nút phình động mạch chủ. Khi các nút phình lớn dần và vỡ ra sẽ đe dọa đến tính mạng.
3. Lợi ích của việc bỏ thuốc lá với hệ tim mạch
Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho trái tim của mình, nhất là ở những người có rối loạn mỡ máu. Các tác động có thể thấy ngay khi bạn ngừng hút thuốc. Tuy nhiên điều này cũng phụ thuộc vào lượng thuốc và thời gian bạn đã hút thuốc trước đó.
Những lợi ích của việc bỏ hút thuốc bao gồm:
- Ổn định nhịp tim, đặc biệt với người bị tăng nhịp tim và cao huyết áp.
- Hỗ trợ tốt trong điều trị mỡ máu cao.
- Cải thiện lưu lượng máu đến tim.
- Giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và các biến chứng về tim mạch.
Ngoài ra, ngừng hút thuốc lá là cách bảo vệ sức khỏe cho toàn cơ thể, giảm thiểu nguy cơ ung thư phổi.
4. Nên bỏ thuốc lá như thế nào?
Bỏ thuốc lá được xem là một thách thức. Nó đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của chính bản thân mỗi người.
Hiện nay có một số phương pháp cai thuốc lá được đưa ra để tham khảo như:
4.1 Liệu pháp thay thế nicotin
Liệu pháp thay thế nicotin (NRT) được sử dụng để giảm cảm giác thèm hút thuốc. Liệu pháp này được áp dụng dưới dạng:
- Kẹo cao su
- Kẹo ngậm.
- Thuốc xịt mũi…
4.2 Dùng thuốc cai thuốc lá
Bác sĩ có thể kê đơn varenicline hoặc bupropion, được sử dụng để điều trị nghiện thuốc lá. Sử dụng thuốc có thể kết hợp cùng với liệu pháp thay thế nicotin để tăng hiệu quả.
Bên cạnh đó, để tránh cảm giác thèm thuốc, bạn nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao, thời gian rảnh đọc sách, nghe nhạc, đi dạo, du lịch… giúp tâm trạng thoải mái, không bị phụ thuộc vào thuốc lá.
5. Kết luận chung
Hút thuốc lá có nhiều nguy cơ làm tăng mỡ máu và gây hại cho sức khỏe tim mạch như: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch. Theo thời gian, những tình trạng này có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng hơn như bệnh mạch vành, đau tim, đột quỵ, suy tim.
Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là hạn chế hoặc bỏ thuốc lá, luyện tập cho mình lối sống lành mạnh. Trong trường hợp gặp bế tắc khi cai thuốc lá, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn giải pháp cai thuốc hiệu quả nhất.
XEM THÊM:
- [Hỏi – Đáp] Mỡ máu cao uống linh chi được không? Cần lưu ý gì?
- Lọc mỡ máu là gì? Chi tiết về quy trình và chi phí áp dụng
- Mỡ máu tăng ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.