Nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể gây mất nước nghiêm trọng do nôn mửa và tiêu chảy kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Hiểu được nguyên nhân, chẩn đoán kịp thời sẽ giúp việc điều trị đơn giản, giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.
Các nội dung dưới đây được tham vấn chuyên môn bởi Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
1. Nhiễm trùng đường ruột là bệnh gì?
Nhiễm trùng đường ruột là bệnh lý tiêu hóa phổ biến do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra, biểu hiện bằng tình trạng tiêu chảy ra nước, đau quặn bụng, nôn mửa, đôi khi có sốt. Bệnh có thể tự hết trong vài ngày nhưng cũng có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Nhiều trường hợp nhiễm trùng đường ruột có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm
Nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm khuẩn, nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể lây qua đường tiếp xúc với người bệnh hoặc do ăn phải thức ăn, nước uống bị ô nhiễm. Chẩn đoán nhanh chóng, điều trị thích hợp và kiểm soát nhiễm trùng chính là những việc làm quan trọng trong trường hợp này.
2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiêu hóa
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa có thể do một số lượng lớn vi sinh vật gây ra, bao gồm:
2.1 Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn
E coli: Một số chủng E coli có thể tiết ra độc tố gây đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy ra máu như E coli O157:H7. Loại vi khuẩn này thường lây lan qua nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm tiếp xúc với phân động vật. Thậm chí lây lan qua đường tiếp xúc giữa người với người.
Salmonella: Nhiễm khuẩn Salmonella thường do ăn thịt gia cầm, trứng sống hoặc đồ ăn, nước uống chưa nấu chín gây nhiễm trùng đường ruột; cũng có khi lây lan do không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, hoặc sau khi chạm vào động vật bị nhiễm khuẩn.
2.2 Nhiễm khuẩn tiêu hóa do virus
Norovirus: Xuất hiện trong các loại thực phẩm bị ô nhiễm, loại virus này cũng có thể lây lan từ người sang người.
Rotavirus: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng tiêu hóa ở trẻ em. Trẻ thường nhiễm bệnh khi chạm vào đồ vật bị nhiễm virus, sau đó cho ngón tay vào miệng.
Norovirus và Rotavirus là những loại virus hàng đầu gây nhiễm khuẩn tiêu hóa
2.3 Bị nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng
Giardia: Nhiễm Giardia gặp nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi. Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ trẻ bị nhiễm loại ký sinh trùng này là 15%, nhiễm trùng đường tiêu hóa ở người lớn do Giardia chỉ khoảng 1-10%.
Cryptosporidium: Loại ký sinh trùng này gây ảnh hưởng đến cả đường ruột và hệ hô hấp, làm suy giảm miễn dịch dẫn đến tiêu chảy kéo dài.
3. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Bệnh có thể bắt gặp ở bất kỳ ai. Tuy nhiên những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thường là:
- Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh: đây là những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trưởng thành.
- Người cao tuổi: hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của người cao tuổi thường suy yếu nên dễ bị tổn thương khi gặp phải vi khuẩn, vi trùng.
- Những người sống ở khu tập thể không đảm bảo vệ sinh: đây là môi trường thuận lợi cho bệnh nhiễm trùng đường ruột lây truyền nhanh chóng.
4. Triệu chứng khi bị nhiễm khuẩn tiêu hóa
Nhiễm trùng đường tiêu hóa tấn công đường ruột và gây nên các dấu hiệu, triệu chứng như:
- Tiêu chảy, phân nước, nhớt.
- Đau quặn bụng.
- Buồn nôn, nôn mửa, hoặc cả hai.
- Sốt nhẹ.
- Đau cơ hoặc nhức đầu.
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Sụt cân.
- Ngứa da hoặc bỏng da.
Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh nhiễm trùng đường ruột cũng có nguy cơ rơi vào trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ. Bởi lẽ tình trạng này có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu. Từ đó, ảnh hưởng tới tinh thần và giấc ngủ.
5. Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Sốt cao trên 38,9 độ C.
- Người mệt mỏi, không tỉnh táo, lờ đờ.
- Tiêu chảy ra máu.
- Mất nước nghiêm trọng.
- Tiêu chảy kéo dài.
Đặc biệt đối với nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được đưa đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra kịp thời.
Một số trường hợp nhiễm trùng tiêu hóa cần đến ngay bác sĩ
6. Biến chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa
Trong nhiều trường hợp bệnh có thể tự khỏi và không gây nguy hiểm nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng như:
- Hội chứng ruột kích thích do các ký sinh trùng cư trú trong ruột.
- Chảy máu đường ruột gây nhiễm trùng nặng.
- Viêm loét đại trực tràng.
- Một số biến chứng phải phẫu thuật cắt bỏ từng đoạn ruột.
- Tiêu chảy gây mất nước nghiêm trọng. Thậm chí tử vong.
7. Điều trị nhiễm trùng đường ruột như thế nào?
Tùy tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, người bệnh có thể thực hiện các liệu pháp điều trị như sau:
7.1 Tự chăm sóc tại nhà
Đa số bệnh nhân nhiễm trùng đường ruột do virus, biểu hiện bằng tình trạng tiêu chảy, bệnh có thể tự khỏi sau một vài ngày mà không cần điều trị phức tạp. Thời gian nhiễm trùng đường ruột bao lâu thì hết phụ thuộc vào thể trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể để phục hồi sức khỏe.
7.2 Điều trị y tế
Với các trường hợp cơ thể mất quá nhiều nước, đi ngoài ra nhiều máu cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được truyền nước trực tiếp thông qua tĩnh mạch. Trong trường hợp này, sẽ phải mất một vài tuần để cơ thể hồi phục hoàn toàn.
Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh sẽ được các bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm như: xét nghiệm phân, xét nghiệm máu,…
7.3 Điều trị bằng thuốc
Phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kháng sinh phù hợp. Chẳng hạn trường hợp mắc bệnh do ký sinh trùng, bác sĩ sẽ kê thuốc chống ký sinh trùng. Một số kháng sinh thường dùng như: Ciprofloxacin, Metronidazol…
Tốt nhất, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Tránh sử dụng thuốc bừa bãi không có chỉ định cụ thể.
8. Phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột
Để phòng ngừa và hỗ trợ quá trình điều trị nhiễm trùng đường ruột, người bệnh cần lưu ý:
- Vệ sinh sạch sẽ tay, cũng như môi trường xung quanh để phá vỡ chuỗi nhiễm trùng.
- Cung cấp nhiều nước cho cơ thể mỗi ngày.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
- Khử trùng, sát khuẩn những nguồn lây lan hoặc có nguy cơ lây lan bệnh.
- Ăn chín uống sôi, đảm bảo nguồn nước sạch cho sinh hoạt.
Trên đây là một số thông tin về bệnh nhiễm trùng đường ruột, nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào cần giải đáp, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn.
XEM THÊM
- Nhu động ruột là gì?– 90% người chưa thực sự hiểu rõ
- Rối loạn tiêu hóa ở người già– Phận làm con phải biết điều này!
- Gừng tươi chữa tiêu chảy– Chọn lọc 10 cách TỐT NHẤT từ dân gian
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
https://www.healthline.com/health/gastrointestinal-infection
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.