Theo thống kê, số người mắc bệnh loãng xương ở Việt Nam hiện vào khoảng hơn 3,2 triệu người, kéo theo nhu cầu điều trị tăng cao. Bên cạnh phương pháp tây y, không ít người tìm về với điều trị loãng xương bằng đông y.
1. Quan niệm của đông y về loãng xương
Đông y cho rằng, loãng xương xảy ra do nhiều nguyên nhân có liên quan tới 3 tạng là thận, tỳ, can. Khi một trong 3 tạng này suy yếu đều có khả năng gây loãng xương.
Tạng thận được coi là chủ cốt tủy. Tủy được vận chuyển vào xương giúp nuôi dưỡng, tăng mật độ xương. Nếu thận suy yếu sẽ khiến mật độ xương giảm, xương trở nên xốp và dễ gãy hơn. Điều trị loãng xương theo y học cổ truyền vì thế chú trọng bồi bổ thận để sinh tinh, dưỡng cốt tủy.
Trong khi đó tỳ vị là nguồn cung cấp tinh chất, khí huyết cho cơ thể cũng như xương khớp. Tức là nếu ăn uống không đủ chất, thiếu hợp lý hoặc tỳ vị bị tổn thương sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho xương.
Theo Đông y, can chủ tàng huyết, tức là điều tiết, lưu trữ máu của cơ thể. Can suy yếu làm cản trở lưu thông khí huyết. Từ đó làm cho xương không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
>>Tham khảo: Loãng xương là gì? Có nguy hiểm không?
2. Top 8 bài thuốc trị loãng xương bằng đông y
Chắc hẳn người bệnh sẽ rất thắc mắc bị loãng xương nên uống thuốc gì. Dưới đây là các bài thuốc đông y điều trị loãng xương. Để đảm bảo dùng đúng bài thuốc cho tình trạng của bản thân, hãy tới các cơ sở khám chữa bệnh đông y uy tín.
2.1. Bài thuốc Hữu quy hoàn trị loãng xương
Đây là bài thuốc trị loãng xương thể thận dương hư. Triệu chứng của tình trạng này là đau vùng lưng dưới, chân tay lạnh, hạn chế vận động. Rêu lưỡi trắng, mạch trầm. Ăn ngủ kém, đại diện phân lỏng, tiểu đêm nhiều lần.
Chuẩn bị:
- Thục địa: 320g
- Hoài sơn, Sơn thù: mỗi loại 160g
- Đỗ trọng, Đương quy, Kỷ tử, Thỉ ty tử: mỗi loại 120g
- Phụ tử chế, Nhục quế, Lộc giác giao: mỗi loại 40g
Cách thực hiện: Tán thành bột mịn tất cả các nguyên liệu. Luyện thành viên hoàn. Uống 12 – 16g/lần, 2 lần/ngày với nước ấm.
2.2. Bài thuốc trị loãng xương thể tỳ thận dương hư
Chuẩn bị:
- Ngưu tất, Ngũ gia bì, Nam tục đoạn: mỗi loại 16g
- Cẩu tích, Tang ký sinh, Tần giao, Cam thảo: mỗi loại 12g
- Đỗ trọng, Kiện, Dâm dương hoắc, Đại táo: mỗi loại 10g
- Quế: 6g
Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu với nước, chia làm 3 phần uống trong ngày.
2.3. Lục vị địa hoàng chữa loãng xương
Bài thuốc dành cho trường hợp bệnh thể thận âm hư. Triệu chứng phổ biến là: Đau lưng mỏi gối, chân tay yếu, đau xương khớp khi vận động nhiều. Chóng mặt, ù tai, táo bón. Miệng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít.
Chuẩn bị:
- Thục địa: 320g
- Sơn thù, Hoài sơn: mỗi loại 160g
- Bạch linh, Trạch tả, Đan bì: mỗi loại 120g
Cách thực hiện: Tán thành bột mịn tất cả các nguyên liệu. Luyện thành viên hoàn. Uống 8 – 12g/lần, 2 lần/ngày với nước ấm.
2.4. Tứ quân tử thang gia vị
Bài thuốc này giúp chữa loãng xương do tỳ vị hư nhược. Người bệnh có thể sẽ gặp phải các triệu chứng như: Đau mỏi tứ chi, ngại vận động, chóng mặt, chướng bụng, đại tiện phân nát. Lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi trắng, mạch yếu.
Chuẩn bị:
- Đẳng sâm, Bạch truật, Hoài sơn, Bạch linh: mỗi loại 12g
- Hoàng kỳ, Chích cam thảo, Đương quy: 10g
Cách thực hiện: Sắc với nước, chia 2 lần, uống trong ngày, sau ăn 30 phút.
2.5. Đông y trị loãng xương thể can thận âm hư
Nếu bạn bị loãng xương thể can thận âm hư thì đây là bài thuốc phù hợp.
Chuẩn bị:
- Thục địa: 30g
- Kỷ tử, Tang ký sinh, Hoài sơn: mỗi loại 15g
- Phục linh, Sơn thù, Cốt toái bổ: mỗi loại 9g
- Trích thảo: 6g
Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu, chắt lấy nước chia thành 3 phần uống trong ngày.
2.6. Độc hoạt tang ký sinh thang
Đây là bài thuốc trị thể can thận âm hư, phong thấp xâm nhập. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, gan thận âm suy giảm sẽ khiến sức đề kháng suy yếu. Đây là cơ hội cho gió ẩm xâm nhập vào cơ thể, tụ lại tại gân cốt, dẫn tới khí huyết ngưng trệ. Từ đó gây ra những cơn đau nhức xương khớp, làm gia tăng tình trạng loãng xương.
Chuẩn bị:
- Tang ký sinh, Đỗ trọng, Ngưu tất, Phòng phong, Đương quy, Đẳng sâm, Thục địa, Xuyên khung: 15g
- Bạch linh: 12g
- Bạch thược, Quế chi: mỗi loại 10g
- Độc hoạt, Tần giao, Tế tân: mỗi loại 8g
- Cam thảo: 6g
Cách thực hiện: Sắc với nước, chia 2 lần, uống trong ngày, sau ăn 30 phút.
2.7. Điều trị loãng xương bằng đông y thể khí huyết ứ trệ
Khí huyết trong cơ thể không lưu thông được như bình thường sẽ tụ lại các khớp gây đau nhức. Bài thuốc này có thể giải quyết tình trạng này.
Chuẩn bị:
- Tô mộc: 20g
- Hoàng kỳ: 16g
- Xuyên khung, Huyết đằng. Tục đoạn, Phòng sâm, Bạch truật, Xa tiền, Hương phụ tử chế, Cam thảo: mỗi loại 12g
- Hồng hoa, Ngải diệp, Uất kim, Trần bì: mỗi loại 10g
Cách thực hiện: Sắc với nước, chắt làm 3 phần uống trong ngày.
2.8. Bổ Âm thang trị loãng xương thể âm dương câu hư
Triệu chứng của thể âm dương câu hư là: Đau lưng và thắt lưng, cơ thể mệt mỏi. Tiểu đêm, suy giảm khả năng tình dục. Phân lỏng, ăn ít. Lưỡi bệu, đỏ, rêu lưỡi nhạt.
Chuẩn bị:
- Thục địa, Sinh địa: mỗi loại 15g
- Ngưu tất, Cốt toái bổ: mỗi loại 12g
- Quy đầu, Bạch thược, Tri mẫu, Hoàng bá, Đỗ trọng, Phục linh: mỗi loại 9g
- Hồi tiểu, Trần bì, Nhân sâm, Trích thảo: mỗi loại 6g
Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu với nước, chia thành 3 lần uống trong ngày.
3. Thảo dược hỗ trợ điều trị loãng xương
Một số vị thuốc nam điều trị loãng xương thường xuất hiện trong các bài thuốc đông y.
3.1. Cốt toái bổ trị loãng xương
Loại thảo dược này còn có tên gọi khác là Hầu khương, Hồ tôn Khương, Tắc kè đá… Cốt toái bổ có vị đắng, tính ôn, giúp bổ can thận, mạnh gân cốt, khu phong, trừ thấp. Loại thảo dược này giúp kích thích khả năng hấp thu canxi của xương, làm liền xương nhanh.
3.2. Tục đoạn
Tục đoạn là cây thân thảo, lá có mép răng cưa. Loại cây này xuất hiện nhiều ở vùng núi Sơn La, Hà Giang, Lào Cai. Theo y học cổ truyền, Tục đoạn có vị đắng, cay, tác động vào kinh can thận, giúp lưu thông khí huyết, di phong thấp, giảm đau nhức xương khớp… Tục đoạn cũng có khả năng kích thích quá trình tạo xương, phòng chống loãng xương ở người lớn tuổi.
3.3. Chùm ngây
Không chỉ đông y mà y học hiện đại cũng chứng minh loại cây này tốt cho người loãng xương. Chùm ngây chứa hàm lượng canxi, magie cao tốt cho sụn khớp, xương khớp.
3.4. Cây cẩu tích
Cây cẩu tích còn được gọi là cây Kim mao, Ráng cát tu… Loại cây này xuất hiện trong các bài thuốc đông y giúp giảm đau xương khớp, tăng mật độ xương, làm nhanh liền xương trong trường hợp gãy xương.
4. Một số lưu ý
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi trị loãng xương bằng đông y. Sử dụng các bài thuốc kể trên theo đúng khuyến cáo về thành phần, liều lượng.
- Trong quá trình sử dụng nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, cơn đau tăng nặng hãy ngừng ngay và báo cho bác sĩ.
- Điều trị loãng xương bằng đông y cần thời gian mới phát huy tác dụng, người dùng không nên quá nóng vội.
- Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các vị thảo dược, kế thừa các bài thuốc, nguyên lý y học cổ truyền kể trên.
- Đông y cũng áp dụng một số biện pháp kết hợp khác trị loãng xương là xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh.
- Phối hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học. Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, chất khoáng, chất xơ như sữa, cá béo, ngũ cốc, rau quả… Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, rượu bia… Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 30 phút/ngày vào thời điểm từ 7 – 9 giờ sáng hoặc 4 – 5 giờ chiều.
Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, không thay thế chỉ định của bác sĩ. Nếu còn thắc mắc có liên quan tới loãng xương đừng ngần ngại chat trực tiếp với chuyên gia.
XEM THÊM
- TPBVSK hỗ trợ duy trì và tái tạo sụn khớp
- Top 15 loại thuốc trị loãng xương
- Giới thiệu 9 loại thuốc canxi cho người gãy xương
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.