Xẹp đốt sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Kiểm tra đơn hàng Tuyển dụng
  • vi
  • en
  • BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP

    Xẹp đốt sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

    Tác giả: Linh Chi

    Tham vấn y khoa: Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng

    27/10/23

    Xẹp đốt sống thường xảy ra ở cổ, lưng, ngực và gây ra những cơn đau dai dẳng, thậm chí làm biến dạng cột sống. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, bệnh có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác của cơ thể. Bài viết sau sẽ lý giải về nguyên nhân gây ra tình trạng này cùng những dấu hiệu dễ nhận biết và gợi ý hướng giải quyết.

    5/5 - (66 bình chọn)

    1. Xẹp đốt sống là gì?

    Xẹp đốt sống (hay còn gọi là xẹp cột sống, lún đốt sống) là tình trạng một phần đốt sống bị đè nén, xẹp xuống, làm thân đốt sống bị giảm chiều cao so với bình thường. Tình trạng này không chỉ gây ra những cơn đau đớn dữ dội cho người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ vì làm mất dáng đi đứng bình thường của cơ thể. Nếu không được chữa trị kịp thời bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

    Bệnh được chia ra thành 4 giai đoạn:

    • Giai đoạn thứ nhất: Xương sống mới mất đường cong sinh lý.
    • Giai đoạn thứ hai: Phần đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí thông thường.
    • Giai đoạn thứ ba: Đĩa đệm xẹp rõ.
    • Giai đoạn cuối cùng: Hai đốt xương dính lại với nhau.

    xẹp đốt sống

    2. Các vị trí dễ bị xẹp đốt sống

    Cột sống được chia thành 5 phần bao gồm:

    • 7 đốt sống cổ C1-C7
    • 12 đốt sống ngực D1-D12
    • 5 đốt sống lưng L1-L5
    • 5 đốt sống cùng S1-S5
    • 3 – 5 đốt sống cụt

    Về lý thuyết bất kỳ vị trí nào trên cột sống cũng có khả năng bị xẹp. Tuy nhiên một số vị trí có nguy cơ cao hơn. Đó là:

    • Xẹp đốt sống cổ: Đốt sống cổ thường bị xẹp do chấn thương mà ít khi bị xẹp do loãng xương như đốt sống lưng và ngực.
    • Xẹp đốt sống ngực: Thường là xẹp đốt sống D12. Đốt sống này nằm ở vị trí trung tâm, góp phần cố định xương sườn và bảo vệ tim phổi. Biểu hiện của tình trạng này là cơn đau tăng lên khi hít thở sâu, ho. Nếu bệnh nặng gây ảnh hưởng tới dây thần kinh có thể gây đau dữ dội, tổn thương phổi.
    • Xẹp đốt sống lưng: Bệnh xẹp đốt sống lưng thường gặp là xẹp đốt sống lưng L1, xẹp đốt sống lưng L2, xẹp đốt sống lưng L5. Nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động.

    3. Triệu chứng của xẹp đốt sống

    Tùy vào từng vị trí mà biểu hiện bệnh sẽ có sự khác biệt. Nhưng nhìn chung người bệnh có thể gặp phải một vài triệu chứng phổ biến sau:

    dấu hiệu TRIỆU CHỨNG CỤ THỂ
    Đau nhức  Cơn đau có thể diễn ra đột ngột hoặc kéo dài bất kể ngày đêm. Đau tăng khi thay đổi tư thế, vận động mạnh, giảm khi nghỉ ngơi.

    Cơn đau có thể lan sang hông, bụng, kéo xuống đùi.

    Tê bì, ngứa ran Cảm giác như kim châm hoặc kiến cắn tại vùng cột sống bị xẹp. Cảm giác này có thể lan ra các vùng lân cận khi xẹp đốt sống chèn ép dây thần kinh
    Giảm khả năng vận động Cổ khó xoay hơn, người khó cúi gập, khó xoay người. Đặc biệt là sau khi đứng hoặc ngồi lâu trong một thời gian dài. 
    Giảm chiều cao, gù, vẹo cột sống  Dấu hiệu này có thể nhận biết bằng mắt thường khi dáng đi cũng bị thay đổi. 

    4. Nguyên nhân gây xẹp đốt sống

    Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, trước hết cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Đó có thể là do tư thế sai, chấn thương, loãng xương hoặc ung thư.

    4.1. Sai tư thế

    Một trong những nguyên nhân gây bệnh xẹp đốt sống, đặc biệt ở giới trẻ là thói quen sinh hoạt, làm việc sai tư thế. Ngồi cong lưng, ngồi lâu, ít vận động sẽ tạo áp lực lên đốt sống. Lâu dần sẽ khiến lún xẹp cột sống.

    sai tư thế gây xẹp đốt sống

    Ngồi cong lưng lâu dần có thể gây xẹp đốt sống

    4.2. Chấn thương

    Tai nạn giao thông, vấp ngã, va đập trong sinh hoạt hàng ngày, chấn thương trong thể thao có thể tác động tới cột sống. Trong đó, gãy xương đốt sống là chấn thương dễ gây xẹp cột sống nhất.

    4.3. Loãng xương

    Tình trạng xẹp cột sống có thể là hệ quả từ một căn bệnh khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cấu trúc xương khớp. Trong đó loãng xương là nguyên nhân phổ biến nhất. Theo ước tính của Tổ chức Loãng xương Quốc tế, khoảng 1% phụ nữ và 0,5% năm giới ở độ tuổi 65 bị xẹp lún cột sống cấp tính. Căn bệnh này làm giảm mật độ xương, mất ổn định cấu trúc xương dẫn tới tình trạng xẹp lún.

    Xẹp cột sống do loãng xương là tình trạng thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Hầu hết đốt sống bị xẹp là ở điểm nối giữa ngực dưới và thắt lưng trên. Trong hầu hết các trường hợp, loãng xương không gây chèn ép dây thần kinh nên triệu chứng chủ yếu chỉ là các cơn đau ở lưng.

    Những bệnh nhân loãng xương ở mức trung bình thì các chấn thương ở cột sống có thể gây lún xẹp cột sống. Đối với những trường hợp bệnh nặng, ngay cả việc hắt hơi mạnh, nâng đồ vật nhẹ cũng có thể làm vỡ xẹp đốt sống.

    Loãng xương gây xẹp đốt sống

    Loãng xương là nguyên nhân phổ biến nhất

    4.4. Ung thư xương hoặc ung thư di căn

    Nguy hiểm hơn, tình trạng xẹp đốt sống có thể là hệ quả của ung thư xương hoặc ung thư di căn. Lúc này các tế bào ung thư phá hủy cấu trúc xương khiến xương bị yếu đi và giòn hơn.

    Ngoài ra, một số bệnh lý như viêm xương biến dạng Paget, viêm tủy xương… cũng có thể là nguyên nhân.

    5. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh

    Bất kỳ ai cũng không nên chủ quan với căn bệnh này. Đó có thể là xẹp đốt sống ở người già hoặc xẹp đốt sống ở trẻ em. Nhưng có một số nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm hơn tới khả năng mắc bệnh.

    • Người cao tuổi: Tuổi càng cao, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cung cấp cho xương khớp càng kém. Quá trình hủy xương lúc này cũng nhanh hơn quá trình tạo xương. Các đốt sống không còn đủ sức mạnh để hỗ trợ hoạt động hàng ngày.
    • Phụ nữ mãn kinh: Do đối tượng này có khả năng cao bị loãng xương. Theo khảo sát, số phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi bị gãy xẹp đốt sống chiếm hơn 23%.
    • Người có tiền sử gia đình bị loãng xương
    • Người bệnh loãng xương kèm suy dinh dưỡng, còi xương
    • Bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ quan sinh dục, nội tiết, xương khớp. Đó là: suy buồng trứng sớm, thiểu năng tinh hoàn, cường giáp, suy thận mạn tính, viêm khớp dạng thấpthoái hóa khớp
    • Người nghiện rượu bia, thuốc lá. Chất cồn và khói thuốc lá đã được chứng minh có tác hại làm suy yếu xương.
    • Người ít vận động làm cột sống mất đi độ linh hoạt, đốt sống chịu áp lực lâu ngày.
    • Người bị chấn thương cột sống: Những chấn thương ở vị trí này có nguy cơ gây nứt, gãy đốt sống. Đốt sống bị tổn thương không được xử lý triệt để lâu daùn sẽ yếu và không chịu được lực lâu ngày sẽ bị lún xẹp.
    Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh xẹp cột sống

    Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh

    6. Xẹp đốt sống có nguy hiểm không?

    Đây không phải là một căn bệnh đe dọa tới tính mạng. Nhưng nó có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời.

    • Mất vững từng đoạn cột sống: Điều này xảy ra khi hơn 50% thân đốt sống bị gãy xẹp. Chính sự vững mạnh của từng đoạn đốt sống cùng sự gắn kết chặt chẽ của chúng giúp nâng đỡ trọng lượng và giúp cơ thể chuyển động nhịp nhàng. Chỉ cần một đoạn của cột sống bị xẹp sẽ làm mất cân bằng, khiến cơ thể vận động khó khăn. Từ đó dẫn tới vận động bị hạn chế và đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
    • Đường cong tự nhiên của cột sống bị thay đổi có thể chèn ép lên tim, phổi, ruột. Điều này sẽ gây khó thở, mệt mỏi, chán ăn.
    • Dây thần kinh và tủy sống bị tổn thương, chèn ép khiến hẹp ống sống, thiếu máu, tê đau dây thần kinh.

    7. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

    Nếu người bệnh chủ quan để bệnh tiến triển nặng mới chữa trị sẽ tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc hơn mà hiệu quả đạt được chưa chắc đã được như mong đợi.

    Nếu bạn gặp phải một trong các dấu hiệu sau hãy tới gặp bác sĩ ngay:

    • Đau ngay cả khi nghỉ ngơi, đau khi ngủ
    • Đau dữ dội
    • Tê yếu chi
    • Sốt trên 38 độ C
    • Giảm cân không rõ nguyên nhân
    • Đại tiểu tiện mất kiểm soát

    Ngoài ra, trẻ em dưới 12 tuổi, người trên 65 tuổi, người bị ung thư cần đi khám ngay cả khi mới phát hiện những biểu hiện ban đầu của bệnh.

    8. Chẩn đoán xẹp đốt sống

    Vì tình trạng này có một số triệu chứng trùng lặp với các bệnh lý khác nên việc chẩn đoán loại trừ và xác định chính xác bệnh là vô cùng quan trọng.

    Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về triệu chứng, tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng. Ngoài ra sẽ tiến hành một số phương pháp chẩn đoán khác, bao gồm cả chẩn đoán hình ảnh xẹp đốt sống.

    • Đo mật độ xương DEXA: Đây là tiêu chẩn để chẩn đoán loãng xương – nguyên nhân chính gây xẹp cột sống. Nếu mật độ khoáng xương T-Score ≤ -2,5 thì có nguy cơ cao mắc bệnh.
    • Chụp X-quang: Đánh giá mức độ thoái hóa cột sống, biến dạng cột sống, thân đốt sống giảm chiều cao… Đồng thời, chụp X-quang cũng cung cấp hình ảnh để bác sĩ lên kế hoạch phẫu thuật nếu cần.
    • Chụp cắt lớp vi tính: Đánh giá hình ảnh đốt sống chi tiết như mức độ xẹp, lún, mảnh rời… Phương pháp này cung cấp hình ảnh cấu trúc bên trong và bao quanh ống sống. Chụp cắt lớp vi tính thường được kết hợp với chụp tủy sống cản quang để đánh giá chi tiết tình trạng bệnh.
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Dùng để chẩn đoán phân biệt, đánh giá mức độ chèn ép thần kinh ở đốt sống bị tổn thương và xác định được đốt sống xẹp do loãng xương mới hay cũ. Phương pháp này còn giúp chẩn đoán phình đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống… Từ đó giúp chẩn đoán loại trừ các căn bệnh khác.
    • Đo độ hấp thu tia X kép (đo độ đậm của xương): Xác định mật độ khoáng của xương để từ đó đánh giá mức độ loãng xương.
    Chẩn đoán xẹp đốt sống

    Đo mật độ xương DEXA

    9. Điều trị xẹp đốt sống

    Chắc hẳn nhiều bệnh nhân không khỏi băn khoăn xẹp đốt sống có chữa được không. Câu trả lời là nếu bệnh ở giai đoạn nặng thì sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn.

    Vậy xẹp đốt sống phải làm sao? Tùy thuộc vào mức độ xẹp, vị trí xẹp và các tổn thương thần kinh đi kèm, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi, hạn chế vận động ở vị trí bị xẹp.

    9.1. Sử dụng nẹp

    Để nâng đỡ và hạn chế cử động, người bệnh có thể cần sử dụng nẹp lưng, đai lưng cột sống để cố định. Điều này sẽ tránh cho việc người bệnh cử động sai làm trầm trọng thêm vị trí cột sống bị xẹp. Việc sử dụng loại nẹp, đai lưng nào, trong thời gian bao lâu sẽ theo chỉ định của bác sĩ.

    9.1. Thuốc Tây trị xẹp đốt sống

    Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để giúp xoa dịu các triệu chứng của người bệnh.

    • Thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol, giúp giảm bớt tình trạng đau nhức mức độ nhẹ nhưng không tác động vào nguyên nhân gây bệnh.
    • Thuốc giảm đau có chứa codein: Đây là một dạng thuốc giảm đau gây nghiện, được dùng cho những cơn đau mức độ trung bình đến nặng.
    • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid: Ibuprofen, Celecoxib… Các loại thuốc này giúp giảm tình trạng đau
    • Thống chống loãng xương: thuốc chống loãng xương cũng ngăn ngừa sự tiến triển của xẹp đốt sống. Nhóm này bao gồm thuốc ức chế hủy cốt bào (Bisphosphonate), Calcitonin… Các loại thuốc như Alendronate và Risedronate đã được chứng minh là làm giảm sự phát triển của bệnh loãng xương nếu kết hợp với liều canxi và vitamin D thích hợp. Ở phụ nữ mãn kinh, liệu pháp thay thế estrogen có thể được chỉ định để ngăn ngừa loãng xương.
    • Thuốc giãn cơ: Giảm bớt cảm giác đau do sự căng cứng của cơ. Thường thuốc sẽ chỉ được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn.

    Lưu ý là chỉ dùng thuốc đã được bác sĩ kê đơn. Không nên tự ý mua thuốc hay lạm dụng thuốc.

    Thuốc trị xẹp đốt sống

    Thuốc đau chống viêm không steroid Celecoxib

    9.3. Bài thuốc dân gian chữa xẹp cột sống

    Trong trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian chữa xẹp đốt sống tại nhà.

    Bài thuốc từ ngải cứu và muối

    Ngải cứu xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian trị bệnh xương khớp. Bạn có thể chườm ngải cứu rang muối để cảm thấy dễ chịu hơn.

    Chuẩn bị: 1 nắm ngải cứu tươi, một chút muối hạt

    Cách thực hiện: Ngải cứu rửa sạch, để ráo rồi đem rang trên chảo nóng cùng với muối hạt. Cho hỗn hợp vào một miếng vải sạch để nguội bớt rồi chườm lên vùng đốt sống bị đau trong 15 phút. Chú ý tới nhiệt độ để tránh bị bỏng.

    Bài thuốc từ cây trinh nữ

    Thành phần của cây trinh nữ có alcaloid, flavonoid và crosetin giúp chống viêm, giảm đau nhức xương khớp.

    Chuẩn bị: Tẩm 20g rễ cây trinh nữ đã rửa sạch với rượu trắng. Sau đó đem sao vàng

    Cách thực hiện: Sắc nguyên liệu rồi chắt lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày

    Bài thuốc từ lá lốt, cỏ xước và cây dây đau xương

    Dây đau xương giúp mạnh gân, hoạt cốt, thư cân hoạt lạc. Lá lốt tính giúp khai thông kinh mạch, khu phong trừ hàn. Cỏ xước cũng là nguyên liệu phổ biến trong các bài thuốc chữa bệnh xương khớp. Sự kết hợp giữa các loại thảo dược này sẽ làm tăng hiệu quả điều trị xẹp cột sống.

    Chuẩn bị:  Lá lốt thái nhỏ, cỏ xước, cốt khí củ, dây đau xương, mỗi loại 15g.

    Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu cùng 600ml nước, đến khi còn 200ml nước. Chắt lấy nước chia thành 2 lần uống trong ngày.

    Bài thuốc dân gian chữa xẹp cột sống

    Cây trinh nữ có thể được dùng để giảm đau do xẹp cột sống

    9.4. Vật lý trị liệu

    Đối với những trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể lựa chọn vật lý trị liệu. Ưu điểm của phương pháp này là không có sự xâm lấn, không dùng thuốc mà vẫn có thể cải thiện được tình trạng bệnh, giảm đau, phục hồi đường cong sinh lý và khả năng vận động. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải tốn thời gian vì liệu trình thường kéo dài.

    Qua thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ vật lý trị liệu sẽ lựa chọn phương pháp và liệu trình phù hợp. Một số phương pháp có thể được áp dụng là:

    • Trị liệu thần kinh cột sống
    • Giảm áp cột sống
    • Sóng xung kích Shockwave
    • Laser cường độ cao

    9.5. Bài tập hỗ trợ

    Một số bài tập được cho là có khả năng hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị. Bài tập dạng này sẽ hỗ trợ giảm đau, tăng độ linh hoạt của cột sống, tăng cường tuần hoàn máu. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi tập luyện.

    Bài tập co gối vào ngực

    • Nằm thẳng, duỗi thẳng chân, thả lỏng tay dọc theo thân.
    • Từ từ co gối chân trái, lấy hai tay ôm lấy đầu gối trái rồi kéo sát vào ngực. Lúc này chân phải duỗi thẳng. Giữ tư thế trong 15 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
    • Lặp lại với chân phải.
    • Mỗi bên thực hiện 5 lần.

    Bài tập thư giãn cột sống

    • Nằm ngửa trên mặt sàn cạnh tường. Mông chạm vào mặt tường. Hai chân đưa thẳng lên trên, gác lên tường. Lúc này chân và mông tạo thành một góc 90 độ.
    • Lúc này hai tay xuôi theo thân. Giữ nguyên tư thế trong vòng 2 phút.

    Tư thế em bé

    • Bắt đầu với tư thế quỳ, mông đặt lên gót chân. Hai bàn chân chụm sát nhau.
    • Từ từ trượt tay và cúi người về phía trước. Người áp sát vào phía đùi. Trán chạm sàn. Thả long cơ thể giữ tư thế trong vòng 60 giây. Sau đó trở về tư thế ban đầu.
    • Lặp lại động tác 5 lần.
    Bài tập cho người xẹp đốt sống

    Tư thế em bé

    9.6. Tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học

    Điều trị xẹp đốt sống bơm xi măng giúp tạo hình thân đốt sống. Thời gian thực hiện thủ thuật này khá ngắn chỉ khoảng từ 30 – 45 phút và chỉ cần gây tê tại chỗ. Phương pháp bơm xi măng sinh học này được chỉ định trong các trường hợp:

    • Xẹp cột sống do loãng xương không kèm theo tổn thương thần kinh
    • Xẹp cột sống trên 2 tuần và dưới một năm do loãng xương.
    • Mức độ xẹp dưới 75%
    • Điều trị nội khoa không cải thiện
    • Người bị ung thư di căn, u máu đốt sống, hoại tử xương đốt sống, cần củng cố xương sống trước khi phẫu thuật.

    Phương pháp này có 2 dạng là:

    • Bơm xi măng sinh học: Bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ chứa xi măng sinh học để tiêm vào đốt sống xẹp. Khi xi măng cứng lại sẽ giúp tạo lại hình dáng của đốt sống bị lún.
    • Bơm xi măng sinh học có bóng: Bác sĩ sẽ rạch hai đường nhỏ trên da vùng cần điều trị. Đặt đầu dò vào khoang đốt sống. Khoan xương và chèn hai bong bóng (đệm xương) vào hai bên. Hai bong bóng này sẽ được bơm phồng bằng chất cản quang tới độ mong muốn rồi lấy ra. Khoảng trống được tạo bởi bong bóng này ngay sau đó sẽ được bơm xi măng sinh học vào.
    Bơm xi măng sinh học trị xẹp cột sống

    Bơm xi măng sinh học

    9.7. Phẫu thuật xẹp đốt sống

    Phẫu thuật cố định cột sống chỉ định trong các trường hợp xẹp đốt sống nghiêm trọng; gây ảnh hưởng lớn tới các cấu trúc xung quanh cột sống; gây biến dạng và kết hợp giải chèn ép thần kinh khi có tổn thương đi kèm. Trong đó, phẫu thuật mở sử dụng nẹp vít cột sống để cố định như vít chân cung, vít rỗng nòng, lồng titanium…

    Mổ xẹp đốt sống thường ẩn chứa những nguy cơ rủi ro trong phẫu thuật. Bên cạnh đó là mức chi phí cao cùng thời gian phục hồi chức năng lâu nên đây thường là lựa chọn cuối cùng của bác sĩ.

    Sau phẫu thuật, người bệnh cần tiếp tục được tiến hành điều trị để đảm bảo sự phục hồi của người bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, sử dụng thuốc.

    10. Chăm sóc người bị xẹp cột sống

    Đối với người bệnh cần có sự chăm sóc đặc biệt, nhất là với trường hợp nặng cần phẫu thuật. Một số trường hợp cần sự hỗ trợ của người thân trong sinh hoạt hàng ngày trong thời gian điều trị bệnh.

    • Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Ăn đúng giờ. Nếu các triệu chứng bệnh khiến người bệnh chán ăn có thể ăn làm nhiều bữa trong ngày. Bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa, cá béo, trái cây, rau màu xanh đậm… Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, thức ăn nhiều muối, đường.
    • Nhờ sự trợ giúp của người thân trong sinh hoạt nếu cần thiết, đặc biệt là người cao tuổi. Điều này sẽ giảm tối đa khả năng vận động sai tư thế, chấn thương làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
    • Nghỉ ngơi và vận động theo khuyến cáo của bác sĩ. Trong thời gian cơn đau cấp không nên vận động quá sức. Tham khảo ý kiến của bác sĩ về các môn thể thao, bài tập phù hợp.
    • Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Tái khám đúng lịch hẹn. Đối với trường hợp điều trị bằng vật lý trị liệu cần kiên trì theo liệu trình. Thông báo với bác sĩ về bất kỳ dấu hiệu khác thường nào của cơ thể trong quá trình chữa trị.
    • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu quá độ.
    Chăm sóc người bị xẹp cột sống

    Tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá được hiệu quả điều trị và điều chỉnh phác đồ nếu cần thiết

    11. Cách phòng tránh

    Để phòng ngừa tình trạng xẹp cột sống, cần chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt. Phương pháp quan trọng nhất là ngăn ngừa loãng xương. Sau đây là một số lời khuyên từ chuyên gia:

    • Ăn uống lành mạnh. Nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D…
    • Tập thể dục thường xuyên, bao gồm tập thể dục giảm cân và rèn luyện sức khỏe nhằm tăng sức mạnh của xương khớp. Không nên lựa chọn các môn thể thao có khả năng cao gây chấn thương cột sống.
    • Vận động đúng tư thế, tránh hoạt động quá mạnh. Điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng như lưng thẳng, dùng ghế có đệm, hai chân đặt thoải mái xuống sàn.
    • Những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nên bổ sung canxi và vitamin D.
    • Nếu đang điều trị thuốc có chứa steroid hàng ngày, nên thảo luận với các bác sĩ về việc giảm liều lượng steroid để giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
    • Tập trung điều trị các bệnh lý có khả năng cao gây xẹp cột sống
    • Nên đi khám sức khỏe định kì để phát hiện bệnh kịp thời. Đặc biệt là khám xương khớp 6 tháng/lần. Đo loãng xương định kỳ đối với những trường hợp có nguy cơ loãng xương cao.

    Trên đây là một số thông tin về xẹp cột sống. Nếu bạn đang gặp phải một trong những triệu chứng trên hãy tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám kịp thời. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ qua hotline 0343 44 66 99.

    XEM THÊM

    Nguồn tham khảo

    Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.

    Tham Vấn Y Khoa

    Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng

    Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.

    4.9 (253) Đã bán 9.3k

    Viên Khớp Tâm Bình - Hỗ trợ giảm các triệu chứng của thoái hóa khớp và viêm khớp.

    96.000đ Bán chạy Thêm vào giỏ
    4.8 (98) Đã bán 4.1k

    Viên Gout Tâm Bình - Hỗ trợ giảm triệu chứng đau do gút. Lợi tiểu, tăng đào thải acid uric

    160.000đ Bán chạy Thêm vào giỏ
    4.9 (253) Đã bán 9.3k

    Thấp Diệu Nang Tâm Bình - Hỗ trợ giảm triệu chứng của đau thần kinh tọa, đau do thoát vị đĩa đệm, đau vai gáy.

    84.000đ Bán chạy Thêm vào giỏ
    4.9 (253) Đã bán 9.3k

    Khớp AKA Tâm Bình - Hỗ trợ khả năng vận động của khớp, duy trì và tái tạo sụn khớp, tăng tiết dịch khớp.

    185.000đ Bán chạy Thêm vào giỏ
    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Gửi câu hỏi tư vấn





      Các bài viết khác

      10 bài thuốc dân gian chữa đau mu bàn chân đơn giản và cực hiệu nghiệm 20/08/19
      Những ai đã và đang bị chứng đau mu bàn chân “hành hạ” mới thấu hiểu hết những phiền toái…
      Đau thần kinh tọa khám ở đâu là tốt nhất? Xem ngay! 07/10/19
      Khi bị đau thần kinh tọa, việc quan trọng hàng đầu là người bệnh phải tìm ra một địa chỉ…
      Thoát vị đĩa đệm có nên đi bộ không? Chuyên gia giải đáp 09/04/20
      Đi bộ là bài tập vừa đơn giản, thuận tiện vừa nhẹ nhàng rất được khuyến khích cho người mắc…
      Thuốc chữa đau vai gáy cổ bằng Đông y hiệu quả không? 01/08/19
      Thuốc chữa đau vai cổ bằng Đông y có hiệu quả không là thắc mắc của rất nhiều người khi…
      Xem thêm