Chúng tôi vừa nhận được câu hỏi của chị Vũ Thị Hường (34 tuổi, Long Biên – Hà Nội) về cách xử lý tình trạng đau vai gáy. Chị cho biết “Tôi là nhân viên văn phòng. Thỉnh thoảng tôi hay bị đau vai gáy khiến tôi khó chịu. Dạo này công việc bận rộn cơn đau lại nhiều hơn. Đồng nghiệp khuyên tôi nên châm cứu chữa đau vai gáy. Xin hỏi phương pháp này có phù hợp không và quy trình ra sao?”
Chị Hường thân mến! Qua trao đổi của chị có thể vấn đề đau vai gáy của chị bắt nguồn từ đặc thù công việc. Tuy nhiên cũng không thể loại trừ các nguyên nhân khác, bao gồm cả bệnh lý. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau vai gáy cổ và tình trạng của chị mới có thể quyết định có thể áp dụng châm cứu hay không. Để đảm bảo chính xác và hiệu quả, chị hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền uy tín để được thăm khám và chỉ định phương pháp hợp lý nhất.
Nếu chị Hường vẫn muốn tìm hiểu về phương pháp châm cứu thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới chị những thông tin tham khảo cơ bản.
1. Châm cứu chữa đau vai gáy là gì?
Đau vai gáy có thể xảy ra đột ngột hoặc kéo dài dai dẳng. Cơn đau có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày tuy nhiên nhiều người hay gặp phải tình trạng đau vai khi ngủ dậy. Theo y học cổ truyền, đau vai gáy thuộc chứng tý. Nguyên nhân do vệ khí của cơ thể không đủ, tấu lý sơ hở khiến cho hàn thấp xâm nhập vào cơ thể; hoặc do ngủ, vận động sai tư thế gây tắc trệ kinh lạc dẫn đến đau nhức, vận động khó khăn. Ngoài ra, đau vai gáy cũng có thể do can thận hư, bệnh lâu ngày thường xảy ra ở người già.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều người tìm đến phương pháp châm cứu chữa đau vai gáy. Phương pháp này sử dụng loại kim mảnh chuyên dụng đã được khử trùng để châm trên bề mặt da. Vị trí châm cứu là các huyệt vị giúp điều hòa khí huyết trong cơ thể, khai thông tắc trệ. Từ đó, kích thích quá trình tự chữa lành của cơ thể.
Khoa học hiện đại cho rằng, châm cứu sẽ kích thích cơ thể tự sản sinh ra hormone endorphin. Đây là chất giảm đau nội sinh cũng như tạo cảm giác thoải mái cho cơ thể.
Nguyên nhân gây đau mỏi cổ vai gáy
2. Các phương pháp châm cứu
Hiện có 3 phương pháp châm cứu cơ bản:
- Điện châm: Sau khi châm vào các vị trí huyệt cần châm, cực của máy điện châm sẽ được gắn lên cây châm. Việc kết hợp với dòng điện sẽ tăng kích thích lên huyệt. Nhờ đó mở rộng vùng kích thích nhờ sự lan truyền của xung điện. Phương pháp này phổ biến nhất trong 3 phương pháp châm cứu kể ở đây.
- Thủy châm: Phương pháp này sử dụng bơm tiêm có chứa thuốc, tiêm trực tiếp vào các huyệt vị.
- Cứu ngải/Ôn châm: Sử dụng điếu ngải cứu đã đốt, hơ sát đầu kim châm giúp truyền nhiệt từ đầu kim châm tới các huyệt vị.
3. Tác dụng của châm cứu đối với đau vai gáy
Cách chữa đau vai gáy đem lại một số tác dụng hỗ trợ như:
- Giảm đau nhức: Tại vị trí châm kim có biến đổi như tăng sản xuất chất nội sinh, tăng bạch cầu… Từ đó hình thành một cung phản xạ mới, phá vỡ phản xạ đau.
- Giãn nở mạch, giải phóng tắng nghẽn, kích thích tuần hoàn khí huyết.
- Thư giãn cơ, giảm co cứng cơ.
- Giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn nhờ giải phóng hormone hạnh phúc.
- Tăng cường chuyển hóa, nâng cao sức khỏe.
4. Ưu, nhược điểm của châm cứu
Phương pháp này có thể mang tới một số ưu điểm sau:
- Hỗ trợ giảm đau, giãn cơ, giảm co cứng.
- Cải thiện vấn đề thần kinh, tê bì.
- Nâng cao hệ miễn dịch.
- Tránh tác dụng phụ khi dùng thuốc kéo dài.
Cách chữa đau cổ vai gáy này cũng tồn tại một số nhược điểm như:
- Tác dụng chậm, cần thời gian mới phát huy tác dụng như mong muốn.
- Không điều trị tận gốc bệnh nếu nguyên nhân là do cong vẹo cột sống, sai lệch cấu trúc xương.
Khớp AKA Tâm Bình – Hỗ trợ giảm đau mỏi vai gáy
Thương hiệu: Dược phẩm Tâm Bình
5. Chỉ định và chống chỉ định châm cứu chữa đau cổ vai gáy
Cũng giống như chị Hường nhiều người không khỏi thắc mắc đau mỏi vai gáy có nên châm cứu không. Như trên đã đề cập bác sĩ điều trị của bạn mới là người quyết định vấn đề này. Về cơ bản một số đối tượng có thể được chỉ định phương pháp này:
- Đau do thoái hóa đốt sống cổ
- Đau do thoát vị đĩa đệm
- Đau do vôi hóa cột sống
- Đau do vận động nặng, sai tư thế
- Đau do gối đầu cao
Vậy những ai không nên châm cứu? Đó là một số đối tượng dưới đây:
- Đau vai gáy có liên quan tới viêm tủy, thoát vị đĩa đệm thể trung tâm, rỗng tủy, u tủy.
- Người thể trạng yếu, suy kiệt, mệt mỏi kéo dài.
- Người sợ kim châm, không thể hợp tác trong quá trình châm cứu.
- Người bệnh tim mạch, tiểu đường
- Người có tiền sử co giật, động kinh.
- Phụ nữ có thai.
- Người say rượu.
6. Các huyệt châm cứu chữa đau vai gáy
Đau mỏi vai gáy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ứng với mỗi thể bệnh sẽ lựa chọn vị trí châm cứu khác nhau.
6.1. Các huyệt chữa đau vai gáy thể phong hàn
Thể phong hàn là tỉnh trạng đau khởi phát khi thay đổi thời tiết. Thường cơn đau xuất hiện vào đêm hoặc rạng sáng.
Các huyệt cần tác động là:
- Huyệt A thị: Huyệt đạo này chính là những vị trí đau của người bệnh
- Huyệt Khúc trì: Khi co cánh tay lại để xuất hiện lằn ngang lớn ở mé trong khuỷu tay. Trên mé ngoài lằn ngang hướng về phía ngón cái là huyệt Khúc trì.
- Huyệt Phong trì: Nằm ở phần lõm phía sau tai, ở chân tóc.
- Huyệt Phong môn: Cúi đầu. Sờ xuống mặt sau cổ, phần cuối cổ là một khối xương lồi hẳn lên. Đây là đốt sống cổ 7. Từ đốt sống cổ 7 đếm xuống phía dưới 2 chiếc xương lưng lồi ra và mặt dưới chiếc xương lưng lồi ra thứ 3, ngang ra 2 bên khoảng cách 2 ngón tay là huyệt Phong môn.
- Huyệt Kiên tỉnh: Để xác định huyệt này cần đưa ngang tay. Vị trí của huyệt là phần lõm nhất trên vai.
- Huyệt Hợp cốc: Duỗi thằng, khép chặt ngón tay cái và ngón tay trỏ. Điểm cao nhất của chỗ lồi trên nếp nhăn giữa ngón cái và ngón trỏ là huyệt Hợp cốc.
6.2. Các huyệt chữa đau vai gáy thể khí trệ huyết ứ
Ở thể bệnh này, cơn đau xuất hiện do vận động quá sức, sai tư thế trong thời gian dài. Cột sống bị cong vẹo chèn ép lên các mạch máu và dây thần kinh gây ứ trệ hệ tuần hoàn.
Ngoài các huyệt cần tác động như thể phòng hàn, cần chú ý thêm các huyệt cần sau:
- Huyệt Cách du: Huyệt này nằm cách gai đốt sống 7 khoảng 1,5 thốn
- Huyệt Kiên ngung: Giơ thẳng tay. Huyệt này nằm ở điểm lõm dưới mỏm cùng vai đòn.
- Huyệt Thiên tông: Sờ vào giữa xương bả vai, chỗ lõm xuống và xương hơi mỏng. Dùng ngón tay ấn nhẹ xuống nếu cảm thấy hơi đau là huyệt Thiên tông.
6.3. Các huyệt châm cứu đau vai gáy thể thấp nhiệt
Cơn đau ở thể này bắt nguồn từ tình trạng viêm nhiễm. Đau đi kèm với sưng, nóng, đỏ, hạn chế vận động, sốt. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
Ngoài huyệt Khúc trì, huyệt Phong môn và huyệt Hợp cốc, trong trường hợp này cần tác động thêm vào huyệt Đại chùy. Huyệt này nằm giữa đốt sống cổ 7 và khối xương lồi cột sống phía dưới đốt sống cổ 7 (đốt sống ngực 1).
7. Quy trình châm cứu chữa đau vai gáy
Dưới đây là quy trình châm cứu cơ bản mà người bệnh có thể tham khảo để quá trình châm cứu diễn ra thuận lợi hơn.
7.1. Thăm khám, chẩn đoán
Bác sĩ đông y sẽ tiến hành thăm khám và xác định thể bệnh. Từ đó đưa ra phương pháp châm cứu và lựa chọn các huyệt cần tác động. Người bệnh sẽ được bác sĩ giải thích về quy trình châm cứu và những điều bệnh nhân cần chú ý.
7.2. Chuẩn bị trước khi châm cứu
Người bệnh sẽ được hướng dẫn tư thế ngồi hoặc nằm phù hợp để châm cứu. Xoa bóp có thể được thực hiện trước khi châm cứu. Mục đích của xoa bóp là làm mềm cơ, giảm co cứng, làm nóng cơ thể để châm cứu đạt hiệu quả hơn. Xoa bóp chữa đau vai gáy sẽ gồm các động tác xát, xoa, day, miết, đấm, chặt… Mỗi động tác thực hiện từ 3 – 5 phút.
7.3. Tiến hành châm cứu chữa đau vai gáy
Tùy theo phương pháp và tình trạng bệnh mà thời gian châm cứu sẽ có sự khác biệt. Thông thường sẽ kéo dài từ 20 – 30 phút. Dụng cụ châm cứu đều được tiệt trùng.
- Sát khuẩn vùng da tại vị trí châm kim.
- Châm kim vào huyệt vị đã được xác định. Thời gian lưu kim sẽ tùy thuộc vào phương pháp điều trị.
- Rút kim ra khỏi vị trí châm cứu và tiến hành sát khuẩn tại chỗ.
Trong suốt quá trình châm cứu bác sĩ sẽ theo dõi phản ứng của bệnh nhân để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
7.4. Sau khi châm cứu
Người bệnh được yêu cầu nằm nghỉ tại chỗ khoảng 30 phút sau châm cứu. Thời gian này để người bệnh lấy lại tinh thần cũng như theo dõi phản ứng sau châm cứu. Nếu có dấu hiệu bất thường bác sĩ sẽ xử lý ngay.
Thông thường châm cứu cần phải thực hiện theo liệu trình tùy thuộc tình trạng từng người bệnh cụ thể. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo liệu trình đã được bác sĩ chỉ định và tới châm cứu đúng hẹn vào lần tiếp theo.
8. Có nên châm cứu liên tục không?
Thời gian và tần suất của các buổi châm cứu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng đau vai gáy cũng như thể trạng của người bệnh. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế, độ thuận tiện trong di chuyển tới địa chỉ điều trị cũng có thể ảnh hưởng tới vấn đề này.
9. Rủi ro có thể gặp phải
Châm cứu nếu được thực hiện ở cơ sở uy tín, chuyên gia đã được cấp phép thì tương đối an toàn. Một số vấn đề như: bầm tím nhẹ, chảy máu sau khi rút kim không quá đáng ngại. Một số trường hợp có thể bị hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, đổ mồ hôi… trong quá trình châm. Lúc này, quá trình châm cứu sẽ được dừng lại để lau mồ hôi, ủ ấm cho người bệnh và day ấn huyệt để người bệnh trở về trạng thái bình thường. Đối với việc châm cứu có đau không thì nếu châm đúng huyệt sẽ không gây đau hoặc cảm giác đau tức nhẹ, hoàn toàn có thể chịu được.
Nếu thực hiện ở những cơ sở châm cứu không đảm bảo có thể gây ra những rủi ro lớn hơn. Dụng cụ châm cứu không được sát khuẩn triệt để có thể gây nhiễm trùng. Châm cứu bởi người không đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm có thể gây tổn thương dây thần kinh. Hậu quả có thể gây teo cơ, thậm chí là liệt.
10. Châm cứu đau vai gáy bao nhiêu tiền? Ở đâu?
Chi phí châm cứu tùy theo thời điểm, cơ sở y tế, phương pháp châm cứu sẽ khác nhau. Giá tham khảo thủy châm giao động từ 80.000 – 150.000 đồng/lần; điện châm là từ 100.000 – 250.0000 đồng/lần. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh tối đa rủi ro, hãy tới các cơ sở châm cứu đã được cấp phép.
11. Một số lưu ý
Người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Châm cứu tại các địa chỉ khám chữa bệnh y học cổ truyền uy tín, đã được cấp phép. Khi có các triệu chứng đau cổ vai gáy hãy tới khám để được chẩn đoán và đưa ra phác đồ châm cứu phù hợp. Không được tự ý châm cứu tại nhà hay tại các cơ sở không đảm bảo vì rất dễ gặp rủi ro.
- Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy hỏi bác sĩ.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.
- Kiên trì trong quá trình điều trị, không nên nóng vội hay bỏ dở giữa chừng.
- Không châm cứu khi ăn quá no hoặc quá đói.
- Giữ tinh thần thoải mái, ổn định trước, trong và sau khi châm cứu.
- Trước và sau khi châm cứu không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
- Theo dõi sát biểu hiện của cơ thể. Nếu thấy dấu hiệu bất thường hãy thông báo ngay với bác sĩ.
Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp phần nào thắc mắc của chị Vũ Thị Hường. Nếu cần tư vấn thêm về các vấn đề có liên quan hãy gọi tới hotline 0343 44 66 99.
XEM THÊM
- Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị đau vai gáy
- Chữa đau vai gáy tại nhà – Bật mí 10 cách đơn giản
- TPBVSK hỗ trợ giảm đau mỏi vai gáy
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.