Thời tiết lạnh kèm mưa rét là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân mắc bệnh xương khớp. Khi đó, họ sẽ phải hứng chịu các cơn đau nhức xương khớp mùa mưa lạnh tăng một cách đột biến. Tình trạng này kéo dài và không có biện pháp chăm sóc xương khớp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
1. Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp mùa mưa lạnh
Các chuyên gia lý giải: khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chúng ta có xu hướng cố dự trữ năng lượng khiến việc lưu thông máu kém hơn bình thường. Đồng thời sự lưu thông của dịch khớp – vốn có vai trò như tấm đệm hạn chế sự cọ xát giữa các đầu xương cũng bị suy giảm. Ở bệnh nhân thoái hóa khớp, đây cũng là nguyên nhân khiến cho sự cọ xát giữa các đầu xương tăng lên, gây đau nhiều hơn khi sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương.
Mặt khác, vào mùa mưa lạnh, áp suất khí quyển giảm và độ ẩm tăng khiến cho các khớp giãn ra, chèn ép vào các dây thần kinh xung quanh. Sụn khớp và xương dưới sụn cũng bị hư tổn nên bệnh nhân cảm nhận rõ hơn các cơn đau, đặc biệt với người thoái hóa khớp nặng sẽ thấy đau dữ dội khi vận động.
>> Tìm hiểu thêm: Đau nhức xương khớp biểu hiện của những bệnh gì?
2. cách giúp giảm đau nhức xương khớp mùa mưa lạnh
2.1. Giữ ấm cơ thể
Lạnh và ẩm ướt chính là thời cơ để những cơn đau ở xương, khớp xảy ra nhiều hơn. Do đó, nguyên tắc đầu tiên mà người bệnh nên nắm rõ đó là giữ ấm cơ thể khi thời tiết mưa lạnh.
Nên giữ ấm cơ thể bằng cách mang vớ, gang tay, dùng khăn quàng cổ,… đặc biệt phải hạn chế tiếp xúc nước hay mưa lạnh.
Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, có thể làm ấm xung quanh vị trí đau bằng dầu gió hoặc chườm nóng để giúp cơ bắp thư giãn và đỡ đau hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là cách “đối phó” triệu chứng tạm thời, không tác động đến căn nguyên của bệnh mà chỉ làm thuyên giảm triệu chứng. Mặt khác, sử dụng dầu nóng quá nhiều còn có thể gây bỏng, dị ứng và đau nhiều hơn.
2.2. Duy trì vận động nhẹ nhàng
Vận động giúp cho máu huyết lưu thông tốt và tạo điều kiện vận chuyển dưỡng chất đến sụn khớp, hạn chế tình trạng xơ cứng, dính khớp. Do đó, bệnh nhân không nên ngồi hay nằm một chỗ mà nên vận động thường xuyên, nhưng phải nhẹ nhàng.
Tránh tập các môn thể thao cường độ cao như điền kinh, bóng đá, tennis… có thể khiến tổn thương xương khớp tăng nặng hơn.
2.3. Bổ sung dưỡng chất cho khớp qua thực phẩm
Cá hồi
Cá hồi là một loại cá béo có nhiều chất dinh dưỡng để tăng cường xương, chẳng hạn như axit béo omega-3, vitamin D, protein và canxi. Cả vitamin D và omega-3 đều có thể giúp tăng hấp thu canxi bên trong cơ thể.
Ăn cá hồi thường xuyên có thể giúp cải thiện tích lũy xương và mật độ xương. Vì thế, đừng quên thêm cá hồi vào thực đơn để bồi bổ xương khớp.
Đậu hũ
Đậu hũ (đậu phụ) chứa isoflavone và canxi – những chất cần thiết để thúc đẩy xương chắc và khỏe mạnh.
Mộc nhĩ, nấm hương
Mộc nhĩ có tác dụng hạ huyết áp, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Các loại nấm có tác dụng tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa và tình trạng thoái hóa xương khớp.
Đặc biệt, nấm hương, mộc nhĩ có thể kết hợp với súp lơ xanh, cà rốt, ớt đỏ để tạo thành món nấm hương xào thập cẩm. Món ăn này không chỉ dễ ăn mà còn có khả năng phòng bệnh thoái hóa khớp, đau nhức khớp. Cà rốt và ớt cũng rất giàu vitamin A và E, hai nhân tố cần thiết để bảo vệ bao khớp và đầu xương.
3. Một số lưu ý
Không lạm dụng thuốc giảm đau nhanh
Khi gặp các cơn đau nhức xương khớp mùa mưa lạnh, cứng khớp, người bệnh hay tìm đến các thuốc giảm đau nhanh.Tuy nhiên các loại thuốc giảm đau chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng đau, không điều trị nguyên nhân gây bệnh nên bệnh vẫn có thể tiếp tục phát triển gây tổn thương nghiêm trong đến sụn và xương.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc lạm dụng các thuốc giảm đau trong bệnh xương khớp rất nguy hiểm, sẽ gây tác dụng phụ: đau dạ dày, suy gan, thận…
Duy trì cân nặng ổn định
Bệnh nhân cũng nên giữ cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá nhanh khiến gia tăng áp lực lên hệ xương khớp. Khi bị thừa cân, tình trạng đau khớp có thể trở nặng khi các khớp phải chịu trọng lượng gấp nhiều lần.
Đau nhức xương khớp mùa mưa lạnh gây nhiều phiền toái và cảm giác khó chịu cho người bệnh. Nếu áp dụng biện pháp điều trị phù hợp, tình trạng đau nhức này hoàn toàn có thể được cải thiện.
XEM THÊM:
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.