Mất ngủ kéo dài: Nguyên nhân, tác hại, giải pháp điều trị hiệu quả
Kiểm tra đơn hàng Tuyển dụng
  • vi
  • en
  • BỆNH MẤT NGỦ VÀ AN THẦN

    Mất ngủ kéo dài: Nguyên nhân, tác hại, giải pháp điều trị hiệu quả

    Tác giả: Trang Vũ

    Tham vấn y khoa: Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng

    06/10/23

    Mất ngủ kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, rệu rạo, ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như căng thẳng, lối sống sinh hoạt, tuổi tác, bệnh tật… Trị liệu, dùng thuốc hoặc thay đổi thói quen có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

    5/5 - (11 bình chọn)

    (Nội dung bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh Viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam.)

    1. Tổng quan về giấc ngủ – Thế nào là mất ngủ?

    Trong phần này chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về giấc ngủ, vai trò của việc ngủ. Từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn tình trạng mất ngủ là gì?

    1.1 Vai trò của giấc ngủ

    Thông thường, một người trưởng thành cần ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Khi ngủ, cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi, tái tạo năng lượng. Điều này giúp cho sức khỏe thể chất và tinh thần được bảo vệ, chuẩn bị cho những hoạt động của ngày mới. Một giấc ngủ chất lượng là giấc ngủ sâu và mang lại cảm giác thư giãn, sảng khoái, khỏe khoắn khi thức dậy.

    mất ngủ kéo dài

    1.2 Mất ngủ kéo dài là bệnh gì?

    Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không đủ giấc. Tình trạng này có thể diễn ra trong thời gian ngắn từ một đêm đến vài tuần, thậm chí kéo dài đến vài tháng. Tùy theo thời gian, mất ngủ được chia thành hai loại là cấp tính và mạn tính. Trong đó:

    • Mất ngủ cấp tính: Mất ngủ kéo dài từ một đêm đến vài tuần, thường do các yếu tố căng thẳng, môi trường hoặc thay đổi lịch trình giấc ngủ.
    • Mất ngủ mãn tính: Mất ngủ xảy ra ít nhất ba đêm một tuần và kéo dài từ 3 tháng trở lên, thường do các vấn đề về sức khỏe, thuốc men, chất kích thích…

    Mất ngủ kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh như mệt mỏi, gắt gỏng, giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, trầm cảm…

    Theo thống kê, số lượng người gặp vấn đề rối loạn giấc ngủ ngày càng tăng cao trong xã hội hiện đại, chiếm đến 30% dân số.

    2. Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

    Mất ngủ kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như căng thẳng, môi trường xung quanh, các vấn đề sức khỏe, sử dụng thuốc men, chất kích thích…

    Việc hiểu và xác định rõ tại sao mất ngủ kéo dài là bước quan trọng giúp cho quá trình điều trị được thuận lợi. Dưới đây Bác sĩ Hằng đã đưa ra một số lý do mất ngủ kéo dài phổ biến:

    2.1 Căng thẳng trong công việc và cuộc sống

    Đây được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chứng mất ngủ kéo dài. Cuộc sống hiện đại khiến khối lượng công việc, cuộc sống trở nên bận rộn. Lúc này con người cũng trong guồng quay lo toan về cơm áo gạo tiền. Điều này khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái lo âu. Mất ngủ là một trong những hệ lụy sau đó. Những người trẻ tuổi là đối tượng chính trong nhóm nguyên nhân này.

    2.2 Mất ngủ do rượu bia, chất kích thích

    Rượu có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhưng lại ngăn cản giai đoạn ngủ sâu và thường khiến chúng ta thức giấc vào giữa đêm. Đồ uống chứa caffeine như cà phê, nước ngọt có ga… thường khiến hệ thần kinh hưng phấn. Nếu thường xuyên sử dụng sẽ dẫn tới rối loạn giấc ngủ, gây mất ngủ kéo dài.

    nguyên nhân mất ngủ kéo dài

    Ngoài ra, Nicotine trong các sản phẩm thuốc lá cũng là một chất kích thích có thể cản trở giấc ngủ

    2.3 Lạm dụng thuốc gây mất ngủ kéo dài

    Khi lạm dụng một số thuốc điều trị tăng huyết áp, corticoid, thuốc chống trầm cảm… cũng có thể khiến các triệu chứng mất ngủ kéo dài xuất hiện.

    Một số thuốc có thể làm giảm sự buồn ngủ, làm tăng sự tỉnh táo hoặc gây ra các tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa… khiến cho việc đi vào giấc ngủ trở nên khó khăn.

    2.4 Môi trường sống và thói quen sinh hoạt

    Lệch múi giờ hoặc thói quen sinh hoạt không hợp lý cũng có thể gây mất ngủ. Ví dụ như điều chỉnh giờ giấc khi đi du lịch qua các múi giờ khác nhau; làm việc theo ca đêm hoặc ca luân phiên; xem tivi hoặc sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ…

    Bên cạnh đó, nếu môi trường sống bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm tiếng ồn do xe cộ hoặc các công trình sẽ phá hỏng chu kỳ ngủ mỗi ngày của chúng ta.

    2.5 Mất ngủ kéo dài triền miên do bệnh lý

    Nhiều bệnh lý mạn tính với các triệu chứng kéo dài, dai dẳng hoặc thường xuyên xuất hiện vào ban đêm có thể làm người bệnh khó chịu và mất ngủ như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, phì đại tuyến tiền liệt…

    Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng, rối loạn lo âu… cũng là những nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài triền miên.

    Các rối loạn giấc ngủ cụ thể như hội chứng chân không yên, ngưng thở khi ngủ, mê sảng, mộng du… cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây mất ngủ.

    mất ngủ kéo dài triền miên do đâu

    2.6 Do ảnh hưởng của tuổi tác

    Chu kỳ thức – ngủ thay đổi dần theo tuổi tác. Khi bước vào giai đoạn lão hóa, tâm sinh lý thay đổi khiến thời gian dành cho giấc ngủ cũng ít dần đi.

    Đó là lý do chúng ta thường thấy người già ngủ muộn và thức dậy sớm. Mặt khác người cao tuổi thường gặp tình trạng trằn trọc khó ngủ vào ban đêm, dù ban ngày ngủ rất ít hoặc thậm chí là không ngủ.

    2.7 Mất ngủ kéo dài do tiền mãn kinh, mãn kinh

    Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể đóng vai trò cản trở giấc ngủ ở chị em phụ nữ. Tình trạng đổ mồ hôi ban đêm và bốc hỏa thường làm gián đoạn giấc ngủ của chị em.

    3. Các yếu tố nguy cơ kéo dài tình trạng mất ngủ

    Hầu như ai cũng có những đêm mất ngủ. Nhưng nguy cơ mất ngủ của bạn sẽ lớn hơn nếu:

    • Xuất hiện yếu tố di truyền: Trong gia đình có người mắc phải tình trạng rối loạn giấc ngủ.
    • Phụ nữ, người cao tuổi (>60 tuổi) có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ cao hơn người bình thường.
    • Người nghiện rượu.
    • Người gặp vấn đề về tâm lý, mắc các bệnh mạn tính.
    • Người luôn phải đối mặt với nhiều gánh nặng, áp lực trong cuộc sống.

    Đặc biệt ngày nay, mất ngủ kéo dài ở người trẻ tuổi ngày một phổ biến. Lý do bắt nguồn từ áp lực đồng trang lứa, công việc bộn bề, chuyện tình cảm…

    4. Triệu chứng mất ngủ kéo dài

    Những triệu chứng đi kèm với tình trạng mất ngủ kéo dài bao gồm:

    • Khó đi vào giấc ngủ

    Người bệnh thường trằn trọc, không thể thư giãn và ngủ ngon vào ban đêm. Họ có thể mất nhiều thời gian để ngủ hoặc không ngủ được một chút nào.

    • Thức giấc nhiều lần trong đêm

    Giấc ngủ không sâu và dễ bị gián đoạn bởi các kích thích như tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ hoặc nhu cầu sinh lý. Họ thường thức giấc nhiều lần trong đêm và rất khó để ngủ lại.

    • Thức dậy quá sớm

    Có thể thức dậy trước khi đến giờ dự định và không thể quay lại giấc ngủ. Do đó mà cơ thể trở nên mệt mỏi, buồn chán và thiếu năng lượng khi bắt đầu một ngày mới.

    • Cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ trong ngày

    Không có được giấc ngủ chất lượng để phục hồi cơ thể và não bộ. Bản thân người bệnh luôn trong trạng thái lờ đờ, buồn ngủ và khó tập trung vào các hoạt động trong ngày. Họ cũng có thể gặp các vấn đề về trí nhớ, sáng tạo và ra quyết định.

    • Khó chịu, lo lắng hoặc trầm cảm

    Người bị mất ngủ kéo dài có thể bị ảnh hưởng tâm lý, do không có được giấc ngủ thoải mái. Họ có thể cảm thấy khó chịu, lo âu hoặc trầm cảm về tình trạng của mình. Họ cũng có thể lo sợ không thể ngủ được vào đêm tiếp theo, tạo ra một vòng luẩn quẩn khó thoát.

    5. Tác hại/hậu quả nguy hiểm của mất ngủ kéo dài

    Mất ngủ kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Dưới đây là một số hậu quả của việc mất ngủ kéo dài như:

    5.1 Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

    Mất ngủ kéo dài có thể làm rối loạn nhịp tim, gây ra nhịp tim không đều, nhịp tim nhanh hoặc chậm hơn bình thường. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đau tim.

    Ngoài ra, tác hại mất ngủ kéo dài cũng có thể bao gồm tăng huyết áp, đặc biệt là huyết áp tâm thu. Tăng huyết áp kéo dài có thể dẫn đến các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não.

    5.2 Giảm sức đề kháng và miễn dịch

    Người mất ngủ thường dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh lý cao hơn người bình thường.

    Một số nghiên cứu cũng cho thấy mất ngủ có thể ảnh hưởng đến sự sản sinh và hoạt động của các tế bào miễn dịch, làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể.

    hậu quả mất ngủ kéo dài

    Những hậu quả của việc mất ngủ kéo dài

    5.3 Gây rối loạn tâm lý

    Bệnh diễn ra trong thời gian dài có thể gây rối loạn tâm lý như lo âu và trầm cảm. Người mất ngủ thường gặp khó khăn trong việc tập trung, quyết định và xử lý thông tin, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và hoạt động hàng ngày.

    5.4 Tăng nguy cơ thừa cân và đái tháo đường

    Người mất ngủ thường có xu hướng ăn nhiều hơn, ưa thích thức ăn có năng lượng cao và nhiều đường. Điều này có thể làm tăng cân và gây ra các vấn đề về chuyển hóa.

    Ngoài ra, mất ngủ cũng có thể gây bất cân đối hormon và làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Mức đường huyết ở người bệnh mất ngủ có xu hướng không ổn định và khó điều chỉnh.

    Thường xuyên mất ngủ còn ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc, khiến da dễ sạm nám, tàn nhang, tóc rụng nhiều hơn…

    6. Chẩn đoán và xét nghiệm kiểm tra tình trạng

    Để chẩn đoán mất ngủ kéo dài, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp sau:

    6.1 Phỏng vấn bệnh nhân

    Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng, thói quen sinh hoạt, môi trường sống, tình trạng sức khỏe, sử dụng thuốc và chất kích thích, cũng như các vấn đề tâm lý có liên quan đến giấc ngủ.

    Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh ghi nhật ký giấc ngủ để theo dõi lịch trình ngủ nghỉ, chất lượng giấc ngủ và các vấn đề gặp phải khi ngủ.

    6.2 Khám lâm sàng

    Mục đích tìm ra dấu hiệu của các bệnh lý có thể gây mất ngủ. Chẳng hạn như bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh tuyến giáp, bệnh phổi…

    Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số như đường huyết, cholesterol…

    6.3 Xét nghiệm chức năng giấc ngủ

    Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất để đánh giá chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Bác sĩ gắn các thiết bị theo dõi hoạt động của não bộ, tim mạch, hô hấp, mắt… khi ngủ. Quá trình này được gọi là polysomnography (PSG) hoặc nội soi giấc ngủ.

    Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm khác như xét nghiệm đa tiến trình (MSLT) để kiểm tra mức độ buồn ngủ ban ngày hoặc xét nghiệm tiến trình duy trì tỉnh táo (MWT) để kiểm tra khả năng duy trì tỉnh táo trong điều kiện yên tĩnh.

    Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng trường hợp.

    7. Các phương pháp điều trị chứng mất ngủ kéo dài

    Có nhiều cách để điều trị chứng mất ngủ kéo dài, từ những thay đổi đơn giản trong lối sống và thói quen cho đến sử dụng các loại thuốc khác nhau… Các phương pháp chính thường là:

    7.1 Thay đổi thói quen sinh hoạt

    Nếu chưa biết mất ngủ kéo dài nên làm gì? Bạn có thể tham khảo danh sách những điều cần chú ý dưới đây để cải thiện chất lượng giấc ngủ:

    • Điều chỉnh lịch trình ngủ nghỉ sao cho phù hợp với chu kỳ sinh học của cơ thể. Tránh thức khuya hoặc ngủ quá nhiều vào ban ngày.
    • Tạo cho mình một môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh và tối.
    • Tránh sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính… ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.
    • Nên thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách, nghe nhạc nhẹ, thiền… để giảm căng thẳng và lo lắng.
    • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.

    7.2 Tập thể dục và ăn uống hợp lý

    Tập thể dục đều đặn có thể giúp chúng ta cải thiện sức khỏe, tăng cường tuần hoàn máu và giảm căng thẳng. Tuy nhiên, bạn không nên tập thể dục quá sát giờ đi ngủ vì có thể làm tăng sự hưng phấn của cơ thể.

    Ăn uống hợp lý, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít trước khi đi ngủ. Bạn cũng nên tránh ăn các loại thức ăn gây khó tiêu, chua hoặc cay.

    Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá… ít nhất 4 – 6 giờ trước khi đi ngủ.

    7.3 Dùng thuốc điều trị mất ngủ kéo dài

    Ngoài việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống và tập thể dục, người bệnh cũng có thể được chỉ định một số loại thuốc để chữa trị mất ngủ. Vậy mất ngủ kéo dài nên uống thuốc gì? Tùy tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định:

    • Eszopiclone (Lunesta)
    • Ramelteon (Rozerem)
    • Zaleplon (Sonata)
    • Zolpidem (Ambien, Edluar, Intermezzo, Zolpimist)…

    Mặc dù có hiệu quả, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài. Bởi có thể gặp phải tác dụng phụ như buồn ngủ ban ngày, hay quên, mộng du… Một số loại thuốc ngủ cũng có thể hình thành thói quen lệ thuộc vào thuốc.

    7.4 Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

    Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một phác đồ điều trị mất ngủ kéo dài bằng cách thay đổi những suy nghĩ và hành vi tiêu cực liên quan đến giấc ngủ.

    CBT có thể giúp bạn xác định và loại bỏ những yếu tố gây căng thẳng, lo lắng, sợ hãi hay trì hoãn gây khó ngủ; đồng thời giúp thiết lập một lịch trình giấc ngủ ổn định. Từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi cho giấc ngủ và áp dụng các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng trước khi đi ngủ.

    7.5 Châm cứu trị liệu mất ngủ kéo dài

    Phương pháp này giúp cải thiện tuần hoàn máu, thông khí huyết và điều trị mất ngủ toàn diện. Châm cứu hoạt động bằng cách kích thích sự sản xuất các chất nội sinh như serotonin, endorphin làm giảm đau, giảm căng thẳng. Từ đó, giúp người bệnh ngủ ngon hơn.

    Tuy nhiên bạn cần cẩn thận trong lựa chọn địa chỉ châm cứu để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

    Ngoài châm cứu, người bệnh cũng có thể thực hiện bấm huyệt để giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn, khắc phục tình trạng mất ngủ kéo dài.

    7.6 Sử dụng các thảo mộc và sản phẩm hỗ trợ giảm mất ngủ

    Sử dụng thảo mộc hoặc sản phẩm hỗ trợ nguồn gốc thiên nhiên với tác dụng an thần, sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi ngủ. Một số thảo mộc/thảo dược tốt cho giấc ngủ có thể kể đến như:

    điều trị mất ngủ kéo dài

    Trong đó:

    Bình vôi: Chứa hàm lượng lớn hoạt chất Rotundin tăng cường tác dụng chất dẫn truyền thần kinh GABA của não bộ giúp xoa dịu thần kinh và tạo giấc ngủ sinh lý, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ.

    Lạc tiên: Theo y học cổ truyền, lạc tiên có tác dụng trừ tà khí, giải nhiệt, mát gan, trị chứng mất ngủ, đau đầu hiệu quả.

    Long nhãn: Tác dụng bổ tâm tỳ, an thần, lợi khí, dưỡng huyết. Chủ trị suy giảm trí nhớ, chữa hay quên, rối loạn giấc ngủ, lo âu, thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

    Tâm sen: Thanh tâm, an thần, chủ trị mất ngủ, hay phiền muộn, lo âu, hồi hộp đánh trống ngực, di mộng tinh…

    Táo nhân: Y học cổ truyền ghi nhận, táo nhân có tính bình, vị ngọt có tác dụng an thần; bổ trung ích can khí kiện cân cốt. Chủ trị điều trị các bệnh lý như mất ngủ kinh niên; suy giảm trí nhớ; hay quên; suy nhược thần kinh…

    Sử dụng thảo dược được cho là lành tính, ít gây ra tác dụng phụ so với các loại thuốc tân dược khác; phù hợp trong điều trị mất ngủ kéo dài. Người bệnh có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ chứa những thảo dược kể trên để cải thiện tình trạng.

    7.7 Điều trị bệnh lý gây mất ngủ

    Nếu mất ngủ do bệnh lý nền như bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh tuyến giáp… hoặc do các rối loạn giấc ngủ cụ thể như hội chứng chân không yên, ngưng thở khi ngủ… thì người bệnh cần điều trị những bệnh lý này để giải quyết tận gốc nguyên nhân ngây mất ngủ.

    Người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh lý gây mất ngủ và được bác sĩ hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.

    8. Chế độ ăn uống cho người bệnh mất ngủ kéo dài

    Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có lợi cho giấc ngủ và hạn chế những thực phẩm có hại cho giấc ngủ. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ ăn cho người mất ngủ kéo dài:

    8.1 Thực phẩm người mất ngủ kéo dài nên ăn

    Người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B6, magie, serotonin và melatonin, những chất có tác dụng an thần, kích thích sản xuất hormone điều tiết chu kỳ ngủ. Một số ví dụ về những thực phẩm này như:

    • Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu… chứa nhiều vitamin D và axit béo omega 3.
    • Chuối, kiwi, anh đào… chứa nhiều magie, kali và tryptophan.
    • Hạt sen, tâm sen, củ sen… có tác dụng thanh nhiệt, an thần.
    • Quả óc chó, việt quất (blueberry), bạch quả… chứa nhiều melatonin.
    • Mật ong, sữa ấm… chứa nhiều glucose và tryptophan.

    8.2 Mất ngủ kéo dài nên kiêng ăn uống gì?

    Người bệnh nên tránh hoặc hạn chế sử dụng những thực phẩm có chứa caffeine, nicotine, rượu bia và các chất kích thích khác vì chúng có thể làm tăng sự tỉnh táo và gây khó ngủ. Bên cạnh đó nên kiêng những thực phẩm có tính cay, nóng, khó tiêu hóa hoặc gây kích ứng dạ dày… làm giảm chất lượng giấc ngủ. Một số ví dụ về những thực phẩm này:

    • Cà phê, trà, nước ngọt… chứa nhiều caffeine
    • Thuốc lá… chứa nhiều nicotine
    • Rượu bia… chứa nhiều cồn
    • Ớt, tiêu, hành tỏi… có tính cay, nóng
    • Thịt xông khói, thịt đỏ, phô mai… khó tiêu hóa

    Click xem thêmTham khảo thêm: Mất ngủ nên ăn gì, kiêng gì? Trọn bộ thực phẩm giúp bạn ngon giấc

    9. Các câu hỏi liên quan đến bệnh mất ngủ kéo dài

    Ngoài các thông tin kể trên, Ban biên tập chúng tôi cũng nhận được nhiều thắc mắc của người bị mất ngủ về những vấn đề như:

    9.1 Có phải bị mất ngủ kéo dài do hậu covid-19?

    Mất ngủ là một trong những triệu chứng thường gặp ở những người đã khỏi COVID-19. Có nhiều nguyên nhân gây ra mất ngủ hậu COVID-19, như:

    • Nỗi sợ hãi bệnh tật, lo lắng về sức khỏe.
    • Các biến chứng của COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, da, khớp, cơ…
    • Các triệu chứng còn sót lại của COVID-19 như ho, khó thở, đau nhức…
    • Sự thay đổi về thói quen sinh hoạt, giãn cách xã hội, cách ly…
    • Sử dụng thuốc điều trị COVID-19 có thể gây kích thích hoặc ức chế hệ thần kinh.

    9.2 Vì sao bị mất ngủ trưa kéo dài?

    Mất ngủ trưa là tình trạng không thể ngủ được vào buổi trưa, dù có cảm thấy buồn ngủ hoặc không. Mất ngủ trưa kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân, như:

    – Ngủ quá nhiều vào ban đêm hoặc đi ngủ quá muộn

    Điều này làm giảm nhu cầu ngủ của cơ thể vào ban ngày, khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ trưa.

    – Ngủ quá ít vào ban đêm

    Đây cũng là lý do giải thích tại sao mất ngủ trưa kéo dài. Nếu bạn thường xuyên không ngủ đủ giấc vào ban đêm, cơ thể sẽ bị mệt mỏi và căng thẳng, làm giảm khả năng điều chỉnh chu kỳ ngủ của não. Khi đó, bạn sẽ khó ngủ vào buổi trưa, dù cảm thấy buồn ngủ.

    – Môi trường không thuận lợi

    Nếu bạn ngủ trưa ở nơi có ánh sáng chói, tiếng ồn lớn, nhiệt độ cao hoặc không thoải mái, bạn sẽ khó có được một giấc ngủ trưa ngon.

    – Bị rối loạn giấc ngủ

    Chứng chân tay bồn chồn, ngưng thở khi ngủ… không chỉ khiến mất ngủ kéo dài về đêm, mà còn có thể gây khó khăn cho việc ngủ trưa.

    9.3 Mất ngủ kéo dài ở bà bầu do đâu?

    Mất ngủ là một trong những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Có nhiều nguyên nhân gây ra mất ngủ ở bà bầu, như:

    – Sự thay đổi của các hormon trong cơ thể

    Khi mang thai, cơ thể bà bầu sẽ sản sinh ra nhiều hormon khác nhau, như estrogen, progesterone, prolactin… Các hormon này có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, nóng bừng mặt, tiểu nhiều… làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

    – Sự phát triển của thai nhi

    Khi thai nhi ngày càng lớn, bà bầu sẽ gặp khó khăn trong việc tìm được tư thế ngủ thoải mái. Thai nhi cũng có thể chuyển động, đá hoặc đạp vào bụng mẹ, khiến mẹ tỉnh giấc.

    – Các vấn đề về tâm lý

    Bà bầu có thể gặp phải nhiều lo lắng, stress, sợ hãi về sức khỏe của mình và con cái, về việc sinh nở, về tương lai của gia đình… Những cảm xúc tiêu cực này có thể gây ra mất ngủ hoặc ác mộng.

    9.4 Mất ngủ kéo dài khám ở đâu?

    Để điều trị mất ngủ kéo dài, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần hoặc tâm lý, vì hầu hết các trường hợp mất ngủ đều có liên quan đến các vấn đề về tâm lý, tinh thần.

    Bạn có thể được khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để xác định nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.

    Dưới đây là một số địa chỉ khám và chữa mất ngủ uy tín ở Hà Nội và TP.HCM mà bạn có thể tham khảo:

    KHU VỰC BỆNH VIỆN ĐỊA CHỈ
    Hà Nội Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Khoa Thần kinh Số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa
    Bệnh viện Tâm thần Trung ương I – Khoa Tâm lý Số 18 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa
    Bệnh viện Bạch Mai – Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Số 78 Giải Phóng, Đống Đa
    TP.HCM Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Khoa Tâm thần kinh Số 468 Nguyễn Trãi, Quận 5
    Bệnh viện Tâm thần TP.HCM – Khoa Tâm lý Số 766 Võ Văn Kiệt, Quận 5
    Bệnh viện Chợ Rẫy – Khoa Thần kinh Số 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5
    Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Khoa Thần kinh Số 215 Hồng Bàng, Quận 11

    Kết luận chung

    Mất ngủ kéo dài là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không đủ giấc trong thời gian dài.

    Tình trạng này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn. Mất ngủ kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, và cần được điều trị kịp thời để tránh các hậu quả nghiêm trọng.

    Bạn có thể áp dụng các phương pháp điều trị mất ngủ kéo dài như dùng thuốc, liệu pháp hành vi nhận thức hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt.

    Quý bạn đọc có thể tham khảo, cập nhật thêm các bài viết tại chuyên mục Bệnh mất ngủ và an thần.

    Để lại bình luận, chat với dược sỹ để được tư vấn giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến bệnh lý mất ngủ.

    XEM THÊM:

    Nguồn tham khảo

    Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.

    Tham Vấn Y Khoa

    Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng

    Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Gửi câu hỏi tư vấn





      Các bài viết khác

      Mệt mỏi nhưng không ngủ được? Nguyên nhân và cách khắc phục 27/07/24
      “Dạo gần đây tôi hay bị mất ngủ, tuy người rất mệt mỏi nhưng không ngủ được. Xin hỏi nguyên…
      Nhắm mắt nhưng không ngủ được: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 20/04/24
      Nhắm mắt nhưng không ngủ được? Đây là thắc mắc của hàng ngàn người khi gặp phải tình trạng mất…
      Người già mất ngủ uống gì? 13+ loại nước giúp an thần, ngủ sâu 21/05/24
      “Mẹ tôi 70 tuổi, thường xuyên bị mất ngủ, ban ngày thì ngủ gà ngủ gật được 15 – 20…
      Uống Panadol có mất ngủ không? Ai không nên dùng thuốc này? 06/06/24
      Uống Panadol có gây mất ngủ không là thắc mắc, lo ngại của nhiều người khi sử dụng loại thuốc…
      Xem thêm