Khi gặp phải tình trạng đau nhức cánh tay phải nhiều người không khỏi lo lắng. Đây là một biểu hiện thông thường hay là triệu chứng của bệnh lý? Làm sao để thoát khỏi cảm giác khó chịu này? Chuyên gia của Tâm Bình sẽ trả lời những thắc mắc này ngay sau đây.
1. Đau nhức cánh tay phải là gì?
Đây là tình trạng khi bạn cảm nhận được cơn đau ở cánh tay bên phải. Cơn đau có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài đi kèm một số biểu hiện khác. Tình trạng này gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt và còn có khả năng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý cần được điều trị kịp thời.
2. Triệu chứng đau nhức cánh tay phải
Các cơn đau nhức có thể xuất hiện độc lập hoặc đi kèm với một số triệu chứng khác.
- Đau khi cử động tay, với hoặc nâng đồ vật, nằm nghiêng về bên phải.
- Hạn chế phạm vi chuyển động của tay. Khó thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Yếu ở cánh tay
- Tê bì, ngứa ran hoặc có cảm giác như bị kim châm ở cánh tay hoặc ngón tay.
- Cứng tay
- Sưng tấy
- Bầm tím
3. Nguyên nhân đau nhức cánh tay phải
Có nhiều người thắc mắc đau nhức cánh tay phải là bệnh gì? Trên thực tế, tình trạng này có thể chỉ là biểu hiện sinh lý thông thường. Tuy nhiên, nó cũng có thể là tín hiệu cảnh báo một số bệnh lý.
3.1. Vận động sai tư thế
Với đồ vật quá tầm tay, nằm đè lên cánh tay phải, gối đầu lên cánh tay phải… đều có thể là nguyên nhân khiến bạn tự nhiên đau nhức cánh tay phải. Tuy nhiên, những cơn đau dạng này thường chỉ thoáng qua. Bên cạnh đó, duy trì một tư thế tay quá lâu, thường xuyên mang vác vật nặng cũng khiến dây thần kinh, gân, cơ bị chèn ép làm giảm lưu thông máu.
3.2. Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất
Là một bộ phận của cơ thể lại thường xuyên chuyển động và chịu lực tác động, cánh tay của bạn cũng cần được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Một chế độ ăn thiếu vitamin B1, B12, canxi, kali… sẽ khiến cơ xương khớp ở tay bị đau nhức. Thêm vào đó, ăn uống thiếu chất sẽ khiến sức đề kháng suy giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công.
3.3. Đau nhức cánh tay phải khi mang thai
Bà bầu là một trong số các đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Lý do là bởi sự thay đổi của nội tiết tố, thiếu hụt canxi trong thai kỳ. Nếu đau kèm theo dấu hiệu bất thường, mẹ bầu nên tới gặp bác sĩ để được tư vấn các biện pháp giảm đau an toàn.
3.4. Bị nhiễm lạnh
Cơ thể nhiễm lạnh sẽ khiến các mạch máu co mạnh, giảm lưu thông máu. Từ đó gây đau cho cánh tay. Nguyên nhân này thường gặp phải ở những người hay tắm gội khuya, vào phòng điều hòa đột ngột hoặc không giữ đủ ấm khi thời tiết chuyển mùa.
>>Xem thêm: Đau xương khớp mùa lạnh – Đâu là nguyên nhân?
3.5. Hội chứng ống cổ tay
Ống cổ tay kéo dài từ cẳng tay đến lòng bàn tay. Đối với những người đặc thù công việc, sinh hoạt phải sử dụng nhiều tới cổ tay, ngón tay trong một thời gian dài sẽ gây viêm ống cổ tay. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các dây thần kinh và gân gây đau ở cánh tay, đặc biệt là cẳng tay. Các triệu chứng đi kèm có thể là ngứa, tê bì, khó khăn trong cầm nắm.
>>Đừng bỏ lỡ: Hội chứng ống cổ tay là gì? Làm sao để nhận biết?
3.6. Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay
Đám rối thần kinh cánh tay là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm dây thần kinh kiểm soát các cử động ở cánh tay. Khi các dây thần kinh này bị tổn thương sẽ tạo ra các cơn đau nhức.
3.7. Viêm gân
Những vết rách nhỏ trong các gân nối cơ với xương ở cánh tay sẽ gây ra viêm gân. Những người chơi các môn thể thao dùng vợt cũng có thể gặp phải tình trạng này. Nó có thể xảy ra ở một bên cánh tay hoặc cả hai bên.
3.8. Viêm bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch cung cấp chất lỏng bôi trơn khớp xương để giúp khớp hoạt động trơn tru, tránh ma sát. Khi bao hoạt dịch bị viêm nó sẽ làm giảm tiết dịch gây khó khăn khi thực hiện những động tác đơn giản. Vị trí viêm có thể ở khớp vai, khuỷu tay, cổ tay. Vì vậy có thể bạn sẽ cảm nhận được cơn đau nhức bả vai và cánh tay phải.
3.9. Thoái hóa khớp
Tình trạng lão hóa tự nhiên ở người già, lối sống thiếu khoa học ở người trẻ đều đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp. Bệnh có thể gây đau ở bất kỳ vị trí khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả cánh tay.
3.10. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Bạn sẽ thắc mắc là tại sao cơn đau tê nhức cánh tay phải lại liên quan tới thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Nguyên nhân là do các dây thần kinh tới cánh tay phải đi qua vùng cột sống cổ. Khi đĩa đệm ở cổ bị thoát vị sẽ chèn ép lên dây thần kinh này gây đau.
3.11. Gãy xương gây đau nhức xương cánh tay phải
Trường hợp này thường là hệ quả của một chấn thương trong thể thao, lao động, sinh hoạt. Vết gãy có thể gần với vai hoặc dọc theo trục giữa của xương cánh tay phải.
3.12. Nhồi máu cơ tim
Có lẽ nhiều người vẫn quan niệm chỉ có đau nhức cánh tay trái mới có liên hệ với các cơn nhồi máu cơ tim. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các rễ thần kinh ở tim và cánh tay phải có mối liên quan với nhau. Khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện sẽ khiến cánh tay phải bị đau đột ngột kèm đau tức ngực dữ dội. Đây là trường hợp khẩn cấp cần được cấp cứu kịp thời.
4. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Trong một số trường hợp bạn không nên trì hoãn việc tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Bởi sự chậm trễ này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng, thậm chí có thể gây ra những hậu quả đáng ngại. Do đó, khi bạn gặp phải những triệu chứng dưới đây, hãy tới gặp bác sĩ:
- Đau tăng nặng ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà
- Hạn chế khả năng vận động
- Mẩn đỏ, sưng tấy
- Tê yếu tay
- Các triệu chứng sau chấn thương như: chảy máu, sưng tấy, đau dữ dội, xương nhô ra, khi chấn thương nghe thấy tiếng gãy.
5. Chẩn đoán
Dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh, để chấn đoán chính xác, bác sĩ có thể sẽ thực hiện một vài phương pháp sau:
- Kiểm tra khả năng vận động
- Chụp X-quang
- Chụp MRI
- Siêu âm khớp
- Xét nghiệm máu
6. Điều trị đau nhức cánh tay phải
Đối với các trường hợp nặng, liên quan tới yếu tố bệnh lý nghiêm trọng, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cho từng đối tượng cụ thể. Sự chuyển biến tích cực của các bệnh lý này sẽ kéo theo giảm hoặc khỏi đau nhức một bên cánh tay phải.
Trong trường hợp đau nhẹ, không đi kèm biểu hiện bất thường khác, cơn đau có thể tự khỏi. Bạn cũng có thể sử dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số phương pháp khác.
6.1. Chườm lạnh giảm đau
Phương pháp này được áp dụng ngay sau khi gặp chấn thương ở cánh tay phải. Trong vòng 48 giờ sau chấn thương, bạn hãy chườm một túi đá, chai nước đá hoặc khăn lạnh vào vùng chấn thương trong vòng 15 phút.
6.2. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ
Trong một số trường hợp, đặc biệt là sau chấn thương, việc để cho tay của bạn được nghỉ ngơi cũng là một cách hiệu quả. Để thực hiện điều này bạn có thể sử dụng nẹp, đai để giữ yên cánh tay, nâng cao tay hơn tim để giảm sưng. Nó sẽ hạn chế việc cử động giúp giảm đau cũng như cho cơ thể thời gian để tự chữa lành vết thương.
6.3. Bài tập giảm đau nhức mỏi cánh tay phải
Một số bài tập sẽ giúp giảm đau, tăng độ linh hoạt cho cánh tay. Đây đều là những động tác đơn giản mà bạn có thể tập trong giờ giải lao nơi làm việc hoặc tại nhà.
- Căng tay chéo: Từ từ kéo cánh tay phải qua ngực hết mức có thể. Dùng tay trái giữ tay phải trong 1 phút. Sau đó trở về tư thế ban đầu. Lặp lại 3 lần.
- Căng tay trên: đặt bàn tay phải ra sau vai phải. Lấy tay trái nắm khuỷu tay phải. Nhẹ nhàng nâng khủy tay phải về phía trần nhà đến khi căng. Giữ trong 30 giây. Thả lỏng và trở lại tư thế bình thường. Lặp lại 3 lần.
6.4. Vật lý trị liệu
Một trong những biện pháp không dùng thuốc phải kể tới là vật lý trị liệu. Một loạt các phương pháp có thể sử dụng như: nắn chỉnh bằng tay, điện xung trị liệu, laser trị liệu… Vật lý trị liệu giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện ngưỡng vận động, giảm đau.
6.5. Thuốc giảm đau nhức cánh tay phải
Một số loại thuốc giảm đau có thể được chỉ định để giảm bớt triệu chứng như: acetaminophen, ibuprofen… Corticosteroid cũng có thể được kê trong trường hợp đau dữ dội.
6.6. Phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị khác không phát huy hiệu quả hoặc cơn đau tăng nặng, tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc tới việc phẫu thuật. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định dạng phẫu thuật phù hợp.
7. Cách phòng tránh
- Sinh hoạt, lao động đúng tư thế. Cần vận động nhẹ nhàng sau một khoảng thời gian ngồi hoặc đứng lâu trong một tư thế. Hạn chế mang vác vật nặng.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Không nên tập quá sức và phải đảm bảo tập luyện đúng kỹ thuật. Khởi động kỹ trước khi tập cũng là cách giúp giảm tối đa khả năng chấn thương.
- Duy trì bữa ăn đủ dinh dưỡng. Đặc biệt nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: rau quả, cá béo… Không uống rượu bia, kiêng ăn mặn.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, loại bỏ nguyên nhân gây đau do bệnh lý.
Trên đây là những thông tin tham khảo về tình trạng đau nhức cánh tay phải. Để đảm bảo xác định chính xác nguyên nhân và điều trị phù hợp hãy đến gặp bác sĩ nếu cơ thể gặp phải triệu chứng bất thường. Đừng quên chuyên gia của chúng tôi cũng luôn sẵn sàng lắng nghe và trả lời mọi thắc mắc qua tổng đài 0865 344 349 hoăc chat trực tiếp.
XEM THÊM:
- Truy tìm nguyên nhân gây đau nhức xương khớp
- Đau nhức xương khớp nên ăn gì và kiêng gì? – Món ăn, vị thuốc
- Viêm dây thần kinh cánh tay nguy hiểm ra sao? Cách chữa tốt nhất
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- 15 nguyên nhân gây đau vai phải và cánh tay
https://www.healthline.com/health/shoulder-pain/right-shoulder-and-arm-pain - Đau cánh tay – Khi nào đến gặp bác sĩ
https://www.mayoclinic.org/symptoms/arm-pain/basics/when-to-see-doctor/sym-20050870
Tham Vấn Y Khoa
Dược sĩ Hoàng Mạnh CườngTốt nghiệp đại học dược Hà Nội, dược sĩ Hoàng Mạnh Cường hiện đang phụ trách chuyên môn R&D của Dược Phẩm Tâm Bình. Với nhiều kinh nghiệm trong ngành dược lâm sàng, pháp chế dược và đặc biệt là Dược cổ truyền, dược sĩ Cường sẽ đưa đến cho quý độc giả những kiến thức Y dược được cập nhật mới nhất một cách nhanh chóng và đáng tin cậy - Góp phần nâng cao nhận thức và thông tin sức khoẻ cho cộng đồng.