Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái gây đau, vận động khó khăn cho người bệnh. Việc điều trị chậm trễ, không đúng hướng sẽ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Dưới đây là những thông tin cơ bản để nhận diện tình trạng này.
1. Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái là gì?
Bao hoạt dịch ngón chân cái là các túi chứa chất lỏng giúp bôi trơn, giảm ma sát giữa các khớp. Khi túi này bị viêm, kích ứng sẽ gây ra một loạt các vấn đề, ảnh hưởng tới khả năng vận động. Những vị trí dễ bị viêm bao hoạt dịch là những khớp phải hoạt động với tần suất cao như: ngón chân cái, gối, gót chân, vai, khuỷu tay.
2. Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Dấu hiệu của bệnh có thể quan sát bằng mắt thường nên khá dễ nhận biết:
- Đau ngón chân cái, đau buốt ngón chân cái, đau tăng khi vận động. Cơn đau có thể lan ra cả bàn chân.
- Sưng, nóng, đỏ, bầm tím ở vùng quanh vùng khớp ngón chân cái.
- Phần xương khớp ngón chân cái có thể bị lệch khỏi vị trí thông thường. Hình dạng ngón chân có thể bị thay đổi khi nghiêng về phía ngón liền kề.
3. Nguyên nhân viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Viêm bao hoạt dịch ngón cái có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể là yếu tố bẩm sinh, hệ quả của các bệnh lý khác, thói quen xấu trong sinh hoạt…
3.1. Hệ quả của hội chứng bàn chân bẹt
Hội chứng bàn chân bẹt thường là một tình trạng bẩm sinh. Những người gặp phải hội chứng này có lòng bàn chân bằng phẳng thay vì hõm như bình thường. Điều này sẽ ảnh hưởng tới dáng đi và cấu trúc ngón chân cái. Lâu dần ngón chân cái vênh đẩy về sát ngón bên cạnh gây viêm bao hoạt dịch ngón chân, gai gót chân…
3.2. Dây chằng của bàn chân quá yếu
Dây chằng ở bàn chân quá yếu gây giảm chiều cao của vòm chân. Từ đó gây sụp vòm ảnh hưởng tới động tác di chuyển của bàn chân. Dẫn tới áp lực dồn lên ngón cái theo thời gian làm tổn thương bao hoạt dịch.
3.3. Vận động quá sức
Nếu đặc thù công việc buộc chân bạn phải hoạt động nhiều, liên tục có thể gây kích thích bao hoạt dịch ở khớp ngón chân cái. Điều này lâu dần sẽ dẫn tới bao hoạt dịch dễ bị sưng viêm.
3.4. Chấn thương gây viêm bao hoạt dịch ngón cái
Các chấn thương khớp ngón chân cái như va chạm mạnh, trật khớp ngón chân cái, bong gân… có thể ảnh hưởng tới lớp bao hoạt dịch ở ngón chân. Từ đó dẫn tới viêm bao hoạt dịch ngón cái.
3.5. Thói quen xấu trong sinh hoạt
Thói quen đi giày cao gót, giày chật trong thời gian dài cũng có thể gây kích thích, tổn thương bao hoạt dịch.
3.6. Hệ quả của các bệnh lý khác
Bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cũng có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý xương khớp và toàn thân. Đó có kể là viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, bệnh gout, nhiễm trùng… Các căn bệnh này kích thích phản ứng viêm tại bao hoạt dịch.
4. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Một số đối tượng có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác:
- Người lớn tuổi: Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến bao hoạt dịch giảm tiết dịch, hệ thống miễn dịch kém dẫn tới khả năng nhiễm trùng cao.
- Vận động viên, người tập thể dục thể thao cường độ cao.
- Người bị hội chứng bàn chân bẹt.
- Người mắc bệnh lý nền như: Tiểu đường, viêm khớp, gout…
5. Viêm bao hoạt dịch ngón cái có nguy hiểm không?
Bệnh có thể được kiểm soát, thậm chí là chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên nếu bệnh không được quan tâm đúng mức, kéo dài dai dẳng sẽ gây khó khăn trong vận động, đau mạn tính, thay đổi tư thế đi. Thậm chí bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: tràn dịch khớp, liệt khớp, tàn phế.
6. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Như trên đã đề cập, hiệu quả điều trị phụ thuộc lớn vào thời điểm phát hiện và tiến hành các biện pháp xử lý. Do đó, ngay khi phát hiện thấy các dấu hiệu dưới đây hãy tới gặp bác sĩ:
- Đau cứng khớp, khó khăn trong vận động
- Đau không thuyên giảm ngay cả khi áp dụng các biện pháp nghỉ ngơi, chăm sóc tại nhà. Đau ngày càng tăng lên.
- Sưng, bầm tím.
- Sốt
- Sau khi gặp chấn thương
7. Chẩn đoán
Triệu chứng bệnh có thể gây nhầm lần với một số bệnh lý khác, đặc biệt là bệnh gút. Do đó việc chẩn đoán phân biệt, loại trừ là rất quan trọng. Bác sĩ sẽ dựa vào việc khám lâm sàng kết hợp với một số biện pháp chẩn đoán dưới đây để xác định chính xác bệnh.
- Chụp X-quang: Loại trừ trường hợp gãy xương, gai xương…
- Chụp MRI, Chụp CT: Cung cấp hình ảnh ổ viêm trong bao hoạt dịch, khớp. Từ đó giúp loại trừ viêm khớp, u xương ngón chân cái… Đồng thời bác sĩ cũng có thể đánh giá về mức độ viêm bao hoạt dịch.
- Xét nghiệm dịch khớp, xét nghiệm máu: Xác định nguyên nhân gây viêm như do viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, nhiễm trùng…
8. Điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
8.1. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Một số trường hợp, đặc biệt là người có bàn chân bẹt có thể sử dụng dụng cụ hỗ trợ để chỉnh hình bàn chân, giảm đau. Đó là đế chỉnh hình bàn chân, nẹp cố định ngón chân. Việc sử dụng giày chuyên dụng hoặc giày có mũi rộng, sâu và đệm giày chuyên dụng có thể giúp giảm triệu chứng.
8.2. Chườm lạnh
Đây là biện pháp tạm thời, tại chỗ để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng đau, đặc biệt là đối với trường hợp bị chấn thương trong vòng 48 giờ đầu tiên. Bạn chỉ cần dùng khăn bọc đá, túi chườm lạnh, chai nước đá chườm lên vị trí ngón chân cái trong 15 – 20 phút. Lưu ý là không chườm đá trực tiếp lên vị trí đau, không chườm lên vết thương hở.
8.3. Thuốc Tây trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Đây là một trong những cách trị đau ngón chân cái được nhiều người lựa chọn vì khả năng giảm đau nhanh. Tuy nhiên, bạn chỉ được dùng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc có thể được kê là:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol
- Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid: Ibuprofen, Naproxen
- Thuốc kháng sinh
8.4. Vật lý trị liệu
Một số phương pháp điều trị có thể được áp dụng là: sóng xung kích, laser trị liệu, nhiệt trị liệu, siêu âm… Liệu trình vật lý trị liệu có thể kéo dài do đó cần sự phối hợp chặt chẽ của người bệnh. Các biện pháp này sẽ giúp giảm đau, tăng sức mạnh cơ, cải thiện khả năng vận động, kích thích phục hồi tổn thương tại khớp.
8.5. Chọc hút bao hoạt dịch
Được sử dụng đối với những trường hợp không điều trị kịp thời, nguy cơ biến chứng cao. Lúc này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống tiêm vô trùng để hút chất dịch dư thừa từ bao hoạt dịch.
8.6. Phẫu thuật
Phương pháp này hiếm khi được chỉ định để điều trị tình trạng này bởi chi phí và rủi ro có thể gặp phải. Thường trường hợp không đáp ứng với phương pháp điều trị khác hoặc tổn thương nghiêm trọng, nguy cơ biến chứng cao sẽ được chỉ định phẫu thuật.
9. Cách phòng tránh
Một số biện pháp có thể giúp bạn hạn chế khả năng mắc bệnh:
- Không đi giày quá chật, hạn chế mang giày cao gót trong thời gian dài. Nếu công việc đòi hỏi phải đi, đứng trong thời gian dài, liên tục hãy mang một đôi giày dễ chịu, có đệm lót.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bổ sung thực phẩm giàu canxi, omega-3… Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu bia…
- Giữ cân nặng ở mức cho phép.
- Tập thể dục đều đặn, khởi động kỹ trước khi tập, tập đúng kỹ thuật.
- Điều trị kịp thời, dứt điểm các bệnh lý có thể dẫn tới viêm bao hoạt dịch.
Những thông tin về viêm bao hoạt dịch ngón chân cái trên đây chỉ mang tính tham khảo. Khi phát hiện ra những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, triệu chứng ngày càng tăng nặng hãy tới các cơ sở y tế để được xác định chính xác bệnh.
XEM THÊM
- Dấu hiệu nhận biết viêm bao hoạt dịch khớp
- Nguyên nhân gây đau khớp ngón chân cái
Tham Vấn Y Khoa
TTƯT Hoàng Khánh ToànĐại tá, TTƯT.Ths.Bs Hoàng Khánh Toàn chia sẻ: “Chữa bệnh cứu người luôn là khát khao cháy bỏng của tôi. Đây cũng chính là lý do tôi dành cả cuộc đời theo nghề y. Trở thành cố vấn của Dược phẩm Tâm Bình là cách để tôi tiếp tục mang kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được để giúp sức cho cộng đồng.”