Đi ngoài quá nhiều lần trong một ngày không chỉ gây bất tiện mà còn khiến bạn cảm thấy lo lắng khi không biết liệu đây có phải dấu hiệu bệnh lý hay không. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng như cách xử lý.
1. Đi ngoài nhiều lần trong ngày là gì?
Đối với trẻ sơ sinh việc đi tiêu nhiều lần rất bình thường. Nhưng người lớn đi ngoài nhiều lần trong ngày là một dấu hiệu cần cẩn trọng.
Nhiều người không khỏi thắc mắc đi cầu bao nhiêu lần một ngày là bình thường hay một ngày đi đại tiện bao nhiêu lần là tốt. Thực tế là không có câu trả lời chính xác chung cho tất cả mọi người.
Điều này tùy thuộc vào số lần đi cầu hàng ngày đều đặn của bạn. Một số người 2 – 3 ngày mới đi tiêu một lần trong khi số khác đi 1 hoặc 2 lần một ngày. Nếu đột nhiên bạn đi ngoài nhiều hơn mức thông thường hàng ngày của bạn thì được gọi là đi ngoài nhiều lần. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng đưa ra gợi ý về số lần đi tiêu được gọi là bình thường. Đó là từ 3 lần/tuần đến 3 lần/ngày.
Hình dáng và cấu trúc phân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá về mức độ bình thường. Nếu bạn đi cầu nhiều lần nhưng phân tốt thì không đáng ngại. Nhưng nếu đi tiêu nhiều phân lỏng, lẫn máu, phân nhầy, đi kèm với các triệu chứng khó chịu khác thì đây có thể là dấu hiệu bệnh lý cần thận trọng.
2. Nguyên nhân gây đi ngoài nhiều lần trong một ngày
Đại tiện nhiều lần có thể bắt nguồn từ chính sự thay đổi trong chế độ dinh dưỡng gần đây. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp đi lặp lại đi kèm với những triệu chứng khác rất có thể là dấu hiệu của một bệnh lý.
2.1. Thay đổi chế độ ăn uống gây đi ngoài nhiều lần
Những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng gần đây của bạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi ngoài. Nếu bạn ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt bạn sẽ đi cầu nhiều hơn. Bởi chất xơ làm tăng khối lượng phân. Nó cũng làm phân mềm hơn giúp di chuyển dễ dàng trong ống tiêu hóa để thải ra ngoài.
Ngoài ra, uống nhiều cà phê cũng khiến bạn đi vệ sinh nhiều lần trong ngày. Bởi cafein trong cà phê làm tăng nhu động ruột già. Khả năng nhuận tràng của loại đồ uống này giúp bạn đào thải phân dễ dàng hơn.
Trong trường hợp này, hình dáng và cấu trúc phân hoàn toàn bình thường.
2.2. Tăng cường hoạt động thể chất
Đi tiêu nhiều lần trong ngày cũng có thể xuất phát từ việc bạn đột nhiên tăng cường độ tập luyện. Rèn luyện thể lực sẽ giúp tăng cường nhu động ruột. Từ đó khiến quá trình đào thải phân dễ dàng và thường xuyên hơn, phân tốt.
2.3. Đi ngoài nhiều lần trong ngày do stress
Có lẽ bạn không biết rằng căng thẳng, lo âu kéo dài có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Nó có thể làm gia tăng nhu động ruột gây tiêu chảy đi ngoài nhiều lần. Dấu hiệu đi kèm có thể là đau quặn bụng.
2.4. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc bạn đang sử dụng cũng có thể làm thay đổi tần suất đi vệ sinh và hình dáng, màu sắc phân của bạn. Bởi chúng có thể kích thích nhu động ruột, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Có thể kể đến như thuốc nhuận tràng, thuốc kháng sinh… Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ hết sau vài ngày bạn dừng thuốc.
2.5. Đi ngoài nhiều lần trong ngày do bệnh lý đường tiêu hóa
Câu trả lời phổ biến cho đi ngoài nhiều lần trong ngày là bệnh gì là bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa. Một số bệnh có thể kể tới như:
- Hội chứng ruột kích thích: Tình trạng này có thể khiến bạn bị đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Viêm loét dạ dày: Trên niêm mạc dạ dày hình thành các ổ viêm, vết loét. Người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn đi ngoài nhiều lần, đau quặn bụng, ợ chua…
- Viêm đại tràng: Đây là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc đại tràng gây đau bụng, đi ngoài nhiều lần, mệt mỏi…
- Bệnh Crohn: Đây là một dạng viêm ruột do tự miễn. Bệnh làm tăng tần suất đi tiêu, gây tiêu chảy, phân lẫn máu, đau bụng, lở miệng…
- Bệnh trĩ: Người bệnh có cảm giác ngứa, nóng rát vùng hậu môn, luôn có cảm giác muốn đi đại tiện, đại tiện ra máu…
2.6. Một số lý do khác
Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt có thể đi tiêu nhiều hơn. Vì trong giai đoạn kinh nguyệt tử cung của bạn co thắt nhiều hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự co thắt của đại tràng.
Ngoài ra, dị ứng thực phẩm, nhiễm virus, vi khuẩn đường ruột (như Rotavirus, Adenovirus, Cryptosporidium…) cũng có thể gây đi ngoài nhiều lần. Bệnh cường giáp gây tăng nhu động ruột có thể dẫn tới tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
3. Đi cầu nhiều lần trong ngày có nguy hiểm không?
Tình trạng này sẽ không có gì đáng ngại nếu xuất phát từ việc thay đổi chế độ ăn, tăng cường tập luyện. Nó chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu đây là triệu chứng bệnh lý thì cần được can thiệp kịp thời. Bởi bệnh nếu để kéo dài có thể diễn biến nặng hơn và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
4. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng đi ngoài nhiều lần xuất hiện kèm theo một trong số các triệu chứng dưới đây bạn cần tới gặp bác sĩ:
- Phân dẹp, lỏng, nhiều nước
- Đau bụng
- Nôn
- Phân lẫn máu, phân lẫn chất nhầy
- Sốt
5. Chẩn đoán
Do có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nên bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp để xác định chính xác nguyên nhân:
- Khám lâm sàng: Hỏi người bệnh về tần suất đi tiêu, hình dạng và cấu trúc phân, chế độ dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt gần đây, tiền sử bệnh và các triệu chứng
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT, siêu âm, nội soi…
- Xét nghiệm phân
- Xét nghiệm máu: phát hiện nhiễm trùng, mất máu…
6. Cách trị đi ngoài nhiều lần
Để quyết định điều trị đi nặng nhiều lần trong ngày như thế nào bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong một số trường hợp bạn không phải áp dụng bất kỳ sự can thiệp y khoa nào.
Nếu vấn đề là do ăn uống, tập thể dục bạn không cần phải lo lắng vì điều này hoàn toàn bình thường. Trường hợp do tác dụng phụ của thuốc bạn có thể trao đổi với bác sĩ để đổi loại thuốc nếu cần thiết.
Đối với tình trạng stress, bạn hãy tìm những hoạt động giúp bạn tránh tối đa căng thẳng. Đôi khi bạn cần tới sự trợ giúp của chuyên gia đối với những vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc chú ý tới chế độ dinh dưỡng cũng có thể cải thiện tình trạng này. Vậy bị đi ngoài nhiều lần trong ngày nên ăn gì? Nếu bạn giảm chất xơ, cà phê trong khẩu phần bạn sẽ giảm số lần đi tiêu. Trong trường hợp bị tiêu chảy, bạn nên bổ sung nước, ăn thức ăn dạng lỏng, sữa chua. Hạn chế thực phẩm cay nóng, tái sống, nhiều dầu mỡ…
7. Cách phòng tránh
Để không bị làm phiền bởi tình trạng đi tiêu nhiều lần trong một ngày cũng như phòng tránh các bệnh lý có liên quan bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với bữa ăn cân bằng dinh dưỡng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Uống đủ nước.
- Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ tái sống, rượu bia…
- Ghi lại những thực phẩm cơ thể không dung nạp, dị ứng. Khi thử một loại thức ăn mới hãy thử một ít trước để thăm dò.
- Rèn luyện thể dục thể thao đều đặn, tăng dần cường độ, không tập quá sức.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng.
- Khám sức khỏe định kỳ.
Những thông tin về đi ngoài nhiều lần trong ngày trên đây chỉ mang tính tham khảo, không thay thế chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng này kéo dài đi kèm với các triệu chứng khác hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám.
XEM THÊM
- Vì sao bị đau bụng đi ngoài?
- Đi ngoài ra nước có nguy hiểm không?
- TPBVSK hỗ trợ bảo vệ niêm mạc đại tràng