Thông thường, các bệnh về xương khớp bị nặng hơn vào mùa đông, song không đồng nghĩa với việc người bệnh có thể chủ quan ngày hè. Việc thay đổi đột ngột từ môi trường lạnh trong phòng điều hòa sang cái nóng oi ả ngoài trời, hay uống nhiều bia rượu, chơi thể thao với cường độ cao tiềm ẩn nguy cơ bị các cơn đau nhức xương khớp hành hạ.
1. Vì sao mùa hè không “chừa” bệnh khớp?
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng cùng những cơn mưa bất chợt, khiến các dây thần kinh cảm giác tại các khớp liên tục phản ứng, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu hơn với các cơn đau do thoái hóa khớp.
Nhiệt độ không khí tăng làm cho người bị thoái hóa khớp, đặc biệt là những người đang bị viêm khớp cấp tính, tràn dịch khớp cảm thấy đau nhiều hơn và có cảm giác giống như bị sốt – nhưng nhiệt độ lại không cao.
Bên cạnh đó, vào mùa này nhiều người đặc biệt là người trẻ thường chơi thể dục thể thao với cường độ cao tiềm ẩn nguy cơ có thể gây chấn thương, có thể dẫn tới đau nhức xương khớp.
2. Khớp gối bị ảnh hưởng nhiều
Vào mùa hè khi thời tiết nóng bức, mọi người thường chọn giải pháp ngồi lỳ trong phòng điều hòa để hạ nhiệt. Tuy nhiên, khi di chuyển từ trong phòng ra ngoài trời, nhiệt độ có sự chênh lệch rất lớn, thậm chí có thể lên đến gần 20 độ C.
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến thay đổi môi trường nội môi, dễ làm khởi phát các đợt viêm, từ đó ảnh hưởng đến gân, dây chằng, các cơ ở bệnh nhân viêm khớp gối hoặc đau khớp mạn tính. Các dây thần kinh cảm giác trong khớp phản ứng lại với tình trạng viêm nhiễm, khiến người bệnh thấy đau nhức xương khớp hơn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến đau khớp gối là áp suất không khí. Khi áp suất tăng hoặc giảm đột ngột, quá trình viêm ở khớp có xu hướng mạnh hơn, gây đau đớn cho người bệnh.
Thêm nữa, việc ngồi lâu trong phòng lạnh và hạn chế vận động cũng là nguyên nhân khiến cho khớp gối bị ảnh hưởng gây đau nhức.
3. Viêm khớp dạng thấp không tái phát?
Trên thực tế, số người mắc viêm khớp dạng thấp tăng lên vào mùa đông và có nguy cơ bùng phát bệnh nặng hơn trong thời gian này. Nguyên nhân là do, thời tiết lạnh khiến độ kết dính dịch khớp tăng lên, khớp hoạt động khó khăn, từ đó bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dễ bị sưng, đau nhức nhiều hơn.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc người bị viêm khớp dạng thấp có thể chủ quan vào mùa hè. Việc nằm ngủ cả đêm trong phòng điều hòa có thể khiến người bệnh bị đau nhức, cảm nhận rõ nhất là bị cứng tại khớp, khó vận động vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Hoặc ngồi làm việc cả ngày trong phòng điều hòa cũng khiến cho người bị bệnh này bị đau nhức, khó chịu.
4. Bị đau nhức xương khớp sau khi uống nhiều bia rượu
Thời tiết nắng nóng vào mùa hè khiến cho “đấng mày râu” thường xuyên làm “bạn” với rượu, bia. Sau khi uống, ngoài triệu chứng thường gặp như chóng mặt, nhức đầu thì một số người lại mắc thêm chứng đau nhức xương khớp. Rõ nét nhất là cơn đau ở các đốt ngón tay, ngón chân.
Bia rượu là một chất ức chế hormon chống bài niệu, nên nó làm thận thải nước nhiều hơn. Vì vậy, việc sử dụng quá nhiều bia rượu có thể làm cho cơ thể bị mất nước, từ đó ảnh hưởng đến dịch khớp, làm các cơ và mô liên kết trở nên cứng hơn. Các dịch nhầy trong khớp không còn khả năng thực hiện được vai trò chính là bôi trơn, dẫn đến tình trạng khô khớp, gây đau đớn.
Thông thường cơn đau không kéo dài mà chỉ đau sau khi dùng bia rượu. Cơn đau sẽ dứt hẳn sau 1 – 2 ngày và không có tình trạng tái diễn. Tuy là cơn đau ngắn nhưng khiến người mắc triệu chứng này cảm thấy khó chịu, bởi tay chân liên tục nhức mỏi và cảm giác như bị “kiến cắn” ở các đốt ngón tay.
5. Nắng nóng khiến người bệnh kén ăn
Thời tiết nắng nóng khiến cho nhiều người kén ăn hơn. Tuy nhiên, xương cũng cần được bổ sung dinh dưỡng hàng ngày, vì vậy ăn uống đảm bảo là yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe của xương. Tình trạng ăn quá nhiều hoặc quá ít sẽ dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng thiết yếu là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh xương khớp như loãng xương, thoái hóa khớp.
Vì vậy, dù thời tiết nóng bức nhưng chúng ta vẫn nên cố gắng ăn uống đầy đủ, khoa học. Bổ sung các loại rau xanh và hoa quả, ăn vừa đủ thức ăn giàu chất đạm, tinh bột để duy trì nguồn dinh dưỡng chăm sóc khớp.
Đồng thời duy trì một nếp sống lành mạnh như tập thể dục, vận động đều đặn, khoa học kết hợp với dinh dưỡng đa dạng như bổ sung canxi, vitamin D, mangan, selen, chất chống oxy hóa… là cách phòng ngừa loãng xương và thoái hóa khớp hiệu quả.
Tuy không ảnh hưởng nhiều nhưng người bị bệnh khớp vẫn không nên chủ quan vào ngày hè. Việc chăm sóc tốt cho xương khớp bất kể hè hay đông, xuân hay thu đều giúp cho người bệnh thoải mái, quên đi nỗi lo đau nhức.
Vì vậy, bạn không nên chủ quan với các bệnh lý về xương khớp và đừng quên thường xuyên cập nhật các thông tin trên tambinh.vn để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.
XEM THÊM:
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.