Nếu như trước đây đau xương khớp thường chỉ xảy ra ở người lớn tuổi thì ngày nay tình trạng này đang trở nên phổ biến ở giới trẻ. Bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và cần được xử lý kịp thời.
1. Dấu hiệu của bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ
Về cơ bản, đau nhức xương khớp ở người trẻ cũng có nhiều điểm tương đồng với đau nhức xương khớp ở người già và lứa tuổi khác. Triệu chứng với mỗi người có thể có chút khác biệt tùy vào nguyên nhân nhưng nhìn chung là:
- Đau nhức tại một hoặc nhiều khớp. Đau tăng khi vận động quá sức.
- Cứng khớp, nhất là sau một thời gian dài nghỉ ngơi như sau khi ngủ dậy
- Hạn chế khả năng, tầm vận động của khớp.
Đau nhức xương khớp là bệnh gì?
2. Nguyên nhân gây bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ
Nguyên nhân gây bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ bắt nguồn chủ yếu từ đặc thù công việc, thói quen xấu trong sinh hoạt, dinh dưỡng và rèn luyện thiếu hợp lý.
2.1. Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học
Giới trẻ thường có xu hướng nạp vào cơ thể lượng lớn thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh… Lạm dụng thức ăn nhiều dầu mỡ có thể gây tăng cân, tăng thêm gánh nặng cho xương khớp.
Thêm vào đó, thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia cũng gây tác động tiêu cực tới khớp. Nicotine trong thuốc lá có thể gây phá hủy mô sụn, làm tổn thương mô liên kết đĩa đệm, bao khớp, dây chằng.
Ngoài ra, ăn uống không đúng giờ, không đủ bữa, mất cân bằng dinh dưỡng khiến cơ thể không đủ chất để nuôi dưỡng sụn khớp.
2.2. Thừa cân, béo phì
Trong lượng cơ thể vượt quá mức cho phép có thể khiến người mệt mỏi, đau nhức xương khớp. Bởi lúc này xương khớp sẽ phải chịu tải trọng lớn hơn. Từ đó gây quá tải làm xuất hiện những cơn đau tại khớp. Theo một số nghiên cứu, mỗi 0,45kg trọng lượng cơ thể tăng lên thì khớp gối sẽ phải chịu thêm 1,5kg khi đi và 4,5kg khi chạy.
2.3. Lười vận động gây bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ
Cuộc sống bận rộn cùng sự phát triển của các loại hình giải trí điện tử khiến nhiều người trẻ không dành thời gian cho tập luyện thể thao. Thêm vào đó, đặc thù công việc phải ngồi hàng giờ liên tục cũng ảnh hưởng tới xương khớp. Lười vận động khiến xương khớp mất đi độ linh hoạt; gân, cơ, dây, chằng trở nên yếu hơn. Tất cả những điều này sẽ gây ra các cơn đau nhức tại khớp.
2.4. Vận động quá mức
Ngược lại với nguyên nhân trên, việc vận động quá mức cũng có thể gây đau nhức xương khớp. Tình trạng này xảy ra ở những người làm công việc nặng nhọc hoặc tập thể thao cường độ cao quá độ. Khớp và các mô xung quanh khớp phải chịu áp lực lớn nên dễ đau nhức.
2.5. Chấn thương gây đau nhức xương khớp ở người trẻ
Trong cuộc sống, lao động hàng ngày có thể bạn sẽ gặp phải những chấn thương. Đó có thể là tai nạn lao động, vấp ngã trong sinh hoạt… Điều này có thể gây ra những cơn đau nhức xương khớp. Nếu chấn thương không được xử lý triệt để có thể dẫn tới những nguy cơ viêm khớp, thoái hóa khớp gây đau.
2.6. Mắc các bệnh lý xương khớp
Những cơn đau nhức tại khớp có thể bắt nguồn từ các bệnh lý tại khớp như viêm khớp ở người trẻ, thoái hóa khớp, bệnh gout. Thông thường nếu nguyên do từ bệnh lý cơn đau có thể dai dẳng, lặp đi lặp lại đi kèm các triệu chứng khác.
- Thoái hóa khớp là tình trạng hao mòn sụn khớp, giảm tiết dịch khớp. Lúc này đầu xương cọ sát vào nhau gây đau. Theo Hội Cơ xương khớp Việt Nam, tại nước ta có khoảng 30% người trên 35 tuổi bị thoái hóa khớp.
- Viêm khớp dạng thấp: Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khớp khỏe mạnh. Người mắc phải căn bệnh này thường bị đau ở các khớp đối xứng.
- Thoát vị đĩa đệm: Các cơn đau do thoát vị đĩa đệm thường đi kèm ê buốt, tê bì chân tay… Nguyên nhân là do nhân nhầy đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí thông thường, chèn ép dây thần kinh gây đau.
- Bệnh gout: Bệnh do sự gia tăng axit uric làm lắng đọng tinh thể muối urat tại khớp. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là gây sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái.
3. Chẩn đoán
Thông thường để chẩn đoán tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành một loạt các phương pháp như:
- Khám lâm sàng, kiểm tra chức năng vận động.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp MRI, nội soi xương khớp… Cung cấp cho bác sĩ hình dạng, cấu trúc, mức độ tổn thương của xương khớp.
- Xét nghiệm dịch khớp: Trong trường hợp cần thiết bác sĩ sẽ chọc hút dịch khớp ở vị trí khớp bị đau nhức để xét nghiệm.
4. Điều trị bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ
Người trẻ tuổi thường chủ quan với các cơn đau nhức. Việc không tiến hành điều trị có khả năng khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Nếu điều trị kịp thời, đúng cách, người trẻ tuổi có thể phục hồi tốt.
4.1. Thuốc Tây trị bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng đau. Người bệnh hãy dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc uống giảm đau: Paracetamol giúp giảm bớt các cơn đau từ nhẹ tới trung bình.
- Thuốc bôi giảm đau: Một số loại thuốc chứa capsacin có thể giảm đau tại chỗ. Thuốc có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với thuốc khác.
- Thuốc chống viêm không steroid: giúp giảm tình trạng viêm tại khớp.
- Thuốc giãn cơ: Myonal, Mydocalm, Coltramyl… giúp giảm co cơ, cứng cơ.
4.2. Mẹo dân gian giảm đau nhức xương khớp
Một số mẹo dân gian có thể giúp giảm bớt tình trạng đau nhức xương khớp. Những cách này rất đơn giản, có thể tự thực hiện tại nhà.
- Chườm lá ngải cứu: Lấy một nắm lá ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ rồi sao vàng trên chảo với một chút muối hạt. Bọc hỗn hợp vào một mảnh vải sạch rồi chườm lên vùng bị đau trong 15 phút. Lưu ý nhiệt độ để tránh bị bỏng.
- Uống mật ong, bột quế: Trộn đều mật ong và bột quế với tỷ lệ 1:1. Sau đó hòa với nước ấm để uống 1 lần/ngày.
- Xoa bóp bằng bài thuốc nhồi ống tre: Rửa sạch ngải cứu, lá lốt rồi nhồi vào ống tre với giấm. Nướng ống tre. Phần bã thu được sẽ đắp trực tiếp lên vùng bị đau. Còn phần nước cốt thu được dùng để xoa bóp dần.
4.3. Chườm giảm đau nhức xương khớp
Chườm là một trong cách trị đau nhức xương khớp tại nhà tạm thời mà bạn có thể tự thực hiện. Chườm lạnh sẽ phù hợp hơn trong trường hợp bị đau do chấn thương trong vòng 48 giờ. Chườm nóng sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu. Lưu ý là cần chú ý nhiệt độ khi chườm nóng và không để đá tiếp xúc trực tiếp với da khi chườm lạnh. Người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch cần thận trọng với mẹo chữa đau nhức xương khớp này.
4.4. Vật lý trị liệu
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ trị liệu phù hợp. Các phương pháp như bài tập, sóng xung kích, laser cường độ cao… có thể giúp giảm đau, giãn cơ, tạo cảm giác thư giãn cho người bệnh.
4.5. Phẫu thuật
Phương pháp này chỉ sử dụng cho trường hợp nặng, nguy cơ biến chứng cao, các phương pháp khác không phát huy hiệu quả. Phẫu thuật sẽ giúp tái cấu trúc khớp, tạo hình xương khớp…
5. Cách phòng tránh
Người trẻ tuổi cần thực hiện một số thay đổi trong sinh hoạt để phòng tránh đau nhức xương khớp:
- Dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất xơ, vitamin, tinh bột, đạm cần thiết cho cơ thể. Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin C, khoáng chất. Hạn chế rượu bia, thuốc lá, thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật…
- Vận động đúng tư thế, không quá sức: Ngồi thẳng lưng, không ngồi xổm, không ngồi quá lâu… Hãy đứng dậy đi lại, vận động sau từ 30 – 45 phút làm việc.
- Tập luyện thể thao đều đặn 30 phút/ngày để tăng tính linh hoạt cho xương khớp. Tập luyện vừa sức, hạn chế tập luyện với cường độ cao liên tục.
- Giảm cân một cách khoa học nếu thừa cân.
- Sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng.
Bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ đang ngày càng phổ biến. Do đó, những người trẻ tuổi không nên chỉ quan trước bất kỳ dấu hiệu đau nhức nào. Nếu cần tư vấn thêm các vấn đề có liên quan hãy chat trực tiếp. Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, không thay thế chỉ định của bác sĩ.
XEM THÊM
- Danh sách 8 nguyên nhân khiến viêm khớp ngày càng trẻ hóa
- Tìm hiểu dấu hiệu đau khớp gối ở người trẻ
- TPBVSK hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Nguyễn Minh HoàngTốt nghiệp Thạc sỹ Dược tại Vương quốc Anh, được truyền niềm đam mê với sự nghiệp “làm thuốc cứu người” từ truyền thống gia đình, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng hiện là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa y học truyền thống cùng kiến thức y học hiện đại trong nước và quốc tế, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng sẽ đem tới những thông tin y dược đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.