“Kinh nguyệt của em không đều, thường bị trễ kinh một tuần hoặc lâu hơn. Xin hỏi bác sĩ tình trạng này có sao không? Nguyên nhân do đâu? Có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản không?”
Trong bài viết dưới đây, Th.S, BS Nguyễn Thị Hằng – Nguyên PGĐ Bệnh viện YHCT Tuệ Tĩnh sẽ gửi đến bạn câu trả lời đầy đủ và cụ thể.
1. Thế nào là trễ kinh 1 tuần?
Thông thường, các bạn gái sau khi dậy thì khoảng 2-3 năm thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ đi vào ổn định. Mỗi chu kỳ thường kéo dài khoảng 28-32 ngày, bao gồm các giai đoạn sau:
- Giai đoạn kinh nguyệt: Thời kỳ xuất hiện nguyệt san
- Giai đoạn tiền rụng trứng: Lúc này, nồng độ estrogen tăng lên để chuẩn bị cho sự rụng trứng.
- Rụng trứng: Trứng chín, rụng ra khỏi buồng trứng.
- Giai đoạn hoàng thể: Niêm mạc tử cung dày lên để sẵn sàng đón trứng thụ tinh.
Nếu không có trứng nào được thụ tinh, lớp niêm mạc tử cung bong ra, gây ra kinh nguyệt.
Vậy, trễ kinh một tuần là gì? Điều này có nghĩa là chu kỳ nguyệt san chậm hơn so với chu kỳ thông thường 7 ngày. Ví dụ, nếu kỳ kinh hàng tháng của bạn kéo dài 30 ngày, mà đến ngày thứ 37 vẫn chưa thấy kinh nguyệt thì đó là bạn đang bị trễ kinh 1 tuần.
2. Trễ kinh 1 tuần nguyên nhân do đâu?
Đối với các chị em, kỳ kinh có thể xê dịch một vài ngày cũng không phải là vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý, phái đẹp không nên chủ quan. Cụ thể là:
2.1 Chậm kinh một tuần do mang thai
Khi bị chậm kinh một tuần mà có quan hệ tình dục, việc đầu tiên nữ giới cần nghĩ đến là khả năng có thai.
Khi trứng được thụ tinh, cơ thể sẽ sản xuất hormone hCG. Hormone này sẽ ức chế quá trình rụng trứng và làm cho kinh nguyệt không xuất hiện. Lúc này, thành tử cung sẽ có xu hướng dày lên, thay vì bong ra và tống xuất ra ngoài như khi không có sự thụ tinh.
Ngoài dấu hiệu trễ kinh 1 tuần, phụ nữ mang thai còn có các biểu hiện khác như:
- Căng tức ngực, đau, tăng nhạy cảm ở ngực, quầng vú sẫm màu hơn.
- Buồn nôn, nôn, nhạy cảm với mùi
- Cảm giác đầy hơi, khó tiêu, óc ách
- Người uể oải, mệt mỏi
- Tiểu tiện nhiều hơn bình thường
- Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ xúc động, cáu gắt hơn…
Để xác nhận chính xác tình trạng mang thai hay không, cách đơn giản nhất là sử dụng que test nhanh tại nhà. Ngoài ra, có thể xét nghiệm máu để biết kết quả chính xác hơn.
2.2 Trễ kinh 1 tuần do căng thẳng
Căng thẳng, stress cũng là một trong những nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến trễ kinh 1 tuần. Khi cơ thể ở trong trạng thái cảm xúc tiêu cực, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone cortisol. Hormone này có thể làm gián đoạn quá trình rụng trứng, khiến chu kỳ kinh nguyệt đến muộn hơn.
Ngoài ra, rối loạn nội tiết gây ra bởi căng thẳng còn tác động đến niêm mạc tử cung, khiến thành tử cung dày lên gây trễ kinh.
2.3 Do chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố tác động trực tiếp, có khả năng gây ra rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, trong đó có trễ kinh.
Khi cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt, vitamin D, vitamin B12, kẽm,… sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone, khiến chu kỳ kinh nguyệt kém đều đặn.
Nghiêm trọng hơn, ở những trường hợp suy dinh dưỡng nặng, cơ thể thiếu dưỡng chất có thể dẫn đến ngừng rụng trứng, mất kinh.
Rối loạn kinh nguyệt nên ăn gì kiêng gì? Thử ngay 15 thực phẩm này!
2.4 Trễ kinh 1 tuần – Dấu hiệu tiền mãn kinh
Nếu bình thường, chu kỳ kinh nguyệt của bạn đang ổn định mà gần đây thường xuyên trễ kinh, đó có thể là dấu hiệu sớm báo hiệu giai đoạn tiền mãn kinh.
Lúc này, các hormone trong cơ thể bắt đầu thay đổi. Đặc biệt, sự suy giảm estrogen, dẫn đến nhiều thay đổi về sinh lý, trong đó có chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài chậm kinh 1 tuần, nguyệt san cũng có thể đến sớm hơn, bỏ qua vài tháng với lượng kinh ít hơn.
Cùng với đó, phụ nữ tiền mãn kinh có thể có triệu chứng đi kèm; điển hình như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo, rối loạn giấc ngủ…
Tiền mãn kinh là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả
2.5 Do mắc bệnh phụ khoa
Các bệnh phụ khoa thường gặp gây chậm kinh, rối loạn kinh nguyệt gồm: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, u xơ tử xung, viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang…
Các bệnh phụ khoa kể trên có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng; làm thay đổi nội tiết tố, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Một số dấu hiệu cần lưu ý gồm: khí hư nhiều, màu trắng đục hoặc có lẫn máu, mùi hôi, ngứa ngáy vùng kín, đau khi quan hệ, đau bụng dưới…
2.6 Trễ kinh 7 ngày do rối loạn nội tiết tố
Nội tiết tố là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp, giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Khi nội tiết tố mất cân bằng, thông thường sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến chu kỳ kinh nguyệt, quá trình rụng trứng; dẫn đến kinh nguyệt thất thường, trễ kinh 1 tuần thậm chí nhiều hơn.
Các triệu chứng rối loạn nội tiết đi kèm chậm kinh thường là: rụng tóc, mọc mụn trứng cá, da nám sạm, hay mệt mỏi, cáu gắt…
2.7 Do cân nặng tăng giảm bất thường trong thời gian ngắn
Có thể bạn cảm thấy bất ngờ nhưng cân nặng cũng là yếu tố đóng vai trò quan trong trong việc duy trì sự ổn định nội tiết tố. Cân nặng thay đổi đột ngột có thể hiểu là tăng hoặc giảm quá nhiều trong thời gian ngắn.
Điều này sẽ tác động trực tiếp đến các hormone estrogen và progesterone; khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, không loại trừ chậm kinh.
3. Chậm kinh 1 tuần có cần đi khám bác sĩ không?
Trễ kinh một tuần không phải là tình trạng hiếm gặp. Nhiều khi, đó chỉ là sự thay đổi nhỏ trong chu kỳ nguyệt san của bạn. Nếu không có những dấu hiệu bất thường hoặc bạn chắc chắn không mang thai, nên bình tĩnh theo dõi thêm và không cần phải quá lo lắng.
Tuy nhiên, nếu chậm kinh một tuần kéo dài kèm các triệu chứng khác như đau bụng dưới, chảy máu âm đạo, sốt, đau đầu…, bạn cần đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Trường hợp trễ kinh một tuần nghi có thai, nên test bằng que thử để kiểm tra nồng độ HCG. Đây là phương pháp kiểm tra đơn giản nhưng độ chính xác khá cao. Nếu có trễ kinh 1 tuần thử thai 2 vạch, nên chờ thêm khoảng 1 tuần nữa để đi khám bác sĩ.
Lúc này, thai nhi đã phát triển đủ lớn để có thể nhìn thấy qua hình ảnh siêu âm, giúp bác sĩ xác định chính xác tuổi thai, vị trí thai nhi và kiểm tra sức khỏe của mẹ và bé.
4. Lời khuyên của bác sĩ khi bị trễ kinh 1 tuần
Để chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, hạn chế tình trạng chậm kinh 1 tuần, kinh nguyệt không đều, chị em cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hạn chế căng thẳng, stress kéo dài: Làm việc nhưng vẫn cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Ưu tiên những việc mình thích như tập một môn thể thao, đọc sách, đi du lịch, tụ tập gia đình, bạn bè… vào dịp cuối tuần.
- Ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây và các nhóm thực phẩm giúp bổ sung estrogen như đậu nành, ngũ cốc…
- Hạn chế đồ ăn sẵn, đóng hộp, đồ chiên xào dầu mỡ…
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tốt nhất nên dùng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ để loại bỏ và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, nấm.
- Khám phụ khoa định kỳ và khi thấy có những dấu hiệu bất thường để có phương pháp điều trị kịp thời.
>>> XEM THÊM:
- Rối loạn kinh nguyệt sau sinh – Nhận biết nguyên nhân và cách điều trị
- Rối loạn kinh nguyệt, tháng có kinh 2 lần có sao không? Chuyên gia giái đáp
- Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì – Bao lâu ổn định?
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.