Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5 là bệnh lý xương khớp rất phổ biến, gây ảnh hưởng trực tiếp đến vận động của cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây tàn phế hoặc bại liệt hai chi dưới.
1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5 là gì?
Theo cấu tạo giải phẫu, cơ thể con người có 33 đốt sống, chia thành 5 nhóm. Bao gồm: 7 đốt sống cổ (kí hiệu từ C1 – C7), 12 đốt sống lưng (kí hiệu từ D1 – D12), 5 đốt sống thắt lưng (kí hiệu từ L1 – L5), 5 đốt sống hông (kí hiệu từ S1 – S5) và 4 đốt sống cụt.
Trong đó, L4 L5 là 2 đốt sống nằm tại vị trí thấp nhất trong cột sống thắt lưng. Chúng hỗ trợ nâng đỡ phần trên cơ thể và thường chịu nhiều ảnh hưởng nhất khi có tác động mạnh lên cột sống.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5 là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng bao xơ. Phần nhân nhầy đi theo vết nứt từ vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống gây ra tổn thương. (Theo Wikipedia)
XEM THÊM:
- Lồi đĩa đệm cột sống thắt lưng coi chừng thoát vị
- 3 bài tập chữa thoát vị đĩa đệm hiệu quả tức thì
- Chữa thoát vị đĩa đệm bằng ngải cứu có tốt như lời đồn?
2. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5
2.1. Cơn đau tại vị trí thắt lưng
Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5 có thể có những cơn đau cấp tính hoặc mạn tính. Đau cấp tính xảy ra khi gắng sức mang vác, bưng bê vật nặng sai tư thế. Nhiều người đau tới không thể cử động được.
Đau mạn tính khiến người bệnh bị đau ngay cả khi không làm gì. Đau nặng hơn khi đứng lên, đi lại, hắt hơi, rặn.
2.2. Đau hông, đùi, chân
Cơn đau xuất phát từ vùng thắt lưng sẽ lan xuống hông đùi, bắp chân đến các ngón chân.
2.3. Tê hoặc ngứa ran
Người bệnh thường cảm thấy tê như bị điện giật hoặc ngứa ran từ phần thắt lưng trở xuống, đặc biệt là đau tê ở mông, ngón chân.
2.4. Suy giảm khả năng vận động
Bệnh ảnh hưởng tới chức năng của cơ bắp, khiến người bệnh dễ bị vấp ngã trong khi di chuyển hoặc suy giảm khả năng vận động.
3. Biến chứng
Bệnh nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời sẽ không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động mà còn dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể là:
– Đau rễ thần kinh: Bệnh tác động đến rễ thần kinh, gây tái phát các cơn đau nhiều lần với mức độ ngày càng tăng.
– Rối loạn cảm giác: Khi rễ thần kinh bị tổn thương sẽ khiến cho phần da tại khu vực này bị rối loạn cảm giác nóng, lạnh.
– Rối loạn bài tiết: Người bệnh có thể bị bí tiểu hoặc tiểu tiện không kiểm soát.
– Bại liệt: Tình trạng bệnh kéo dài sẽ khiến cho hai chân bị tê yếu, thậm chí bại liệt.
4. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5
4.1. Tuổi tác
Khi bước sang tuổi trung niên, hệ thống xương khớp trong cơ thể trở nên lỏng lẻo, thiếu dưỡng chất, đĩa đệm thoái hóa dần.
Do đó, theo thời gian, các đĩa đệm tại vị trí L4, L5 sẽ lão hóa nhanh chóng với biểu hiện bị bào mòn, mất nước và dễ dàng bị thoát vị.
4.2. Hoạt động sai tư thế
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5 xảy ra khi hoạt động sai tư thế trong thời gian dài như: ngồi nhiều, đứng lâu, ngồi cong vẹo cột sống, nhấc vật lên đột ngột, tập thể dục không đúng cách.
4.3. Chấn thương
Các chấn thương ở cột sống do tai nạn giai thông, tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày có thể khiến bao xơ đĩa đệm bị rách, nhân nhầy đĩa đệm thoát vị ra ngoài.
4.4. Di truyền, bẩm sinh
Nguyên nhân gây bệnh có thể là do di truyền từ người thân mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Những bệnh lý cột sống bẩm sinh như gai cột sống, vẹo cột sống, gù cột sống,… cũng dễ gây bệnh.
4.5. Đặc thù nghề nghiệp
Một số công việc khiến vùng lưng phải chịu tác động lớn cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5.
Ngoài ra, thiếu chất dinh dưỡng, béo phì, sử dụng các chất kích thích,.. cũng là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm L4 L5.
5. Đối tượng có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5
– Độ tuổi từ 35 – 50 dễ mắc bệnh hơn nhóm tuổi còn lại.
– Người có người thân bị thoát vị đĩa đệm.
– Dân văn phòng ngồi làm việc nhiều giờ liền không vận động, ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
– Người lao động chân tay như công nhân, phụ hồ,…
6. Chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5
6.1. Khám lâm sàng
Bác sỹ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh, triệu chứng, quan sát tư thế bệnh nhân và thực hiện một số nghiệm pháp đơn giản :
– Hội chứng cột sống: Lệch vẹo cột sống, co cứng cơ cạnh sống, tầm vận động cột sống giảm, có điểm đau cột sống, chỉ số Schober giảm dưới 13/10, khoảng cánh ngón tay – mặt đất tăng.
– Hội chứng rễ thần kinh: có điểm đau cạnh sống, dấu hiệu “bấm chuông” dương tính, điểm đau Valeix dương tính, nghiệm pháp Lasague dương tính.
6.2. Chẩn đoán hình ảnh
– Chụp X-quang: Xác định vị trí thoát vị cùng các thương tổn khác như trượt đốt sống, mất vững cột sống, mất ưỡn cột sống, lệch vẹo cột sống…
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): Xác định được hình ảnh, vị trí và tần số thoát vị. Đây là phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm chính xác nhất.
– Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) ở vị trí cột sống thắt lưng: Giúp xác định vị trí và mức độ thoát vị, áp dụng cho bệnh nhân không thể chụp MRI.
– Điện cơ: Khi nghi ngờ bệnh lý khác (bệnh lý thần kinh cơ, bệnh lý tủy…) hoặc bệnh lý rễ chưa chắc chắn.
7. Điều trị nội khoa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4, L5
Tùy theo tình trạng sức khỏe mà mỗi người sẽ có phác đồ điều trị riêng biệt. Ở giai đoạn đầu khi mới có hiện tượng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5, người bệnh sẽ được điều trị nội khoa.
7.1. Thuốc tây
Các loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5 giúp cải thiện những cơn đau nhức. Cụ thể là:
– Thuốc giảm đau, kháng viêm: Paracetamol, Naproxen, Ibuprofen,…
– Thuốc giãn cơ: Thuốc có tác dụng làm giãn cơ bắp và dây chằng xung quanh cột sống giúp làm cải thiện tình trạng đau nhức như Eperison…;.
– Tiêm thuốc ngoài màng cứng: Corticosteroid…
Người bệnh nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc để điều trị, bởi hầu hết các loại thuốc này đều có tác dụng phụ.
7.2. Bài thuốc dân gian
Các bài thuốc dân gian có thành phần từ thảo dược thiên nhiên nên rất lành tính, tiết kiệm chi phí mà vẫn mang lại hiệu quả sau một thời gian sử dụng.
7.2.1. Bài thuốc 1
Chuẩn bị: 30g rễ cỏ xước, 30g ý dĩ, 20g đỗ trọng, 20g lá lốt, 15g ngải cứu, 15g cẩu tích, 15g củ ráy, 15g tô mộc, 15g thiên niên kiện.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch tất cả các nguyên liệu, cho vào ấm sắc cùng 6 bát nước, đến khi cạn còn 2 chén.
- Chắt nước, chia thành 2 phần, uống trong ngày.
7.2.2. Bài thuốc 2
Chuẩn bị: cây chìa vôi, lá lốt, cỏ ngươi, cỏ xước, tầm gửi, dền gai, mỗi loại 15g.
Cách thực hiện:
- Các dược liệu đem rửa sạch, phơi khô dưới trời nắng to.
- Cho tất cả vào ấm sắc cùng 500 ml nước cho đến khi cạn còn một nửa thì tắt bếp.
- Chắt lấy nước sắc, chia thành 3 phần, dùng trong ngày, liên tục trong 1 tháng.
7.3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp cải thiện cơn đau và phục hồi chức năng xương khớp. Các phương pháp vật lý trị liệu bao gồm:
– Kích thích điện: Sử dụng dòng điện có tần số thấp để kích thích lên dây chằng và cơ bắp.
– Tia hồng ngoại: Chiếu vào vùng đau nhức giúp giảm tình trạng co thắt quá mức.
Ngoài ra, bấm huyệt, chiếu tia laser, dùng sóng cao tần,… cũng là phương pháp điều trị hiệu quả.
7.4. Châm cứu
Phương pháp này phải được thực hiện bởi thầy thuốc có chuyên môn, kinh nghiệm.
Châm cứu sẽ giúp đả thông kinh mạch, cân bằng khí huyết trong cơ thể, đảm bảo máu đến nuôi dưỡng dây thần kinh và cột sống, hỗ trợ tái tạo mô sụn bị tổn thương.
Châm cứu cũng kích thích cơ thể giải phóng steroid có tác dụng kháng viêm và sản sinh ra endorphin giúp xoa dịu cơn đau, giảm căng thẳng thần kinh.
7.5. Chườm nóng, chườm lạnh
– Chườm nóng: Dùng một chai nước nóng hoặc 1 khăn nóng chườm vào vị trí đau. Mỗi lần 15 – 20 phút.
– Chườm lạnh: Dùng túi đựng đá hoặc bọc đá lạnh trong một chiếc khăn mỏng chườm lên vị trí đau trong 10 phút.
7.6. Bài tập chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5
Các bài tập đơn giản sau sẽ làm giảm áp lực lên đĩa đệm, hỗ trợ giảm đau cho bệnh nhân.
7.6.1. Bài tập 1
- Nằm ngửa, hai chân co lại, hai tay để trên mặt sàn, song song với thân mình.
- Từ từ nâng hông lên khỏi mặt đất, giữ yên 5 – 10 giây và lặp lại 5 – 10 lần.
7.6.2. Bài tập 2
- Nằm úp, hai tay chống xuống sàn.
- Nâng thân trước cao hết mức có thể và vẫn đảm bảo cẳng tay duỗi thẳng. Giữ đầu, lưng, chân thẳng.
- Giữ tư thế trong 5 giây, thực hiện 6 – 8 lần.
Lưu ý: Phải khởi động kỹ trước khi tập, không tập quá sức, ngưng tập ngay nếu có triệu chứng bất thường.
8. Điều trị ngoại khoa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4, L5
Khi người bệnh không đáp ứng với phương pháp điều trị nội khoa, tình trạng bệnh trở nên trầm trọng như: đau dữ dội, vòng xơ vỡ kiến nhân nhầy thoát ra ngoài, chức năng ruột, bàng quang bị ảnh hưởng nghiêm trọng,… sẽ được chỉ định phẫu thuật.
8.1. Phẫu thuật cắt bỏ
Một phần của đĩa đệm giữa đốt sống L4, L5 gây ra sự chèn ép lên rễ thần kinh sẽ bị loại bỏ. Một vài trường hợp nặng, bác sỹ sẽ cắt bỏ toàn bộ đĩa đệm.
8.2. Phẫu thuật qua da
Đây là phương pháp phẫu thuật giảm thiểu đáng kể sự xâm lấn. Phương pháp này thực hiện qua một vết mổ nhỏ dưới sự trợ giúp của kính hiển vi.
8.3. Thay thế bằng đĩa đệm nhân tạo
Được thực hiện thông qua vết mổ ở bụng. Phần đĩa đệm bị thoát vị sẽ được thay thế hoàn toàn bằng đĩa đệm nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại.
8.4. Phẫu thuật hợp nhất đốt sống
Phương pháp này sử dụng những mảnh ghép xương từ các bộ phận khác của cơ thể để hợp nhất vĩnh viễn hai hoặc nhiều đốt sống lại với nhau. Phần cột sống thắt lưng L4 L5 vì thế sẽ bất động vĩnh viễn.
9. Cách phòng tránh bệnh
Để ngăn chặn bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo các cách phòng tránh bệnh sau:
9.1. Chế độ ăn uống khoa học
– Kiểm soát cân nặng ở mức cho phép, không để tăng cân quá mức làm tăng áp lực lên cột sống, đĩa đệm.
– Bổ sung vào thực đơn các loại thực phẩm giàu canxi, omega-3, chất chống oxy hóa như: cá, sữa, rau có màu xanh đậm, quả mọng,…
– Kiêng thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, nội tạng động vật, thịt đỏ.
– Không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga.
9.2. Rèn luyện thể lực đều đặn
– Tích cực rèn luyện thể lực để có một cơ thể khỏe mạnh.
– Bạn nên dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tập các môn thể thao nhẹ nhàng như: yoga, bơi,…
9.3. Chế độ sinh hoạt hợp lý
– Ăn ngủ đúng giờ, sắp xếp khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng.
– Giữ tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt, làm việc.
– Không đứng, ngồi lâu trong một tư thế, tránh mang vác nặng.
– Khám sức khỏe định kỳ.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5 được xem là bệnh lý khá nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị giúp xử lý bệnh một cách dứt điểm, an toàn. Hãy liên hệ ngay số hotline 0865 344 349 để được chuyên gia giải đáp những thắc mắc về bệnh này hoặc truy cập Bệnh Cơ xương khớp để biết thêm nhiều thông tin có liên quan.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.