Xét nghiệm mỡ máu là phương pháp giúp chẩn đoán, điều trị, dự phòng các bệnh lý liên quan tới chỉ số cholesterol trong máu cao. Để đảm bảo kết quả chính xác người bệnh cần thực hiện theo một số lưu ý trước khi tiến hành xét nghiệm.
1. Xét nghiệm mỡ máu là gì?
Đây là một loại xét nghiệm được tiến hành trên mẫu máu của người bệnh. Nó cung cấp các chỉ số mỡ trong máu. Từ đó giúp đánh giá được tình trạng bệnh để có các phương án dự phòng và điều trị phù hợp.
Xét nghiệm này được sử dụng để chẩn đoán, theo dõi điều trị, tiên lượng trong nhiều tình trạng bệnh lý. Cụ thể là: Bệnh rối loạn lipid máu, tim mạch, tiểu đường, bệnh thận mạn tính…
2. Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm mỡ máu
Câu trả lời cho xét nghiệm mỡ máu gồm những chỉ số nào đó là cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL-cholesterol và HDL-cholesterol. Mỗi chỉ số có một mức giới hạn riêng. Dựa vào các mức này, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh. Tùy vào yêu cầu, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm một hoặc tất cả các chỉ số.
Loại | Chỉ số | Xếp loại |
Cholesterol toàn phần | < 200 mg/dL (5,1 mmol/L) | Lý tưởng |
200 – 239 mg/dL (5,1 – 6,2 mmol/L) | Ranh giới cao | |
≥ 240 mg/dL (6,2 mmol/L) | Cao | |
LDL-Cholesterol | < 100 mg/dL (< 2,6 mmol/L) | Lý tưởng |
100 – 129 mg/dL (2,6 – 3,3 mmol/L) | Được | |
130 – 159 mg/dL (3,3 – 4,1 mmol/L) | Hơi cao | |
160 – 189 mg/dL (4,1 – 4,9 mmol/L) | Cao | |
≥ 190 mg/dL (4,9 mmol/L) | Rất cao | |
HDL-Cholesterol | > 60 mg/dL(1,5 mmol/L) | Bình thường |
< 40 mg/dL(1,0 mmol/L) (nam giới) | Nguy cơ | |
< 50 mg/dL(1,3 mmol/L) (nữ giới) | ||
Triglyceride | < 150 mg/dL (1,7 mmol/L) | Bình thường |
150 -199 mg/dL (1,7 – 2,2 mmol/L) | Ranh giới cao | |
200 – 499 mg/dL (2,2 – 5,6 mmol/L) | Cao | |
≥ 500 mg/dL (≥ 5,6 mmol/L) | Rất cao |
>>Đừng bỏ lỡ: Mỡ máu bao nhiêu là cao? – Cách đọc chỉ số
3. Khi nào cần xét nghiệm mỡ máu?
Xét nghiệm máu nhiễm mỡ sẽ được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán loại trừ hoặc để xác định chính xác bệnh khi có các dấu hiệu nghi ngờ. Bên cạnh đó, theo healthline.com bạn nên tiến hành xét nghiệm này thường quy khi:
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao
- Thừa cân, béo phì
- Nghiện rượu, thuốc lá
- Nam giới trên 40 tuổi, nữ giới trên 50 tuổi
- Người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp, bệnh thận, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh tuyến giáp.
Dù không thuộc một trong các trường hợp trên nhưng theo khuyến cáo, người trên 20 tuổi nên thử mỡ máu 5 năm/lần để tầm soát bệnh.
4. Xét nghiệm mỡ máu ở đâu? Bao nhiêu tiền?
Đây là một xét nghiệm khá phổ biến nên hầu hết các cơ sở y tế đều có thể thực hiện. Để đảm bảo độ an toàn và chính xác, người bệnh nên tới các bệnh viện, cơ sở uy tín.
Xét nghiệm mỡ máu bao nhiêu tiền cũng là băn khoăn của không ít người bệnh. Tùy thuộc từng thời điểm, từng cơ sở y tế, mức giá sẽ có sự thay đổi. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng dịch vụ xét nghiệm mỡ máu tại nhà. Chi phí xét nghiệm sẽ cộng thêm phí đi lại. Dưới đây là bảng giá tham khảo khi xét nghiệm tại một số bệnh viện.
Bệnh viện | XÉT NGHIỆM | CHI PHÍ (ĐỒNG)* |
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức | Định lượng cholesterol toàn phần/Tryglyceride/HDL-cholesterol/LDL-cholesterol | 27.000 |
Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương | Định lượng cholesterol toàn phần/Tryglyceride/HDL-cholesterol/LDL-cholesterol | 26.900 |
Bệnh viện Bưu điện | Định lượng cholesterol toàn phần/Tryglyceride/HDL-cholesterol/LDL-cholesterol | 26.900 |
Bệnh viện K | Định lượng cholesterol toàn phần/Tryglyceride/HDL-cholesterol/LDL-cholesterol | 26.800 |
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC | Định lượng Cholesterol toàn phần | 39.000 |
*Lưu ý: Tùy từng thời điểm, chi phí sẽ thay đổi.
[Bật mí top 10+] Bài thuốc dân gian giảm mỡ máu – hạ cholesterol tại nhà
5. Quy trình xét nghiệm mỡ máu
5.1. Trước khi xét nghiệm
Xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn chắc hẳn là băn khoăn của nhiều người. Chỉ số cholesterol toàn phần không thay đổi đáng kể sau khi ăn nhưng chỉ số triglycerid chỉ chính xác khi người bệnh nhịn đói ít nhất 12 giờ. Thông thường sẽ xét nghiệm cùng lúc nhiều chỉ số cholesterol. Do đó, để đưa ra kết quả chính xác nhất, người bệnh cần được xét nghiệm sau ăn ít nhất 12 giờ đồng hồ.
Người bệnh không được sử dụng đồ uống có cồn, nước có ga, chất kích thích trước khi xét nghiệm 24 giờ. Uống đủ nước trước khi lấy máu.
Ngoài ra, trước khi xét nghiệm, bạn cần thông báo với bác sĩ bất kỳ vấn đề sức khỏe bất thường nào, các loại thuốc và chất bổ sung đang sử dụng. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng uống một số loại thuốc vài ngày trước khi xét nghiệm. Đó là thuốc an thần, thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc tránh thai…
5.2. Lấy máu xét nghiệm
Công đoạn này thường được thực hiện bởi nhân viên y tế. Người bệnh cũng có thể tự thực hiện bằng máy đo mỡ máu theo hướng dẫn của bác sĩ và nhà sản xuất.
Về cơ bản khu vực có tĩnh mạch cần lấy máu phải được khử trùng. Các dụng cụ lấy máu cũng phải vô khuẩn. Lượng máu lấy thường không quá 3ml. Đối với máy đo thì chỉ cần lấy 1 giọt máu ở đầu ngón tay. Sau khi lấy máu, người bệnh áp một miếng bông lên chỗ lấy máu để cầm máu.
Đây là một xét nghiệm đơn giản, an toàn. Thông thường lấy máu xét nghiệm không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Nhưng người bệnh có thể gặp phải một số rủi ro như:
- Chảy máu dưới da, tụ máu
- Chảy nhiều máu
- Nhiễm trùng
- Choáng váng, ngất xỉu do mất máu, hạ đường huyết
5.3. Nhận kết quả
Dựa vào kết quả bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh. Một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thêm đường huyết, chức năng tuyến giáp.
Nếu xác định chính xác người bệnh bị mỡ máu cao, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị. Trong đó có thể bao gồm sử dụng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể thực, giảm cân nếu cần thiết.
Riêng đối với trường hợp người bệnh xét nghiệm mỡ trong máu định kỳ. Kết quả này sẽ giúp bác sĩ đánh giá được mức độ đáp ứng thuốc, tình trạng bệnh lý. Từ đó đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong phác đồ điều trị.
6. Các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm mỡ máu
Kết quả xét nghiệm có thể bị sai lệch bởi một số yếu tố. Do đó, người bệnh và bác sĩ cần lưu ý để loại bỏ (nếu có thể) hoặc xem xét các yếu tố để đánh giá chính xác kết quả.
- Thời điểm lấy máu xét nghiệm: nồng độ một số chất có thể thay đổi tùy thời điểm trong ngày. Thời điểm thích hợp nhất để lấy máu xét nghiệm là vào buổi sáng.
- Hàm lượng cholesterol trong máu vào mùa đông cao hơn mùa hè khoảng 8%.
- Tuổi càng cao chỉ số cholesterol máu có nguy cơ càng tăng.
7. Kiểm soát mỡ máu theo chuyên gia
Để chỉ số xét nghiệm mỡ máu ở mức an toàn, chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện theo những lưu ý dưới đây:
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Xét nghiệm lại, tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh phải sử dụng máy xét nghiệm mỡ máu tại nhà và ghi lại các chỉ số.
- Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Giữ tinh thần trong trạng thái thoải mái, thư giãn.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Người bệnh có thể tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Các môn thể thao phù hợp là bơi lội, yoga, đi bộ, đạp xe đạp… Hoặc đơn giản là tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng tại nhà.
Xét nghiệm mỡ máu đóng vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Đối tượng có nguy cơ cao cần thực hiện xét nghiệm này theo định kỳ hoặc dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Để đảm bảo độ chuẩn xác của kết quả, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các lưu ý đã nêu ở trên và chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào có thể chat trực tiếp với chuyên gia của chúng tôi.
XEM THÊM:
- Mỡ máu là gì – Có thể bạn chưa biết các thành phần
- Rối loạn mỡ máu – Phòng tránh căn bệnh ngày càng phổ biến
- Mỡ máu có lây không – Câu trả lời từ chuyên gia
- Sai lầm điều trị mỡ máu – Xem để tránh mắc phải
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Nguyễn Minh HoàngTốt nghiệp Thạc sỹ Dược tại Vương quốc Anh, được truyền niềm đam mê với sự nghiệp “làm thuốc cứu người” từ truyền thống gia đình, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng hiện là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa y học truyền thống cùng kiến thức y học hiện đại trong nước và quốc tế, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng sẽ đem tới những thông tin y dược đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.