Gần đây tôi thấy nước tiểu sậm màu hơn bình thường, gần giống như màu nước vối đặc. Ngoài ra, cơ thể còn thường xuyên mệt mỏi, cảm giác rất thiếu sức sống. Xin hỏi bác sĩ nước tiểu sậm màu là dấu hiệu bệnh gì? Có đang lo ngại không? (Nguyễn Vĩnh Tiến – Lê Chân, Hải Phòng).
Chuyên gia y tế, ThS. BS Nguyễn Thị Hằng – cố vấn y khoa của Dược phẩm Tâm Bình gửi đến bạn câu trả lời như sau:
1. Nước tiểu thế nào là sậm màu?
Bình thường, ở một người khỏe mạnh, nếu được uống đủ nước thì nước tiểu bài tiết ra sẽ dao động từ màu vàng nhạt đến màu hổ phách. Qua đêm, nước tiểu vào sáng sớm có màu đậm hơn do bị cô đặc lại. Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến màu sắc nước tiểu chính là màu sắc và các hợp chất có trong đồ ăn, thức uống của bạn.
Nước tiểu sậm màu là hiện tượng nước tiểu có màu thẫm hơn so với bình thường. Màu sắc của chúng có thể ngả sang nâu đen, vàng sẫm, xanh lục… Nếu tình trạng này kéo dài, bạn cần nói chuyện với bác sĩ chuyên môn để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.
2. Nước tiểu màu sậm nguyên nhân do đâu?
Nước tiểu có màu bất thường, cụ thể là ngả sang màu sậm có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như sau:
2.1 Nước tiểu sậm màu do viêm đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là hiện tượng hệ tiết niệu bị tổn thương do sự xâm nhập của các vi khuẩn gây hại. Tình trạng này phổ biến hơn ở nữ giới do đặc điểm đường tiểu ngắn, cấu tạo vùng kín phức tạp và gần hậu môn. Tuy nhiên, nam giới cũng không ngoại trừ khả năng mắc bệnh này.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là thuật ngữ bao gồm các tình trạng như: viêm nhiễm niệu đạo, bàng quang, viêm đài bể thận, viêm thận…
Các triệu chứng có thể gặp phải khi mắc viêm đường tiết niệu là:
- Nước tiểu ngả màu nâu đậm do lẫn máu hoặc có màu trắng đục
- Tần suất tiểu tiện tăng, tiểu són, rò rỉ nước tiểu
- Đau rát, buốt khi đi tiểu
- Sốt cao trong trường hợp viêm thận, viêm bể thận cấp
2.2 Do thiếu máu tán huyết
Một trong những nguyên nhân khiến nước tiểu sẫm màu là do thiếu máu tán huyết. Đây là hiện tượng xảy ra do tốc độ phá hủy các tế bào hồng cầu nhanh hơn so với quá trình tạo ra chúng.
Nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng này là do các bệnh lý như sốt rét, nhiễm cầu khuẩn, nhiễm độc, rối loạn di truyền (bệnh Thalassemia hoặc bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm…). Việc truyền máu, sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ thiếu máu tán huyết.
Lúc này, lượng hồng cầu lớn bị phá hủy dẫn đến giải phóng lượng lớn Bilirubin vào máu. Thận sẽ phải hoạt động để thanh thải bớt lượng Bilirubin và nước tiểu sẽ có màu sậm hơn.
Một số triệu chứng khác đi kèm với nước tiểu sậm màu do thiếu máu tán huyết là:
- Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt
- Da dẻ nhợt nhạt, xanh tái
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực dồn dập
- Da vàng, mắt vàng
- Siêu âm thấy gan to, lá lách to
2.3 Nước tiểu sẫm màu do viêm gan C
Viêm gan C là bệnh lý xảy ra do sự xâm nhập của một loại virus, gây nhiễm trùng gan. Trong giai đoạn đầu mắc bệnh, triệu chứng thường rất mờ nhạt. Do đó, đa số người bệnh chỉ phát hiện sau khi đã ở giai đoạn nặng, khi gan đã bị tổn thương nhiều.
Nước tiểu sậm màu có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm gan virus C. Khi mắc bệnh này, khả năng xử lý chất thải của gan giảm đi. Một số chất có thể không được xử lý, lọc bỏ khiến nước tiểu bài tiết ra có màu sẫm hơn.
Các triệu chứng đi kèm bất thường màu sắc nước tiểu bao gồm:
- Sốt
- Cơ thể mệt mỏi
- Buồn nôn, chán ăn, sợ mùi thức ăn
- Đau bụng, đau khớp, đau cơ
- Ngứa, vàng da, vàng mắt…
2.4 Màu nước tiểu đậm do thực phẩm tiêu thụ
Một số thực phẩm có màu đậm như củ dền, củ cải đỏ, thanh long đỏ… có thể khiến nước tiểu của bạn có màu hồng. Hiện tượng này không có gì đáng lo ngại. Chỉ sau vài lần bài tiết là nước tiểu sẽ trở về bình thường.
2.5 Cơ thể thiếu nước
Cơ thể bạn không được cung cấp đủ nước cũng gây ra hiện tượng nước tiểu sậm màu. Lúc này, nước tiểu trở nên đặc hơn, tần suất tiểu tiện cũng ít đi. Bên cạnh sự bất thường về màu sắc nước tiểu, bạn có thể gặp phải một số tình trạng như sau:
- Cơ thể mệt mỏi
- Khô môi, khô miệng, lưỡi
- Khát nước
- Táo bón, khó ăn
- Da khô, tính đàn hồi của da giảm…
Trên thực tế, những đối tượng như người già, người bị bệnh, trẻ em… dễ gặp tình trạng mất nước nhất. Trong trường hợp này, bạn cần tích cực bổ sung nước lọc và trà thảo dược để cơ thể lấy lại sự cân bằng.
Mất nước nếu không có biện pháp bù đắp kịp thời có thể dẫn đến các hiện tượng nguy hiểm hơn như: rối loạn điện giải, mạch đập yếu, giảm nhận thức…
2.6 Do sử dụng thuốc
Việc sử dụng các loại thuốc tân dược sẽ khiến nước tiểu của bạn thay đổi màu sắc. Nguyên nhân do các hoạt chất của thuốc qua quá trình chuyển hóa có thể tồn dư và được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Dưới đây là các loại thuốc có khả năng làm thay đổi màu sắc nước tiểu:
- Thuốc Senna, chlorpromazine và thioridazine: gây nước tiểu đỏ
- Rifampin, warfarin và phenazopyridine: gây nước tiểu cam
- Amitriptyline, indomethacin, cimetidine và promethazine: gây nước tiểu màu xanh da trời hoặc xanh lá
- Chloroquine, primaquine, metronidazole và nitrofurantoin: nước tiểu sẫm màu, ngả sang vàng như nước chè đặc.
3. Khắc phục nước tiểu sậm màu như thế nào?
Để nước tiểu trở về trạng thái bình thường, quan trọng nhất cần phát hiện chính xác nguyên nhân để có phương pháp điều trị đúng. Riêng đối với nước tiểu sậm màu do thực phẩm hoặc do uống thuốc, bạn không cần lo lắng. Hiện tượng này sẽ kết thúc sau khi bạn ngưng dùng thuốc và các loại thực phẩm có liên quan.
Tuy nhiên, đối với các nguyên nhân khác, cần áp dụng các biện pháp phù hợp. Cụ thể là:
- Bổ sung đầy đủ lượng nước: Nếu nước tiểu bị đặc do thiếu nước, bạn cần uống đủ 2-2,5 lít nước/ ngày. Nếu tình trạng nghiêm trọng, cần nhập viện để bác sĩ có phương án cân bằng lượng muối, chất lỏng và chất điện giải.
- Điều trị bằng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu. Thông thường sẽ là một đợt kháng sinh ngắn khoảng 7 đến 10 ngày (đối với bệnh nhân viêm bàng quang, viêm niệu đạo); Đối với trường hợp viêm thận, viêm bể thận thì đợt kháng sinh có thể sẽ kéo dài khoảng 10-14 ngày kèm thuốc giảm đau.
- Các phương pháp điều trị khác: truyền máu, cấy máu (trường hợp hồng cầu tụt quá mạnh), cấy tủy xương, phẫu thuật cắt bỏ lá lách…
Trên đây là những thông tin cho biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước tiểu sậm màu. Khi gặp bất kỳ sự bất thường nào, bạn cũng không nên chủ quan. Trong trường hợp cần thiết, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và tham khảo lời khuyên từ bác sĩ.
>>> XEM THÊM:
- Thế nào là tiểu són? Làm sao để khắc phục?
- Tổng hợp những loại nước tốt cho người thận yếu
- Tiểu đêm ở nam giới – Nguyên nhân và giải pháp
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.