Mẹ tôi ăn đã ăn chay khoảng 5-6 năm trở lại đây, có thời gian đi xét nghiệm mỡ máu bị mỡ máu cao. Theo như tôi tìm hiểu, ăn chay có thể giảm mỡ máu nhưng tại sao trong trường hợp của mẹ tôi ăn chay vẫn bị mỡ máu. Vậy người ăn chay bị mỡ máu không? Xin chuyên gia giải đáp.
Trường hợp của mẹ bạn, Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng xin trả lời như sau: Người ăn chay vẫn có khả năng bị mỡ máu cao do tính di truyền, chế độ ăn chưa hợp lý như sử dụng nhiều tinh bột, nhiều đồ đã qua chiên rán. Yếu tố này cũng góp phần làm tăng mỡ máu. Ngoài ra, đối với mẹ bạn, khi có tuổi, các chức năng tạng phủ cũng giảm sút dẫn đến việc chuyển hóa mỡ không còn trơn tru, nội tiết tố cũng ảnh hưởng nhiều đến mỡ tại vòng bụng.
Để tìm hiểu người ăn chay bị mỡ máu không, thực đơn ăn chay cần thay đổi như thế nào, bạn có thể tìm hiểu cụ thể qua bài viết dưới đây.
1. Mối liên quan giữa ăn chay và bệnh mỡ máu cao
Chế độ ăn chay tập trung vào các loại rau, củ, hạt, loại bỏ hầu như hoàn toàn thịt ra khỏi bữa ăn. Việc ăn chay khoa học và lành mạnh có lợi cho người bị mỡ máu cao và sức khỏe nói chung bởi sẽ hạn chế tối đa chất béo bão hòa làm tăng cholesterol và triglyceride trong máu, đồng thời tăng cường các loại rau xanh, củ, hoa quả, hạt có khả năng điều hòa mỡ máu.
Theo đánh giá trên nhiều nghiên cứu về chế độ ăn chay có liên quan đến các chỉ số mỡ máu so với chế độ ăn bình thường cho thấy hầu hết người ăn chay đều giảm cholesterol toàn phần, LDL Cholesterol (mỡ xấu) và tăng HDL Cholesterol (mỡ tốt).
Việc ăn chay sẽ giảm một lượng lớn chất béo bão hòa đi vào cơ thể.
Nguồn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa này bao gồm:
- Thức ăn có nguồn gốc động vật như da, mỡ, nội tạng động vật, thịt..
- Các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: mỡ lợn, bơ, kem, phomat, các sản phẩm chế biến từ sữa nguyên béo
- Một số có nguồn gốc thực vật như dầu dừa, dầu cọ, bơ thực vật…
Các chất béo bão hòa này sẽ làm tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol xấu (LDL Cholesterol) và giảm HDL Cholesterol (cholesterol tốt), tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Vì vậy, ăn chay không chỉ tốt cho người bị mỡ máu mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não…
Rối loạn lipid máu là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
2. Vì sao ăn chay vẫn bị máu nhiễm mỡ?
Mặc dù ăn chay có thể giảm mỡ máu, hạn chế nguy cơ bị mỡ máu cao hay bệnh lý tim mạch nhưng nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi vì sao ăn chay vẫn bị máu nhiễm mỡ. Vậy thực sự người ăn chay bị mỡ máu không?
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, người ăn chay vẫn bị mỡ máu và hoàn toàn có nguy cơ mắc mỡ máu cao. Có 3 lý do giải thích cho việc mỡ máu ở người ăn chay:
Thứ nhất, do người bệnh mắc rối loạn chuyển hóa, liên quan đến chuyển hóa lipid máu, hậu quả là mỡ máu tăng nghiêm trọng. Đây là yếu tố do di truyền, vì vậy, việc ăn chay vẫn có thể làm tăng mỡ máu.
Thứ hai, do hiểu nhầm về ăn chay. Nhiều người ăn chay cho rằng chỉ cần thức ăn không phải thịt là có thể giảm mỡ máu. Tuy nhiên các thực phẩm nhiều tinh bột như cơm, các loại bột mì, bột gạo… đi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành năng lượng (tích trữ dưới dạng triglyceride). Triglyceride góp phần thúc đẩy nguy cơ xơ vữa mạch máu và bệnh tim mạch.
Thứ ba, do quá trình chế biến món ăn sử dụng nhiều dầu mỡ để dễ ăn hơn cũng là nguyên nhân thúc đẩy bệnh mỡ máu cao.
Vì vậy, không phải cứ ai ăn chay là giảm được mỡ máu mà cần phải có chế độ ăn chay khoa học và hợp lý.
3. Gợi ý chế độ ăn chay phù hợp với người bị mỡ máu cao
Trên thực tế, ăn chay không đúng cách vẫn làm tăng nguy cơ mỡ máu. Chính vì vậy, Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng gợi ý cho bạn một số thực phẩm nên ăn và nên tránh khi áp dụng chế độ ăn chay cho người mỡ máu cao. Cụ thể:
3.1. Thực phẩm chay người mỡ máu cao nên ăn
Để có một chế độ ăn thuần chay vừa cân bằng, vừa tốt cho sức khỏe nên lựa chọn thực phẩm chủ yếu là trái cây, rau, các loại quả hạch, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Một số thực phẩm có thể cải thiện cholesterol trong chế độ ăn chay như:
- Trái cây: táo, cam, dâu, kiwi, dưa chuột, lê, đào, bơ
- Rau: rau bina, củ cải, cà chua, bông cải xanh, ớt
- Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, lúa mạch, kiều mạch, gạo lứt, lúa mì nguyên hạt
- Các loại hạt: hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hồ đào, hạt macadamia
- Hạt: hạt bí ngô, hạt chia, hạt lanh, hạt hướng dương
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu lăng, đậu đen, đậu pinto, đậu tây
- Protein thực vật: đậu phụ, tempeh (món tương nén, làm từ đậu nành, có nguồn gốc từ đảo Java Indonesia), men dinh dưỡng
- Chất béo lành mạnh: dầu ô liu, dầu bơ, dầu hạt lanh
- Gia vị: tiêu đen, nghệ, thì là, ớt, húng quế, hương thảo
- Đồ uống: nước, trà, cà phê đen, sữa hạnh nhân
>>> Tìm hiểu thêm: Người bị mỡ máu nên ăn gì kiêng gì?
3.2. Thực phẩm cần tránh trong chế độ ăn chay
Một số thực phẩm thuần chay đã qua chế biến thường chứa nhiều đường, natri và các thành phần nhân tạo để bổ sung hương vị. Do đó, chúng có thể làm tăng cholesterol trong máu, bạn nên hạn chế như:
- Đồ ăn nhẹ: khoai tây chiên, bánh quy, bánh nướng, bỏng ngô
- Các loại kẹo ngọt
- Sản phẩm đã qua chế biến: thịt nguội thuần chay, xúc xích chay, bánh mì kẹp thịt từ đậu nành
- Các đồ ăn nhanh như thức ăn nhanh, đồ ăn đông lạnh
- Đồ uống: nước ngọt, nước tăng lực, đồ uống thể thao, nước hoa quả.
4. Lời khuyên từ bác sĩ cho người mỡ máu cao
Ăn chay sẽ góp phần kiểm soát mỡ máu hiệu quả nếu bạn biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp. Để có một chế độ ăn uống thuần chay lành mạnh, giảm mỡ máu bạn nên:
- Tính toán lượng calo phù hợp với cơ thể (chỉ nên ở mức 2000 – 2500 calo/ngày)
- Vẫn chú ý đến bổ sung các dưỡng chất như: vitamin B12, omega-3, kẽm, sắt, canxi, vitamin D, protein, iot…
- Nên chế biến món ăn ở dạng hấp, luộc, salad, chiên không dầu
- Tăng cường tập luyện để cơ thể dẻo dai, đốt mỡ thừa
- Uống đủ nước mỗi ngày (2-2,5 lít nước)
- Nên kiểm tra và thăm khám định kỳ để có những biện pháp cải thiện sức khỏe
- Nếu bệnh mỡ máu không đáng ngại có thể cải thiện thông qua chế độ ăn uống, nếu bệnh nặng, có nguy cơ xơ vữa mạch máu, tai biến nên chủ động điều trị
Trên đây là giải đáp thắc mắc cho người ăn chay bị mỡ máu không. Bạn nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mình cho hợp lý để giảm nguy cơ bị mỡ máu cao. Nếu có thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua hotline 0343 44 66 99 để được tư vấn giải đáp.
XEM THÊM:
- Vì sao có máu nhiễm mỡ ở người gầy? – Chuyên gia giải đáp
- 5 chỉ số sức khỏe phụ nữ trung niên cần quan tâm
- Tổng hợp 5 cách điều trị mỡ máu tăng cao hiệu quả 2022
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.