Rối loạn vận mạch não là một tình trạng sức khỏe nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới chức năng thần kinh và sức khỏe nói chung. Việc tìm hiểu các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
1. Rối loạn vận mạch não là gì?
Rối loạn vận mạch não là một tình trạng mạch máu co giãn bất thường làm ảnh hưởng lưu lượng máu tới não. Tình trạng này xảy ra khi động mạch, tĩnh mạch cung cấp máu cho não gặp vấn đề bất thường. Từ đó khiến não bị thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết kéo theo một loạt các vấn đề sức khỏe.
2. Biểu hiện rối loạn vận mạch não
Triệu chứng bệnh rối loạn vận mạch não khá đa dạng. Sự xuất hiện, tần suất và cường độ của các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí mạch máu bị tổn thương và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
2.1. Đau đầu do rối loạn vận mạch não
Đau đầu thường là một trong những biểu hiện đầu tiên. Cơn đau có thể âm ỉ dai dẳng hoặc dữ dội từng cơn. Đau thường xảy ra khi chuyển động đầu, giật theo mạch đập. Có thể đau nửa đầu, đau phía trước hoặc sau đầu hoặc đau cả đầu. Tình trạng đau đầu thường đi kèm với chóng mặt.
2.2. Rối loạn vận mạch máu não gây chóng mặt
Chóng mặt, xây xẩm mặt mày là tình trạng thường xuyên xuất hiện khi tế bào não bị thiếu dưỡng chất. Người bệnh sẽ bị hoa mắt, cảm giác mắt tối sầm, loạng choạng, đứng không vững.
2.3. Rối loạn thị giác
Khi vùng kiểm soát thị giác của não bị thiếu hụt oxy và chất dinh dưỡng sẽ dẫn tới rối loạn thị giác. Tình trạng này bao gồm các triệu chứng như mắt mờ, nhìn đôi…
2.4. Yếu cơ, nhược cơ
Một hoặc một số nhóm cơ ở một bên cơ thể bị suy yếu hoặc mất khả năng vận động. Nó có thể xảy ra ở chân, tay, mặt. Đôi khi có thể bao gồm cảm giác tê bì.
2.5. Rối loạn ngôn ngữ
Khi vùng não chịu trách nhiệm ngôn ngữ bị tổn thương do bệnh rối loạn vận mạch não sẽ gây rối loạn ngôn ngữ. Người bệnh sẽ bị khó nói, nói lắp hoặc không hiểu người khác nói gì.
3. Nguyên nhân gây rối loạn vận mạch não
Tại sao lại bị rối loạn vận mạch não là thắc mắc của nhiều người khi mắc phải căn bệnh này. Có nhiều lý do có thể gây khởi phát tình trạng này. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ tạo thuận lợi cho quá trình điều trị.
3.1. Chấn thương
Chấn thương ở đầu và cổ có thể gây ra các tổn thương cho mạch máu não. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương sẽ gây ra những tổn thương từ nhẹ tới nghiêm trọng. Đặc biệt, chấn thương nặng có nguy cơ gây tổn thương não vĩnh viễn.
3.2. Viêm động mạch
Viêm động mạch gây tổn thương niêm mạc mạch máu. Điều này gây hẹp mạch máu dẫn tới lưu lượng máu tới não bị giảm sút.
3.3. Xỡ vữa động mạch
Đây là nguyên nhân phổ biến. Các mảng bám như cholesterol, canxi… tích tụ trên thành mạch tạo thành mạch; làm hẹp và cứng thành mạch máu. Từ đó làm giảm, ngăn cản lưu lượng máu tới não.
3.4. Huyết khối gây rối loạn vận mạch não
Huyết khối là những cục máu đông hình thành bên trong các mạch máu. Cục máu đông sẽ gây tắc nghẽn mạch máu não, gây rối loạn vận mạch. Thậm chí còn có thể dẫn tới vỡ mạch máu não – một trường hợp cấp cứu nguy hiểm.
4. Rối loạn vận mạch não có nguy hiểm không?
Người bị rối loạn vận mạch não phải đối mặt với một loạt các triệu chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt là tình trạng yếu cơ, mất khả năng vận động cơ, khó nói, mất thị lực có thể dẫn tới tai nạn. Nguy hiểm hơn bệnh có thể dẫn tới xuất huyết não, đột quỵ đe dọa tới tính mạng.
5. Đối tượng có nguy cơ cao
Một số nhóm đối tượng dưới đây cần đề phòng nguy cơ mắc bệnh:
- Người cao tuổi: Thành mạch máu suy yếu, chức năng các cơ quan suy giảm.
- Người bị cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, huyết khối.
- Thừa cân, béo phì.
- Người có lối sống ít vận động, chế độ ăn thiếu lành mạnh.
6. Chẩn đoán
Bệnh lý này khá phức tạp nên bác sĩ sẽ cần áp dụng nhiều phương pháp để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
- Khám lâm sàng: Xem xét các triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh của người bệnh và người thân.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI
- Xét nghiệm máu.
7. Điều trị rối loạn vận mạch não
Dựa vào tiền sử bệnh, qua thăm khám và thực hiện các phương pháp chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ phù hợp. Nguyên tắc chính của việc điều trị là giảm các triệu chứng và dự phòng biến chứng.
7.1. Thuốc chữa rối loạn vận mạch não
Không có câu trả lời chung cho rối loạn vận mạch não uống thuốc gì. Tùy vào nguyên nhân và mục tiêu điều trị mà bác sĩ có thể kê một số loại thuốc dưới đây:
- Thuốc giảm đau: Để giảm bớt tình trạng đau đầu.
- Thuốc hạ lipid máu: Giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa mảng bám, giảm tình trạng xơ vữa động mạch.
- Thuốc hạ huyết áp: Thường được chỉ định cho trường hợp bị cao huyết áp do mỡ máu cao. Thuốc cũng giúp hạ huyết áp từ đó giảm nguy cơ mạch máu bị tổn hại.
- Thuốc chống đông máu hoặc chất ức chế tập kết tiểu cầu: Giúp ngăn ngừa hình thành các cục máu đông.
Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng, lạm dụng thuốc sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
7.2. Vật lý trị liệu
Trường hợp chấn thương hoặc rối loạn vận mạch gây yếu cơ, đột quỵ cần sử dụng vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Bác sĩ sẽ xây dựng liệu trình điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Sau mỗi buổi trị liệu, bác sĩ sẽ đánh giá khả năng đáp ứng của bệnh nhân và đưa ra điều chỉnh nếu cần thiếu.
7.3. Phẫu thuật
Rối loạn vận mạch máu não xảy ra do huyết khối hoặc xơ vữa động mạch có thể cần phẫu thuật. Phẫu thuật loại bỏ những cục máu đông sẽ khơi thông dòng chảy của máu tới não. Đặt stent giúp nong rộng mạch máu để tạo điều kiện cho máu lưu thông tốt hơn.
7.4. Các biện pháp hỗ trợ
Nhằm cải thiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, yếu cơ, một số biện pháp có thể hỗ trợ.
- Xoa bóp: Việc dùng tay tác động lực lên đầu, tay chân, có thể giảm đau, hỗ trợ tăng trương lực cơ.
- Bấm huyệt: Dùng tay day bấm vào một số huyệt vị trên cơ thể giúp ích thích lưu thông máu, điều hòa khí huyết.
- Châm cứu: Dùng kim châm vào một số huyệt trên cơ thể để điều hòa khí huyết, giảm đau.
- Yoga: Một số tư thế yoga có thể cải thiện lưu thông máu, giảm đau. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ xem liệu bản thân có thích hợp tập yoga hay không. Nếu được hãy tìm sự trợ giúp của huấn luyện viên để lựa chọn bài tập phù hợp; tập đúng kỹ thuật.
Lưu ý: Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu phải được thực hiện ở những cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền đã được cấp phép. Việc lựa chọn địa chỉ uy tín sẽ đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.
8. Chăm sóc người bị rối loạn vận mạch não
Người bệnhn phải đối mặt với các triệu chứng có thể gây ra ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt. Vì vậy người thân lưu ý trong chăm sóc người bệnh.
- Tốt nhất là nên có người ở bên cạnh người bệnh. Do triệu chứng bệnh sẽ gây bất tiện trong sinh hoạt; làm tăng nguy cơ gặp tai nạn.
- Xây dựng thực đơn lành mạnh: Bổ sung trái cây, rau xanh giúp cung cấp vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa. Lựa chọn nguồn protein lành mạnh như thịt nạc, trứng, đậu… Hạn chế carbohydrate tinh chế như đường, tinh bột; thực phẩm chế biến sẵn… Uống đủ nước. Không sử dụng đồ uống có cồn, cafein.
- Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn hoặc rung lắc mạnh. Vì chúng sẽ làm co thắt mạch máu, kích thích cơn đau đầu. Người bệnh nên tránh những nơi như công trường, quán bar, tránh sử dụng máy khoan, máy cắt… Trong trường hợp bất khả kháng, có thể dùng nút bịt tai, bịt tai chống ồn…
- Ngủ đủ giấc sẽ giúp tăng cường sức khỏe, giảm đau.
9. Cách phòng tránh
Việc loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh là không thể. Nhưng một số biện pháp có thể hạn chế nguy cơ:
- Khám sức khỏe định kỳ, theo dõi huyết áp, đường huyết, mỡ máu. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý có thể gây rối loạn vận mạch.
- Tiêm vacxin ngừa viêm não.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh tối đa căng thẳng.
- Kiểm soát cân nặng. Nếu thừa cân hãy giảm cân một cách khoa học.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng. Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
- Rèn luyện thể dục thể thao đều đặn.
Những thông tin về rối loạn mạch não trên đây chỉ mang tính tham khảo. Khi phát hiện dấu hiệu có nghi ngờ mắc bệnh hãy tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
XEM THÊM:
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Suy giảm khả năng phản ứng vận mạch não có phải là yếu tố dự báo đột quỵ ở bệnh nhân không có triệu chứng?
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8969778/
Tham Vấn Y Khoa
Dược sĩ Hoàng Mạnh CườngTốt nghiệp đại học dược Hà Nội, dược sĩ Hoàng Mạnh Cường hiện đang phụ trách chuyên môn R&D của Dược Phẩm Tâm Bình. Với nhiều kinh nghiệm trong ngành dược lâm sàng, pháp chế dược và đặc biệt là Dược cổ truyền, dược sĩ Cường sẽ đưa đến cho quý độc giả những kiến thức Y dược được cập nhật mới nhất một cách nhanh chóng và đáng tin cậy - Góp phần nâng cao nhận thức và thông tin sức khoẻ cho cộng đồng.