Nhiều người thường bỏ qua chứng ợ chua vì cho rằng nó chỉ là một biểu hiện thông thường trong quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, đi kèm với các triệu chứng khác đôi khi là dấu hiệu của bệnh lý. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm tình trạng này.
1. Ợ chua là gì?
Bình thường, khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ di chuyển từ miệng xuống dạ dày, qua thực quản. Trong dạ dày có chứa axit giúp hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Thức ăn và axit sẽ được giữ lại trong dạ dày nhờ cơ vòng dưới của thực quản.
Tuy nhiên vì một lý do nào đó, cơ này sẽ mở ra lâu hơn bình thường, tạo cơ hội cho axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Đây chính là hiện tượng ợ chua với cảm giác chua chua trong khoang miệng sau khi cơ thể phản xạ ợ và có thể đi kèm với một vài triệu chứng.
2. Triệu chứng đi kèm với ợ chua
– Cảm giác dư thừa nước bọt.
– Cảm giác đắng hoặc chua trong miệng: Người bệnh có thể cảm thấy vị đắng hoặc chua trong miệng, đặc biệt sau khi ăn hoặc khi nằm xuống.
– Ợ chua buồn nôn: Khi ợ có cảm giác buồn nôn hoặc nôn ra thức ăn đã lên men có vị chua.
– Đau ngực hoặc đau thấp dưới lồng ngực: Đau ngực hoặc cảm giác khó chịu ở phía trên lồng ngực là một triệu chứng phổ biến, đặc biệt sau khi ăn.
– Khó khăn khi nuốt: Một số người có thể gặp khó khăn khi nuốt, có thể do sưng hoặc kích thước của niêm mạc thực quản thay đổi.
– Ợ chua khó thở. Thở khò khè, nghẹt thở nặng hơn sau khi ăn, nằm hoặc cúi người.
– Đau dạ dày: Cảm giác đau, khó chịu hoặc cảm giác nặng ở phía trên hoặc sau lồng ngực có thể xuất phát từ dạ dày.
– Sổ mũi và ho: Ợ chua có thể gây kích thích đường hô hấp, dẫn đến sổ mũi và ho.
– Khó chịu khi nằm xuống: Nhiều người bệnh cảm thấy triệu chứng ợ chua tăng khi nằm xuống hoặc khi đang ngủ.
– Rối loạn giấc ngủ: Một số người có thể gặp vấn đề với giấc ngủ do ợ chua, đặc biệt là khi nằm xuống.
– Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi có thể là một triệu chứng không rõ ràng, nhưng nhiều người bệnh ợ chua có thể cảm thấy mình bị mệt mỏi.
3. Nguyên nhân gây ợ chua
Ợ chua có thể xảy ra do ăn uống không đúng cách, như ăn quá nhiều, ăn quá nhanh, ăn cay, chua, béo, uống rượu, cà phê, nước ngọt. Ợ chua cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tiêu hóa, như trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm loét dạ dày, nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, v.v.
3.1. Thói quen ăn uống thiếu khoa học
Thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ, ăn đêm, vừa ăn vừa nằm hoặc vừa ăn vừa làm việc khiến tình trạng ợ chua thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh đó, ăn quá no sẽ gây khó tiêu đồng thời tạo sức ép lên dạ dày, khiến van dưới thực quản mở ra.
Ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ chua, các loại đồ uống có ga, có cồn hay caffeine có thể gây tăng tiết axit dạ dày.
3.2. Béo phì
Khi bạn bị thừa cân hoặc béo phì, bạn sẽ tạo ra áp lực lên dạ dày, khiến cho van ngăn cách dạ dày và thực quản không đóng kín, gây ra trào ngược axit.
3.3. Stress
Căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương gây mất tập trung, giảm khả năng chi phối quá trình tiêu hóa. Từ đó sẽ dẫn tới rối loạn tiêu hóa gây ợ hơi, ợ nóng, đầy bụng.
3.4. Mặc quần quá chật
Mặc quần chật sẽ làm tăng áp lực lên dạ dày. Cơ thể sẽ phản ứng hại bằng cách đẩy thực phẩm và axit ngược lên trên.
3.5. Phụ nữ mang thai
Ợ chua khi mang thai là tình trạng phổ biến. Bởi thai nhi lớn dần, tử cung to ra làm tăng áp lực trong khoang bụng, gây ảnh hưởng đến chức năng cơ vòng dưới thực quản. Từ đó dẫn đến trào ngược axit.
Xem thêm:
Rối loạn tiêu hóa khi mang thai: Nguyên nhân, cách phòng tránh
Bà bầu bị tiêu chảy có nguy hiểm không?
3.6. Hiện tượng loạn khuẩn
Trong hệ tiêu hóa có chứa vi khuẩn có tác dụng chuyển hóa thức ăn. Vì một vấn đề nào đó kiến hệ thống vi khuẩn đường ruột bị mất cân bằng khiến cho việc chuyển hóa thức ăn bị ảnh hưởng.
3.7. Rối loạn nhu động ruột
Đây là một tình trạng khi ruột không hoạt động bình thường, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, ợ chua, v.v.
Nguyên nhân có thể là do stress, dị ứng thực phẩm, nhiễm trùng, v.v.
3.8. Dấu hiệu của bệnh lý tiêu hóa
Nếu hiện tượng ợ chua xảy ra quá 2 lần/tuần, đi kèm với những triệu chứng ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày thì rất có thể đó là dấu hiệu của các bệnh lý về đường tiêu hóa cần được theo dõi và điều trị.
4. Bệnh lý gây ợ chua
Một số bệnh lý phổ biên gây ra tình trạng này có thể kể đến như:
4.1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) chỉ sự trào ngược dịch ở dạ dày lên thực quản. Triệu chứng thường thấy là cảm giác nóng bỏng sau xương ức giữa ngực, đau nóng rát khu trú ở bụng trên, cảm giác nuốt nghẹn, khó thở ban đêm. Ợ chua cũng là một triệu chứng đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
GERD có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và dẫn đến các biến chứng như viêm thực quản, loét thực quản, ung thư thực quản, v.v.
4.2. Thoát vị hoành
Khi bị bệnh này, một phần dạ dày của người bệnh sẽ nhô lên ngực thay vì nằm dưới cơ hoành. Bệnh gây ảnh hưởng tới cách thức hoạt động của cơ vòng thực quản.
Người bệnh có thể có các triệu chứng như ợ chua, đau ngực, khó thở, ợ nóng, v.v.
Thoát vị hoành có thể do nhiều nguyên nhân, như tuổi tác, béo phì, mang thai, ho, táo bón, v.v.
4.3. Viêm thực quản
Đây là bệnh lý xảy ra do acid dạ dày trào ngược lên thực quản gây tổn thương, sưng và viêm niêm mạc thực quản. Viêm thực quản còn khiến người bệnh bị đau tức ngực, đau họng, buồn nôn.
4.4. Bệnh thực quản Barrett
Đây là tình trạng biểu mô thực quản bị thay đổi cấu trúc thành một dạng tổn thương vĩnh viễn. Bệnh nguy hiểm do biến chứng có thể gặp phải là ung thư thực quản nếu không được điều trị kịp thời.
4.5. Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là tình trạng xuất hiện các vết loét trên niêm mạc dạ dày. Người bệnh có thể có các triệu chứng như đau bụng, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nôn, chán ăn, giảm cân, v.v.
Viêm loét dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân, như nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, sử dụng thuốc chống viêm không steroid, stress, rượu, v.v.
4.6. Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Đây là một loại vi khuẩn có thể sống trong dạ dày, gây ra viêm loét dạ dày, tăng tiết axit dạ dày, gây ra trào ngược axit. Người bệnh có thể có các triệu chứng như đau bụng, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nôn, chán ăn, giảm cân, v.v. Nhiễm khuẩn HP có thể gây ra các biến chứng như viêm dạ dày, ung thư dạ dày, v.v.
4.7. Rối loạn dạ dày – ruột
Rối loạn dạ dày – ruột là một tình trạng khi ruột không hoạt động bình thường, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, ợ chua… Nguyên nhân có thể là do stress, dị ứng thực phẩm, nhiễm trùng…
5. Khi nào ợ chua cần đi khám bác sĩ?
Bị ợ chua có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý cần điều trị. Vì vậy, bạn nên đi khám bác sĩ nếu ợ chua xảy ra thường xuyên, nặng hoặc kèm theo các triệu chứng khác, như:
– Đau ngực, đau thắt ngực, khó thở, hoặc cảm giác có dị vật ở cổ. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch, bệnh phổi hoặc bệnh thực quản.
– Giảm cân, chán ăn, nôn máu, đi phân có máu hoặc phân đen. Đây có thể là dấu hiệu của viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày hoặc ung thư thực quản.
– Ợ chua không giảm sau khi dùng thuốc trung hòa axit, thuốc chẹn H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton. Đây có thể là dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản nặng, thoát vị hoành hoặc nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
6. Chẩn đoán
Để chẩn đoán ợ chua, bác sĩ có thể hỏi bạn về tần suất, thời gian, mức độ và các triệu chứng liên quan của ợ chua. Bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm như:
– Nội soi có thể phát hiện các vết loét, viêm, ung thư hoặc các bất thường khác ở thực quản hoặc dạ dày.
– Chụp X-quang có thể phát hiện các vấn đề như thoát vị hoành, giãn tĩnh mạch thực quản, v.v.
– Đo pH thực quản có thể xác định mức độ và thời gian của trào ngược axit.
– Đo áp lực thực quản có thể xác định chức năng của cơ vòng dưới thực quản và khả năng ngăn chặn trào ngược axit.
Tùy thuộc vào mức độ của triệu chứng bệnh và thể trạng của bệnh nhân sẽ có các cách điều trị khác nhau.
Nếu nguyên nhân là do bệnh lý thì cần được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Đối với trường hợp ợ chua mạn tính do một số bệnh như thoát vị cơ hoành có thể cân nhắc đến việc phẫu thuật. Tình trạng ợ chua sẽ tự mất khi bệnh thuyên giảm hoặc được chữa khỏi.
7. Thuốc điều trị ợ chua
Để xử lý triệu chứng ợ chua thông thường, bạn có thể dùng thuốc tây không kê toa như:
– Thuốc trung hòa axit
Đây là những loại thuốc có tác dụng làm giảm độ axit trong dạ dày, giảm nhanh các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đầy bụng, v.v. Bạn có thể dùng ngay sau khi ăn hoặc khi có triệu chứng.
Một số loại thuốc trung hòa axit phổ biến là Maalox, Rolaids, Alka-Seltzer, Mylanta, v.v.
– Thuốc kháng histamine H2
Loại thuốc có tác dụng làm giảm tiết axit dạ dày, giảm các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đau dạ dày, v.v.
Bạn có thể dùng trước khi ăn hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc phổ biến thuộc nhóm này là Zantac, Tagamet, Pepcid, Axid, v.v.
– Thuốc ức chế bơm proton
Đây là những loại thuốc có tác dụng làm ức chế tiết acid dạ dày, giảm các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đau dạ dày, v.v. Bạn có thể dùng trước khi ăn hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Một số loại thuốc ức chế bơm proton phổ biến là Esomeprazole, Omeprazole, Rabeprazole, v.v.
Lưu ý: những loại thuốc trên tuy là thuốc không kê toa nhưng có thể tương tác với những thuốc khác gây nguy hiểm hoặc chống chỉ định với người bị mẫn cảm với thành phần thuốc. Do đó, trước khi dùng thuốc bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt, phụ nữ có thai không được tự ý dùng thuốc nếu không được bác sĩ kê đơn.
8. Các bài thuốc dân gian chữa ợ chua đơn giản hiệu quả
Nếu triệu chứng nhẹ, bạn có thể áp dụng các bài thuốc dân gian đơn giản, lành tính. Đây là cách trị ợ chua tại nhà dễ thực hiện.
8.1. Lá bạc hà trị ợ chua
Rửa sạch một nắm lá bạc hà rồi đổ nước sôi vào ngâm trong 5 phút, dùng uống thay trà. Đây là cách trị ợ chua nóng rát cổ hiệu quả.
8.2. Lá đinh hương
Rửa sạch một nắm lá đinh hương và nhai trực tiếp sau bữa ăn.
8.3. Trà hoa cúc
Uống một tách trà hoa cúc sau bữa ăn. Bạn có thể dùng trà túi lọc hoa cúc hãm với nước sôi và cho thêm 1 thìa mật ong.
8.4. Gừng chữa ợ chua
Gừng từ lâu đã được biết đến với tác dụng chữa các bệnh dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Bạn có thể nhai trực tiếp một lát gừng tươi hoặc uống một ly trà gừng mật ong sau khi ăn.
8.5. Nước ép nha đam
Lọc lấy phần ruột trắng của nha đam, ngâm với nước muối 30 phút. Sau đó ép lấy nước, uống sau khi ăn. Nước nha đam có tác dụng làm dịu dạ dày, là cách chữa ợ chua dạ dày hiệu quả.
8.6. Nước ép rau má
Để trả lời cho ợ chua nên uống gì thì rau má là một lựa chọn. Vì nó giúp thanh nhiệt, giải độc. Bạn lấy khoảng 100g rau má rửa sạch, ngâm muối khoảng 30 phút rồi xay lọc lấy nước. Uống trước khi ăn 30 phút.
8.7. Giấm táo
Giấm táo giúp cân bằng lượng axit trong dạ dày. Bạn có thể dùng 2 – 3 thìa giấm táo pha với một cốc nước lọc uống sau ăn trưa 30 phút.
9. Lời khuyên của chuyên gia
Để phòng tránh chứng ợ chua, TTƯT, Ths.Bs. Nguyễn Thị Hằng (Bệnh viện Tuệ Tĩnh – Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) đưa ra một vài lời khuyên cho bạn:
– Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
– Ưu tiên những loại thực phẩm như thịt trắng, yến mạch, trái cây có lượng axit thấp, rau họ cải…
– Tránh thực phẩm gây đầy bụng, khó tiêu như thức ăn nhanh, đồ chiên rán, socola, rượu, bia, cà phê,..
– Ăn chậm, nhai kỹ. Không ăn quá khuya, quá no.
– Duy trì cân nặng hợp lý.
– Gối đầu cao hơn so với bụng khi ngủ.
– Mặc trang phục thoải mái.
– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
Ợ chua thông thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên bạn cần lưu tâm khi đây là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Để biết thêm nhiều thông tin hơn, bạn có thể truy cập Bệnh Tiêu hóa hoặc chat trực tiếp với bác sĩ.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.