Hải sản là nhóm thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, trở thành món “khoái khẩu” của nhiều người. Tuy nhiên, đây lại là loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Việc nhận biết triệu chứng, nắm rõ nguyên nhân và cách điều trị di ứng hải sản sẽ giúp bạn đưa ra phương án xử lý nhanh chóng, hiệu quả trong những trường hợp cần thiết.
1. Dị ứng hải sản là gì?
Dị ứng hải sản là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với protein có trong hải sản, đặc biệt là dị ứng hải sản có vỏ như tôm, cua, nghêu, sò,… Tùy vào cơ địa, có người sẽ phản ứng với tất cả các loại hải sản nhưng có người chỉ phản ứng với một số loại nhất định.
Không phải chỉ ăn trực tiếp mới gây dị ứng mà ngay cả khi hít phải khói bốc ra từ hải sản, tiếp xúc với bề mặt có dính hải sản cũng có thể xuất hiện triệu chứng dị ứng.
Xem thêm: Dị ứng thức ăn: Nguyên nhân – Triệu chứng – Cách điều trị mới nhất
2. Triệu chứng dị ứng hải sản
Vậy ăn hải sản bao lâu thì bị dị ứng? Theo (suckhoedoisong.vn), biểu hiện của dị ứng hải sản rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ chục phút. Phản ứng dị ứng không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.
Triệu chứng dị ứng nặng hay nhẹ ở từng người có sự khác nhau.
2.1. Dị ứng nhẹ
– Mẩn ngứa, nổi mề đay, đỏ da.
– Đau đầu, chóng mặt.
– Hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi.
2.2. Dị ứng mức độ vừa
– Dị ứng hải sản bị sưng mặt, dị ứng hải sản sưng mắt.
– Tức ngực.
– Đau bụng, tiêu chảy.
– Buồn nôn, nôn.
2.3. Dị ứng nặng
Ở mức độ nặng sẽ xuất hiện triệu chứng sốc phản vệ và nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Các biểu hiện sốc phản vệ bao gồm:
– Da tái lạnh.
– Mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím.
– Tụt huyết áp.
– Trụy tim mạch.
– Co thắt thanh quản.
– Bất tỉnh.
Ngoài ra, dị ứng cũng kích hoạt các triệu chứng của bệnh: viêm da cơ địa, chàm, hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
3. Nguyên nhân gây dị ứng hải sản
– Hải sản chứa hàm lượng protein cao, trong đó có những protein “lạ”. Khi đi vào cơ thể loại protein này được cơ thể nhận diện là kháng nguyên. Điều này khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại bằng cách tạo ra các kháng thể, gây ra các triệu chứng dị ứng.
– Protein trong một số loại hải sản lại giữ vai trò là bán kháng nguyên. Khi đi vào cơ thể chúng kết hợp với nhóm quyết định kháng nguyên sẵn có, dẫn tới tình trạng dị ứng.
– Thêm vào đó, trong hải sản có chứa histamine là tác nhân gây dị ứng.
– Tùy từng loại và môi trường sống, hải sản chứa những độc tố khác nhau. Một số loại độc tố không bị phá hủy bởi nhiệt độ khi đun nấu hoặc các biện pháp chế biến thông thường. Do đó, khi vào cơ thể chúng sẽ gây dị ứng.
4. Đối tượng dễ bị dị ứng hải sản
– Người có cơ địa nhạy cảm.
– Người bị bệnh viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm xoang dị ứng.
– Trẻ em: do có hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh.
– Người có bố mẹ có tiền sử bị dị ứng hải sản.
5. Chẩn đoán
Những trường hợp xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng cần được đưa ngay tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Bác sỹ sẽ dựa vào những biểu hiện lâm sàng của người bệnh, tiền sử bệnh cũng như thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
– Test da: bác sỹ cho một lượng nhỏ protein trong tôm cua tiếp xúc trực tiếp với da.
– Xét nghiệm máu: nồng độ kháng thể IgE trong huyết tương sẽ tăng cao nếu bị dị ứng.
6. Điều trị dị ứng hải sản
Bị dị ứng hải sản phải làm sao là mối bận tâm của nhiều người. Với những trường hợp nhẹ, bạn có thể áp dụng cách chữa dị ứng hải sản tại nhà. Tuy nhiên, nếu xuất hiện những triệu chứng nặng, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám và điều trị kịp thời.
Dị ứng hải sản bao lâu thì khỏi? Câu trả lời là tùy theo cơ địa của từng người và việc áp dụng các biện pháp điều trị, các triệu chứng có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng.
6.1. Gây nôn, uống nhiều nước
Việc cần làm đầu tiên khi cơ thể bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nhẹ là gây nôn. Sau khi đã nôn hết lượng hải sản trong cơ thể có thể rửa mũi, súc miệng bằng nước muối và uống nhiều nước.
Việc gây nôn và uống thật nhiều nước có tác dụng giúp người bệnh loại bỏ tác nhân gây dị ứng ra khỏi cơ thể, thanh lọc cơ thể.
6.2. Thuốc tây
Sau khi thăm khám và chuẩn đoán, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc tùy thuộc vào tình trạng cụ thể. Các loại thuốc có thể được chỉ định là:
– Thuốc Epinephrine như Adrenaline: Thuốc có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp dưới dạng tiêm để chống co thắt đường thở và ngăn sốc phản vệ.
– Thuốc kháng histamine như Loratadin, Cetirizin, Phenergan, Chlorpheniramin,… Các thuốc kháng histamin có tác dụng làm giảm các triệu chứng ở da, niêm mạc nhưng không có tác dụng với các phản ứng nặng.
– Thuốc bôi ngoài da như sulfat kẽm, thuốc chống ngứa, kem bôi chứa menthol,…
Lưu ý, các loại thuốc trên cần có sự chỉ định của bác sỹ. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về dùng.
6.3. Gợi ý 10 mẹo dân gian chữa dị ứng hải sản tại nhà
Với tình trạng nhẹ, bạn có thể áp dụng các cách chữa trị tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên, đơn giản.
6.3.1. Thoa tinh dầu tràm
Để giảm các triệu chứng trên da, bạn có thể thoa tinh dầu tràm. Loại tinh dầu này có tác dụng giảm viêm, ngứa, sát trùng da.
6.3.2. Tắm lá chè xanh
Đây là mẹo dân gian giúp giảm ngứa, viêm đỏ da. Bạn có thể đun lá chè xanh lấy nước để nguội rồi dùng nước này để tắm.
Hoạt chất EGCG, polyphenol và quercetin trong lá chè xanh có tác dụng phục hồi da, tiêu viêm, sát trùng, chống ngứa và kháng khuẩn.
6.3.3. Chữa dị ứng hải sản bằng chanh
Chanh chứa hàm lượng vitamin C cao, góp phần làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Tính chất chống viêm có trong chanh giúp làm giảm triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu do dị ứng gây ra. Bên cạnh đó, uống chanh còn giúp đào thải độc tố ra ngoài cơ thể.
Cách thực hiện: Uống 1 cốc nước chanh ấm ngay sau khi có dấu hiệu dị ứng. Đây là một trong những cách chữa dị ứng hải sản nhanh nhất. Tuy nhiên để đảm bảo dạ dày không bị ảnh hưởng, nên uống chanh khi no.
6.3.4. Mật ong
Mật ong có tính diệt khuẩn, kháng viêm, sát trùng cao. Nó giúp hồi phục vết thương nhanh chóng, tăng sức đề kháng của cơ thể và phòng ngừa sốc phản vệ.
Cách thực hiện: Pha 2 – 3 thìa mật ong với nước ấm để uống.
6.3.5. Gừng
Theo Đông y, gừng có tính ấm, vị cay, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, trừ hàn. Gừng chứa các hoạt chất diệt khuẩn, sát trùng tốt, giúp giảm nhanh các triệu chứng dị ứng.
Cách thực hiện: Gừng rửa sạch, thái lát, hãm với nước nóng, uống như trà. Với 1 ly nước gừng ấm, bạn sẽ thấy dịu cơn ngứa do dị ứng.
6.3.6. Trà hoa cúc
Trà hoa cúc có tác dụng chống viêm, tiêu sưng. Uống trà hoa cúc cũng giúp gan hoạt động tốt hơn để loại bỏ độc tố ra ngoài, dịu ngứa, giảm nổi mề đay trên da.
Cách thực hiện:
– Lấy 3 – 5 cây hoa cúc khô trắng hoặc vàng. Nấu nước uống thay nước lọc.
– Hoặc bạn cũng có thể dùng trà hoa cúc túi lọc.
6.3.7. Trà cam thảo
Cam thảo có tác dụng giải nhiệt, mát gan, thanh lọc cơ thể. Tính kháng khuẩn, tiêu viêm của trà cam thảo rất thích hợp làm chất giải độc, chữa dị ứng. Hơn nữa, vị ngọt của trà cam thảo rất dễ uống.
Cách thực hiện: Lấy 1 ít cam thảo đã phơi khô đem nấu với nước để uống thay nước lọc.
6.3.8. Nước ép rau quả
Nước ép hoa quả chứa đa dạng các loại vitamin, chất chống oxy hóa và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác. Uống nước ép hoa quả giúp tăng sức đề kháng, giảm ngứa, cải thiện các tổn thương trên da, thanh lọc cơ thể.
Bạn có thể sử dụng nước ép dâu tây, bưởi, nho, dưa hấu, cần tây,…
6.3.9. Cháo hạt sen
Cháo hạt sen sẽ là lời giải cho câu hỏi bị dị ứng hải sản nên ăn gì, nhất là đối với trẻ em bị dị ứng hải sản. Hạt sen có tác dụng cầm tiêu chảy và giảm dị ứng. Bạn có thể nấu cháo trắng cùng hạt sen.
>> Tham khảo thêm: 10 cách cầm tiêu chảy cấp tốc bạn cần “nằm lòng” để tự cứu mình
6.3.10. Bài thuốc dân gian chữa dị ứng hải sản từ rễ cây lau
Chuẩn bị:
– 10g gừng tươi
– 100g đậu xanh
– 15g lá tía tô
– 15g rễ cây lau tươi
Cách thực hiện:
– Gừng, lá tía tô và rễ cây lau rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước.
– Đổ phần nước cốt này vào nồi với đậu xanh, thêm nước lã vừa đủ, ninh đến khi đậu xanh chín nhừ.
7. Phòng tránh dị ứng hải sản
7.1. Đối với người có tiền sử dị ứng hải sản
Các triệu chứng dị ứng sẽ nghiêm trọng hơn trong các lần dị ứng tiếp theo. Do đó, cách tốt nhất là chủ động phòng tránh theo những gợi ý sau:
– Không ăn, tiếp xúc với các loại hải sản đã có tiền sử dị ứng, thậm chí không dùng bát, đĩa, dụng cụ có khả năng dính hải sản.
– Nếu đã từng bị dị ứng tôm cần thận trọng với các loại hải sản có vỏ khác.
– Khi mua hoặc ăn bất kỳ loại thực phẩm chế biến sẵn nào cần đọc kỹ thành phần để tránh các loại có chứa hải sản.
– Hãy thông báo trước về tình trạng dị ứng của bạn khi đi ăn ở bên ngoài.
– Luôn mang theo thuốc dị ứng bên người.
– Dị ứng hải sản kiêng gì cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Những loại đồ ăn, thức uống nên hạn chế là: thức ăn chứa nhiều đường và đồ ăn cay vì dễ gây quá mẫn, rượu, bia, chất kích thích.
7.2. Đối với mọi đối tượng
– Nên chế biến hải sản chín hoàn toàn, không nên ăn đồ sống, tái.
– Không ăn hải sản đã chết lâu, không còn tươi hoặc hải sản để lưu cữu.
– Không ăn hải sản được đánh bắt ở vùng có thủy triều đỏ do có thể mang tảo độc.
– Không ăn hải sản cùng với bia hoặc uống trà sau khi ăn hải sản.
– Những người có cơ địa nhạy cảm nên tránh ăn hải sản có vỏ mà nên thay thế bằng các loại khác.
– Khi ăn loại hải sản lạ, chưa ăn bao giờ, nên thử trước một lượng nhỏ, đặc biệt là đối với trẻ em.
Xem thêm: Bệnh gout ăn hải sản thế nào? Bác sỹ gợi ý 7 nguyên tắc
Bạn không nên chủ quan với dị ứng hải sản bởi với những trường hợp nặng không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Cách tốt nhất là nên tới ngay các cơ sở y tế khi có triệu chứng từ vừa đến nặng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng kéo dài, không thuyên giảm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ tới hotline 0865 344 349 hoặc chat trực tiếp với bác sỹ.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.