Vi khuẩn đường ruột E.Coli là gì? Cơ chế gây bệnh, đối tượng có nguy cơ mắc phải vi khuẩn E. Coli, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh ra sao? Tất cả những thắc mắc của bạn sẽ được Ths.Bs, TTƯT Nguyễn Thị Hằng giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Vi khuẩn đường ruột E.Coli là gì?
Escherichia coli (viết tắt là E.Coli) là loại vi khuẩn thuộc hệ thống vi khuẩn được tìm thấy trong môi trường, thực phẩm và đường ruột của người và động vật. Đây là nhóm vi khuẩn lớn và đa dạng, thường sinh sống chủ yếu ở hệ vi khuẩn đường ruột và có số lượng lớn nhất trong hệ vi sinh vật của cơ thể người. (Theo CDC)
E coli là trực khuẩn gram âm, có lông quanh thân, được tìm ra bởi Theodor Escherich vào năm 1885 trong quá trình điều trị và nghiên cứu về các trẻ bị tiêu chảy. Vi khuẩn Ecoli thuộc nhóm vi sinh vật ưa ấm, có thể phát triển trong môi trường nuôi cấy thông thường 37 độ và độ pH thích hợp từ 7-7,2.
Vi khuẩn E. Coli có vai trò nhất định trong cơ thể người như:
- Ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa
- Kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể khi có tác nhân gây hại
- Kích thích sản sinh các vitamin, khoáng chất thiết yếu có lợi cho cơ thể như vitamin K, biotin…
- Chuyển hóa chất đường trong cơ thể
Tuy nhiên có một số chủng như E. Coli sinh độc tố Shiga (STEC) có thể gây ra bệnh lý nghiêm trọng.
Tiêu chảy (Ỉa chảy) là gì? Nguyên nhân – Triệu chứng – Điều trị
2. Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn đường ruột E. Coli
Vi khuẩn đường ruột E. Coli truyền sang người chủ yếu qua việc tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm như các sản phẩm thực xay sống hoặc chưa được nấu chín, rau sống, rau mầm ô nhiễm.
STEC tạo ra độc tố Shiga, tương tự như độc tố do Shigella dysenteriae gây ra và phát triển ở nhiệt độ từ 7 độ C đến 50 độ C, nhiệt độ tối ưu là 37 độ C. Một số STEC phát triển trong thực phẩm có tính axit, độ pH xuống tới 4,4 và trong thực phẩm có hoạt độ nước tối thiểu (aw) là 0,95.
Vi khuẩn E. Coli sinh độc tố Shiga chết ở nhiệt độ trên 70 độ C. E. Coli O157:H7 là typ huyết thanh STEC quan trọng nhất liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
3. Vi khuẩn E. Coli gây bệnh gì?
Ecoli là vi khuẩn đường ruột gây tiêu chảy và là nguyên nhân gây nên các bệnh về đường tiêu hóa cũng như một số bệnh lý khác như:
- Tiêu chảy do nhiễm độc thức ăn: Người bệnh có các biểu hiện như sốt, tiêu chảy kèm nôn. Trong trường hợp không bổ sung dịch kịp thời khiến cơ thể mất nước, dễ dẫn đến trụy tim, rối loạn tuần hoàn…
- Nhiễm khuẩn huyết: khi vi khuẩn Ecoli xâm nhập vào các mạch máu trong cơ thể, có thể ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng như tim, thận, não
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Trên thực tế, 75-95% trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do E. coli do vi khuẩn đường ruột có thể đi từ hậu môn sang lỗ tiểu ngoài, đi ngược vào đường tiết niệu.
- Viêm màng não hoặc viêm phổi
- Một chủng đặc biệt có hại là O157:H7 có thể gây co thắt bụng, nôn mửa và tiêu chảy đi cầu ra máu, gây suy thận cấp ở trẻ em.
4. Đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn đường ruột E.Coli
Các đối tượng dễ nhiễm khuẩn E. Coli :
- Trẻ em và người lớn tuổi
- Người suy giảm hệ thống miễn dịch như người nhiễm HIV/AIDS, người đang sử dụng thuốc điều trị ung thư hoặc dùng thuốc sau khi ghép tạng
- Người có nồng độ axit dạ dày thấp hoặc sử dụng các loại thuốc làm giảm axit dạ dày
- Người thường xuyên sử dụng các thực phẩm tanh, sống, chưa chế biến kỹ
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước bị ô nhiễm
Ngoài ra yếu tố về thời tiết cũng tác động không nhỏ tới nguy cơ nhiễm khuẩn E.Coli, đặc biệt trong những tháng hè từ tháng 6 đến tháng 9.
5. Nguyên nhân nhiễm vi khuẩn đường ruột E. Coli
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột do Ecoli, cụ thể:
5.1. Thực phẩm bị ô nhiễm
Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc nhiễm các vi khuẩn E.Coli từ ngoài môi trường như:
- Thịt xay sống hoặc chưa nấu chín
- Sữa tươi chưa qua tiệt trùng
- Ô nhiễm phân vào nguồn nước và thực phẩm khác như dùng phân sống để tưới rau củ quả
- Ô nhiễm chéo trong quá trình chế biến như bề mặt đồ dùng và dụng cụ nhà bếp có chứa vi khuẩn E.Coli
5.2. Nguồn nước bị ô nhiễm
Theo nghiên cứu, vi trùng Escherichia Coli có thể tồn tại ở các vùng nước như ao, hồ, sông, suối, giếng và máng nước, được phát hiện tồn tại hàng tháng trong phân và trầm tích máng nước. Do vậy khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hay tắm ở hồ bơi có nhiễm khuẩn đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Ecoli.
5.3. Tiếp xúc trực tiếp từ người sang người
Đây là phương thức lây truyền quan trọng qua đường miệng-phân. Do vi khuẩn E. Coli có thể tồn tại ngay cả trên da, tay nên nguyên nhân gây ra tiêu chảy và các bệnh lý đường ruột có thể tìm thấy thông qua tiếp xúc trực tiếp từ người sang người. Một số cách thức lây truyền như:
- Rửa tay không sạch sau khi đi vệ sinh
- Chạm tay vào người mang mầm bệnh
- Dùng chung vật dụng với người bị nhiễm bệnh
5.4. Lây nhiễm từ động vật
Quá trình giết mổ hoặc chế biến thực phẩm của động vật nhiễm bệnh cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn đường ruột E.Coli.
6. Triệu chứng thường gặp khi nhiễm vi khuẩn đường ruột E. Coli
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các triệu chứng của bệnh do vi khuẩn đường ruột E. Coli gây ra bao gồm:
- Đau quặn bụng và tiêu chảy
- Một số trường hợp tiến triển thành tiêu chảy ra máu (xuất huyết đại tràng)
- Sốt, nôn
- Thời gian ủ bệnh từ 3-8 ngày, trung bình 3-4 ngày. Hầu hết có thể hồi phục trong 10 ngày.
- Một số trường hợp đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ, nhiễm trùng do vi khuẩn đường ruột E. Coli có thể dẫn tới hội chứng tan máu (HUS) với các biểu hiện suy thận cấp, thiếu máu, tan máu và giảm tiểu cầu.
- Có tới 10% người nhiễm vi khuẩn đường ruột E coli có thể phát triển thành HUS với tỉ lệ tử vong từ 3-5%.
Trong trường hợp nhiễm trùng E. Coli nghiêm trọng có thể bao gồm các triệu chứng như:
- Nước tiểu có lẫn máu
- Giảm lượng nước tiểu
- Da nhợt nhạt, bầm tím
- Mất nước
>> Tìm hiểu thêm: Đi cầu ra máu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
7. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn E.Coli rất dễ dẫn đến mất nước và các biến chứng nghiêm trọng như suy thận, đôi khi tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy, bạn nên tới gặp bác sĩ khi gặp phải các dấu hiệu sau:
- Tiêu chảy không thuyên giảm sau 4 ngày, hoặc 2 ngày đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ
- Sốt kèm theo tiêu chảy
- Đau bụng không thuyên giảm sau khi đi ngoài
- Trong phân lẫn máu hoặc mủ
- Đi tiêu không kiểm soát
- Nôn mửa liên tục trong hơn 12 giờ
- Cơ thể mất nước, đi tiểu ít, chóng mặt hoặc quá khát
8. Điều trị
Để điều trị nhiễm khuẩn đường ruột do E.Coli gây nên, có thể kết hợp một số phương pháp như:
- Sử dụng các loại kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn này như:
- Ciprofloxacin
- Amikacin
- Nalidixic acid
- Trường hợp tiêu chảy mất nước quá nhiều bù nước và điện giải hoặc truyền dịch tĩnh mạch cho người nhiễm vi khuẩn đường ruột E.Coli
- Thông thường tình trạng nhiễm trùng đường ruột sẽ khỏi trong vòng từ 5-7 ngày sau khi mắc.
9. Phòng ngừa vi khuẩn đường ruột E.Coli
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vi khuẩn đường ruột E. Coli chủ yếu đến từ ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, để phòng tránh sự xâm nhập của E.Coli, bạn cần chú ý một số hành vi an toàn thực phẩm như:
- Sử dụng các thực phẩm, rau củ quả an toàn, rửa sạch trước khi dùng
- Tránh lây nhiễm chéo bằng sử dụng dụng cụ sạch, có riêng thớt dùng cho đồ sống và đồ chín
- Không để chung thịt sống với các thực phẩm khác
- Nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp như thịt gia cầm 74˚C, thịt xay, trứng 71˚C, bít tết, sườn heo, thịt quay, cá, động vật có vỏ 63˚C)
- Bảo quản thực phẩm đúng cách
- Nên uống sữa tiệt trùng thay vì sữa tươi
- Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, nên dùng nước đun sôi trước khi uống
- Đặc biệt nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với phân người, phân động vật
- Không sử dụng phân tươi tưới trực tiếp trong nông nghiệp
Trên đây là một số thông tin về vi khuẩn đường ruột E.Coli. Vi khuẩn E. Coli đã từng bùng phát thành dịch và có tới 20-25% khuẩn Ecoli kháng thuốc. Do vậy, nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn E.Coli, hãy nhanh chóng điều trị kịp thời, tránh trường hợp chủ quan có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Để được tư vấn và giải đáp, bạn có thể liên hệ qua hotline 0865 344 349 để được hướng dẫn.
XEM THÊM:
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Vi khuẩn E.Coli
https://www.healthline.com/health/e-coli-infection - Sự thật về E.Coli
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/e-coli
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.
Dạ chào bác sĩ, con cách đây 2 ngày có bị cảm do thay đổi thời tiết đột ngột, từ nhỏ đến bây giờ vẫn như vậy, nhưng đợt này lại có một số dấu hiệu bất thường như: bụng kêu thành tiếng lớn, tiêu chảy ra phân nước lỏng màu vàng xanh, đi cũng khoảng 5-6 lần trong ngày, con có uống thuốc tiêu chảy thì con chỉ còn hơi nhói ở phần bụng và bụng có kêu khá to, đến hôm nay thì con cảm thấy bình thường, không có dấu hiệu gì cho đến khi con có đi đại tiện lúc nãy thì có ra máu, không đau, không cảm giác gì, không thấy phân, con vô tình đứng lên thì phát hiện, và con chỉ đi vệ sinh nặng đúng 1 lần đó trong ngày thôi, bụng vẫn còn kêu nhưng đã ít hơn hôm qua và hiện tại vẫn cảm thấy bình thường, chỉ bất thường lúc đi nặng thôi ạ. Bác sĩ giúp con với!
Chào cháu, tình trạng của cháu nhiều khả năng do nhiễm vi khuẩn, virus đường ruột gây đau bụng và rối loạn đi ngoài, thuốc tiêu chảy chỉ giúp giảm triệu chứng tiêu chảy chứ không thể tác động vào căn nguyên được, trường hợp nhẹ cơ chế miễn dịch của cơ thể có thể chống trả lại và dần dần hồi phục, còn trong trường hợp nặng sẽ cần thêm các loại thuốc kháng sinh, kháng khuẩn để hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Cháu nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán xác định chính xác và kê đơn thuốc điều trị triệt để tình trạng bệnh nhé.
Chúc cháu sức khỏe!
Chào bs ạ
Bs cho em hỏi em năm nay 29t cách đây 2 ngày e bắt đầu đi ngoài và buồn nôn và trong ngày hôm đó là thứ 3 em đi 17lần trong 1 ngày và buồn nôn nhưng k nôn,e có sử dụng thuốc đi ngoài và kháng sinh đường ruột và men tiêu hoá và 5h chiều e có truyền tĩnh mạch 1 chai muối và 1 chai đường đến 9h30 tối em bắt đầu sốt nhẹ 37độ8 và rét run phải đắp nhiều chăn và mặc quần áo dài mặc dù đang nóng
Ngày hôm sau là thứ 4 em thấy đỡ hơn nhưng vẫn đi 6l 1 ngày ,e ăn chút cháo với thịt bò nhưng cơ thể cảm thấy nóng và khó chịu mệt mỏi,hôm nay là ngày thứ 3 em bị tức là thứ 5,sáng nay vẫn đi thêm 3 lần
Em vẫn uống thuốc đều đặn và uống nước orezol điện giải trong 3 ngày và bụng em lúc nào cũng kêu lục bục rất to
Bs cho em hỏi có phải em bị nhiễm khuẩn ecoli k ạ
Chào bạn!
Với các triệu chứng bạn mô tả như đi ngoài nhiều lần, buồn nôn, sốt nhẹ, rét run, bụng kêu lục bục, có thể bạn đang bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, và một trong những nguyên nhân có thể là nhiễm khuẩn E.coli. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác hơn, bạn cần làm một số xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm phân để xác định tác nhân gây bệnh.
Một số dấu hiệu gợi ý bạn đang gặp nhiễm khuẩn đường ruột:
– Đi ngoài nhiều lần với phân lỏng, nước.
– Sốt nhẹ, mệt mỏi, rét run.
– Cảm giác đầy bụng, bụng sôi lục bục.
Về điều trị, bạn đã sử dụng kháng sinh đường ruột, men vi sinh và điện giải là các biện pháp đúng hướng. Tuy nhiên, nếu tình trạng không cải thiện hoặc nặng hơn, bạn nên đến bệnh viện sớm để được bác sĩ kiểm tra và có thể cần thay đổi hoặc bổ sung phác đồ điều trị.
Ngoài ra, bạn nên:
– Tiếp tục uống Orezol để bù nước và điện giải.
– Ăn các thức ăn dễ tiêu, như cháo, súp, và tránh các thực phẩm khó tiêu hay dầu mỡ.
– Theo dõi nhiệt độ và các triệu chứng.
Nếu sau 1-2 ngày mà không thấy cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng lên (sốt cao, đi ngoài ra máu, đau bụng nhiều), bạn cần đi khám ngay.
Chúc bạn sức khỏe!