Vàng da ở ngón tay rất dễ nhận thấy và gây lo lắng cho những ai gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân gì khiến ngón tay bị vàng, liệu nó có nguy hiểm không và cách xử lý ra sao? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin này trong bài viết dưới đây.
1. Vàng da ở ngón tay là gì?
Đây là tình trạng màu sắc da ở ngón tay chuyển sang vàng mà có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Nó có thể xuất hiện trên một vài ngón tay hoặc tất cả các ngón tay. Có thể là toàn bộ ngón tay chuyển màu hoặc chỉ bị vàng da ở đầu ngón tay.
2. Nguyên nhân gây vàng da ở ngón tay
Ngón tay bị vàng là bệnh gì gây băn khoăn cho không ít người. Nguyên nhân của tình trạng này tùy thuộc vào việc tình trạng vàng da chỉ xuất hiện trên ngón tay hay cả những vùng khác của cơ thể.
2.1. Lý do chỉ da ngón tay bị vàng
Trường hợp vàng da trên ngón tay mà không xuất hiện trên những khu vực khác của cơ thể có thể do 2 nguyên nhân cơ bản dưới đây.
Do tiếp xúc với chất tạo màu
Đây là lý do rất đơn giản mà nhiều người thường nghĩ tới. Khi dùng tay không tiếp xúc trực tiếp với các chất có thể tạo màu vàng trên da, ngón tay của bạn có thể chuyển vàng. Đó có thể là chất hóa học, mỹ phẩm…hoặc đơn giản là phấn hoa, nghệ. Một số chất có thể lưu lại màu rất lâu trên ngón tay mà chỉ rửa tay đơn giản không thể phai hết màu trong một vài lần.
Bị vàng da ở ngón tay do thuốc lá
Ngón tay giữa và ngón trỏ có màu ngả vàng thường xuất hiện ở những người nghiện thuốc lá. Ngón tay không chỉ ngả vàng mà có thể đi kèm nhăn nheo, khô, nứt. Vết ố vàng này do nicotine trong khói thuốc lá gây ra khi tiếp xúc trực tiếp với da. Nó có thể xuất hiện cả ở trên móng tay và cũng khiến đầu ngón tay bị vàng.
2.2. Bị vàng da ở ngón tay do bệnh lý về gan
Trường hợp này ngoài da ngón tay, da ở những vùng khác cũng bị vàng. Thực chất hiện tượng chuyển vàng trên da ở nhiều vùng, nhiều bộ phận được quy về vàng da. Thời điểm đầu của bệnh vàng da, người bệnh có thể chỉ nhận thấy vàng ở đầu ngón tay, vàng da tay hoặc bàn chân mà không nhận ra những biến đổi ở vùng khác trên cơ thể. Vì ngón tay, bàn tay, bàn chân chứa nhiều mạch máu, khi lượng bilirubin trong máu tăng thì những vùng này sẽ chuyển vàng rõ hơn, sớm hơn các vùng khác.
Nguyên nhân của vàng da có thể xuất phát từ tác dụng phụ của thuốc, nguy hiểm hơn là các bệnh lý về gan, mật, tụy, máu và gen. Trong đó, nguyên nhân do các bệnh lý về gan là phổ biến. Bởi một trong những chức năng quan trọng của gan là lọc, xử lý bilirubin – chất mang màu vàng đặc trưng. Chức năng này có thể bị suy giảm do các bệnh lý về gan như: Viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu… Từ đó dẫn tới lượng bilirubin tích tụ quá nhiều trong máu gây vàng da trên lâm sàng.
>>Xem thêm: Nguyên nhân gây vàng da, vàng mắt và cách xử lý
3. Xử lý vàng da ngón tay do tiếp xúc với chất tạo màu và khói thuốc lá
Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn cải thiện tình trạng vàng trên ngón tay. Đây là các cách đơn giản mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà.
3.1. Chanh giúp giảm vàng da ngón tay
Chanh thường được biết đến là chất tẩy trắng tự nhiên lành tính. Bạn có thể tìm thấy nó ngay trong căn bếp nhà mình. Cắt đôi quả chanh rồi chà lên vùng da vàng trong 30 giây để da được phủ nước chanh. Để ngón tay như vậy trong 10 – 15 phút sau đó rửa sạch bằng nước ấm. Nếu tay bị nứt có thể khi thoa chanh bạn sẽ thấy xót.
3.2. Khoai tây
Những người có làn da nhạy cảm có thể thử khoai tây. Cắt một miếng khoai tây rồi chà lên ngón tay trong 3 phút. Sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
3.3. Baking soda giảm vàng da ngón tay
Baking soda vẫn thường được sử dụng như một nguyên liệu làm đẹp khá lành tính đối với da. Nó không chỉ giúp cân bằng độ pH của da, giảm bớt tình trạng khô da mà còn “tẩy trắng” da. Hãy hòa 2 thìa soda với một chút nước để tạo thành hỗn hợp sệt sau đó đắp lên ngón tay trong 15 phút. Rửa lại ngón tay bằng nước ấm.
3.4. Kem đánh răng
Một trong những cách đơn giản là dùng kem đánh răng. Bạn có thể sử dụng bất kỳ loại kem đánh răng nào mà bạn có. Tuy nhiên, kem đánh răng với công dụng tẩy trắng răng có vẻ sẽ hữu ích hơn. Lấy một lượng kem vừa đủ lên ngón tay rồi dùng bàn chải đánh răng chải lên vùng này trong 3 phút. Sau đó rửa lại bằng nước ấm.
3.5. Dùng sản phẩm tẩy da chết, tẩy trang
Một số sản phẩm tẩy trang cũng có thể giúp giảm bớt sắc vàng trên ngón tay. Bên cạnh đó, sản phẩm chăm sóc da giúp loại bỏ lớp da chết dạng kem, gel hoặc muối tẩy da chết có thể hữu dụng trong trường hợp này. Hãy sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Để tăng khả năng tẩy có thể dùng đá bọt, bông tắm để chà nhẹ nhàng lên vùng da vàng.
3.6. Aspirin
Đây có lẽ là một phương pháp khá xa lạ đối với nhiều người. Loại thuốc thông thường này có khả năng giảm bớt màu vàng ở ngón tay của bạn. Hãy nghiền nhỏ một viên aspirin sau đó hòa tan vào một cốc nước nóng. Đợi nước nguội bớt rồi nhúng ngón tay vào ngâm trong 5 phút. Sau đó rửa sạch ngón tay bằng nước và xà phòng.
*Lưu ý: Để đảm bảo an toàn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào. Không dùng các cách trên khi vùng da ngón tay có vết thương hở. Trong quá trình áp dụng nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường như: Vàng da trở nên tồi tệ hơn, da bị kích ứng gây đau, ngứa, đỏ rát… hãy ngưng ngay và báo cho bác sĩ.
4. Điều trị vàng da ở ngón tay do gan
Tình trạng vàng da sẽ dần dần biến mất khi bệnh lý về gan được điều trị và có chuyển biến tốt. Tùy vào từng bệnh lý mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.Việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt là cần thiết để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị, giúp giảm gánh nặng cho gan và tăng khả năng phục hồi. Đối với người bị bệnh gan do nghiện rượu bia thì cần một liệu trình để cai rượu bia đi cùng với các phương pháp phục hồi chức năng gan.
Một số loại thuốc có thể được chỉ định như:
– Thuốc ức chế virus viêm gan
– Thuốc tác động lên hệ miễn dịch giúp hạn chế sự phát triển của virus và tăng sức đề kháng
– Thuốc bảo vệ tế bào gan, điều hòa chức năng gan
– Truyền dịch trong trường hợp da vàng quá đậm
– Bổ sung một số vitamin như vitamin K, B…
Ngoài ra, trong một số trường hợp nặng bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
5. Cách phòng tránh
Để không gặp phải hiện tượng trên, bạn có thể áp dụng một số cách phòng tránh sau:
– Tránh để da ngón tay tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố có thể gây ra tình trạng này bằng cách đeo găng tay, thoa kem dưỡng da để tạo lớp màng bảo vệ. Riêng đối với những người nghiện thuốc có thể dùng tẩu kim loại.
– Rửa ngay tay bằng xà phòng và nước ấm ngay sau khi tiếp xúc.
– Có thể thử bỏ thuốc lá để tránh bị ố vàng ở ngón tay. Quá trình này cần sự quyết tâm của bản thân cũng như sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Đối với một số trường hợp có thể cần liệu trình từ bác sĩ.
– Phòng tránh các bệnh về gan bằng cách duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, rèn luyện thể dục thể thao đều đặn. Tiêm phòng vắc xin viêm gan A, B. Không dùng chung vật dụng cá nhân như bấm móng tay, dao cạo râu…
Những thông tin về vàng da ở ngón tay trên đây chỉ mang tính tham khảo. Điều quan trọng là bạn cần xác định liệu sự biến đổi màu sắc có phải chỉ xuất hiện ở ngón tay. Nếu vàng da hiện diện cả ở những vị trí khác hãy thận trọng vì nó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần điều trị kịp thời.
XEM THÊM
- Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ
- Vàng da ở người lớn – Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
- Vàng da tắc mật là gì? Làm sao để nhận biết?
Tham Vấn Y Khoa
Dược sĩ Hoàng Mạnh CườngTốt nghiệp đại học dược Hà Nội, dược sĩ Hoàng Mạnh Cường hiện đang phụ trách chuyên môn R&D của Dược Phẩm Tâm Bình. Với nhiều kinh nghiệm trong ngành dược lâm sàng, pháp chế dược và đặc biệt là Dược cổ truyền, dược sĩ Cường sẽ đưa đến cho quý độc giả những kiến thức Y dược được cập nhật mới nhất một cách nhanh chóng và đáng tin cậy - Góp phần nâng cao nhận thức và thông tin sức khoẻ cho cộng đồng.