Suy gan cấp là bệnh lý không phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao. Bệnh xuất hiện với triệu chứng đa dạng, dễ nhận biết thông qua những dấu hiệu bất thường cơ thể. Để rõ hơn về triệu chứng bệnh cũng như cách điều trị và phòng ngừa, bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
1. Suy gan cấp là gì?
Suy gan cấp là tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi tế bào gan bị tổn thương ồ ạt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này thường diễn ra nhanh khiến gan của bạn đột nhiên mất khả năng hoạt động trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân mắc bệnh này luôn cao, lên tới 50 – 90% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Dấu hiệu nhận biết suy gan cấp
Suy gan cấp xảy ra đột ngột ở những người có tiền sử khỏe mạnh hoặc không có dấu hiệu bệnh lý nặng trước đó.
Các triệu chứng khởi phát ban đầu mà người bệnh thường gặp phải là:
- Mệt mỏi, cảm giác đuối sức, kiệt sức khi làm việc gì đó.
- Chán ăn, ăn uống không ngon miệng, mặc dù bụng đói nhưng lại không có cảm giác thèm ăn.
- Buồn nôn
- Gặp vấn đề về tiêu chảy, bụng đầy chướng, khó chịu.
- Đau hoặc khó chịu ở bụng phải, ngay dưới hạ sườn phải.
- Vàng da
- Nước tiểu có màu sẫm, dù bạn đã uống đủ nước.
- Người bị mẩn ngứa, mề đay, đặc biệt là vùng cánh tay, lưng, bụng.
- Không tập trung, lơ mơ, lú lẫn.
Theo Lucke và Mallory, suy gan cấp được phân chia thành 3 giai đoạn kèm như sau:
- Tiền triệu chứng: Chưa có biểu hiện vàng da.
- Giai đoạn trung gian: Xuất hiện triệu chứng vàng da, vàng mắt.
- Giai đoạn cuối xuất hiện bệnh lý não gan.
Nếu phát hiện ra bản thân hoặc người thân xung quanh có những dấu hiệu trên, hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh lý suy gan cấp?
Bệnh lý do rất nhiều nguyên nhân gây ra, điển hình là:
3.1. Sử dụng thuốc tây quá liều
- Uống quá liều acetaminophen (tên gọi khác là paracetamol): Suy gan cấp có thể xảy ra khi dùng một liều acetaminophen lớn hoặc sau khi dùng liều cao hơn khuyến cáo mỗi ngày trong thời gian dài.
- Thuốc theo toa: Một số loại thuốc theo toa như kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống co giật… nếu sử dụng với liều lượng không đúng, lạm dụng trong thời gian dài cũng dẫn đến suy gan cấp.
*/ Do đó, khi sử dụng thuốc tây, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuyệt đối tuân thủ liều lượng, tránh rủi ro ảnh hưởng sức khỏe.
3.2. Do virus viêm gan
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy gan cấp. Trong đó, virus phổ biến nhất là viêm gan B thường đồng nhiễm với viêm gan D.
Ngoài ra, một số loại virus khác như: Cytomegalovirus, Epstein-Bar, Herpes Simplex, viêm gan A, virus sốt xuất huyết… cũng có thể dẫn tới suy gan cấp.
3.3. Tiếp xúc với độc tố gây ra suy gan cấp
Các chất độc có thể gây ra suy gan cấp tính bao gồm:
- Nấm độc: Nấm độc Amantita phalloides hoang dã khi ăn phải gây suy gan cấp tính. Loại nấm này dễ nhầm lần với các loại nấm ăn được.
- Hóa chất công nghiệp: Carbon tetrachloride là một hóa chất công nghiệp được tìm thấy trong chất làm lạnh, dung môi cho sáp, vecni. Hóa chất này có thể gây suy gan cấp tính nếu tiếp xúc nhiều trong thời gian dài.
3.4. Do mắc các bệnh lý về gan
- Viêm gan tự miễn: Là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể quay ra tấn công tế bào gan, gây viêm gan, tổn thương gan và có thể dẫn tới suy gan cấp.
- Bệnh tĩnh mạch gan: Điển hình như hội chứng Budd-Chiari có thể gây tắc nghẽn mạch gan, hậu quả là suy gan cấp.
- Bệnh chuyển hóa: Các bệnh về chuyển hóa, chẳng hạn như Wilson thường gây ra suy gan cấp.
- Nhiễm trùng máu: Tình trạng này làm nghiêm trọng lưu lượng máu tới gan, dẫn đến suy gan.
4. Bệnh suy gan cấp có nguy hiểm không?
Như đã nói ở trên, suy gan cấp là bệnh lý nguy hiểm. Người bị bệnh này cần được can thiệp y tế kịp thời để tránh các biến chứng sau:
4.1. Phù não
Suy gan cấp tính có thể dẫn đến phù não, tình trạng tích tụ dịch trong não, tăng áp lực nội sọ. Hiện tượng phù não này có thể xảy ra ở một phần hoặc toàn bộ não, gây cản trở quá trình cung cấp máu, oxy cho não. Điều này khiến nhiều hoạt động của não bị gián đoạn, thậm chí có thể chết tế bào não.
4.2. Rối loạn đông máu
Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình đông máu. Do đó, khi suy gan cấp, chức năng gan hoạt động kém, người bệnh có nguy cơ bị rối loạn đông máu.
4.3. Biến chứng nhiễm trùng
Trường hợp suy gan cấp không được điều trị đúng cách có nguy cơ mắc biến chứng nhiễm trùng. Trong đó, phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiết niệu.
4.4. Suy thận
Tình trạng suy gan cấp cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận, dẫn đến suy thận. Đặc biệt, biến chứng này rất dễ xảy ra ở những trường hợp suy gan cấp do dùng acetaminophen quá liều.
4.5. Biến chứng thần kinh
Một trong những biến chứng nguy hiểm và thường gặp của bệnh suy gan cấp là hội chứng não gan (hay còn gọi là hôn mê gan). Đây là tình trạng suy giảm chức năng não do gan không thể loại bỏ hết độc tố trong máu ra ngoài.
5. Cách chẩn đoán bệnh
Để xác định được mình có mắc bệnh này hay không, đầu tiên bác sĩ sẽ điều trị bệnh sử, triệu chứng mắc phải. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau:
5.1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định hoạt động của gan, đo thời gian đông máu (xét nghiệm prothrombin). Trường hợp bị suy gan cấp, máu sẽ không đông lại nhanh như bình thường.
5.2. Xét nghiệm hình ảnh
Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm để kiểm tra gan của người bệnh. Phương pháp chẩn đoán này có thể cho thấy những tổn thương gan nếu có, giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, chuyên gia y tế cũng chỉ định chụp CT (chụp cắt lớp vi tính bụng) hoặc cộng hưởng từ MRI để xem xét gan và mạch máu của gan.
5.3. Sinh thiết – kiểm tra mô gan
Thủ thuật sinh thiết lấy mẫu nhỏ mô gan để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Phương pháp này giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thương tế bào gan.
Khi tiến hành quá trình sinh thiết, có thể người bệnh sẽ gặp phải tình trạng chảy máu. Do đó, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết gan qua tĩnh mạch cảnh trong – thủ thuật đặc biệt đưa kim vào tĩnh mạch ở cổ người bệnh.
5.4. Bilirubin toàn phần
Nếu bilirubin trong huyết thanh ở mức trên 250 μmol/L, tức là người bệnh đang có tình trạng tổn thương gan tương đối nặng.
Ngoài ra, các chỉ số xét nghiệm men gan như AST, ALT cao cũng phản ánh tế bào gan đang bị tổn thương.
6. Suy gan cấp có chữa được không?
Khi mắc bệnh lý này, chắc hẳn nhiều người không khỏi lo lắng và băn khoăn không biết suy gan cấp có chữa được không. Câu trả lời là có.
Theo nghiên cứu, gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể có khả năng tự phục hồi tổn thương. Vì vậy, với một lá gan khỏe mạnh bị tổn thương, nó có thể tự phục hồi. Tuy nhiên, nếu tổn thương quá nặng, tùy vào trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị. Có thể là sử dụng thuốc tây, phẫu thuật hoặc ghép gan.
Điều quan trọng nhất là phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể mình, nếu có dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
7. Phương pháp điều trị bệnh lý suy gan cấp
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị không chỉ dừng lại ở việc cải thiện triệu chứng, tình trạng bệnh mà còn ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Các phương pháp chủ yếu trong điều trị suy gan như sau:
7.1. Điều trị suy gan bằng thuốc
Với những trường hợp suy gan cấp do ngộ độc quá liều acetaminophen, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc acetylcystein. Thuốc này có tác dụng xử lý hiệu quả trường hợp quá liều acetaminophen.
Trường hợp suy gan cấp do viêm gan virus, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp với virus viêm gan gây suy gan. Còn nếu viêm gan tự miễn gây suy gan, bác sĩ có thể chỉ định thuốc corticosteroid.
7.2. Điều trị suy gan bằng phương pháp phẫu thuật
Với những trường hợp nặng, không thể phục hồi được, phương pháp điều trị duy nhất có thể thực hiện là ghép gan. Trong quá trình ghép gan, bác sĩ sẽ loại bỏ phần gan bị tổn thương và thay thế bằng lá gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.
8. Cách phòng ngừa bệnh
Bệnh tật là điều mà không ai mong muốn. Vì vậy, khi còn khỏe, hãy quan tâm sức khỏe của mình. Do đó, để phòng ngừa bệnh suy gan cấp nói riêng, các bệnh lý gan mật nói chung, người bệnh nên thực hiện những điều sau:
- Tiêm phòng virus viêm gan B.
- Hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt hợp lý.
- Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân, béo phì nên thực hiện giảm cân khoa hoc.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Những người bị viêm gan cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên và điều trị theo chỉ định bác sĩ.
Có thể nói, suy gan cấp là bệnh lý nguy hiểm, do đó mỗi chúng ta cần có kiến thức bảo vệ gan. Trường hợp mắc các vấn đề về gan, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và thăm khám sức khỏe định kỳ. Nếu còn băn khoăn nào về suy gan cấp, liên hệ Hotline 0343 44 66 99 để được hỗ trợ tư vấn.
Xem thêm:
- Suy giảm chức năng gan nên ăn gì kiêng gì? – Tham khảo thực phẩm để cải thiện sức khỏe lá gan
- Top 10 cách tăng cường chức năng gan – Mấu chốt giúp bạn bảo vệ gan và sức khỏe
- TPBVSK Bổ gan Tâm Bình – Hỗ trợ bổ gan, phòng ngừa bệnh gan
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Suy gan cấp
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acute-liver-failure/symptoms-causes/syc-20352863 - Suy gan cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
https://www.uchicagomedicine.org/conditions-services/liver-diseases/liver-failure
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.