Theo thống kê, Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B cao với từ 10 – 20%. Đối với người bệnh thì phác đồ điều trị viêm gan B ra sao, trình tự và cần lưu ý những gì là mối bận tâm hàng đầu. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về vấn đề này.
1. Phác đồ điều trị viêm gan B là gì?
Viêm gan B xảy ra do virus HBV xâm nhập và tấn công tế bào gan. Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác. Bệnh sẽ gây ra một số triệu chứng như: Buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, vàng da, nước tiểu sẫm màu, đau vùng hạ sườn phải, sốt nhẹ… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan. Khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm HBV hãy tới các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị.
Để việc chẩn đoán và điều trị đúng hướng và đạt hiệu quả như mong đợi cần tuân thủ phác đồ điều trị viêm gan B. Đó có thể là phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y tế hoặc của một cơ sở y tế cụ thể dựa theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Đây là một bộ quy chuẩn với các tiêu chí khắt khe gồm trình tự các thao tác chẩn đoán, điều trị, tiên lượng bệnh đã được vạch sẵn. Nó cung cấp những thông tin ngắn gọn nhưng khá đầy đủ về các bước xử lý, điều trị bệnh.
2. Phân loại
Viêm gan B có 2 dạng là cấp tính và mạn tính.
- Viêm gan B cấp tính là tình trạng bệnh xảy ra khi virus HBV chỉ tồn tại trong cơ thể thời gian dưới 6 tháng. Bệnh có thể điều trị dứt điểm.
- Viêm gan B mạn tính là bệnh khi virus HBV tồn tại trong cơ thể lâu hơn 6 tháng. Người bệnh có thể phải sống chung với căn bệnh này cả đời vì bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Ứng với mỗi dạng sẽ có phác đồ điều trị riêng. Dưới đây là phác đồ điều trị viêm gan B mới nhất mà bạn có thể tham khảo. Phác đồ này chỉ đề cập tới việc điều trị sau khi bác sĩ đã sử dụng các biện pháp chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng cũng như chẩn đoán phân biệt để xác định chính xác bệnh.
3. Phác đồ điều trị viêm gan B cấp tính
Có tới 95% người trưởng thành mắc bệnh có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Các biện pháp được đưa ra chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ.
3.1. Phương pháp điều trị
Cách trị viêm gan B tại nhà đối với trường hợp này quan trọng là chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt.
- Người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng trong giai đoạn xuất hiện triệu chứng lâm sàng.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Bổ sung trái cây, rau xanh để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Uống nhiều nước. Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo, rượu bia.
- Nếu không thể nạp đủ dinh dưỡng cần thiết qua thực phẩm do nôn nhiều hoặc không ăn uống được có thể phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
- Hạn chế dùng các loại thuốc chuyển hóa qua gan. Từ đó giúp giảm bớt gánh nặng cho gan.
Riêng đối với trường hợp viêm gan tối cấp cần điều trị hồi sức tích cực với các biện pháp như:
- Duy trì hô hấp, tuần hoàn một cách ổn định.
- Áp dụng các biện pháp điều trị riêng biệt với người bị rối loạn đông máu, phù não hoặc các biểu hiện bất thường khác.
- Đối với trường hợp prothrombin giảm dưới 60% cần tiêm vitamin K1.
- Đôi khi bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus như: Entecavir, Tenofovir…
3.2. Theo dõi trong điều trị
- Theo dõi các triệu chứng lâm sàng như: Vàng da vàng mắt, cổ trướng, rối loạn tiêu hóa…
- Theo dõi các chỉ số AST, ALT định kỳ 1 – 2 tuần/lần cho đến khi ALT < 2 lần giới hạn trên của giá trị bình thường. Sau đó là 4 – 12 tuần/lần trong vòng 24 tuần từ khi điều trị.
- Theo dõi INR (International normalized ratio), bilirubin toàn phần và trực tiếp 1 – 2 tuần/lần cho đến khi các trị số về bình thường.
- Xét nghiệm HBsAg, anti-HBs ở tuần điều trị thứ 12 và thứ 24.
3.3. Theo dõi sau điều trị
- Xét nghiệm các chỉ số định kỳ. Sau 6 tháng nếu vẫn dương tính HBsAg thì viêm gan B đã chuyển sang mạn tính. Lúc này bác sĩ sẽ chuyển sang phác đồ điều trị viêm gan B mạn tính.
- Tư vấn tiêm phòng viêm gan B sau 6 tháng nếu anti – HBs < 10 IU/L.
4. Phác đồ điều trị viêm gan B mạn tính
Nhiều người thắc mắc viêm gan B mạn tính có chữa được không. Hiện vẫn chưa có phương pháp trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Theo phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y tế, việc điều trị bệnh lúc này sẽ nhằm đáp ứng một số mục tiêu. Đó là ức chế virus HBV dưới ngưỡng, cải thiện tổn thương gan, giảm lây truyền, phòng ngừa xơ gan, ung thư gan….
4.1. Phương pháp điều trị
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa trên chỉ số ALT, AST, tải lượng virus, mức độ xơ hóa của gan. Thuốc điều trị viêm gan B dạng mạn tính có thể được chỉ định là:
- Thuốc kháng virus như Tenofovir, Lamivudine, Adefovir… giúp hạn chế quá trình phát triển và sinh sôi của virus. Các thuốc này tồn tại dưới dạng đường uống. Trong đó, Lamivudine kết hợp với Adefovir trong trường hợp kháng thuốc. Khi dùng các thuốc này, người bệnh cần tuân thủ điều trị (loại thuốc, cách uống, giờ uống, tái khám đúng hẹn…) và thời gian điều trị có thể suốt đời.
- Thuốc kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt virus dạng đường tiêm như Interferon alpha, Peg-interferon alpha… Trong đó, Interferon có thời gian điều trị ngắn, đáp ứng bền vững. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc này trong trường hợp phụ nữ muốn có thai, đồng nhiễm viêm gan D, không dung nạp thuốc kháng virus đường uống. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Giảm bạch cầu, dị ứng, rụng tóc, chán ăn…
4.2. Theo dõi trong điều trị
- Theo dõi chỉ số AST, ALT, creatinine máu trong tháng điều trị đầu tiên.
- Theo dõi AST, ALT, creatinine máu, HBeAg, Anti-HBe, HBV-DNA, định lượng HbsAg sau mỗi 3 – 6 tháng điều trị.
- Theo dõi công thức máu, ure máu, creatinin máu, đường huyết, chức năng tuyến giáp. Điều này giúp phát hiện các tác dụng không mong muốn của thuốc để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp.
Trong trường hợp kết quả điều trị không mong muốn, bác sĩ có thể xem xét chuyển sang dùng các loại thuốc khác hoặc phối hợp thuốc.
4.3. Theo dõi sau khi ngưng điều trị
- Theo dõi các triệu chứng lâm sàng.
- Sau mỗi 3 – 6 tháng cần tiến hành xét nghiệm AST, ALT, HBsAg, HBeAg, anti-HBe, HBV DNA để đánh giá. Các xét nghiệm được tiến hành trong ít nhất 1 năm đầu sau khi ngưng điều trị.
- Tái khám định kỳ.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành một đợt điều trị mới.
5. Lưu ý dành cho người bệnh
- Người bệnh cần tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị của bác sĩ. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về phác đồ điều trị và hỏi ngay nếu có bất kỳ thắc mắc nào. Trong quá trình điều trị hãy thông báo với bác sĩ nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường.
- Đối với một số trường hợp đặc biệt như: Phụ nữ mang thai, trẻ em, người bị ung thư biểu mô tế bào gan, người bệnh hóa trị hoặc ghép tạng, đồng nhiễm HBV với HIV, HDV hoặc HCV…bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ cho phù hợp.
- Chủ động tránh lây truyền virus viêm gan B từ bản thân sang cho người khác bằng cách thực hiện các biện pháp an toàn.
- Tái khám theo đúng lịch hẹn.
- Tham vấn bác sĩ về chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và rèn luyện.
- Để phòng bệnh hãy tiêm vắc xin viêm gan B. Không dùng chung các vật dụng cá nhân có thể dính máu hoặc dịch cơ thể. Quan hệ tình dục an toàn.
Điều trị viêm gan B, đặc biệt là mạn tính là quá trình điều trị lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác từ phía người bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị viêm gan B, không nên nóng vội trong chữa trị. Người bệnh cũng cần nghiêm túc tái khám và thực hiện các xét nghiệm để bác sĩ đánh giá được hiệu quả điều trị và dự phòng.
XEM THÊM
- Thông tin chi tiết về tiêm phòng viêm gan B
- Các con đường lây truyền viêm gan B
- Tìm hiểu về bệnh viêm gan để có biện pháp phòng ngừa
Tham Vấn Y Khoa
TTƯT Hoàng Khánh ToànĐại tá, TTƯT.Ths.Bs Hoàng Khánh Toàn chia sẻ: “Chữa bệnh cứu người luôn là khát khao cháy bỏng của tôi. Đây cũng chính là lý do tôi dành cả cuộc đời theo nghề y. Trở thành cố vấn của Dược phẩm Tâm Bình là cách để tôi tiếp tục mang kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được để giúp sức cho cộng đồng.”