Hội chứng ngủ nhiều là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Kiểm tra đơn hàng Tuyển dụng
  • vi
  • en
  • BỆNH MẤT NGỦ VÀ AN THẦN

    Hội chứng ngủ nhiều là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

    Tham vấn y khoa: Dược Sĩ Hoàng Cường

    Biên tập viên: Linh Chi

    04/02/24

    Thời gian ngủ trong ngày đôi khi có thể nhiều hơn 8 tiếng bởi sự mệt mỏi hoặc nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài mà không rõ nguyên nhân có thể ẩn chứa vấn đề đối với sức khỏe. Vậy hội chứng ngủ nhiều là gì và nguyên nhân xuất phát từ đâu?

    5/5 - (2 bình chọn)

    1. Hội chứng ngủ nhiều là gì?

    Nhu cầu về thời gian ngủ tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và thói quen hàng ngày. Thông thường trẻ sơ sinh có thời gian ngủ trong ngày dài nhất với từ 14 – 17 giờ/ngày. Đối với người trưởng thành thì thời gian ngủ trung bình trong ngày giao động từ 7 – 9 giờ. Thời gian này có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe như sẽ ngủ nhiều hơn khi bị ốm, sau khi vận động nhiều, lao động nặng…

    Hội chứng ngủ nhiều là tình trạng lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày và ngủ nhiều hơn bình thường vào ban đêm mà không có nguyên nhân cụ thể. Hội chứng khiến thời gian ngủ trong ngày lên tới 18 tiếng và lặp lại thường xuyên.

    Hội chứng ngủ nhiều là gì

    2. Phân loại

    Hội chứng này được chia thành hai dạng tùy theo nguyên nhân khiến nó khởi phát:

    • Hội chứng ngủ nhiều nguyên phát: Không đi kèm bất kỳ bệnh lý nào, chỉ xuất hiện triệu chứng. Người mắc phải hội chứng này chiếm khoảng 0,01 – 0,02% dân số.
    • Hội chứng ngủ nhiều thứ phát: Tình trạng ngủ nhiều là hệ quả của các bệnh lý khác.

    Việc phân loại sẽ hỗ trợ cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

    3. Dấu hiệu của hội chứng ngủ nhiều

    Để nhận diện hội chứng này bạn có thể dựa vào các triệu chứng dưới đây:

    • Ngủ nhiều lần trong ngày với thời gian dài ít nhất 3 lần/tuần trong từ 1 tháng trở lên.
    • Dù sau khi ngủ dậy tình trạng buồn ngủ vẫn tiếp diễn, ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ.
    • Sau khi ngủ dậy có thể cảm thấy mơ màng, mất phương hướng.
    • Bồn chồn, giảm tập trung, cơ thể dường như không còn năng lượng.
    • Ăn không ngon.
    Dấu hiệu của hội chứng ngủ nhiều

    Ăn không ngon là một trong những triệu chứng

    4. Nguyên nhân gây hội chứng ngủ nhiều

    Nguyên nhân gây ra tình trạng này cho tới nay vẫn chưa được xác định chắc chắn. Theo nghiên cứu, hội chứng này có thể xảy ra do sự suy giảm quá mức các chất dẫn truyền thần kinh như hypocretin, dopamine, serotonin. Sự suy giảm này liên tục truyền tín hiệu buồn ngủ cho cơ thể.

    Một số nghiên cứu cho rằng hội chứng này có liên quan tới yếu tố di truyền với 39% người mắc có tiền sử gia đình.

    Ngoài ra, hội chứng này có thể xảy ra do ảnh hưởng của các vấn đề khác về sức khỏe. Vậy ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ là bệnh gì, do những bệnh gì gây ra?

    • Chấn thương ở đầu hoặc những tổn thương ở hệ thần kinh trung ương.
    • Khối u trong não, viêm não, động kinh, bệnh parkinson.
    • Chứng đa xơ cứng
    • Trầm cảm, rối loạn lưỡng cực.
    • Hội chứng mệt mỏi mãn tính.
    • Hệ quả của lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện.

    5. Đối tượng có nguy cơ cao

    Hội chứng ngủ nhiều thường gặp ở phụ nữ và thường được phát hiện ở độ tuổi từ 17 – 24 tuổi. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh dù không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao dưới đây:

    • Người có người thân trong gia đình mắc bệnh.
    • Người từng bị chấn thương ở vùng đầu.
    • Người nghiện rượu bia, phụ thuộc chất gây nghiện.
    • Người đang mắc các bệnh lý có thể dẫn tới hội chứng này.
    Đối tượng có nguy cơ cao ngủ nhiều

    Người nghiện rượu bia nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao

    6. Hội chứng ngủ nhiều có nguy hiểm không?

    Dù ngủ nhiều nhưng cơ thể luôn mệt mỏi, lo âu, căng thẳng gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Thời gian ngủ kéo dài sẽ trực tiếp ảnh hướng tới hoạt động thường ngày, học tập cũng như công việc. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới suy sụp tinh thần, trầm cảm. Đặc biệt, hội chứng này với những nguyên nhân gây ra nó không được phát hiện và xử lý triệt để có thể đe dọa tới tính mạng.

    >>Đừng bỏ lỡ: Tìm hiểu về tình trạng suy nhược thần kinh

    Do đó, ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạn hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

    7. Chẩn đoán

    Vì đây là vấn đề về sức khỏe tinh thần nên việc chẩn đoán cũng có phần đặc thù. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng hiện có và tiền sử bệnh của bạn và người thân trong gia đình. Để xác định, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp:

    • Khám sức khỏe tổng quát: Đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại, độ tỉnh táo của bạn.
    • Đánh giá qua thang điểm buồn ngủ Epworth: Để xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng buồn ngủ.
    • Đo lường độ trễ của giấc ngủ: Dùng cho các giấc ngủ ngắn trong ngày.
    • Phương pháp đa ký giấc ngủ: Giúp theo dõi nhịp tim, chuyển động của mắt, lượng oxy và khả năng hô hấp, sóng não… trong giấc ngủ của bạn.
    • Chụp CT não: Giúp phát hiện và đánh giá tình trạng tổn thương nếu có tại não.
    • Xét nghiệm máu: Tìm kiếm phản ứng viêm, tồn dư chất gây nghiện, bia rượu…
    Chẩn đoán ngủ nhiều

    Bác sĩ có thể chỉ định chụp CT để chẩn đoán căn bệnh này

    8. Điều trị hội chứng ngủ nhiều

    Nguyên nhân gây bệnh và tình trạng hiện tại của người bệnh chính là căn cứ để bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị. Bác sĩ sẽ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và độ đáp ứng của bệnh nhân trong quá trình điều trị để có điều chỉnh phù hợp. Đối với trường hợp nguyên nhân là do các bệnh lý khác gây ra, bác sĩ sẽ tập trung điều trị dứt điểm các bệnh lý này. Khi nguyên nhân được kiểm soát tốt, tình trạng ngủ nhiều sẽ thuyên giảm.

    8.1. Thuốc chữa hội chứng ngủ nhiều

    Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp kiểm soát triệu chứng. Điều quan trọng là bạn chỉ được dùng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc. Liều lượng, thời gian, thời điểm dùng cũng cần tuân thủ chặt chẽ, không được tự ý dừng thuốc, lạm dụng.

    • Thuốc chống trầm cảm: Đặc biệt, loại thuốc này sẽ cần thiết trong trường hợp người bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực dẫn tới ngủ nhiều.
    • Thuốc ức chế monoamin oxydase
    • Thuốc cai nghiện rượu, chất gây nghiện như: Clonidine
    • Thuốc cải thiện cơn buồn ngủ: Amphetamine, Methylphenidate, Modafinil… Đây là dạng thuốc kích thích thần kinh nên bác sĩ sẽ cân nhắc và điều chỉnh lượng một cách cẩn trọng.
    Thuốc chữa hội chứng ngủ nhiều

    Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ

     8.2. Thay đổi lối sống

    Ngoài dùng thuốc, việc hướng tới một lối sống lành mạnh cũng sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị.

    • Tạo thói quen ngủ tối và thức dậy buổi sáng vào một khung giờ cố định. Bạn có thể ngâm chân, đọc sách trước khi đi ngủ để giúp tinh thần thư giãn; tạo phản xạ có điều kiện cho cơ thể, nhắc nhở tới giờ đi ngủ.
    • Vệ sinh giấc ngủ, tạo môi trường tốt nhất cho chất lượng giấc ngủ: Đảm bảo phòng ngủ thông thoáng; không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn…
    • Duy trì bữa ăn đủ dinh dưỡng. Hạn chế thực phẩm khó tiêu, đồ cay nóng.
    • Không sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích.
    • Giảm tối đa căng thẳng. Trong quá trình điều trị bệnh bạn có thể phải giảm bớt lượng công việc. Hoặc ít nhất hãy ưu tiên những việc quan trọng hơn làm trước.
    • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức.

    Kết luận

    Hội chứng ngủ nhiều gây ra những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng này có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường. Quá trình điều trị dứt điểm có thể kéo dài và cần sự phối hợp chặt chẽ từ người bệnh. Trong quá trình điều trị nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc dấu hiệu bất thường nào hãy thông báo cho bác sĩ. Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo. Hãy tuân thủ theo phác đồ điều trị do bác sĩ của bạn đề ra.

    Xem thêm:

    Tham Vấn Y Khoa

    Dược sĩ Hoàng Mạnh Cường

    Tốt nghiệp đại học dược Hà Nội, dược sĩ Hoàng Mạnh Cường hiện đang phụ trách chuyên môn R&D của Dược Phẩm Tâm Bình. Với nhiều kinh nghiệm trong ngành dược lâm sàng, pháp chế dược và đặc biệt là Dược cổ truyền, dược sĩ Cường sẽ đưa đến cho quý độc giả những kiến thức Y dược được cập nhật mới nhất một cách nhanh chóng và đáng tin cậy - Góp phần nâng cao nhận thức và thông tin sức khoẻ cho cộng đồng.

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Gửi câu hỏi tư vấn





      Các bài viết khác

      Review 15 tinh dầu trị mất ngủ giúp THƯ GIÃN, NGỦ SÂU 30/08/24
      Tinh dầu trị mất ngủ, bạn đã nghe chưa? Nếu đang gặp chứng trằn trọc, khó ngủ, không sâu giấc,…
      Khám rối loạn lo âu ở đâu Hà Nội? Bật mí top 10 địa chỉ 29/01/24
      Chị Trần Thu Hường (Long Biên, Hà Nội) băn khoăn về khám rối loạn lo âu ở đâu Hà Nội.…
      Rối loạn tiền đình uống thuốc gì? Điểm danh 5 loại thuốc phổ biến hiện nay 20/04/24
      “Rối loạn tiền đình uống thuốc gì?” Đây là thắc mắc của rất nhiều người bệnh, bởi triệu chứng hoa…
      Ngáp ngủ nhiều là bệnh gì? Khi nào cần đi khám bác sĩ? 08/05/24
      “Gần đây tôi thấy rất hay ngáp ngủ, kèm theo đó là mệt mỏi, đầu óc căng thẳng. Xin hỏi…
      Xem thêm