Hà thủ ô đỏ: Thảo dược quý giúp “xanh tóc, đỏ da”
Kiểm tra đơn hàng Tuyển dụng
  • vi
  • en
  • CÂY THUỐC

    Hà thủ ô đỏ: Thảo dược quý giúp “xanh tóc, đỏ da”

    Tham vấn y khoa: Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng

    Biên tập viên: Vũ Thị Hương

    07/03/22

    Hà thủ ô đỏ được coi là vị thảo dược được dân gian ca tụng giúp “xanh tóc, đỏ da”, “đỏ da, thắm thịt”. Vậy từ đâu mà vị thảo dược này giúp “nhuận sắc” như vậy, hãy cùng Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh giải đáp qua bài viết dưới đây.

    5/5 - (371 bình chọn)

    Hà thủ ô là vị thuốc bổ trong Đông y, có tác dụng làm trẻ hóa, tóc bạc hóa đen. Ở nước ta có hai vị thuốc thuộc hà thủ ô là hà thủ ô đỏ (được Trung Quốc và Nhật Bản coi là vị chính thức) và Hà thủ ô trắng (được gọi là nam hà thủ ô). Bài viết này sẽ tập trung vào vị thuốc hà thủ ô đỏ.

    1. Hà thủ ô đỏ là cây gì?

    hà thủ ô đỏ

    Hà thủ ô đỏ đã được sử dụng từ lâu và được nghiên cứu công dụng rõ ràng.

    Hà thủ ô đỏ còn gọi là cây thủ ô, dạ giao đằng, dạ hợp, địa tinh, khua lình (Thái), măn đăng tua lình (Lào – Sầm Nưa), mằng năng ón (Thổ). Theo giải nghĩa của người dân ở Sầm Nưa, Lào, tên gọi Măn đăng tua lình được đặt tên theo hình dáng và vị trí cây thường mọc. Măn đăng là hình củ khoai lang, tua lình là con khỉ. Đây là loại cây có củ giống hình củ khoai lang và mọc ở những nơi khỉ hay đi lại.

    • Tên khoa học: Polygonum multiflorum (Thunb.) hoặc Fallopia multiflora (Thunb.)
    • Tên tiếng Trung: 何首乌 (He shou wu)
    • Họ: Rau răm (Polugonaceae)

    Hà thủ ô là cây dây leo, sống nhiều năm. Thân mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài có màu xanh tía, nhẵn, không có lông. Lá mọc so le, có cuống dài.

    Phiến lá hình tim hẹp, dài 4 – 8cm, rộng 2,5 – 5cm, đầu nhọn, cuống hình tim hoặc hình mũi tên, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng. Cả hai mặt lá đều nhẵn và không có lông. Lá kèm mỏng, màu nâu nhạt ôm lấy thân.

    Hoa nhỏ, đường kính 2mm, có cuống ngắn từ 1 – 3mm. Hoa mọc thành chùm nhiều nhánh. Cánh hoa màu trắng. Mùa hoa thường vào tháng 9 – 11, ra quả tháng 12 – 2.

    Củ hà thủ ô có hình tròn dài, không đều. Mặt cắt ngang có lớp sần mỏng màu nâu sẫm, mô mềm. Vỏ màu đỏ hồng, có nhiều bột, lõi giữa có thể bị hóa gỗ.

    2. Phân bố

    Hà thủ ô đỏ thường mọc hoang ở rừng, núi, nhiều nhất ở các tỉnh phía tây bắc, sau đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Lai Châu, Tây Nguyên…

    Ở Trung Quốc, cây thường mọc ở các tỉnh Giang Tô, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Phúc Kiến. Ngoài ra có được tìm thấy ở Nhật Bản và Ấn Độ.

    3. Thu hái và chế biến

    Cây thường được trồng bằng dây hoặc hạt, sau 4-5 năm trở lên mới có thể thu hoạch.

    Cây được thu hoạch vào mùa xuân hoặc mùa thu nhưng thường thu hoạch vào mùa thu.

    Củ được đào về rửa sạch đất, bổ đôi hoặc bổ tư, đồ rồi phơi khô. Một số nơi không đồ, thái thành các miếng rồi phơi ngay.

    Có nhiều người đồ hà thủ ô với đậu đen, đồ xong sau đó phơi khô, rồi tiếp tục đồ với đậu đen. Như vậy, qua 9 lần đồ, 9 lần phơi được miếng hà thủ ô đen mới dùng. Hà thủ ô này gọi là hà thủ ô chế.

    Cách thực hiện cụ thể như sau:

    • Củ hà thủ ô đỏ ngâm nước vo gạo trong vòng 1 ngày sau đó rửa sạch
    • Cứ 1kg hà thủ ô cho 100g đỗ đen và 2 lít nước
    • Nấu đến khi gần cạn nước. Trong quá trình nấu nên đảo thường xuyên để đậu và hà thủ ô chín đều
    • Khi củ đã mềm lấy ra sau đó phơi khô 1-2 nắng
    • Tiếp tục đồ và phơi với đỗ đen đến khi đủ 9 lần.

    4. Thành phần hóa học

    Hà thủ ô đã được nghiên cứu từ lâu và có những hợp chất quan trọng, trong đó:

    • Anthraglucozit (chrysophanola, emodin, rhein): 1,7%
    • Chất đạm: 1,1%
    • Tinh bột: 4,2%
    • Chất béo: 3,10%
    • Chất vô cơ: 2,4%
    • Chất tan trong nước: 26,4%
    • Lecithin

    5. Mùi vị và tính vị

    Theo Đông y, củ hà thủ ô đỏ có vị đắng ngọt, hơi chát, tính ôn. Vị đắng của hà thủ ô liên quan đến lạnh, vị chát liên quan đến táo sáp.

    Thân và lá của hà thủ ô có vị ngọt, tính bình.

    6. Công dụng của hà thủ ô đỏ

    Theo Y học cổ truyền, hà thủ ô quy vào kinh can, thận, có nhiều công dụng như bổ huyết, bổ can thận, nhuận tràng, mạnh gân xương. Trong Y học hiện đại, hà thủ ô này cũng có nhiều tác dụng. Cụ thể:

    6.1. Hà thủ ô giúp nhuận tràng

    Hà thủ ô có tác dụng chống táo bón, đi ngoài ra máu. Tác dụng này là nhờ hai hoạt chất, Anthraglucosid kích thích co bóp ruột, kích thích tiêu hóa trong khi Anthraquinon trong hà thủ ô tăng cường nhu động ruột, giúp nhuận tràng.

    6.2. Hà thủ ô đỏ chữa rụng tóc, tóc bạc sớm

    Hà thủ ô đỏ chữa rụng tóc, tóc bạc

    Đây là một trong những công dụng nổi bật của hà thủ ô đỏ.

    Hà thủ ô đỏ từ lâu được biết có tác dụng chống rụng tóc, tóc bạc sớm. Theo kinh nghiệm cổ truyền, sử dụng hà thủ ô trong 1-2 tháng sẽ cải thiện tình trạng rụng tóc đến trên 80%. Với trường hợp tóc bạc sớm khi dùng 3-4 tháng có thể làm giảm tỉ lệ tóc bạc 20-25%.

    6.3. Hà thủ ô cải thiện hệ thần kinh

    Nhờ thành phần là Lecithin trong hà thủ ô giúp chống suy nhược thần kinh, giúp sinh dịch huyết, cải thiện chuyển hóa. Theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam chỉ ra, dùng dung dịch Lecithin pha loãng 1/10000 đến 1/200000 có tác dụng làm mạnh tim cô lập, nếu tim đã yếu mệt thì tác dụng càng rõ rệt hơn.

    6.4. Giúp bổ huyết, chống thiếu máu, suy nhược cơ thể

    Theo Y học cổ truyền, hà thủ ô quy vào kinh can, thận, giúp thận sinh tinh, sinh huyết. Y học hiện đại cũng chỉ ra, hà thủ ô có thể làm tăng số lượng hồng cầu, đồng thời giảm mệt mỏi, ăn ngon, ngủ được, đại tiểu tiện dễ dàng và tăng cân.

    6.5. Hà thủ ô giúp bảo vệ gan

    Các hợp chất Stilben trong hà thủ ô đỏ có tác dụng bảo vệ gan thông qua cơ chế giải độc gan và chống tác hại của oxy hóa. Ngoài ra, hà thủ ô đỏ còn tăng cường chức năng gan, ức chế tăng GOT và GPT (2 enzyme trong gan).

    6.6. Hà thủ ô kháng khuẩn

    Nước sắc từ hà thủ ô đỏ ức chế vi khuẩn lao. Ngoài ra, hoạt chất resveratrol (thuộc nhóm Stilben) trong hà thủ ô cũng có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm.

    6.7. Hà thủ ô giảm mỡ máu

    Nước sắc của hà thủ ô có tác dụng giảm mỡ máu, giảm cholesterol. Cũng nhờ Resveratrol trong nhóm Stilben có tác dụng giảm các chỉ số như cholesterol toàn phần, LDL Cholesterol – mỡ xấu, triglyceride. Từ đó phòng xơ vữa động mạch và tai biến do xơ vữa động mạch gây nên.

    6.8. Hà thủ ô đỏ giúp tăng hoạt động Estrogen

    hà thủ ô tăng hoạt động của Estrogen

    Trong nghiên cứu gần đây cho thấy hà thủ ô đỏ còn tăng hoạt động của Estrogen – nội tiết tố quan trọng ở nữ giới.

    Trong một số thử nghiệm về hoạt tính Estrogen (Estrogen thực vật) được đo lường trong chiết xuất từ củ hà thủ ô cho thấy, trong rễ cây hà thủ ô có hoạt tính sinh học tương tự Estrogen trong cơ thể phụ nữ . Điều này có thể là hướng đi mới trong việc bổ sung nguồn Estrogen thực vật để cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh.

    6.9. Một số công dụng khác

    Hà thủ ô còn là vị thuốc quý chữa các bệnh và vấn đề như:

    • Thận suy, gan yếu
    • Sốt rét mạn tính
    • Ít sữa
    • Các bệnh phụ nữ sau khi đẻ
    • Đau lưng, thấp khớp, di tinh, khí hư
    • Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu
    • Bệnh ngoài da, mẩn ngứa
    • Nam giới tinh yếu khó có con
    • Ù tai, hoa mắt chóng mặt
    • Đau lưng mỏi gối

    7. Thực hư hà thủ ô nhuận sắc, đỏ da, xanh tóc?

    thực hư hà thủ ô xanh tóc đỏ da

    Trong hà thủ ô đỏ có những hoạt chất giúp tóc đen và bổ huyết.

    Rất nhiều tài liệu có ghi lại tác dụng của hà thủ ô trong việc kích thích các nang tóc phát triển như “ích khí, cải thiện tinh thần, bảo vệ sắc đẹp, đen tóc và kéo dài tuổi thọ”. Một tài liệu khác ghi “hà thủ ô có lợi cho tinh, thận, lá lách, xương và tóc như một loại thuốc bổ trong y học cổ truyền Trung Quốc”.

    Sở dĩ hà thủ ô giúp nhuận sắc, đỏ da, xanh tóc là nhờ:

    Hà thủ ô có thể kích thích tổng hợp melanin, phục hồi sắc tố đen cho tóc. Ngoài ra chúng còn chứa hợp chất 2-3-5-4’tetrahydroxy stilbene-2-0-β-D-glucid (một chất làm mọc tóc). Từ đó giảm tình trạng tóc bạc, tóc dễ gãy rụng, xơ rối.

    Hà thủ ô bổ huyết, đẹp da được cho là do thúc đẩy quá trình tạo huyết khối thông qua việc ức chế monoamine oxidase (MAO) để tăng mức setoronin. Ngoài ra, hà thủ ô còn hỗ trợ tăng cường sự hồi phục của tiểu cầu, bạch cầu và số lương hồng cầu. Khi “chất lượng” máu được cải thiện sẽ giúp da, tóc được tươi nhuận hơn.

    8. Các bài thuốc từ hà thủ ô đỏ

    8.1. Bài thuốc cho người thần kinh suy nhược, ăn uống khó tiêu

    Nguyên liệu:

    Hà thủ ô 10g, đại táo 5g, thanh bì 2g, trần bì 3g, sinh khương 3g, cam thảo 2g

    Cách thực hiện:

    • Sắc các nguyên liệu trên với 600ml
    • Đun gần cạn đến khi còn 200ml nước
    • Nên chia nhỏ thành 3-4 bữa, uống hết trong ngày

    8.2. Bài thuốc thất bảo mỹ nhiệm đơn

    Đây là bài thuốc được cho là “làm tóc trắng hóa đen”, mạnh gân xương, bền tinh khí, sống lâu.

    Cách thực hiện:

    • Lấy hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng mỗi thứ 600g sau đó ngâm nước vo gạo trong 4 ngày
    • Cạo sạch vỏ hai dược liệu trên và rửa sạch
    • Đãi đậu đen sau đó xếp một lượt hà thủ ô, một lượt đậu đen đồ chín
    • Đồ và phơi nắng qua đủ 9 lần sau đó sấy khô và tán bột
    • Xích phục linh và bạch phục linh mỗi vị 600g, cạo bỏ vỏ, tán bột sau đó đãi với nước trong, lọc bột lắng ở dưới, nắm lại, tẩm với sữa người phơi khô.
    • Ngưu tất 320g tẩm rượu 1 ngày, thái mỏng trộn với hà thủ ô, đồ với đậu đen vào lần thứ 7, 8, 9 sau đó đem phơi khô
    • Đương quy 320g tẩm rượu phơi khô
    • Câu kỷ tử 320g tẩm rượu phơi khô
    • Thỏ ty tử 320g tẩm rượu cho nứt ra, giã nát, phơi khô
    • Bổ cốt chi 100g, trộn với vừng đen sao cho có mùi thơm
    • Tất cả nguyên liệu trên giã nát, trộn thêm mật vào làm thành viên 0,50g (bằng hạt ngô).
    • Ngày uống 3 lần, mỗi lần 50 viên (sáng dùng cùng rượu nóng, trưa dùng nước gừng và tối dùng nước muối).

    (Đây là bài thuốc được trích trong Tích thiện đường phương)

    8.3. Bài thuốc hà thủ ô hoàn

    Đây cũng là bài thuốc mạnh gân xương, bổ tinh bổ huyết, giúp tóc đen, trẻ hóa. Tuy nhiên bài thuốc này có ít vị dược liệu hơn.

    Cách thực hiện:

    • Hà thủ ô 1800g thái mỏng, ngưu tất 600g thái mỏng. Hai vị trộn đều sau đó đồ cùng 1 đấu to đậu đen đã đãi sạch
    • Đồ đến khi chín sau đó lấy thuốc ra phơi khô rồi tiếp tục đồ 3 lần
    • Lấy ra tán bột sau đó thêm thịt táo đen Trung Quốc trộn lại thành viên 0,5g
    • Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên
    • Dùng rượu hâm nóng để chiêu thuốc

    (Đây là bài thuốc trong Hòa tễ cục phương).

    8.4. Bài thuốc hà thủ ô tán

    Đây là bài thuốc có tác dụng tăng cường sinh huyết, bổ tóc, trẻ lâu được trích trong Bản thảo cương mục.

    Cách thực hiện:

    • Hà thủ ô cạo vỏ, thái mỏng phơi khô
    • Tán bột nhuyễn
    • Mỗi ngày uống 4g vào sáng sớm, chiêu thuốc bằng rượu

    8.5. Bài thuốc trị mỡ máu cao

    Dựa vào công dụng hạ mỡ máu, hà thủ ô cũng được dùng để giảm mỡ máu. Cách thực hiện rất đơn giản:

    • Lấy 30g hà thủ ô đã chế sắc với khoảng 300ml nước
    • Đun đến khi còn một nửa thì tắt bếp
    • Chia ngày 2 lần uống, uống hết trong ngày

    8.6. Bài thuốc hà thủ ô bổ can thận, đen tóc, dưỡng nhan

    Bài thuốc từ hà thủ ô hầm gà rừng là một trong những bài thuốc giúp bổ can thận, đen râu tóc, dưỡng nhan, tăng cường sức khỏe, ngủ ngon hơn và được coi là bí kíp trường thọ. Bài thuốc này dành cho những người thể lực suy kiệt, tóc bạc, sức khỏe yếu.

    Cách thực hiện:

    • Lấy 20g hà thủ ô, 30g nhân sâm, 2 con gà rừng, măng tây 15g
    • Gà rừng làm sạch, rửa sạch các dược liệu trên sau đó đem hầm
    • Nêm nếm gia vị vừa ăn và chia thành từng bữa ăn khi còn ấm
    • Nên dùng trong thời gian dài để sức khỏe hồi phục
    • Có thể thay thế bằng gà ác hoặc chim bồ câu

    8.7. Bài thuốc trị huyết hư, tóc bạc sớm

    Bài thuốc này kết hợp hà thủ ô và trứng gà. Cách thực hiện đơn giản:

    • Trứng gà 2 quả, hà thủ ô chế 30g
    • Hà thủ ô sắc nước 2 lần sau đó lọc bỏ bã
    • Lấy nước sắc được thêm 2 quả trứng gà nấu chín
    • Ăn ngày 1 lần. Dùng trong 1-2 tháng. Nếu cảm thấy nhiều có thể giảm bớt còn 1 quả trứng.

    8.8. Điều trị can thận âm hư, tóc bạc sớm, thiếu máu

    Bài thuốc này chủ về tăng cường sức khỏe, cũng giống như bài thuốc từ gà rừng hầm.

    • Hà thủ ô chế 6g, gan heo 250g, măng 50g, nấm rơm 50g, trứng gà 1 quả, muối, rượu trắng, mì chính, nước tương, đường, bột năng, gừng, gia vị vừa ăn
    • Hà thủ ô chế sắc lấy nước để làm nước dùng
    • Gan heo rửa sạch, thái miếng vừa ăn sau đó xào qua với gừng, tỏi, hành băm nhuyễn
    • Tiếp đến xào thêm với măng, nấm rơm và cho vào nước hà thủ ô
    • Sau khi chín thì hòa chén nước với bột năng để đổ vào canh cho sánh. Đập thêm 1 quả trứng gà khuấy tan. Nêm nếm gia vị vừa ăn
    • Ăn khi còn nóng

    9. Hà thủ ô đỏ mua ở đâu? Giá bao nhiêu?

    Hà thủ ô đỏ là vị thuốc quý đã được đưa vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ làm đẹp đến các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tùy vào từng mục đích sử dụng bạn có thể tìm mua hà thủ ô đã được bào chế theo các sản phẩm hoặc mua dưới dạng đã được sơ chế.

    • Đối với hà thủ ô đỏ chế sẽ có giá từ 180.000đ – 250.000đ/500g
    • Đối với hà thủ ô dạng viên hoàn, tùy từng vị dược liệu được thêm vào sẽ có mức giá đắt hơn, từ 980.000đ – 1.200.000đ/hộp
    • Ngoài ra, các sản phẩm có thành phần hà thủ ô cũng dao động trong nhiều mức giá từ 220.000đ – 450.000đ hoặc đắt hơn.

    Bạn có thể tìm mua các sản phẩm từ hà thủ ô tại các nhà thuốc, hiệu thuốc đông y hoặc trên các sàn thương mại điện tử uy tín. Nên tìm hiểu rõ thời gian sản xuất, hạn sử dụng, hình ảnh thật của sản phẩm trước khi đặt hàng.

    10. Lưu ý khi sử dụng hà thủ ô

    Lưu ý khi sử dụng hà thủ ô đỏ

    Khi sử dụng hà thủ ô cũng cần thận trọng.

    Theo Bs. Nguyễn Thị Hằng, Hà thủ ô đỏ có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên khi sử dụng quá liều hoặc trong trường hợp cơ địa mẫn cảm có thể gặp phải một số phản ứng phụ như:

    • Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy khi dùng hà thủ ô còn tươi sống
    • Rối loạn điện giải, tê bì tay chân nếu dùng nhiều, dẫn đến nhuận tràng quá mức, làm thay đổi điện giải, từ đó khiến các cơ bị tê như kiến bò
    • Có thể ảnh hưởng đến gan nếu dùng quá liều

    Ngoài ra trong quá trình sử dụng cần:

    • Không nên ăn cá không vảy, kiêng gừng, tỏi, hành, tiết canh nếu dùng nhiều
    • Không nên dùng cho người có tiền sử ung thư hoặc điều trị ung thư vú, ung thư tử cung
    • Không nên dùng cho bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật
    • Không nên dùng cho người đang bị tiêu chảy, người viêm cơ, teo cơ do rối loạn điện giải
    • Không nên dùng cho người bị rối loạn tiêu hóa, viêm đường tiêu hóa, viêm dạ dày
    • Không nên dùng cho trẻ dưới 3 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

    Trên đây là một số thông tin tham khảo về hà thủ ô đỏ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua hotline 0343 44 66 99 để được tư vấn hỗ trợ.

    XEM THÊM: 

    • Sâm tố nữ: “Sâm quý” dành cho phái nữ, nhuận sắc hồi xuân
    • Libifem – Tinh chất từ chiết xuất cỏ cà ri, bổ sung Estrogen, cải thiện sinh lý nữ
    • Tinh dầu hoa anh thảo – Dược liệu phương tây cải thiện triệu chứng tiền mãn kinh

    Nguồn tham khảo

    Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.

    Tham Vấn Y Khoa

    Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng

    Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.

    2 bình luận cho “Hà thủ ô đỏ: Thảo dược quý giúp “xanh tóc, đỏ da””

    1. Mình dngf Đại tràng hoàn
      Bà Rằng hiện nay sao hiệu quả không trươc 4÷5 năm đã sử dụng???

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Gửi câu hỏi tư vấn





      Các bài viết khác

      Lãnh cảm ở phụ nữ sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả 04/07/22
      Sau sinh là thời điểm nhạy cảm, chị em phụ nữ có những thay đổi từ nội tiết tố, ngoại…
      Rong kinh tuổi dậy thì: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả 01/12/22
      Rất nhiều bậc phụ huynh lo ngại về tình trạng rong kinh tuổi dậy thì ở con mình bởi nếu…
      {Tìm hiểu} Dây đau xương chữa đau xương khớp có tốt không? 17/11/21
      Dây đau xương là vị thuốc nam quen thuộc với người mắc bệnh xương khớp. Bởi, dược liệu này có…
      Vì sao cần chất chống oxy hóa? Thực phẩm nào bổ sung hiệu quả? 20/09/22
      Trong cơ thể của chúng ta tồn tại rất nhiều các gốc tự do, được cấu thành từ một nguyên…
      Xem tất cả bài viết