Đau xương cụt sau sinh là hiện tượng nhiều phụ nữ gặp phải. Nó không chỉ gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Nguyên nhân của tình trạng này là gì, có nguy hiểm không và cách xử lý như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
1. Đau xương cụt sau sinh là gì?
Xương cụt là phần xương cuối cùng của cột sống. Đây là một xương nhỏ, được tạo bởi 5 đốt sống thành hình tam giác. Nó hỗ trợ cơ thể ngồi vững và cũng là khu vực có nhiều gân, cơ, dây chằng chạy qua.
Hiện tượng đau xương cụt sau sinh là cảm giác đau âm ỉ hoặc đau nhói ở phần cuối cùng của cột sống sau khi trải qua quá trình sinh nở. Có trường hợp đau xương cụt sau sinh mổ và có cả phụ nữ bị đau xương cụt sau sinh thường.
2. Dấu hiệu đau xương cụt sau sinh
Ngoài biểu hiện đau nhói hoặc âm ỉ ở xương cụt, chị em có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
- Đau dữ dội khi ấn vào xương cụt
- Cơn đau có thể lan ra toàn bộ mông, xuống đùi, chân hoặc đau lưng xương cụt sau sinh.
- Đau hơn khi chuyển tư thế, đại tiện, quan hệ tình dục, vận động nặng.
- Đôi khi đau vào ban đêm gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.
3. Nguyên nhân gây đau xương cụt sau sinh
Nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ những biến đổi của cơ thể trong thai kỳ, chuyển dạ và sau sinh. Một vài trường hợp có thể bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt, thậm chí là bệnh lý.
3.1. Tăng áp lực lên xương cụt
Khi mang thai, sự phát triển của thai nhi cùng quá trình cơ thể chuẩn bị cho sinh nở tạo ra những thay đổi lớn. Trọng tâm cơ thể bà bầu dồn về phía sau làm biến đổi kết cấu khớp ở đốt sống lưng. Theo đó, cơ, gân và dây chằng vùng thắt lưng bị kéo giãn trong thời gian dài. Điều này làm hình thành nên những tổn thương mãn tính cho tới sau sinh, gây đau vùng xương cụt.
Đồng thời, khi mang bầu, để nhường chỗ cho thai nhi, các cơ quan nội tạng bị dịch lên phía trên. Sau khi sinh, chúng đột nhiên hạ xuống gây đau xương cụt.
3.2. Thiếu canxi làm đau nhức xương cụt sau sinh
Cơ thể mất đi một lượng canxi lớn khi mang thai và sau sinh. Lượng canxi thiếu hụt này nếu không được bù đắp kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương từ đó dẫn tới đau nhức xương khớp sau sinh.
3.3. Sai tư thế
Nhiều phụ nữ có thói quen xấu trong sinh hoạt, đặc biệt là lúc chăm con nhỏ. Dáng đi khom lưng, ngồi vẹo sang một bên, ngồi nhiều… lâu dần sẽ làm tăng áp lực lên vùng xương cùng cụt. Các khớp xương mất liên kết sẽ tạo cảm giác đau.
3.4. Cân nặng bất thường
Theo bác sĩ Hansa D. Bhargava thừa cân hoặc quá gầy đều có thể là nguyên nhân gây đau xương cụt. Phụ nữ sau sinh thường chưa thể giảm ngay cân nặng về mức bình thường. Thêm vào đó, tâm lý tẩm bổ để lấy sữa cho con bú cũng khiến nhiều bà mẹ tăng cường ăn uống gây tăng cân. Điều này sẽ tạo áp lực lên xương cụt khi ngồi.
Ngược lại, đối với những bà mẹ bị giảm cân đột ngột sau sinh sẽ khiến lượng mỡ ở vùng mông bị thiếu. Lớp đệm bảo vệ xương cụt mất đi khiến xương cụt cọ xát vào các mô lân cận gây đau.
3.5. Chấn thương gây đau xương cùng cụt sau sinh
Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới là chấn thương do ngã, va đập vào vùng xương cụt. Ngoài đau, các biểu hiện có thể quan sát bằng mắt thường là sưng, đỏ, bầm tím. Với trường hợp nhẹ có thể xử lý bằng chườm đá. Nhưng nếu đau nghiêm trọng bạn nên tới ngay các cơ sở y tế.
3.6. Mắc phải một số bệnh lý
Đau xương cụt đôi khi có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như:
- Thoái hóa khớp
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5-S1
- Loãng xương
- Vôi hóa cột sống
- Viêm cơ quan sinh dục
- Viêm đường tiết niệu
- Tử cung bất thường: bị xệ xuống, thoát ra ngoài, dính chặt bên trên gây đau.
- Đặt vòng tránh thai không phù hợp: kích thước không đúng, độ đàn hồi lớn, vị trí bị lệch..
- Có khối u ở khoang chậu: u nang buồng trứng, u xở tử cung có thể chèn ép vào dây thần kinh. Hoặc tế bào ung thư xâm nhập vào khoang chậu sẽ dẫn tới đau xương cụt.
4. Đau vùng xương cụt sau khi sinh có nguy hiểm không?
Đây không phải là trường hợp nguy hiểm. Tình trạng này có thể tự biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nó cũng có thể giảm dần sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, cơn đau kéo dài và ngày càng tăng nặng, đi kèm với các dấu hiệu bất thường khác thì bạn nên tới gặp bác sĩ. Bởi nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới:
- Đau mãn tính
- Rối loạn chức năng xương cụt
- Viêm xương cụt
- Viêm vùng chậu
5. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Khi đau đi kèm một số biểu hiện sau bạn nên tới gặp bác sĩ ngay:
- Đau ngày càng tăng và kéo dài, không giảm ngay cả khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà trên 1 tuần
- Sốt
- Đau bụng dưới
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Vận động khó khăn
6. Điều trị đau xương cụt sau sinh
Làm sao để hết đau xương cụt sau sinh có lẽ là thắc mắc của không ít bà mẹ. Đối với những trường hợp do bệnh lý, hiện tượng này sẽ biến mất khi các bệnh này được điều trị. Đối với các trường hợp khác, ngoài nghỉ ngơi hợp lý, bạn có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây.
6.1. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ
Trong những trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự biến mất. Trong thời gian này bạn có thể áp dụng một số biện pháp để tránh bị đau. Bác sĩ Margaret Moutvic gợi ý một số dụng cụ hỗ trợ bạn khi ngồi để tránh tác động vào xương cụt gây đau. Đó là gối hình chữ O hoặc đệm hình chữ V.
Bên cạnh đó, tư thế cũng rất quan trọng. Khi ngồi bạn nên rướn người về phía trước hoặc tựa lưng vào ghế và đặt chân trên sàn. Tư thế này giúp giảm trọng lượng dồn vào xương cụt. Đứng thẳng lưng, đầu và cổ. Không đứng lâu một chỗ.
Khi nằm nên nằm nghiêng sang một bên và co chân, dùng 1 chiếc gối kẹp giữa hai đầu gối, bụng và hai tay. Nó giúp cân bằng cơ thể.
6.2. Chườm giảm đau
- Chườm lạnh: Đây là biện pháp thường được sử dụng trong 72 giờ sau chấn thương xương cụt. Bởi nó giúp giảm sưng, hạn chế bầm tím. Bạn có thể chườm đá 15 phút/lần, cách 2 tiếng chườm 1 lần.
- Chườm nóng: Nhiệt độ cao giúp giãn cơ, tăng cường lưu thông máu, giảm cứng khớp, xoa dịu cơn đau. Bạn có thể dùng chai ấm, túi chườm hoặc khăn ấm chườm lên vùng xương cụt trong 15 phút/lần, 3 lần/ngày.
6.3. Vật lý trị liệu
Bác sĩ sẽ thực hiện các liệu pháp để giúp giải phóng sức ép, đưa xương cụt trở lại đúng vị trí. Một trong các kỹ thuật có thể kể đến là thao tác xương cụt. Trong kỹ thuật này bác sĩ sẽ chèn một ngón tay đeo găng vào trực tràng để di chuyển xương cụt. Bên cạnh đó, xoa bóp các cơ gắn liền với xương cụt cũng có thể giúp giảm đau.
6.4. Bài tập giảm đau xương cụt sau sinh
Một số tư thế yoga có thể giúp kéo giãn cơ, dây chằng và gân liên quan tới xương cụt. Từ đó giúp giảm đau vùng xương cụt. Một số tư thế gợi ý cho bạn bao gồm:
- Tư thế em bé: kéo giãn toàn bộ cột sống bao gồm cả xương cụt.
- Tư thế chim mặt trời: tăng cường cơ lưng, ổn định xương cụt.
- Tư thế cánh cung: tăng cường sự dẻo dai cho cơ, gân ở lưng và xương cụt.
- Tư thế cây cầu: làm tăng vận động của vùng hông, thư giãn cột sống.
6.5. Dùng thuốc
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để giảm đau. Phụ nữ cho con bú cần thận trọng khi dùng thuốc, chỉ sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Vì nếu dùng sai loại có thể ảnh hưởng tới sữa mẹ và tác động xấu tới em bé.
- Thuốc uống giảm đau acetaminophen, ibuprofen, aspirin…
- Thuốc tiêm gây tê cục bộ có tác dụng giảm đau trong vài tuần.
- Thuốc giảm đau đặt vào hậu môn hoặc các thuốc giảm đau tại chỗ dạng miếng dán, thuốc bôi như: menthol, lidocain…
6.6. Phẫu thuật
Đây thường là lựa chọn sau cùng của các bác sĩ. Phương pháp này được chỉ định khi các biện pháp điều trị nội khoa khác không phát huy tác dụng, cơn đau tăng nặng khiến người bệnh không thể chịu đựng. Lúc này một phần hoặc toàn bộ xương cụt sẽ được phẫu thuật loại bỏ.
7. Cách phòng tránh
Để phòng tránh sau sinh bị đau xương cụt, bạn nên thực hiện theo một số gợi ý sau:
- Cân đối thời gian để có thể nghỉ ngơi. Tránh căng thẳng.
- Duy trì chế độ ăn đủ dinh dưỡng. Bổ sung thực phẩm giàu canxi, omega-3, vitamin như: sữa, các loại hạt, rau quả… Uống nhiều nước.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý. Giảm cân nếu thừa cân.
- Vận động nhẹ nhàng, đều đặn để tăng tính linh hoạt cho xương khớp.
- Trong sinh hoạt, lao động cần cẩn thận để tránh chấn thương. Loại bỏ các thói quen xấu, tư thế sai.
- Điều trị triệt để các bệnh lý có khả năng là nguyên nhân gây đau xương cụt.
Đau xương cụt sau sinh không phải là trường hợp đáng lo ngại vì có thể tự khỏi hoặc thuyên giảm sau khi điều trị. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh lý khác, bạn nên tới ngay các cơ sở y tế. Nếu cần biết thêm thông tin hãy chat trực tiếp với chuyên gia.
XEM THÊM:
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Đau xương cụt
https://www.webmd.com/cancer/tailbone-pain-coccydynia - Hiểu và điều trị đau xương cụt
https://www.healthline.com/health/back-pain/tailbone-pain - 5 động tác kéo căng được khuyến nghị để làm dịu đau xương cụt
https://www.healthline.com/health/fitness-exercise/tailbone-stretches - Tại sao lại bị đau xương cụt?
https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-lai-bi-dau-xuong-cut-n131096.html
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Nguyễn Minh HoàngTốt nghiệp Thạc sỹ Dược tại Vương quốc Anh, được truyền niềm đam mê với sự nghiệp “làm thuốc cứu người” từ truyền thống gia đình, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng hiện là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa y học truyền thống cùng kiến thức y học hiện đại trong nước và quốc tế, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng sẽ đem tới những thông tin y dược đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.