Tình trạng mệt mỏi kéo dài ở nam giới có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, cảm giác mệt mỏi lại bắt nguồn từ chính lối sống hoặc tâm lý của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.
1. Như thế nào là mệt mỏi kéo dài?
Mệt mỏi được hiểu là cảm giác thiếu năng lượng, tinh thần uể oải, không có động lực để làm bất cứ việc gì. Hiện tượng này diễn ra thường xuyên, kéo dài từ ngày này sang ngày khác, không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả khi đã được nghỉ ngơi, thư giãn thì được coi là mệt mỏi kéo dài.
Mệt mỏi kéo dài ở nam giới thường đi kèm với các biểu hiện khác như: mất ngủ, ăn không ngon, căng thẳng thần kinh, mất tập trung… Nếu không có biện pháp can thiệp thì rất ít trường hợp tự cải thiện.
Ở mọi lứa tuổi, đàn ông đều có thể mắc chứng mệt mỏi. Tuy nhiên, mệt mỏi kéo dài chiếm tỷ lệ cao hơn ở nam giới tuổi trung niên và người cao tuổi.
2. Mệt mỏi kéo dài có sao không?
Cơ thể mệt mỏi, uể oải kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Nam giới gặp tình trạng này cơ thể thường yếu đuối, dễ mắc các bệnh lý khác. Đặc biệt như bệnh thần kinh, bệnh tim mạch, bệnh về gan thận, dạ dày….Khi tình trạng mệt mỏi kéo dài có thể dẫn đến hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS).
Thường xuyên mệt mỏi còn khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ.
Bên cạnh đó, mệt mỏi kéo dài còn ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc, khiến nam giới bị hạn chế trong các mối quan hệ, kể cả trong gia đình, bạn bè và xã hội. Cảm giác mệt mỏi khiến họ dễ cáu gắt, ít quan tâm đến những người xung quanh.
Đặc biệt, nam giới thường xuyên cảm thấy mệt mỏi có nguy cơ cao suy giảm ham muốn tình dục, chức năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng.
3. Nguyên nhân gây mệt mỏi kéo dài ở nam giới
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi liên tục và kéo dài ở nam giới. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến nhất:
3.1 Mệt mỏi do cơ thể suy nhược
Suy nhược dẫn đến mệt mỏi là cơ chế tự nhiên của cơ thể. Suy nhược có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân như:
- Ăn uống thiếu chất, áp dụng chế độ ăn kiêng hà khắc
- Làm việc quá sức
- Stress, căng thẳng, lo lắng
- Thói quen thức khuya, ngủ quá ít
- Lạm dụng thủ dâm, quan hệ tình dục bừa bãi, quá độ
- Thường xuyên sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, chất kích thích…
3.2 Nam giới mệt mỏi do thiếu hụt Testosterone
Testosterone (hay còn gọi là nội tiết tố nam) không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh lý nam giới mà còn giúp duy trì khối lượng cơ, mật độ xương, điều hòa đường huyết, huyết áp và hoạt động của hệ thần kinh.
Sự suy giảm Testosterone khiến nam giới gặp các vấn đề về sinh lý như giảm ham muốn, rối loạn cương dương. Đặc biệt, nồng độ Testosterone thấp là một trong các nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi, “xuống” tinh thần ở nam giới.
3.3 Mệt mỏi kéo dài do thiếu máu
Thiếu máu khiến quá trình trao đổi chất, trao đổi oxy tới tế bào bị suy giảm. Vì vậy, người thiếu máu thường cảm thấy mệt mỏi liên miên. Ngoài ra, thiếu máu còn đi kèm với các biểu hiện khác như:
- Thiếu máu lên não gây đau đầu, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu
- Xa xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt
- Ngứa ran ở bàn tay, bàn chân
Cần làm xét nghiệm máu để biết chính xác bạn có đang bị thiếu máu hay không nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên.
3.4 Uể oải thường xuyên do mắc các bệnh về tuyến giáp
Quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể phụ thuộc phần lớn vào các hormone được sản sinh bởi tuyến giáp. Vì thế, khi cơ quan này gặp vấn đề khiến lượng hormone sản sinh ra không đủ hoặc dư thừa. Đó có thể là nguyên nhân khiến quá trình chuyển hóa bị rối loạn, gây uể oải, thiếu năng lượng.
Các triệu chứng đi kèm thường gặp ở người mắc bệnh tuyến giáp là:
- Rối loạn tiêu hóa, điển hình là táo bón
- Mất kiểm soát cân nặng
- Đau cơ
- Da khô, rụng tóc
- Không chịu được lạnh
- Tâm trạng phiền muộn
3.5 Do rối loạn giấc ngủ
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mệt mỏi triền miên từ ngày này sang ngày khác là do thiếu ngủ, ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc.
Tình trạng này nếu chỉ diễn ra trong vài ngày, do căng thẳng hoặc cần phải thức để hoàn thành công việc thì không vấn đề gì. Nhưng nếu khó ngủ trở thành bệnh lý thì bạn cần đặc biệt lưu ý, bởi đó có thể do rối loạn của hệ thần kinh và cần được điều trị.
3.6 Do mắc chứng trầm cảm
Một số trường hợp mệt mỏi kéo dài ở nam giới có liên quan đến bệnh trầm cảm. Tuy bệnh này ảnh hưởng nhiều hơn đến nữ giới, nhưng không loại trừ đàn ông, nhất là trong độ tuổi sau 30.
Người trầm cảm ngoài cảm giác mệt mỏi, họ thường xuyên rơi vào trạng thái chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, cô đơn, ít hoặc không có nhu cầu quan tâm đến các hoạt động xung quanh…
Mặc dù đây là bệnh lý tâm thần – kinh có nguyên nhân không rõ ràng, nhưng người bệnh vẫn có thể được điều trị khỏi bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý.
3.7 Do nhiễm virus hoặc vi khuẩn
Các loại virus, vi khuẩn khi tấn công vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi, đau nhức đầu, sốt, khó thở, nghẹt mũi, chán ăn… Việc điều trị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn có thể giúp giảm mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, bạn cần nghĩ đến nguy cơ mắc các loại virus nguy hiểm như:
- COVID – 19
- Virus làm tăng bạch cầu đơn nhân
- Vi khuẩn lao
- HIV…
3.8 Mệt mỏi do mắc bệnh huyết áp
Bệnh nhân huyết áp thường có cảm giác mệt mỏi do lượng máu lưu thông trong cơ thể không được thông suốt khiến các cơ quan không được cung cấp máu đầy đủ và thường xuyên. Mệt mỏi cũng có thể do hậu quả của việc dùng thuốc điều trị.
3.9 Do đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa và chứng mệt mỏi mãn tính được cho là có quan hệ mật thiết với nhau. Cho dù người bệnh được nghỉ ngơi thì chứng này cũng không có biểu hiện suy giảm. Mệt mỏi thường xuyên vào ban ngày kèm theo thức giấc nửa chừng vào ban đêm khiến tình trạng này một trầm trọng. Thêm vào đó, cảm giác đau khiến bạn không thể tập thể dục dẫn đến suy giảm thể lực nhanh chóng.
3.10 Do mắc bệnh tiểu đường
Tương tự các bệnh lý rối loạn chuyển hóa khác, người bị bệnh tiểu đường luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải từ ngày này qua ngày khác do cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng. Cho dù không vận động nhiều, không làm việc thì cảm giác mệt mỏi, rệu rã vẫn đeo đẳng.
3.11 Mệt mỏi do mắc bệnh tim
Nếu bạn cảm thấy nhịp thở ngắn, thở gấp, đau tức ngực, hoặc đơn giản hơn là cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức sau khi kết thúc một hoạt động mà trước kia mình cảm thấy dễ dàng thì đã đến lúc cần thăm khám bác sĩ và thảo luận về khả năng mắc bệnh tim.
Đây là bệnh lý gây nguy cơ tử vong và biến chứng cao. Vì vậy, người bệnh không thể chủ quan. Vì vậy, nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ, cần thăm khám và điều trị sớm.
3.12 Mệt mỏi kéo dài do suy gan, suy thận
Suy gan thận là tình trạng suy giảm chức năng của các cơ quan này. Điều đó dẫn đến giảm khả năng lọc thải chất độc ra khỏi cơ thể. Lâu ngày, chất độc tích tụ trong các tế bào gây nhiễm độc. Không chỉ mệt mỏi, bạn có thể phải đối diện với các biến chứng nguy hiểm khác nếu không có biện pháp can thiệp y khoa kịp thời.
4. Biện pháp cải thiện mệt mỏi kéo dài ở nam giới
Để cải thiện và nâng cao mức năng lượng cho cơ thể, các chuyên gia khuyên bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, các phương pháp chủ yếu giúp nâng cao sức khỏe, kiểm soát tình trạng bệnh lý và cải thiện triệu chứng. Cụ thể là:
4.1 Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học
Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng giúp nam giới chống lại tình trạng uể oải, kiệt sức. Nên tăng cường ăn uống các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, giúp cung cấp năng lượng cho các tế bào trong cơ thể.
Ngoài các bữa ăn chính, nên chuẩn bị các bữa ăn nhẹ để bổ sung calo thường xuyên. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều bởi có thể gây ra thừa năng lượng, béo phì.
Nên sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm như: thịt nạc, trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt… Hạn chế ăn đồ chiên xào, nước ngọt có gas, chất kích thích như bia rượu, cà phê… Tốt nhất, bạn hãy nhờ bác sĩ dinh dưỡng tư vấn để lên thực đơn hợp lý.
Ngoài ra, nam giới có thể sử dụng các loại thảo dược và bổ sung các vi chất giúp giảm các triệu chứng suy nhược, cải thiện năng lượng tổng thể.
4.2 Tăng cường thể dục thể thao
Cơ thể suy nhược, rệu rã khiến bạn không muốn làm gì, kể cả việc tập thể dục. Tuy nhiên, lười thể dục lại chính là một trong các nguyên nhân khiến tình trạng mệt mỏi gia tăng.
Nên cố gắng vận động, thể dục ít nhất 5 lần một tuần, mỗi lần 30 phút để tăng cường tuần hoàn trong cơ thể. Lựa chọn các bài thể dục nhẹ nhàng, vừa sức, không nên tập nặng.
4.3 Mệt mỏi uống thuốc gì?
Tình trạng mệt mỏi kéo dài có thể được kiểm soát bằng việc sử dụng các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn để kiểm soát bệnh lý và giảm triệu chứng như:
– Thuốc giảm đau
Nếu cảm giác mệt mỏi gây nên bởi những cơn đau (đau cơ, đau xương khớp…) thì thuốc giảm đau không kê đơn có thể được sử dụng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Ibuprofen (Advil, Motrin IB…)
- Thuốc giảm đau được kê đơn: Pregabalin, Duloxetine, Amitriptyline, Gabapentin…
– Thuốc chống trầm cảm
Các loại thuốc chống trầm cảm giúp người bệnh giảm thiểu được chứng mệt mỏi triền miên do suy nhược tinh thần. Thuốc chống trầm cảm liều nhẹ có thể khiến người bệnh an thần, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.
Bên cạnh thuốc chống trầm cảm, người bệnh có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, giúp giải tỏa căng thẳng, lo âu, lấy lại sự cân bằng về tâm lý.
– Thuốc điều trị tim mạch, huyết áp
Với những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, kèm với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,… thì rất có thể họ đang gặp vấn đề về tim mạch và huyết áp. Lúc này, thuốc điều chỉnh huyết áp, giảm nhịp tim có thể được chỉ định.
4.4 Một số phương pháp khác
Các phương pháp như xoa bóp, châm cứu, massage trị liệu… cũng được các chuyên gia sử dụng để giảm tình trạng mệt mỏi kéo dài ở nam giới. Các phương pháp này giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm các triệu chứng liên quan đến stress, cải thiện lưu thông máu và giúp an thần, ngủ ngon hơn.
Ngoài các phương pháp trên, người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, đồng thời ngủ đủ giấc. Nếu tình trạng mệt mỏi không cải thiện mà vẫn tiếp tục kéo dài, cần đến cơ sở y tế kiểm tra để tìm ra nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả.
>>> XEM THÊM:
- Mệt mỏi sau khi quan hệ ở nam giới có sao không? Nguyên nhân và giải pháp
- Ăn gì, uống gì để kéo dài cuộc “yêu” – Gợi ý 12 thực phẩm nổi bật
- Công dụng của Hàu biển với sức khỏe và sinh lý nam – Áp dụng 10 cách chế biến tốt nhất
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
Tham Vấn Y Khoa
TTƯT Hoàng Khánh ToànĐại tá, TTƯT.Ths.Bs Hoàng Khánh Toàn chia sẻ: “Chữa bệnh cứu người luôn là khát khao cháy bỏng của tôi. Đây cũng chính là lý do tôi dành cả cuộc đời theo nghề y. Trở thành cố vấn của Dược phẩm Tâm Bình là cách để tôi tiếp tục mang kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được để giúp sức cho cộng đồng.”