Màu sắc nước tiểu là một trong những yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe của mỗi người. Nước tiểu có màu bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý bên trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
1. Nước tiểu màu gì là bình thường?
Nước tiểu màu gì là tốt? Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt hoặc hơi ngả sang màu vàng đậm (màu hổ phách). Sở dĩ như vậy là vì trong nước tiểu có một sắc tố gọi là urobilinogen. Màu vàng đậm hay nhạt phụ thuộc vào mức độ cô đặc của nước tiểu.
Ở một người khỏe mạnh, ngoài màu sắc nước tiểu bình thường, mỗi ngày tổng số lần đi tiểu sẽ từ 8-10 lần, mỗi lần khoảng 300ml, tổng lượng nước tiểu không quá 3000ml.
2. Màu sắc nước tiểu thế nào là bất thường?
Nước tiểu được hình thành thông qua quá trình lọc ở cầu thận, tái hấp thu các chất từ ống thận vào máu, tiếp đó là bài tiết chất thải từ máu vào ống thận. Trải qua đầy đủ các bước trên thì nước tiểu mới được tạo ra.
Theo các chuyên gia y tế, nước tiểu có các màu sắc khác như màu vàng cam, màu đỏ, màu hồng, màu xanh dương, xanh lá, màu coca… thì được coi là bất bình thường. Khi gặp tình trạng này, cần thăm khám y khoa kịp thời để phát hiện những vấn đề cơ thể đang gặp phải.
3. Nguyên nhân nước tiểu có màu bất thường
Nước tiểu màu sắc bất thường có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp, tương ứng với từng màu sắc nước tiểu:
3.1 Nước tiểu màu cam
Nước tiểu màu cam có thể là dấu hiệu cho biết bạn đang mắc vấn đề về gan hoặc ống mật. Nếu màu phân nhạt hơn bình thường thì khả năng này càng cao.
Tuy nhiên, nước tiểu cũng sẽ có màu cam nếu sử dụng các loại thuốc như:
- Rifampicin (thuốc kháng sinh)
- Phenazopyridine (thuốc giảm đau)
- Sulfasalazine (thuốc điều trị viêm khớp và hội chứng ruột kích thích)
- Thuốc nhuận tràng…
Ngoài ra, những người đang điều trị bệnh bằng hóa trị hoặc cơ thể mất nước, thiếu nước thì nước tiểu thải ra cũng hay có màu cam.
3.2 Nước tiểu màu hồng hoặc đỏ
Một vài loại thực phẩm có thể khiến màu sắc nước tiểu thay đổi sang hồng hoặc đỏ. Thường gặp nhất là: quả thanh long ruột đỏ, quả mâm xôi, củ cải đỏ… Trường hợp này hoàn toàn không đáng lo ngại. Nước tiểu sẽ trở lại bình thường sau khi cơ thể đào thải hết các thực phẩm đó.
Một số trường hợp khác, nước tiểu màu hồng, màu đỏ nguyên nhân do có lẫn máu. Các bệnh lý có thể gây ra tình trạng tiểu ra máu là:
- Bệnh thận
- Tắc nghẽn, nhiễm trùng, tổn thương đường tiết niệu
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Tiểu porphyria (rối loạn hồng cầu)
- Thiếu máu tán huyết nội mạch (nước tiểu chứa hemoglobin)
- Chấn thương cơ…
Ngoài ra, những người dùng các loại thuốc sau nước tiểu cũng có thể hồng hoặc đỏ:
- Thuốc trị lao Rifampicin
- Thuốc giảm đau Phenazopyridine
- Thuốc nhuận tràng có senna…
3.3 Nước tiểu màu xanh
Nước tiểu có màu xanh dương hoặc xanh lá cây là hiện tượng hiếm gặp. Tuy nhiên cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc dùng trong điều trị dị ứng, nôn mửa, dạ dày, trầm cảm, thuốc gây mê và một số vitamin tổng hợp.
- Dùng thuốc nhuộm thực phẩm (Xanh Methylen) trong xét nghiệm chức năng bàng quang và thận.
- Nước tiểu màu xanh do bệnh lý: tăng calci máu, bất thường đường mật và đường tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu do khuẩn Pseudomonas…
3.4 Nước tiểu màu đục hoặc mờ như nước vo gạo
Nếu nước tiểu có màu vàng đục, bạn nên cẩn thận nguy cơ viêm đường tiết niệu do sự xâm nhập của vi khuẩn, virus hoặc các bệnh như sỏi thận, sỏi bàng quang.
Bên cạnh đó, ăn quá nhiều thịt, măng tây, củ cải đường, uống nhiều nước cam, sữa… cũng có thể khiến nước tiểu lờ lờ như nước vo gạo.
3.5 Màu sắc nước tiểu vàng sậm
Màu sắc nước tiểu vàng sậm thường do cơ thể mất nước hoặc uống quá ít nước. Lúc này, việc cần thiết là bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, nên uống từ từ, không uống cùng lúc quá nhiều nước.
Khi đi tiểu vào buổi sáng, nước tiểu cũng có màu vàng do tích tụ lượng chất thải cả đêm. Điều này là bình thường và không có gì đáng lo ngại.
3.6 Nước tiểu màu đỏ nâu, màu coca
Nước tiểu màu nâu ngả sang đỏ, gần giống màu nước coca có thể do đang sử dụng thuốc như:
- Thuốc điều trị sốt rét: Chroloquine, Primaquine
- Thuốc nhuận tràng chứa senna hoặc cascara
- Thuốc kháng sinh: Nitrofurantoin, Metronidazole
- Thuốc giãn cơ Methocarbamol…
Ngoài ra, nguyên nhân nước tiểu có màu nâu khác thường còn có thể do tập thể dục cường độ cao khiến các tế bào bị rỉ máu. Hiện tượng này thường đi kèm với các biểu hiện như đau cơ, yếu cơ.
Đặc biệt, bạn cần đề phòng các bệnh lý có thể mắc phải nếu nước tiểu màu sẫm như:
- Thiếu máu tán huyết gây phá hủy hồng cầu
- Nhiễm trùng thận (viêm cầu thận), ung thư thận
- Xơ gan, viêm gan
- Viêm tuyến tiền liệt
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục…
3.7 Nước tiểu màu trong suốt
Nước tiểu màu trong suốt có sao không? Thông thường, nước tiểu trong suốt, gần như không có màu là dấu hiệu cho thấy bạn đang uống thừa nước so với nhu cầu của cơ thể. Mỗi ngày, người trưởng thành chỉ nên uống tối đa 2,5 lít nước. Nếu uống quá lượng đó, bạn nên chủ động điều chỉnh để cân bằng điện giải và màu sắc nước tiểu bình thường trở lại.
Trong một số trường hợp, kể cả không uống nhiều nước nhưng nước tiểu vẫn trong suốt. Đây rất có thể là dấu hiệu bệnh đái tháo nhạt, gây rối loạn cân bằng nước trong cơ thể. Lúc này, bạn cần đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời.
4. Yếu tố nguy cơ khiến nước tiểu có màu khác thường
Nước tiểu bất thường có nguy cơ xảy ra cao hơn nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng sau:
- Người trung niên hoặc cao tuổi: những đối tượng này thường có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tiền liệt luyến, thận, bàng quang…, khiến nước tiểu lẫn máu hoặc bị đục.
- Vận động viên thể thao, người thường xuyên vận động mạnh: nhưng người này có nguy cơ cao bị chảy máu đường tiết niệu.
- Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý về thận, bàng quang
5. Khi nào nước tiểu có màu lạ cần đến gặp bác sĩ?
Ngoại trừ các trường hợp nước tiểu có màu sắc bất thường do ảnh hưởng từ thực phẩm hoặc đang uống thuốc, khi hiện tượng nước tiểu có màu vàng sậm, màu nâu đỏ, màu trắng đục hoặc xanh kéo dài, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện chính xác nguyên nhân.
Đặc biệt, cần gặp bác sĩ ngay nếu màu sắc nước tiểu bất thường đi kèm với các biểu hiện như:
- Đau lưng, đau khu vực thận
- Tiểu buốt, tiểu són, tiểu nhiều lần
- Người mệt mỏi, vàng da, vàng mắt
- Đau bụng, nhạy cảm với ánh sáng, co giật…
6. Điều trị để màu sắc nước tiểu trở lại bình thường?
Điều trị nước tiểu bất thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này. Một số trường hợp, bạn không cần phải điều trị y khoa mà chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, vận động sao cho phù hợp.
Nếu nước tiểu màu lạ nguyên nhân do bệnh lý, cần điều trị bằng thuốc kháng sinh (nếu là bệnh có liên quan đến nhiễm khuẩn), phẫu thuật hoặc các biện pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
7. KẾT LUẬN
Như vậy, màu sắc nước tiểu có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và là một trong những yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Để phòng ngừa sự bất thường trong quá trình bài tiết, mỗi người nên duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng.
Đặc biệt là uống đủ nước hàng ngày, không uống quá nhiều hay quá ít. Đối với những người ở độ tuổi trung niên, nên đi khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng 1 lần. Đây là độ tuổi mà chức năng của thận suy giảm. Vì thế, nên sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ bổ thận, tăng cường chức năng của cơ quan này để đề phòng những vấn đề liên quan đến hệ bài tiết.
XEM THÊM:
- Tiểu nhiều lần có sao không? Tiểu bao nhiêu lần/ ngày là nhiều?
- Tiểu đêm ở nam giới – Nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp
- Tiểu không kiểm soát và biện pháp cải thiện
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.