Mệt mỏi trong người, không muốn thực hiện bất kỳ hoạt động nào có lẽ là tình trạng bạn đã từng gặp ít nhất một lần trong đời. Bên cạnh những ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc, nó còn khiến bạn lo lắng không biết đây có phải là dấu hiệu của bệnh lý nào không. Hãy cùng chuyên gia của chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau.
1. Mệt mỏi là gì?
Người mệt mỏi là trạng thái cơ thể dường như mất hết sức lực một cách bất thường. Nó được thể hiện là sự thiếu hụt năng lượng cả về thể chất và tinh thần. Nó khiến bạn không thể duy trì các hoạt động bình thường. Tình trạng này có thể xuất hiện thoáng qua, kéo dài vài giờ, vài ngày, thậm chí là vài tháng.
2. Nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi
Tình trạng này có thể xuất phát từ rất nhiều lý do. Việc nhận diện được chính xác nguyên nhân đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề lựa chọn cách xử lý. Vậy trạng thái này bắt nguồn từ đâu, cơ thể mệt mỏi là bệnh gì? Dưới đây là một vài nguyên nhân cơ bản.
2.1. Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học
Cơ thể chúng ta cần thời gian để nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng sau các hoạt động thường nhật, lao động, làm việc. Một chế độ sinh hoạt thiếu khoa học có thể khiến cơ thể mất quá nhiều năng lượng và không có đủ thời gian để tái tạo. Làm việc quá sức, thức khuya, thiếu ngủ, ăn uống không đủ chất, uống quá nhiều rượu bia… chính là các yếu tố làm cơ thể bị mất sức, người uể oải.
2.2. Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 là một vitamin thiết yếu để duy trì “sức khỏe” cho não bộ, hệ miễn dịch do cần thiết cho các tế bào thần kinh và tế bào máu. Tuổi tác, tác dụng phụ của thuốc… có thể là nguyên nhân dẫn tới cơ thể thiếu hụt loại vitamin này. Ngoài việc khiến cơ thể hoạt động kém, thiếu vitamin B12 có thể gây chóng mặt, ngứa bàn tay, bàn chân, suy giảm thị lực…
2.3. Thiếu máu gây mệt mỏi
Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy không còn sức lực để thực hiện bất kỳ hoạt động nào, đi kèm tim đập nhanh, xanh xao. Bởi khi thiếu máu, các cơ quan trong cơ thể sẽ không được cung cấp đủ lượng oxy và dưỡng chất cần thiết. Đặc biệt, phụ nữ thường bị thiếu máu vào kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi sinh.
2.4. Mệt mỏi khi mang thai
Đây là một trong những triệu chứng báo hiệu mang thai ở giai đoạn đầu và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Nhiều bà bầu còn cảm thấy mỏi mệt chỉ muốn ngủ hay còn gọi là nghén ngủ ở 3 tháng đầu thai kỳ. Thủ phạm của tình trạng này là do sự sản sinh quá mức hormone progesterone trong tam cá nguyệt đầu tiên.
2.5. Vấn đề tâm lý
Những vấn đề về tâm lý như căng thẳng kéo dài, lo âu quá độ, trầm cảm, suy nhược thần kinh có thể ảnh hưởng tới thể chất. Nó sẽ gây mệt mỏi chán ăn, đau đầu kéo dài. Suy nhược thần kinh, trầm cảm cũng là đáp án cho ngủ li bì mệt mỏi là bệnh gì.
2.6. Hội chứng mệt mỏi mạn tính
Nếu tình trạng này kéo dài hơn 6 tháng thì được gọi là mạn tính. Nó thường khởi phát đột ngột song hành với nhiễm trùng. Nhưng nhiều trường hợp có thể khởi phát từ từ. Tình trạng cơ thể không còn sức lực, khó chịu có thể xảy ra sau gắng sức hoặc không vì bất kỳ nguyên nhân nào. Thậm chí nhiều trường hợp dù đã nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc nhưng cơ thể vẫn cảm thấy mất hết sức lực.
2.7. Tác dụng phụ của thuốc
Nếu đang sử dụng thuốc thì rất có thể tác dụng phụ của thuốc chính là lý do khiến bạn cảm thấy mệt mỏi chán ăn hoặc run tay chân mệt mỏi. Các loại thuốc trong trường hợp này có thể là: Thuốc trị huyết áp cao, Statin, thuốc trị dị ứng, thuốc chống trầm cảm…
2.8. Bệnh lý về gan gây mệt mỏi
Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể khi đảm nhiệm một số lượng lớn các chức năng. Trong đó phải kể tới chức năng chuyển hóa thức ăn, lọc độc tố, dự trữ năng lượng. Chức năng gan suy yếu sẽ khiến việc hấp thụ dinh dưỡng, lọc bỏ độc tố trong máu không hiệu quả. Từ đó gây kiệt sức. Đi kèm với đó là vàng da, nước tiểu sậm màu, mẩn ngứa…
2.9. Ung thư
Bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu thường ít gặp phải hiện tượng này hơn ở giai đoạn cuối. Ung thư gây mệt, buồn nôn, đau dữ dội. Đây là bệnh đe dọa tới tính mạng.
2.10. Các bệnh lý khác gây mệt mỏi
Nằm trong danh sách các câu trả lời mệt mỏi là dấu hiệu của bệnh gì không nên bỏ qua các bệnh lý sau:
– Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu tăng quá mức cho phép sẽ khiến cơ thể uể oải, cảm thấy không còn sức lực. Đi kèm là các dấu hiệu điển hình như khát nước, tiểu nhiều, giảm cân…
– Suy giáp: Mỏi cơ toàn thân, tăng cân không chủ đích, trầm cảm… là các triệu chứng của suy giáp. Các dấu hiệu có thể xuất hiện chậm khiến người bệnh không để ý.
– Suy tuyến thượng thận: Căn bệnh này cũng khiến cơ thể cảm giác không còn sức lực. Người bệnh có thể bị sụt cân đột ngột, đau đầu, tiêu chảy.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu gây cảm giác đau rát khi đi tiểu, tiểu gấp. Cảm giác mất sức, uể oải có thể đi kèm.
– Đau cơ xơ hóa: Đây là tình trạng đau mạn tính, không theo chu kỳ, gây cứng khớp và mệt. Đặc biệt các triệu chứng rõ nhất vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy.
– Bệnh lý về đường hô hấp: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường hô hấp… cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi đau nhức khắp người. Các bệnh lý này có thể gây sốt, ho, đau họng và dẫn tới mệt mỏi ra mồ hôi nhiều.
3. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Bạn không nên chủ quan với tình trạng này bởi không thể loại trừ khả năng mắc bệnh nếu bạn chưa từng đi khám. Vì vậy, hãy tới gặp bác sĩ khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu sau:
– Mệt mỏi kéo dài, tăng nặng. Không thuyên giảm dù đã thay đổi chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện hoặc áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà.
– Khó ngủ, mất ngủ
– Thở gấp
– Giảm cân đột ngột
– Sốt, ra mồ hôi nhiều hoặc nhạy cảm với nhiệt độ lạnh hơn
– Vàng da, vàng mắt
– Kèm theo đau một số vùng như vùng ngực, vùng bụng, vùng lưng…
4. Phương pháp xử lý
Mệt mỏi phải làm sao, khi mệt mỏi nên làm gì là mối bận tâm của nhiều người khi gặp phải tình trạng này. Việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào tình trạng bạn gặp phải là do đâu.
Hay mệt mỏi do mang thai là hiện tượng thường gặp và không quá đáng ngại. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho mẹ bầu thay vì chỉ định thuốc. Phụ nữ mang thai không được tự ý dùng thuốc vì có thể sẽ ảnh hưởng tới thai nhi.
Nếu bắt nguồn từ lối sống, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện sẽ giúp cải thiện. Với những người gặp phải tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ điều trị sẽ là người quyết định thay loại thuốc, đổi liều lượng hoặc dùng thêm thuốc bổ sung. Người mắc các vấn đề về tâm lý cần có liệu trình điều trị tâm lý.
Đối với những bệnh lý khác, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể. Khi bệnh chuyển biến tốt, tình trạng bị mệt mỏi trong người cũng sẽ được cải thiện, thậm chí biến mất.
5. Cách phòng tránh
Bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng tránh sau:
– Thiết lập chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn đúng giờ, đủ bữa, uống đủ nước.
– Ngủ đúng giờ, đủ giấc. Bạn nên có giấc ngủ ngắn vào buổi trưa từ 15 – 30 phút. Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để có được chất lượng giấc ngủ tốt vào ban đêm. Cụ thể là: Giảm độ sáng, tiếng ồn. Có thể dùng bịt mắt, bịt tai để giảm các tác động từ bên ngoài tới giấc ngủ. Phòng ngủ cần thoáng mát.
– Duy trì trạng thái tinh thần tốt. Giải tỏa những căng thẳng bằng cách tham gia vào hoạt động cộng đồng, theo đuổi sở thích cá nhân.
– Tập luyện thể dục, chơi thể thao đều đặn, vừa sức. Điều này giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Những thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo. Để biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng của bạn hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.
XEM THÊM:
Mệt mỏi kéo dài ở nam giới? Nguyên nhân và biện pháp cải thiện
Top 10 cách tăng cường chức năng gan – Mấu chốt để bảo vệ gan
Bệnh nóng gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Tại sao tôi rất mệt mỏi?
https://www.healthline.com/health/why-am-i-so-tired - Mệt mỏi là gì?
https://www.webmd.com/multiple-sclerosis/qa/what-is-fatigue
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Nguyễn Minh HoàngTốt nghiệp Thạc sỹ Dược tại Vương quốc Anh, được truyền niềm đam mê với sự nghiệp “làm thuốc cứu người” từ truyền thống gia đình, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng hiện là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa y học truyền thống cùng kiến thức y học hiện đại trong nước và quốc tế, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng sẽ đem tới những thông tin y dược đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.