Dân gian xưa có câu “ăn gì bổ nấy”nên nhiều người có suy nghĩ muốn gan khỏe thì ăn gan động vật. Quan niệm này có thật sự đúng hay không, mời bạn đọc tham khảo thông tin dưới đây.
1. Ăn gan động vật có tốt như lời đồn không?
Trước khi có câu trả lời “ăn gan động vật có tốt không”, bạn đọc cần phải hiểu được thành phần và hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm này.
Thực tế, gan là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng và độ đạm cao. Trong 100g gan lợn có 18,9g đạm. Xếp theo thứ tự gan động vật nhiều đạm thì đứng đầu là gan lợn, tiếp đó là gan gà, bò, vịt.
Bên cạnh đó, gan cũng chứa vitamin A, B, D cùng axit folic cần thiết cho cơ thể. Nghiên cứu cho thấy, hàm lượng vitamin A trong gan cao hơn nhiều so với sữa, trứng, thịt và cá. Trong 100g gan gà có 6.960mcg vitamin A. Trong 100g gan lợn có 6.000mcg, trong gan bò thì có 5.000mcg.
Xét về lượng chất sắt, gan lợn, bò, gà cũng đứng đầu, tỷ lệ tương ứng sắt trong 100g là 12g, 9g, 8g.
Ngoài ra, gan cũng là thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C và selen phong phú giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Với những giá trị dinh dưỡng kể trên, người đọc có thể trả lời cho mình được câu hỏi “ăn gan động vật có tốt không”.
2. Vì sao có câu “thương cho ăn tiết, giết cho ăn gan”?
Mặc dù gan có nhiều thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng có quan niệm “thương cho ăn tiết, giết cho ăn gan”. Câu này ý chỉ gan là bộ phận làm nhiệm vụ thải độc, vì vậy gan chứa nhiều độc tố.
Trên cơ sở y học, điều này cũng không sai, vì quả thật gan là bộ phận thực hiện nhiệm vụ chuyển hóa và đào thải độc tố. Nếu cơ thể động vật có sức khỏe kém (bị bệnh), hoạt động của gan cũng kém đi, gan sẽ là nơi tồn dư nhiều độc tố, mầm bệnh.
Ngoài ra, gan cũng là nơi tập trung nhiều loại ký sinh trùng như sán lá gan, những con bị bệnh về gan sẽ chứa nhiều virus, độc tố gây bệnh.
Mặt khác, hiện nay hầu hết các loại gia súc, gia cầm thường được nuôi và sử dụng thức ăn công nghiệp. Các chất này khi vào cơ thể sẽ được gan tiếp nhận, xử lý. Do đó, có thể nói gan là nơi chứa nhiều chất độc.
Thêm nữa, gan cũng là thực phẩm chứa nhiều cholesterol, do đó các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, béo phì…không nên ăn thực phẩm này.
Tóm lại, gan là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe khi chọn gan động vật khỏe mạnh, không mắc bệnh. Đồng thời, người ăn thực phẩm này cũng không mắc một số bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc gặp vấn đề về gan. |
3. Cách ăn gan động vật để đảm bảo sức khỏe
Để không “rước họa vào thân” khi ăn gan động vật, người nội trợ cần phải bổ sung những kiến thức sau:
3.1. Chọn và sơ chế gan đúng
Khi chọn gan, bạn cần chọn gan màu đỏ tươi, không chọn gan màu vàng hoặc tím sẫm hay gan bị đốm trắng.
Dùng tay ấn vào bề mặt thấy gan đàn hồi tốt, không có nốt sần. Ngửi mùi không hôi, chảy nước thì nên mua.
Khi sơ chế, nên cắt mỏng, rửa sạch bằng nước lạnh, bóp hết máu đọng bên trong rồi thấm sạch. Việc này giúp loại bỏ máu, chất độc ứ bên trong gan. Ngoài ra, khi sơ chế bạn cũng đừng quên bóc lớp màng mỏng trên gan để vệ sinh dễ dàng.
3.2. Nấu chín ăn, không ăn tái hoặc sống
Như chúng ta đã biết, gan là nơi có thể tập trung ký sinh trùng sán lá gan. Vì vậy, nếu ăn gan còn tái hoặc chưa chín hẳn, có thể đưa vào cơ thể lượng lớn sán, ký sinh trùng…
Bí quyết để có món gan ngon là dùng nhiều tỏi. Vì tỏi có khả năng sát khuẩn, giúp diệt sán lá gan, ký sinh trùng nếu có. Đồng thời, mùi thơm nồng của tỏi cũng át đi mùi tanh của gan, giúp món ăn thơm ngon.
3.3. Ăn với hàm lượng vừa phải, phù hợp khẩu phần ăn
Gan tốt cho trẻ em, phụ nữ nuôi con nhỏ, người thiếu máu, tuy nhiên không phải ăn nhiều là tốt. Mỗi tuần chỉ nên ăn gan 1 – 2 lần, mỗi lần khoảng 50g với người lớn, 30 – 40g với trẻ em.
4. Khám phá 3 món ăn ngon từ gan, ghi ngay vào sổ tay nấu ăn gia đình
Để món gan được thơm ngon, bổ dưỡng, bạn có thể thực hiện 3 cách chế biến sau:
4.1. Gan gà chiên tỏi
Chuẩn bị: 500g gan gà, 2 muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng nước cốt chanh, ½ thìa cà phê muối, 1 muỗng tỏi băm nhỏ.
Cách thực hiện:
- Gan gà thái nhỏ, rửa sạch.
- Làm nóng chảo trên bếp, cho gan gà vào xào không dầu trong 3 – 4 phút.
- Khi thấy gan chín tới, cho dầu ăn, tỏi, nước cốt chanh vào đảo đều.
- Nêm thêm gia vị cho vừa ăn, sau khi gan đã ngấm, chín đều thì tắt bếp.
4.2. Gan lợn xào chua ngọt
Chuẩn bị: 500g gan lợn, 1 trái ớt chuông, 1/3 trái thơm, 1 trái cà chua, tỏi, bột nêm, tiêu.
Cách thực hiện:
- Gan sơ chế sạch sẽ, thái lát vừa ăn.
- Ớt chuông, cà chua, trái thơm thái múi cau vừa ăn.
- Bắc chảo lên bếp, cho thêm ít dầu ăn, sau khi dầu nóng cho tỏi vào phi thơm. Tiếp đến, cho gan vào xào chín, sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào đảo đều, nêm gia vị cho tới khi chín.
4.3. Gỏi gan lợn
Chuẩn bị: 500g gan lợn, 1 ít lạc rang, 2 muỗng canh xì dầu, 1 muỗng canh sa tế, 1 muỗng café giấm ăn, 1 muỗng hạt nêm, 1 quả dưa chuột, 1 ít rau thơm.
Cách thực hiện:
- Gan sơ chế sạch, luộc chín, sau đó thái thành miếng nhỏ vừa ăn.
- Trộn sốt, cho tất cả nguyên liệu đã được chuẩn bị: xì dầu, sa tế, đường, hạt nêm, lạc rang nhỏ, rau thơm xắt nhỏ, dưa leo thái mỏng, gan vào bát.
- Dùng bao tay trộn đều, đợi 15 phút cho ngấm gia vị là có thể ăn được.
Tóm lại, ăn gan động vật là tốt, tuy nhiên phải biết khẩu phần ăn bao nhiêu hợp lý và người nào nên ăn, người nào không. Bởi, nếu không tìm hiểu, ăn vô tội vạ sẽ dẫn đến “lợi bất cập hại” ảnh hưởng tới sức khỏe.
Xem thêm:
- Top 10 cách tăng cường chức năng gan – Bảo vệ gan ngay từ những điều đơn giản
- 18+ cách giải độc gan tại nhà – Đào thải độc tố, tăng cường chức năng gan
- Review 6 sản phẩm bổ gan Nhật – Được nhiều người tin dùng
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.