Viêm gan tự miễn là bệnh lý ít phổ biến hơn viêm gan virus. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể diễn biến nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, việc nhận diện các triệu chứng, nguyên nhân và hướng xử lý là rất quan trọng.
1. Viêm gan tự miễn là bệnh gì?
Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện nhầm các tế bào gan là “kẻ địch” cần phải tiêu diệt. Việc hệ miễn dịch tấn công tế bào gan sẽ gây ra tình trạng viêm, tổn thương gan.
2. Phân loại
Dựa vào sự xuất hiện của các nhóm tự kháng thể đặc hiệu của bệnh, có thể phân loại bệnh này thành 3 dạng. Điểm chung của cả 3 dạng bệnh là thường đi kèm với các rối loạn tự miễn khác như: Viêm khớp dạng thấp, lupus…
- Loại 1: Kháng thể kháng nhân (ANA) hoặc kháng thể kháng cơ trơn (SMA). Phổ biến hơn, xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Nhưng thường gặp nhất là nữ giới từ 15 – 40 tuổi.
- Loại 2: Kháng thể kháng ty thể gan, thận (LKM1). Thường xuất hiện ở trẻ em gái từ 2 – 14 tuổi.
- Loại 3: Kháng thể chống lại kháng nguyên hòa tan (SLA).
Trong đó, loại 1 phổ biến nhất còn loại 3 rất hiếm gặp.
3. Triệu chứng viêm gan tự miễn
Các dấu hiệu bệnh có thể xảy ra đột ngột hoặc diễn ra trong thời gian dài với các triệu chứng nhẹ rồi tăng dần. Chúng bao gồm:
- Chán ăn
- Phát ban
- Mệt mỏi
- Đau khớp
- Sốt
- Đau vùng hạ sườn phải
- Xuất hiện các mạch máu hình mạng nhện trên da (Dấu sao mạch trên da)
- Vàng da, vàng mắt
- Gan to
- Sụt cân
4. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan tự miễn
Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ nhưng có một vài yếu tố có thể là lý do khởi phát bệnh. Trong đặc điểm di truyền có yếu tố nhạy cảm với một kích thích biểu hiện ra bệnh viêm gan tự miễn. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở người có gen HLA, DR3, HLA DR4… Do đó, khi trong gia đình bạn có người mắc bệnh này thì có thể bạn cũng có khả năng bị bệnh do mang cùng đặc điểm di truyền.
Bên cạnh đó, căn bệnh này cũng có thể bị kích hoạt bởi sự tương tác của các gen kiểm soát chức năng hệ miễn dịch với các loại virus, thuốc, lối sống. Cụ thể là:
- Căng thẳng kéo dài
- Tác động của một số loại thuốc như: Thuốc Statin điều trị mỡ máu, Hydralazine điều trị các vấn đề tim mạch, thuốc kháng sinh như nitrofurantoin và minocycline…
- Bệnh lý nhiễm trùng hoặc tự miễn khác như: Viêm gan virus, bệnh sởi, virus Epstein-Barr, viêm khớp dạng thấp, cường giáp…
5. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Điều này không đồng nghĩa với việc người bệnh được phép chủ quan khi không nằm trong nhóm nguy cơ cao.
- Bệnh phổ biến hơn ở nữ giới, chiếm khoảng 70% người mắc bệnh.
- Đã từng mắc bệnh nhiễm trùng, bệnh tự miễn.
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh.
6. Viêm gan tự miễn có nguy hiểm không?
Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, đầu tiên là xơ gan, sau cùng là ung thư gan. Đặc biệt, nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong sau 5 năm của bệnh nhân viêm gan tự miễn có thể lên tới 50%.
- Xơ gan: Tế bào khỏe mạnh của gan bị thay thế bằng các mô sẹo. Khi mô sẹo xuất hiện càng nhiều thì chức năng gan càng suy giảm.
- Giãn tĩnh mạch thực quản: Tĩnh mạch trong thực quản sẽ mở rộng hơn bình thường. Nó sẽ gây áp lực lớn lên thành mạch máu. Chảy máu ồ ạt trong thực quản hoặc dạ dày từ các tĩnh mạch bị giãn là một trường hợp cần cấp cứu.
- Cổ trướng: Một lượng lớn chất lỏng tích tụ trong ổ bụng.
- Suy gan: Tế bào gan bị tổn thương lớn khiến gan không thể hoạt động như bình thường.
- Ung thư gan: Các tế bào bất thường phát triển và ngày càng nhân lên trong gan.
7. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Như trên đã đề cập, đây là một căn bệnh nghiêm trọng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi có các triệu chứng bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh hãy tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám.
8. Chẩn đoán
Để xác định tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành một số biện pháp chẩn đoán dưới đây.
- Khám lâm sàng: Xem xét các triệu chứng bệnh, hỏi về tiền sử bệnh của bản thân người bệnh và gia đình. Bác sĩ cũng có thể hỏi về chế độ dinh dưỡng và các loại thuốc đang sử dụng.
- Xét nghiệm viêm gan tự miễn thường là xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm máu có thể giúp loại trừ các bệnh khác hoặc tìm kiếm kháng thể chỉ có trong bệnh tự miễn.
- Siêu âm gan: Cung cấp hình ảnh của gan để đánh giá mức độ tổn thương.
- Sinh thiết gan: Với trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu lấy một mẫu bệnh phẩm từ gan của người bệnh và xem xét dưới kính hiển vi.
9. Điều trị viêm gan tự miễn
Nhiều người bệnh không khỏi thắc mắc viêm gan tự miễn có chữa được không. Câu trả lời là không có biện pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Phác đồ điều trị viêm gan tự miễn chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa tổn thương gan.
9.1. Thuốc trị viêm gan tự miễn
Tùy theo tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho phù hợp. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Các loại thuốc có thể được chỉ định là:
- Thuốc steroid như Prednisone, Budesonide… giúp giảm tình trạng viêm. Tuy nhiên, loại thuốc này có tác dụng phụ là gây tăng cân, yếu xương…
- Thuốc ức chế miễn dịch như: Azathioprine, 6-mercaptopurine, Mycophenolate mofetil… Loại thuốc này làm giảm sự tấn công của hệ thống miễn dịch tới tế bào gan. Tác dụng không mong muốn của thuốc là giảm bạch cầu, tăng khả năng mắc ung thư.
Sau một quá trình điều trị, nếu bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh đã ở mức độ ổn định có thể quyết định ngừng điều trị một thời gian. Tuy nhiên, chỉ có 20% bệnh nhân có thể ngừng điều trị trong thời gian dài. Do đó, nhiều trường hợp phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí cả đời.
9.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật ghép gan là giải pháp bất khả kháng trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bệnh tiến triển nặng. Thường nó sẽ được chỉ định cho trường hợp xơ gan, suy gan nặng.
10. Cách phòng tránh
Vì chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh nên để phòng tránh đem lại hiệu quả cao là khá khó. Tuy nhiên, bạn có thể tránh các yếu tố nguy cơ để giảm thiểu khả năng mắc bệnh.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Hạn chế rượu bia, nội tạng động vật.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh tối đa căng thẳng. Nếu bị stress kéo dài mà không tự tìm cách giải tỏa được hãy nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ tâm lý.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ điều trị về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nếu dùng thuốc dài ngày.
- Nếu bị mắc phải các bệnh lý có nguy cơ kích thích bệnh viêm gan tự miễn hãy tập trung điều trị dứt điểm.
- Khám sức khỏe, kiểm tra chức năng gan định kỳ.
Bệnh viêm gan tự miễn tuy không thể điều trị dứt điểm nhưng có thể kìm hãm sự tiến triển của bệnh nếu được phát hiện sớm. Do đó, hãy tới các cơ sở y tế ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh hoặc nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
XEM THÊM
- Bệnh viêm gan là gì? Các cách nhận biết bệnh
- Top 15+ thực phẩm tốt cho ganmà bạn nên biết
- Sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng gan
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Viêm gan tự miễn
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459186/ - Viêm gan tự miễn
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autoimmune-hepatitis/symptoms-causes/syc-20352153 - Viêm gan tự miễn
https://www.webmd.com/hepatitis/autoimmune-hepatitis - Viêm gan tự miễn
https://www.healthline.com/health/autoimmune-hepatitis
Tham Vấn Y Khoa
Dược sĩ Hoàng Mạnh CườngTốt nghiệp đại học dược Hà Nội, dược sĩ Hoàng Mạnh Cường hiện đang phụ trách chuyên môn R&D của Dược Phẩm Tâm Bình. Với nhiều kinh nghiệm trong ngành dược lâm sàng, pháp chế dược và đặc biệt là Dược cổ truyền, dược sĩ Cường sẽ đưa đến cho quý độc giả những kiến thức Y dược được cập nhật mới nhất một cách nhanh chóng và đáng tin cậy - Góp phần nâng cao nhận thức và thông tin sức khoẻ cho cộng đồng.