Hơi thở có mùi có thể xuất hiện ở bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào. Nó có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt cần chú ý tới tình trạng gan yếu gây hôi miệng. Hãy cùng khám phá các dấu hiệu đặc trưng, nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này trong bài viết dưới đây.
1. Dấu hiệu hôi miệng do gan yếu
Hơi thở có mùi hôi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như mùi thực phẩm bạn ăn, loại thuốc đang dùng, vấn đề về sức khỏe răng miệng… Tuy nhiên nếu không bắt nguồn từ những vấn đề này mà hơi thở của bạn có mùi đặc trưng đi cùng với các dấu hiệu sau rất có thể là do gan yếu gây ra.
– Hơi thở có mùi giống như mùi lưu huỳnh và tỏi. Mùi này kéo dài, không hết hoàn toàn dù bạn đánh răng hay dùng nước súc miệng đặc biệt.
– Thường đi kèm với các triệu chứng khác như: Đau bụng, mề đay, phù nề, dễ bầm tím, mệt mỏi, vị giác kém, vàng da vàng mắt, nước tiểu sậm màu, phân nhạt…
2. Tại sao gan yếu gây hôi miệng?
Gan đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể, trong đó có lọc thải các chất độc ra khỏi máu. Khi gan yếu do hoạt động “quá sức” hoặc mắc bệnh gan sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng. Điều này khiến gan không lọc và đào thải hết các chất độc như nitơ urê, amoniac… Kết quả là các chất này sẽ đi tới các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả phổi. Nó khiến bạn có thể ngửi thấy mùi của các chất này khi thở ra. Ngoài ra, nóng trong, cơ thể bị mất nước, viêm nhiễm, sốt… do bệnh gan gây ra cũng có thể gây hôi miệng.
Các căn bệnh liên quan tới gan có thể gây ra triệu chứng hôi miệng có thể kể đến là:
– Viêm gan: Là tình trạng mô gan bị viêm nhiễm. Bệnh do sự tấn công của virus, ký sinh trùng, uống quá nhiều rượu bia hoặc do chính hệ miễn dịch tấn công “nhầm” tế bào gan.
– Gan nhiễm mỡ: Lượng chất béo tích tụ trong tế bào gan vượt quá 5% trọng lượng gan.
– Xơ gan: Bệnh xảy ra khi các mô tế bào khỏe mạnh của gan được thay thế bằng mô sẹo.
– Ung thư gan: Là sự tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào bất thường tại gan, có thể đe dọa tới tính mạng.
3. Chẩn đoán
Để xác định được chính xác liệu hôi miệng có phải do các vấn đề về gan gây ra hay không và tình trạng bệnh hiện tại, bác sĩ cần thực hiện một số biện pháp:
– Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, thói quen trong sinh hoạt, dinh dưỡng.
– Xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra chức năng gan.
– Chụp CT, siêu âm để kiểm tra về tình trạng tế bào gan, tĩnh mạch cửa gan.
– Sinh thiết gan.
>>Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm chức năng gan là gì? Các chỉ số thể hiện điều gì?
4. Điều trị gan yếu gây hôi miệng
Để giải quyết tình trạng gan yếu gây hôi miệng cần điều trị tận gốc nguyên nhân. Khi bệnh gan có chuyển biến tốt thì hôi miệng sẽ dần biến mất. Tùy vào từng tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc chống viêm, thuốc kháng virus, thuốc hướng gan… Với những trường hợp nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật. Trong trường hợp ung thư gan có thể bác sĩ sẽ chỉ định hóa trị, xạ trị để ngăn chặn sự sinh trưởng của tế bào ung thư.
Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh thay đổi lối sống, dinh dưỡng và rèn luyện để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị.
4.1. Gan yếu nên ăn gì?
Việc lựa chọn loại thực phẩm phù hợp sẽ đem lại lợi ích cho lá gan của bạn. Bên cạnh đó, một số loại đồ ăn, thực phẩm nên hạn chế để hỗ trợ tốt cho quá trình hồi phục của gan.
– Bổ sung trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…: Vitamin, chất khoáng, đặc biệt là chất xơ trong các loại thực phẩm này có thể hỗ trợ chức năng gan, giảm cholesterol.
– Sử dụng thực phẩm chứa đạm lành mạnh là thịt, trứng, cá, nấm, các loại hạt… Vì chúng giúp tái tạo tế bào gan.
– Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, muối, rượu bia… Những loại đồ ăn, thức uống này khiến gan phải hoạt động vất vả hơn.
– Uống nhiều nước: Cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, đảm bảo chức năng lọc và thải độc tố. Thêm vào đó, thỉnh thoảng nhấp một ngụm nước cũng giúp làm sạch khoang miệng, khắc phục tình trạng khô miệng.
4.2. Thay đổi thói quen trong sinh hoạt, rèn luyện
Thói quen sinh hoạt, rèn luyện khoa học cũng góp phần tạo dựng “sức khỏe” cho gan. Hoặc ít nhất là nó sẽ không khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ hơn.
– Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý. Không nên làm việc quá sức.
– Ăn đúng giờ, đủ bữa. Ngủ đủ giấc, không nên thức quá khuya. Bởi đêm chính là thời điểm gan đào thải độc tố mạnh mẽ nhất.
– Tránh tối đa căng thẳng. Stress kéo dài sẽ gây tổn hại đến gan. Nếu đang phải đối mặt với áp lực, lo âu, buồn phiền… bạn có thể giải tỏa bằng cách nghe nhạc, đọc sách, nói chuyện cùng bạn bè.
– Dành ít nhất 30 phút/ngày để rèn luyện thể lực.
4.3. Mẹo giúp giảm bớt tình trạng hôi miệng
Như trên đã đề cập, hôi miệng xuất phát từ những vấn đề về gan sẽ không thể bị loại bỏ hoàn toàn bởi các biện pháp chăm sóc răng miệng. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng một số “giải pháp tình thế”. Ngoài việc đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa thay vì tăm, bạn có thể thử các mẹo dân gian dưới đây.
– Nước chanh và muối: Pha 2 thìa nước cốt chanh và nửa thìa muối với 100ml nước. Súc miệng vào buổi sáng và tối.
– Lá ổi: Bạn có thể tận dụng mùi thơm đặc trưng của lá ổi và tính kháng khuẩn của loại lá này. Cách đơn giản là nhai lá ổi. Hoặc bạn có thể ngậm nước đun lá ổi trong vòng 1 phút nhiều lần trong ngày.
– Lá bạc hà: Cũng giống như lá ổi, bạn có thể nhai lá bạc hà để giảm bớt mùi hôi.
– Trà xanh: EGCG trong trà xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Uống trà xanh vừa giúp ích cho gan vừa cải thiện tình trạng hơi thở.
5. Cách phòng tránh
– Tiêm phòng vắc xin viêm gan A và B. Không dùng chung vật dụng cá nhân. Ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Dùng thuốc Tây theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý tăng liều. Lạm dụng thuốc Tây cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn hại gan.
– Uống rượu bia một cách có chừng mực. Bởi người nghiện rượu có khả năng mắc các bệnh lý về gan cao hơn những người khác.
– Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện khoa học.
– Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị những bệnh lý về gan. Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gan cần xét nghiệm chức năng gan.
– Hợp tác với bác sĩ để điều trị tốt các bệnh lý về gan sẵn có.
Để xác định chính xác liệu bạn có đang gặp phải tình trạng gan yếu gây hôi miệng hay không hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào có liên quan tới bệnh gan hãy gọi tới tổng đài 0343 44 66 99 để được giải đáp.
XEM THÊM
- Thử ngay 10 cách giúp tăng cường chức năng gan
- Giới thiệu 15+ thực phẩm bổ gan
- 18+ cách giải độc gan dân gian
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
- Fetor hepaticus
https://www.healthline.com/health/fetor-hepaticus - Fetor hepaticus là gì?
https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-fetor-hepaticus
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Nguyễn Minh HoàngTốt nghiệp Thạc sỹ Dược tại Vương quốc Anh, được truyền niềm đam mê với sự nghiệp “làm thuốc cứu người” từ truyền thống gia đình, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng hiện là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội. Tiếp thu tinh hoa y học truyền thống cùng kiến thức y học hiện đại trong nước và quốc tế, Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng sẽ đem tới những thông tin y dược đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.