Trầm cảm sau sinh hiện nay đang có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc của nữ giới. Dưới đây là lý giải của chuyên gia y tế và gợi ý những dấu hiệu nhận biết sớm, giúp chị em vượt qua khủng hoảng sau khi sinh nở.
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng tâm lý tiêu cực, điển hình như mệt mỏi, buồn phiền, chán nản, lo lắng, bất an, tuyệt vọng… của phụ nữ khi bước qua kỳ sinh nở. Trầm cảm sau sinh có thể ở thể nhẹ với những dấu hiệu thoáng qua. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến những hành vi thái quá, thậm chí đe dọa tính mạng bản thân và con nhỏ.
Những rối loạn tâm lý ở phái yếu sau khi sinh nở không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn là rào cản ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khở ở các chị em.
2. Vì sao phụ nữ sau sinh dễ bị trầm cảm?
Phụ nữ sau sinh bị trầm cảm là hiện tượng không hiếm gặp. Những nguyên nhân sau đây được cho là có liên quan mật thiết đến bệnh lý này:
>>> Suy giảm estrogen sau sinh
Trong thời kỳ mang thai, nội tiết tố nữ estrogen và progesterone thay đổi theo chiều hướng tăng cao. Sau sinh, nồng độ estrogen tụt giảm nhanh chóng. Nhiều người hormone còn xuống dưới ngưỡng bình thường. Hiện tượng này được chứng minh có ảnh hưởng lớn đến người phụ nữ; gây nên sự bất ổn về mặt tâm lý.
>>> Sức khỏe giảm sút
Sau kỳ sinh nở, sức khỏe của chị em có phần giảm sút. Đặc biệt, tháng trong cữ là giai đoạn nữ giới yếu ớt nhất; kể cả những người sinh thường hay sinh mổ. Thể chất yếu khiến tinh thần của người phụ nữ cũng bị ảnh hưởng. Do đó, họ dễ cáu gắt, nhìn đâu cũng thấy khó chịu.
>>> Áp lực chăm sóc trẻ sơ sinh
Khi đứa trẻ ra đời, người mẹ có thêm rất nhiều mối bận tâm. Những ngày đầu khi vừa ra đời, em bé chưa quen với môi trường, giờ giấc ăn ngủ. Vì thế, người mẹ thường rất vất vả trong việc chăm sóc. Đặc biệt, đối với những bà mẹ trẻ thì áp lực chăm sóc con nhỏ càng trở nên nặng nề. Đây là một trong số những lý do gây trầm cảm sau sinh.
>>> Thiếu sự quan tâm từ chồng và người thân
Sức khỏe yếu, chăm con vất vả, lại thêm sự thờ ơ, vô tâm của chồng, người thân khiến phụ nữ càng dễ sa vào chán nản, buồn tủi. Với những người gặp phải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, sự khác biệt trong quan niệm chăm sóc con cái, sống trong môi trường chật chội, kinh tế eo hẹp… thì nguy cơ trầm cảm càng tăng cao.
>>> Có tiền sử bệnh tâm thần
Các bệnh lý liên quan đến thần kinh có khả năng tái phát cao sau sinh. Vì thế, những người có tiền sử trầm cảm, rối loạn thần kinh cần hết sức lưu ý đến vấn đề tâm lý sau sinh nở.
Đừng bỏ lỡ: Khô hạn sau sinh bao lâu thì hết? Gợi ý 10 cách khắc phục hiệu quả
3. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh – Nặng nhẹ đều không thể chủ quan
Trầm cảm sau sinh có thể diễn ra ở nhiều mức độ, với nhiều biểu hiện khác nhau. Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp nhất. Nếu gặp phải, chị em cần hết sức chú ý:
- Thường xuyên buồn bực, chán nản; không rõ lý do tại sao buồn chán;
- Cảm thấy trống rỗng, thiếu sức sống; cáu kỉnh, khó chịu với mọi thứ xung quanh;
- Nhạy cảm một cách bất thường, khóc nhiều, khóc không rõ nguyên do;
- Luôn cảm thấy lo lắng, sợ sệt, bất an, thậm chí đau đớn, tuyệt vọng;
- Mất ngủ, khó ngủ, thường xuyên giật mình trong khi ngủ hoặc ngủ li bì;
- Khó tập trung, không thể tập trung vào việc gì đó;
- Không quan tâm đến bản thân, “quên” các sở thích vốn có;
- Ăn uống kém, không muốn ăn hoặc ăn rất nhiều;
- Không muốn tiếp xúc, chia sẻ với ai; thậm chí khép kín, xa lánh bạn bè, người thân;
- Xuất hiện ý nghĩ tiêu cực, bao gồm cả việc bạo hành, làm hại bản thân và con…
4. Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra những tác động tiêu cực của trầm cảm sau sinh đối với bản thân phụ nữ. Không chỉ vậy, tình trạng này còn ảnh hưởng đến và những người thân trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Phụ nữ trầm cảm sau sinh, nếu kéo dài và ở thể nặng có thể tiến triển thành bệnh rối loạn tâm thần. Kể cả khi được điều trị, vẫn có khả năng tái phát trong tương lai. Với những người này, khả năng phục hồi về thể chất sau sinh thường kém; không đủ sức khỏe, sự tỉnh táo để chăm sóc con và bắt đầu lại công việc sau thai sản.
Không chỉ vậy, mẹ bị trầm cảm sau sinh còn ảnh hưởng trực tiếp đến em bé. Những đứa trẻ này có nguy cơ cao chậm phát triển cả về vận động và ngôn ngữ; có thể có những hành vi bất thường, dễ kích động; khó thích nghi và hòa nhập xã hội hơn những đứa trẻ khác.
5. TOP 4 cách giúp phụ nữ vượt qua trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là bệnh lý tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu phát hiện có có biện pháp điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể hồi phục. Dưới đây là các biện pháp giúp phụ nữ vượt qua trầm cảm sau sinh, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống:
5.1 Điều trị bằng tâm lý
Đây được cho là phương pháp mang lại tác dụng tích cực. Việc trò chuyện với chuyên gia về tình trạng hiện tại, bao gồm cảm xúc, sức khỏe có thể giúp phân biệt giữa những rối loạn tâm lý thông thường sau sinh và bệnh trầm cảm.
Để đánh giá mức độ trầm cảm, bác sĩ sẽ yêu cầu trả lời bộ câu hỏi sàng lọc. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng tuyến giáp và một số xét nghiệm khác nhằm tìm ra nguyên nhân gây trầm cảm.
Trường hợp mắc bệnh, trò chuyện với chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn yên tâm giãi bày cảm xúc. Chuyên gia cũng sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích nhất để cải thiện tình hình.
5.2 Sử dụng thuốc điều trị trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm giúp điều chỉnh tâm trạng, cải thiện rối loạn thần kinh bằng các cân bằng các hóa chất trong não bộ. Với những trường hợp bình thường, thuốc chống trầm cảm sau sinh giúp cải thiện tình trạng sau khoảng 3 đến 4 tuần.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc chống trầm cảm có thể gây ra hàng loạt các tác dụng phụ, đôi khi ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dùng như: buồn nôn, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân, giảm ham muốn, mệt mỏi… Tuy nhiên, những triệu chứng này hầu hết sẽ tự biến mất sau một thời ngưng thuốc.
5.3 Hỗ trợ từ người thân
Sau khi sinh nở là giai đoạn khó khăn, nhạy cảm của chị em phụ nữ. Lúc này, sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn, lại phải chăm con nhỏ vất vả. Vì vậy, nhừng người thân trong gia đình, đặc biệt là người mẹ, người chồng cần động viên, giúp đỡ để phái yếu bớt đi gánh nặng, đồng thời cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ những người xung quanh.
Đới với những bà mẹ có biểu hiện trầm cảm nặng, cần có người hỗ trợ bên cạnh để tâm sự và cùng chăm sóc con nhỏ; đồng thời đề phòng các trường hợp xấu có thể xảy ra.
5.4 Tin tưởng vào khả năng phục hồi của bản thân
Rối loạn nội tiết tố, nỗi vất vả, đau đớn sau sinh khiến tâm lý của nhiều chị em bị ảnh hưởng. Phái yếu nên giữ thái độ lạc quan bởi đây không phải là tình trạng hiếm gặp. Tình trạng buồn bã, cáu gắt, chán nản có thể sẽ được cải thiện nếu chị em tin tưởng vào bản thân, cùng với sự đồng hành của những người trong gia đình.
>>> XEM THÊM:
- Khô hạn sau sinh – Nguyên nhân và cách khắc phục
- Lãnh cảm ở phụ nữ sau sinh: Nỗi niềm không của riêng ai
- Sau sinh bị nám da có bình thường không? Bí quyết để có làn da khỏe đẹp
Tâm Bình giúp độc giả tìm kiếm nguồn thông tin chính xác nhất dựa trên các công trình nghiên cứu Y học đã được công bố, thẩm định trong và ngoài nước. Các tài liệu chúng tôi đưa ra đều được nghiên cứu và kiểm duyệt kỹ lưỡng đảm bảo thông tin cập nhật mới và khách quan nhất. Quý độc giả có thể tham khảo thêm chính sách biên tập của chúng tôi để xác nhận nội dung mà mình đọc được là chính xác và hữu ích.
Tham Vấn Y Khoa
Ths.Bs Nguyễn Thị HằngThs.Bs Nguyễn Thị Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2015. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, gan mật, tiêu hóa, sinh lý… Hơn 20 năm công tác tại các bệnh viện lớn, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp Y tế nước nhà, dành được nhiều giải thưởng, bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.