Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến thường gây đau đớn và ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. Nhiều người băn khoăn liệu viêm loét dạ dày có phải mổ không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc và cập nhật những phương pháp phẫu thuật viêm loét dạ dày mới nhất tới độc giả!
1. Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây ra loét hoặc viêm. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bao gồm sự tấn công của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), căng thẳng kéo dài, chế độ ăn uống không hợp lý, hay thói quen hút thuốc và uống rượu.
Một số triệu chứng của viêm loét dạ dày:
- Đau bụng, đặc biệt là vùng thượng vị (trên rốn), thường đau khi đói hoặc sau ăn.
- Ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, khó tiêu
- Cảm giác đầy bụng
- Chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân
- Một số trường hợp nặng có thể bị xuất huyết: nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Khi gặp phải các triệu chứng kể trên, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
>>> Xem thêm: 7 dấu hiệu viêm loét dạ dày – Nhận biết bệnh chính xác đến 99%
2. Viêm loét dạ dày có cần mổ không?
Thực tế, phần lớn các trường hợp viêm loét dạ dày không cần mổ, có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với lối sống lành mạnh. Nếu tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân viêm loét dạ dày có thể thuyên giảm sau 4-8 tuần điều trị.
Can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật/mổ) chỉ được chỉ định trong trường hợp đã điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả hoặc bệnh đã biến chứng.
Xem thêm:
- Viêm loét dạ dày bao lâu thì khỏi?Câu trả lời khiến nhiều người giật mình
- Trào ngược dạ dày gây ho đờm – Cảnh báo biến chứng nguy hiểm
- Trào ngược dạ dày ban đêm có nguy hiểm không? Cách điều trị thế nào?
3. Các trường hợp chỉ định mổ viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày có phải mổ không? Một số trường hợp được chỉ định mổ viêm loét dạ dày phải kể tới:
3.1 Bệnh nhân điều trị nội khoa không thành công
Trong trường hợp các bệnh nhân đã thực hiện điều trị nội khoa uống thuốc nhưng không khỏi, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ dạ dày.
Đoạn dạ dày có ổ loét nguy hiểm lúc này được cắt bỏ giúp tránh nguy cơ bệnh tiến triển nặng và phát triển thành ung thư.
3.2 Biến chứng hẹp môn vị
Khi các vết loét không được chữa trị lâu ngày sẽ bị chai xơ. Điều này khiến thành môn vị biến dạng. Không gian của môn vị lúc này cũng bị thu hẹp, thậm chí tắc nghẽn hoàn toàn. Người bệnh gặp phải tình trạng này thường được chỉ định mổ, không thể chữa khỏi bằng thuốc.
Tình trạng hẹp môn vị khiến thức ăn vào cơ thể bị ứ đọng tại dạ dày, khiến dạ dày phải giãn to và co bóp quá mức. Hẹp môn vị cũng gây ra các triệu chứng như đau thượng vị, nôn nhiều, đầy bụng khó tiêu,… Đây là biến chứng nguy hiểm người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời.
3.3 Biến chứng thủng do viêm loét dạ dày
Thủng ổ loét dạ dày thường gặp ở những bệnh nhân viêm loét dạ dày lâu năm. Triệu chứng phổ biến là đau bụng dữ dội, nhịp thở tăng, tụt huyết áp. Nhiều người uống thuốc nhưng không thuyên giảm.
Tình trạng ổ loét bị thủng làm dịch dạ dày chảy vào trong làm viêm nhiễm nhiều cơ quan nội tạng khác. Khi không được chỉ định can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng hay thậm chí tử vong.
Đối với thủng dạ dày, người bệnh thường được chỉ định mổ để khâu vết thủng. Trong nhiều trường hợp có thể cắt 1 phần dạ dày nếu cần thiết.
3.4 Bệnh nhân chảy máu đường tiêu hóa
Viêm loét dạ dày nằm trên đường lưu thông của mạch máu lớn, lâu dần làm xói mòn và vỡ mạch máu, gây chảy máu. Giai đoạn này bệnh lý được biểu hiện bởi người bệnh đi ngoài phân đen hoặc nôn ra máu.
Thực tế, các bệnh nhân chảy máu tiêu hóa trước hết sẽ được điều trị bằng cách cầm máu và điều trị thuốc. Tuy nhiên với các trường hợp chảy máu nhiều khó cầm, các bác sĩ sẽ chuyển sang chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ kiểm tra xem có tế bào ác tính hay hẹp môn vị không. Nếu có thể sẽ tiến hành cắt bỏ 1 phần dạ dày bị tổn thương để điều trị tận gốc.
3.5 Có các dấu hiệu của ung thư dạ dày
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm loét dạ dày. Các bệnh nhân thường có triệu chứng đau thượng vị, đau không theo chu kỳ, uống thuốc không giảm. Nhiều người sút cân không rõ nguyên nhân, ăn không ngon miệng, đắng miệng.
Điều trị ngoại khoa lúc này là cần thiết vì nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh. Các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật dạ dày để tránh phát triển khối u ác tính và di căn.
Với các vết loét bị lan rộng và các tế bào ung thư đã di căn có thể được chỉ định cắt toàn bộ dạ dày, nối trực tiếp thực quản với ruột non.
4. Cập nhật 4 phương pháp phẫu thuật điều trị viêm loét dạ dày mới nhất
Phẫu thuật viêm loét dạ dày thường được chỉ định trong các trường hợp nghiêm trọng như thủng dạ dày, xuất huyết nặng, hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa. Dưới đây là các phương pháp phẫu thuật tiên tiến nhất hiện nay:
4.1. Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn
Phẫu thuật nội soi là phương pháp hiện đại, được ưu tiên hàng đầu nhờ những ưu điểm vượt trội:
Ưu điểm:
- Ít xâm lấn, ít đau đớn so với phẫu thuật mổ hở.
- Thời gian hồi phục nhanh, bệnh nhân có thể xuất viện sau 3-5 ngày.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng sau mổ.
Ứng dụng:
- Điều trị thủng dạ dày: Bác sĩ sử dụng kỹ thuật khâu lỗ thủng qua nội soi.
- Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa: Sử dụng kẹp clip hoặc đốt điện để cầm máu.
- Điều trị hẹp môn vị: Mở rộng vị trí hẹp bằng dụng cụ nội soi.
4.2. Phẫu thuật cắt dạ dày một phần
Phương pháp này được áp dụng khi vết loét quá lớn hoặc có nguy cơ ung thư hóa. Bác sĩ cắt bỏ phần dạ dày bị tổn thương, sau đó nối lại phần còn lại với ruột non.
Ưu điểm:
- Loại bỏ hoàn toàn vết loét, ngăn ngừa tái phát.
- Giảm nguy cơ biến chứng như thủng hoặc xuất huyết.
Nhược điểm:
- Thời gian hồi phục lâu hơn so với phẫu thuật nội soi.
- Có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa sau phẫu thuật.
4.3. Phẫu thuật cắt dây thần kinh phế vị (Vagotomy)
Phương pháp này nhằm giảm tiết axit dạ dày, giúp vết loét nhanh lành. Bác sĩ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dây thần kinh phế vị, giúp giảm tiết axit.
Ưu điểm:
- Hiệu quả trong điều trị viêm loét tái phát.
- Giảm nguy cơ loét mới hình thành.
Nhược điểm:
- Có thể gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc khó tiêu.
4.4. Phẫu thuật tạo hình môn vị (Pyloroplasty)
Phương pháp này được áp dụng khi viêm loét gây hẹp môn vị, cản trở quá trình tiêu hóa. Bác sĩ mở rộng môn vị bằng cách tạo hình lại cơ vòng, giúp thức ăn di chuyển dễ dàng hơn.
Ưu điểm:
- Cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm triệu chứng đau bụng và buồn nôn.
- Ngăn ngừa biến chứng hẹp môn vị tái phát.
Nhược điểm:
- Có thể gây trào ngược dạ dày thực quản sau phẫu thuật.
4.5. Công nghệ hỗ trợ phẫu thuật tiên tiến
Các công nghệ mới đang được ứng dụng trong phẫu thuật viêm loét dạ dày, bao gồm:
- Robot phẫu thuật: Giúp thao tác chính xác, giảm thiểu rủi ro và thời gian phục hồi.
- Nội soi 3D: Cung cấp hình ảnh rõ nét, hỗ trợ bác sĩ trong quá trình phẫu thuật.
- Laser y tế: Sử dụng tia laser để đốt vết loét, giảm chảy máu và tổn thương mô.
Các phương pháp phẫu thuật điều trị viêm loét dạ dày đã có nhiều tiến bộ, giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ được chỉ định trong trường hợp nghiêm trọng. Để phòng ngừa viêm loét dạ dày, hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thăm khám sớm khi có triệu chứng bất thường.
5. Lưu ý quan trọng sau mổ điều trị viêm loét dạ dày
Giải đáp băn khoăn: “Viêm loét dạ dày có phải mổ không”, bạn cần lưu ý tới chăm sóc vết mổ điều trị. Sau mổ dạ dày, người bệnh cần chú ý tới chế độ ăn uống và nghỉ ngơi để đảm bảo hồi phục nhanh chóng. Trong đó, chăm sóc người mổ viêm loét dạ dày cần đặc biệt lưu ý:
5.1 Chế độ dinh dưỡng
Sau khi mổ dạ dày, cơ thể bệnh nhân cần thời gian hồi phục, các bác sĩ có thể tư vấn ăn uống bằng đường truyền dịch. Trong thời gian đầu nhu động ruột còn yếu, các bác sĩ sẽ truyền dịch để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Sau đó, người bệnh nên ăn các thức ăn dễ tiêu, mềm, lỏng như cháo, súp,… Cần tránh các đồ ăn cay nóng, có vị chua,… gây hại cho dạ dày. Ngoài ra, người bệnh cần được theo dõi kĩ các biểu hiện như chướng bụng, đầy hơi,… Nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường cần thông báo với bác sĩ để xử trí kịp thời.
5.2 Chế độ nghỉ ngơi
Thời gian sau phẫu thuật, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi và hạn chế đi lại trong 1 tuần đầu. Sau vài tuần, khi vết mổ ổn định hoặc gần khỏi, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng như đi bộ, dưỡng sinh,…
Nên tránh nằm một chỗ quá lâu ảnh hưởng tới sức khỏe khiến cơ thể mệt mỏi và trì trệ.
5.3 Chăm sóc và theo dõi sau mổ
Sau mổ dạ dày, người bệnh và người nhà cần theo dõi tình trạng sức khỏe và báo ngay cho bác sĩ nếu thấy các biểu hiện bất thường. Điều này giúp tránh gặp một số biến chứng như xuất huyết dạ dày, vết mổ bị nhiễm trùng,… gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó người bệnh cũng cần thường xuyên vệ sinh vết mổ để tránh viêm nhiễm. Lau rửa nhẹ nhàng và thấm khô bằng vải sạch. Tránh việc cử động mạnh hoặc va chạm ảnh hưởng tới quá trình lành của vết thương.
5.4 Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Các trường hợp mổ dạ dày cần kết hợp dùng thêm một số loại thuốc giảm đau hoặc chống viêm theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
6. Cách phòng ngừa viêm loét dạ dày hiệu quả
Để phòng ngừa viêm loét dạ dày, bạn cần:
- Ăn uống lành mạnh: hạn chế các đồ cay nóng, rượu bia hay thuốc lá. Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, các thực phẩm giàu chất xơ. Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa và tránh ăn đêm
- Bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn Hp: Hp là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày. Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn này bằng cách thực hiện đảm bảo ăn chín uống sôi và rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
- Thiết lập lối sống lành mạnh: dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, tránh stress, ngủ đủ giấc và tăng cường tập thể dục đều đặn.
- Khám sức khỏe định kỳ: khi phát hiện các triệu chứng viêm loét, người bệnh nên đi khám sớm.
Các phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp hỗ trợ kiểm soát cơn đau.Tuy nhiên nếu cơn đau trở nên dai dẳng và không khỏi, người bệnh gặp tình trạng phân có máu, nôn ra máu hoặc chóng mặt, cần đi khám sớm để điều trị kịp thời.
7. Các câu hỏi thường gặp về mổ viêm loét dạ dày
7.1 Chi phí mổ viêm loét dạ dày?
Bên cạnh viêm loét dạ dày có phải mổ không, nhiều bệnh nhân cũng quan tâm tới các chi phí mổ. Thực tế, các chi phí mổ viêm loét dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi thường có chi phí cao hơn phẫu thuật mổ hở.
- Cơ sở y tế: Bệnh viện công thường có chi phí thấp hơn so với bệnh viện tư.
- Tình trạng bệnh: Các trường hợp phức tạp như thủng dạ dày hoặc xuất huyết nặng có thể tốn kém hơn.
Chi phí có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và chính sách của bệnh viện mà người bệnh lựa chọn.
7.2 Một số biến chứng có thể gặp khi mổ viêm loét dạ dày?
Việc can thiệp ngoại khoa trong điều trị biến chứng của viêm loét dạ dày có thể tiềm ẩn những nguy cơ sau phẫu thuật. Một trong số biến chứng dễ gặp phải như:
- Nhiễm trùng vết mổ: do vệ sinh không đảm bảo hoặc chăm sóc hậu phậu phẫu chưa đúng cách.
- Chảy máu sau mổ: có thể xảy ra khi vết loét chưa lành hoàn toàn.
- Hẹp môn vị: sẹo sau phẫu thuật có thềm làm hẹp đường thoát thức ăn từ dạ dày xuống ruột.
- Rò rỉ dịch dạ dày: hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Cần xử lý kịp thời.
- Tác dụng phụ của thuốc gây mê: người bệnh gặp tình trạng buồn nôn, chóng mặt hay dị ứng thuốc.
Để giảm thiểu rủi ro, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và chọn cơ sở uy tín để thực hiện phẫu thuật.
7.3 Ai là đối tượng dễ mắc viêm loét dạ dày?
Dưới đây là một số đối tượng dễ gặp phải viêm loét dạ dày:
- Người nhiễm khuẩn Hp: Vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày.
- Người có chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu điều độ, khoa học. Nhất là người hay bỏ bữa sáng, ăn uống không đúng giờ và ít tập thể dục.
- Thường xuyên bị áp lực dẫn đến căng thẳng. Điều này là dịch vị ở dạ dày tiết ra liên tục gây viêm loét.
- Người có tiền sử gia đình mắc dạ dày: yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ bị viêm loét.
- Người lớn tuổi: Niêm mạc dạ dày suy yếu theo tuổi tác nên dễ bị tổn thương.
- Người thường xuyên dùng thuốc kháng viêm và giảm đau như aspirin, ibuprofen làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Viêm loét dạ dày là bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Hiểu rõ các vấn đề như viêm loét dạ dày có phải mổ không, biến chứng, đối tượng nguy cơ và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe. Nếu có triệu chứng bất thường, hãy tới các cơ sở y tế uy tín để khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Viêm loét dạ dày bao lâu thì khỏi? Câu trả lời khiến nhiều người giật mình
- Viêm loét dạ dày cấp tính – Đi tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị!
- Viêm loét dạ dày Hp có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị nào tốt?
Tham Vấn Y Khoa
Bài viết trên được tham vấn bởi Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, nguyên phó giám đốc bệnh viện Tuệ Tĩnh. Nội dung được nêu trong bài viết phục vụ công tác đào tạo, cập nhật cấp kiến thức CBNV Dược phẩm Tâm Bình