Thủng dạ dày tá tràng: Dấu hiệu nhận biết sớm và điều trị hiệu quả
Kiểm tra đơn hàng Tuyển dụng
  • vi
  • en
  • BỆNH DẠ DÀY

    Thủng dạ dày tá tràng: Dấu hiệu nhận biết sớm và điều trị hiệu quả

    Thủng dạ dày tá tràng là một trong những cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm nhất. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Hiểu biết đúng đắn về bệnh lý này sẽ giúp bạn nhận biết sớm các dấu hiệu và có hướng xử lý phù hợp.

    Đánh giá article

    1. Thủng dạ dày tá tràng là bệnh gì? Vì sao cực kỳ nguy hiểm?

    1.1 Định nghĩa thủng ổ loét dạ dày tá tràng

    Thủng dạ dày tá tràng là tình trạng tổn thương toàn bộ độ dày của thành dạ dày hoặc tá tràng. Tổn thương này tạo ra lỗ thông giữa lòng cơ quan tiêu hóa và khoang phúc mạc. Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh loét dạ dày tá tràng. Chúng xảy ra khi vết loét lan sâu qua tất cả các lớp thành cơ quan.

    Thủng dạ dày tá tràng: Dấu hiệu nhận biết sớm và điều trị hiệu quả

    1.2 Cơ chế bệnh sinh

    Dạ dày và tá tràng được bao phủ bởi lớp phúc mạc. Khi thủng, dịch vị acid và men tiêu hóa thoát ra ổ bụng gây viêm nhiễm. Chúng cũng kích thích cơ hoành và các cơ quan lân cận. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

    1.3 Vì sao thủng vết loét cực kỳ nguy hiểm?

    Sự nguy hiểm của thủng dạ dày hoặc tá tràng nằm ở tốc độ tiến triển nhanh chóng và hậu quả nghiêm trọng:

    • Viêm phúc mạc: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Dịch tiêu hóa chứa đầy axit và vi khuẩn tràn vào ổ bụng. Chúng sẽ gây ra phản ứng viêm nhiễm dữ dội. Ban đầu là viêm phúc mạc hóa học (do axit). Sau đó nhanh chóng chuyển thành viêm phúc mạc nhiễm khuẩn toàn thể.

    • Nhiễm trùng huyết (Sốc nhiễm trùng): Vi khuẩn từ ổ bụng có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng toàn thân. Tình trạng này có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng,… Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được điều trị khẩn cấp bằng kháng sinh liều cao và các biện pháp hỗ trợ khác.
    • Áp xe ổ bụng: Nếu viêm phúc mạc không được xử lý triệt để, có thể hình thành các ổ áp xe chứa mủ trong ổ bụng gây đau đớn, nguy hiểm.
    • Hẹp môn vị, dính ruột: Sau khi lành, các vết thương do viêm nhiễm có thể gây sẹo. Tình trạng này có thể dẫn đến hẹp môn vị hoặc dính ruột. Đây là biến chứng có ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng về lâu dài.
    • Tỷ lệ tử vong cao: Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong y học, thủng dạ dày tá tràng vẫn có tỷ lệ tử vong đáng kể. Đặc biệt là ở người cao tuổi, có bệnh nền hoặc được chẩn đoán và điều trị muộn.

    2. Cẩn thận với dấu hiệu thủng vết loét dạ dày tá tràng dễ bị bỏ qua

    Thủng ổ loét dạ dày tá tràng thường có biểu hiện rất rõ ràng. Tuy nhiên một số triệu chứng lại dễ bị nhầm lẫn hoặc bỏ qua, gây chậm trễ điều trị. Dưới đây là các dấu hiệu điển hình cần lưu ý:

    2.1 Đau bụng dữ dội, đột ngột vùng thượng vị

    • Bệnh nhân thường xuất hiện các cơn đau bụng dữ dội, đột ngột, cơn đau giống vết dao đâm vùng thượng vị. Điều này khiến bệnh nhân nhớ rất rõ thời điểm đau, sau đó cơn đau lan khắp ổ bụng. Cơn đau khiến bệnh nhân không dám xoay trở người. Đây chính là một trong những triệu chứng đau chính của người bệnh và cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay.

    Thủng dạ dày tá tràng: Dấu hiệu nhận biết sớm và điều trị hiệu quả

    2.2. Toát mồ hôi lạnh, huyết áp giảm

    Giai đoạn đầu, có khoảng 30% bệnh nhân bị sốc trong những giờ đầu sau khi thủng. Một số biểu hiện sốc dễ nhận biết cần lưu ý như: mặt tái nhợt, toát mồ hôi lạnh, huyết áp giảm, hạ thân nhiệt,… sau đó bệnh nhân có thể tạm ổn trong vài giờ trước khi tình trạng xấu nhanh chóng trở lại.

    2.3 Sốt cao

    Nguy hiểm hơn ở giai đoạn viêm phúc mạc do vi trùng, bệnh nhân sẽ sốt cao. Lúc này mạch nhanh hơn, nước tiểu giảm. Khi phát hiện quá muộn có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng.

    2.4 Xuất hiện bí đại tiện, bụng gồng cứng

    Muộn hơn, tình trạng viêm phúc mạc nặng có thể gây ra liệt ruột. Thời điểm này bệnh nhân sẽ có triệu chứng bí đại tiện, nhu động ruột không nghe thấy và bụng chướng.

    Một số biểu hiện viêm phúc mạc cần cẩn trọng: bệnh nhân nằm yên không dám cử động vì đau. Bụng không thể di chuyển theo nhịp thở. Bụng bị gồng cứng như gỗ và có thể mất vùng đục trước gan.

    3. Vì sao bị thủng ổ loét dạ dày tá tràng? 5 nguyên nhân phổ biến nhất

    Thủng vết loét tại dạ dày tá tràng thường là biến chứng của các bệnh lý tiêu hóa sẵn có hoặc do một số yếu tố nguy cơ khác. Dưới đây là 5 nguyên nhân thủng ổ loét dạ dày tá tràng phổ biến nhất:

    3.1 Loét dạ dày tá tràng mạn tính

    Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm tới 90% các trường hợp. Các vết loét sâu, đặc biệt là loét hành tá tràng ở mặt trước, có thể ăn mòn dần thành dạ dày hoặc tá tràng, dẫn đến thủng.

    Những người có tiền sử loét dạ dày tá tràng kéo dài, không được điều trị dứt điểm hoặc điều trị không đúng cách có nguy cơ rất cao.

    3.2 Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) kéo dài

    Các loại thuốc giảm đau, chống viêm như Ibuprofen, Naproxen, Aspirin (đặc biệt Aspirin liều thấp dùng để chống đông máu) có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến loét và cuối cùng là thủng.

    Nguy cơ tăng lên khi sử dụng liều cao, kéo dài hoặc kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác.

    3.3 Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)

    Mặc dù H. pylori không trực tiếp gây thủng, nhưng nó là nguyên nhân chính gây ra loét dạ dày tá tràng. Khoảng 70% dân số Việt Nam nhiễm H. pylori, và vi khuẩn này làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển loét, từ đó gián tiếp dẫn đến thủng.

    Việc điều trị diệt trừ H. pylori là rất quan trọng để phòng ngừa loét và các biến chứng.

    3.4 Uống rượu bia quá mức và hút thuốc lá

    Rượu bia và thuốc lá đều là những yếu tố gây kích thích niêm mạc dạ dày, làm tăng tiết axit và làm suy yếu hàng rào bảo vệ niêm mạc.

    Điều này không chỉ làm nặng thêm tình trạng loét mà còn tăng nguy cơ thủng.

    3.5 Các nguyên nhân ít gặp khác

    Ngoài các nguyên nhân trên, một số nguyên nhân ít gặp của thủng vết loét tại dạ dày tá tràng phải kể đến như:

    • Hội chứng Zollinger-Ellison: Một tình trạng hiếm gặp gây tăng tiết axit dạ dày quá mức, dẫn đến loét nặng và khó chữa.
    • Ung thư dạ dày: Một số trường hợp ung thư dạ dày có thể gây loét và thủng.
    • Chấn thương bụng: Các chấn thương mạnh vùng bụng có thể trực tiếp gây rách hoặc thủng dạ dày tá tràng.
    • Nuốt phải dị vật sắc nhọn: Hiếm gặp nhưng có thể xảy ra.
    • Biến chứng của các thủ thuật y tế: Ví dụ, thủng có thể xảy ra trong quá trình nội soi dạ dày tá tràng nếu không cẩn thận, mặc dù rất hiếm.

    Việc nhận biết và kiểm soát các nguyên nhân thủng dạ dày hay tá tràng là rất quan trọng. Điều này giúp người bệnh chủ động phòng ngừa. Đồng thời giảm thiểu nguy cơ mắc phải tình trạng nguy hiểm này.

    4. Điều trị thủng vết loét dạ dày tá tràng như thế nào an toàn hiệu quả?

    Thủng dạ dày tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa. Do đó hầu hết các trường hợp thủng dạ dày đều cần phải phải phẫu thuật. Tuy nhiên một số ít trường hợp có thể không cần phẫu thuật.

    Thủng dạ dày tá tràng: Dấu hiệu nhận biết sớm và điều trị hiệu quả

    4.1 Chẩn đoán lâm sàng

    Khi có các triệu chứng nghi ngờ thủng vết loét, việc chẩn đoán chính xác và nhanh chóng là vô cùng cần thiết. Các bác sĩ dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng, tiền sử bệnh án, các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang hoặc CT scan,… sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và kịp thời. Từ đó có hướng điều trị thủng dạ dày tá tràng phù hợp nhất.

    4.2 Điều trị vết thủng

    Dựa trên đặc điểm của vết thủng bác sĩ sẽ có biện pháp phẫu thuật phù hợp. Đối với những vết thủng non thì việc khâu sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên vết thủng lớn, chai cứng thì ekip mổ sẽ cần lưu ý thận trọng hơn.

    Với các trường hợp thủng dạ dày do hẹp môn vị hay ung thư, các vết thủng quá nghiêm trọng không thể khâu sẽ cân nhắc phương án cắt bỏ một phần.

    Một số trường hợp người bệnh phải phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày. Đồng thời vừa điều trị biến chứng thủng, vừa điều trị bệnh loét. Đặc biệt, đây là phẫu thuật nặng, có thể có những biến chứng, di chứng, nhất là khi bệnh nhân không được chuẩn bị kỹ, khoang bụng bẩn.

    Do đó, khi có các dấu hiệu bất thường như đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua,… tốt nhất người bệnh nên tới các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

    5. Giải đáp nhanh thắc mắc phổ biến về thủng vết loét dạ dày tá tràng

    5.1 Khi nào thủng vết loét cần cấp cứu ngay?

    Bất kỳ trường hợp nào có dấu hiệu đau bụng đột ngột, dữ dội, bụng cứng như gỗ, sốt cao, nôn mửa, mạch nhanh, huyết áp tụt đều cần được đưa đến cấp cứu ngay lập tức. Thời gian vàng để phẫu thuật là trong vòng 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng để giảm tối đa biến chứng và tử vong.

    5.2 Thủng ổ loét dạ dày tá tràng sống được bao lâu?

    Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sót cao, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Ngược lại, nếu chậm trễ hoặc không điều trị, thủng dạ dày tá tràng có thể dẫn đến viêm phúc mạc nặng, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và tử vong trong vài ngày đến vài tuần.

    KẾT LUẬN

    Thủng dạ dày tá tràng là cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng cách. Việc nhận biết các triệu chứng cảnh báo, đặc biệt là đau bụng dữ dội đột ngột kèm bụng cứng, là chìa khóa để cứu sống bệnh nhân.

    Phòng ngừa luôn tốt hơn điều trị. Việc điều trị triệt để H. pylori, sử dụng thuốc NSAIDs có trách nhiệm, duy trì lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh lý này. Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng nghi ngờ, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức. Đừng chần chừ vì thời gian chính là tính mạng trong trường hợp thủng dạ dày tá tràng.

    >>> Xem thêm:

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Gửi câu hỏi tư vấn





      Các bài viết khác

      Trào ngược dạ dày ăn sữa chua được không? Ăn sao cho tốt? 05/03/25
      Nhiều người có thói quen sử dụng sữa chua như một món ăn tráng miệng hoặc lót dạ. Sữa chua…
      Trào ngược dạ dày nghẹn cổ họng là gì? Cách xử lý như thế nào? 04/12/24
      Khó nuốt, nghẹn cổ họng là triệu chứng thường gặp ở những người bị trào ngược dạ dày nghẹn cổ…
      Thuốc chữa dạ dày Nexium: Thông tin cần biết trước khi sử dụng 26/04/25
      Đối với những người bị bệnh dạ dày, Nexium là thuốc điều trị quen thuộc, thường được bác sĩ kê…
      Thử ngay 6 cách chữa trào ngược dạ dày bằng gừng 17/12/24
      Chữa trào ngược dạ dày bằng gừng là một trong những mẹo dân gian phổ biến. Nhưng có lẽ không…
      Xem thêm